Uber gặp rắc rối ở nhiều quốc gia

Thứ Năm, 19/10/2017, 13:42
Từ lâu nay, các nhà hoạch định chính sách giao thông vẫn trăn trở với vấn đề đảm bảo kết nối tốt hơn giữa phương tiện giao thông tham gia dịch vụ và hành khách - cả thời gian và không gian. Với Uber và Grab, chúng ta có được các phương tiện kỹ thuật để giải quyết vấn đề này.

Ai cũng nhìn nhận, công nghệ kỹ thuật và mô hình kinh doanh mới đã đáp ứng các nhu cầu thị trường tốt hơn trước rất nhiều, trong đó, người tiêu dùng được hưởng lợi từ sự đa dạng trong lựa chọn và sự thuận tiện. Trong khi người đang bị “điêu đứng” là các hãng taxi đang hoạt động và chính quyền sẽ đứng về phía ủng hộ cạnh tranh, ủng hộ sự lựa chọn của người tiêu dùng hay đứng về phía các công ty đang hưởng lợi từ cơ chế cũ?

Lạm dụng “ma trận công nghệ”

Uber được thành lập vào năm 2009 tại California, Mỹ, chuyên cung cấp dịch vụ cho khách hàng sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh trực tiếp kết nối với lái xe và được trả một mức giá rẻ hơn so với các hãng taxi truyền thống. Mặc dù mang tới nhiều lựa chọn mới cho cả khách hàng và lái xe, nhưng Uber đang đối mặt với nhiều phản đối từ các doanh nghiệp taxi vì cho rằng, hình thức vận chuyển này không tuân thủ các quy tắc của taxi truyền thống.

Có thể nói, Uber đang trải qua thời kỳ sóng gió nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Từ đầu năm đến nay, gần như tuần nào, tháng nào trên mặt báo hay trang mạng cũng xuất hiện thông tin về một vụ kiện hoặc bê bối mới liên quan đến doanh nghiệp được định giá gần 70 tỷ USD này.

Từ hồi tháng 1 đầu năm, Giám đốc điều hành (CEO) của Uber khi đó là Travis Kalanick đã bị chỉ trích khi tham gia vào Ban cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump và bị cáo buộc đã can thiệp vào một vụ đình công của giới tài xế taxi phản đối lệnh cấm của ông Trump đối với người tị nạn.

Nhiều nước châu Âu rút giấy phép hoạt động của Uber, trong khi giới taxi truyền thống thì tẩy chay.

Không chỉ chỉ trích bằng miệng, một chiến dịch có tên #DeleteUber ra đời, kêu gọi mọi người ngừng sử dụng dịch vụ xe này. Các mối lo ngại về “văn hóa Uber” ngày càng gia tăng khi một cựu nhân viên của công ty tố cáo sếp Uber quấy rối tình dục cô và một tài xế Uber đăng tải đoạn video cho thấy cách ứng xử thô lỗ của CEO Kalanick.

Đến tháng 2, Waymo, một hãng xe tự lái thuộc sở hữu của Alphabet - công ty mẹ của Google, đã kiện Uber với tuyên bố rằng, Anthony Levandowski, cựu kỹ sư của Google và hiện là một trong những lãnh đạo Uber, đã ăn cắp 14.000 tài liệu mật trước khi rời Google. Theo đó, Waymo đã yêu cầu một thẩm phán cấm Uber sử dụng công nghệ LIDAR - công nghệ sử dụng tia laser định hướng, cho phép quét khu vực xung quanh của chiếc xe theo hình ảnh không gian 3 chiều.

Phía Uber đã phủ định và tuyên bố: Họ đã bắt đầu phát triển công nghệ LIDAR của riêng mình gần một năm trước khi thuê Levandowski. Tuy vậy, những cáo buộc của Waymo được cho là mối đe dọa lớn đối với sự tồn tại về tương lai lâu dài của Uber. Nếu Uber có thể chuyển mình thành một đội xe tự lái, hãng có thể giảm giá vé cho khách hàng, gia tăng nhu cầu người dùng và cả lợi nhuận của họ. Nhưng nếu Waymo chứng minh được rằng, Uber đang sử dụng công nghệ ăn cắp, tương lai của Uber có thể sẽ bị đe dọa.

Khoảng giữa tháng 4-2017, Uber tiếp tục lún sâu hơn vào những bê bối khi bị cấm hoạt động, cấm quảng cáo các dịch vụ của mình tại Italia. Phán quyết này được đưa ra sau khi liên minh các hiệp hội taxi ở Italia tiến hành khởi kiện Uber. Thẩm phán thụ lý vụ việc xác định: các dịch vụ hiện tại của Uber đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh ở nước này. Theo đó, Uber có 10 ngày để phản hồi chính thức về phán quyết và sau đó có thể được phép hoạt động thêm 2 tháng nữa trong thời gian kháng cáo.

Nếu vị thẩm phán thứ hai phê chuẩn phán quyết ban đầu, Uber sẽ phải chính thức “bỏ cuộc chơi” ở Italia. Nếu chống lại lệnh cấm, hãng sẽ bị phạt 10.000 euro cho mỗi ngày còn hoạt động.Trước khi bị cấm cửa tại Italia, Uber cũng đã để thua trong vụ kiện pháp lý tại Đan Mạch.

Theo đó, Tòa án Đan Mạch đã đưa ra phán quyết cho rằng, Uber cung cấp dịch vụ taxi bất hợp pháp chứ không phải là ứng dụng đi chung xe. Uber cho biết đã “phục vụ những hành khách cuối cùng tại Đan Mạch vào ngày 18-4” và chính thức đóng cửa sau khi chính phủ nước này siết chặt quản lý.

Ngay tại Mỹ, Bộ Tư pháp vào tháng 5-2017 đã chính thức triển khai một cuộc điều tra hình sự đối với phần mềm có tên gọi là “Greyball” được Uber triển khai với cáo buộc phần mềm này giúp che giấu hoạt động của nhiều tài xế tại những nơi mà công ty chưa được phép hoạt động, như tại thành phố Portland, bang Oregon. Trước những cáo buộc về vi phạm điều khoản dịch vụ, Uber phản hồi với lập luận: Greyball chỉ hoạt động như một công cụ bảo vệ giúp bảo vệ lái xe khỏi những tấn công từ hành khách.

“Chương trình này từ chối yêu cầu sử dụng dịch vụ từ những người dùng bị nghi ngờ đã vi phạm điều khoản dịch vụ của chúng tôi” - đại diện của Uber cho biết trong một tuyên bố - “Cho dù đó là những người có mục đích làm hại tài xế của chúng tôi, muốn làm gián đoạn hoạt động lái xe, hoặc làm việc cho các tổ chức bí mật nhằm theo dõi Uber”.

Trang The Verge cho biết, chương trình Greyball hoạt động bằng cách xác định người dùng thích hợp dựa trên thông tin thẻ tín dụng, vị trí hoặc loại thiết bị được sử dụng để truy cập vào ứng dụng Uber. Và như vậy, công ty Uber sở hữu trong tay một lượng thông tin lớn từ thẻ tín dụng của người dùng để triển khai kế hoạch nhằm “kiểm tra và phân tích thông tin người dùng”.

Nếu như một người dùng đủ điều kiện để sử dụng Greyball, ứng dụng Uber sẽ hiển thị dưới một phiên bản khác, cho phép họ triển khai sử dụng xe hơi chưa được cấp phép và sẽ không hiển thị một cách công khai. The New York Times cho biết, đây cũng là chiến thuật được Uber sử dụng nhằm qua mặt lớp bảo mật của Apple, lấy đi thông tin cá nhân của người dùng là dấu vân tay trên thiết bị của họ.

Tại cuộc họp diễn ra vào ngày 23-4-2017, đích thân Tim Cook, CEO của Apple đã gửi thông điệp cảnh báo tới Uber: họ sẽ xóa ứng dụng của Uber khỏi “cửa hàng” App Store nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Nhập nhằng giữa dịch vụ internet và chuyên chở

Ngày 22-9 vừa qua, Sở Giao thông London (TfL) của Anh thông báo từ cuối tháng 9 hoạt động của Uber, trước hết là tại London và sau đó là các địa bàn khác sẽ bị rút giấy phép. Trong một thông báo, TfL cho biết “cách thức và hành vi của Uber thể hiện tính thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp” liên quan đến một số vấn đề an toàn và an ninh cho cộng đồng. Cụ thể là cách thức Uber báo cáo các vi phạm hình sự và thu thập lý lịch của các tài xế.

Trước viễn cảnh hơn 40.000 lái xe tham gia mạng lưới cung cấp dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng, đại diện của Uber tại Anh tuyên bố sẽ kháng cáo lại quyết định bị rút giấy phép. Theo quy định của luật pháp Anh, Uber có 21 ngày để kháng cáo và có thể tiếp tục hoạt động cho đến khi thủ tục này hoàn tất.

Việc bị Sở Giao thông London rút giấy phép có lẽ là cú đánh mạnh nhất nhằm vào vị thế của Uber trên thị trường gần đây. Vụ việc đã khiến CEO của Uber phải lập tức đưa ra lời xin lỗi công chúng và cam kết sẽ có những thay đổi nhằm đáp ứng các quy định và duy trì giấy phép. Quyết định của giới chức London đã được nhiều người ủng hộ vì điều này sẽ khiến Uber và nhiều công ty công nghệ khác phải hoạt động một cách có trách nhiệm hơn.

Tuy nhiên, theo hãng tin tài chính Bloomberg, việc rút giấy phép đối với Uber sẽ khiến nhiều doanh nghiệp tin rằng, kể cả khi tách khỏi Liên minh châu Âu EU, nước Anh vẫn chưa hẳn là một thiên đường tự do dành cho giới kinh doanh. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Anh.

Việc bị Sở Giao thông London rút giấy phép là cú đánh mạnh nhất nhằm vào vị thế của Uber.

Hãng Uber có cách ứng xử khác nhau với các thách thức pháp lý ở mỗi nước. Một số quốc gia và khu vực đã hoàn toàn cấm các dịch vụ của hãng, cho rằng hoạt động Uber là bất hợp pháp theo luật quốc gia hoặc tiểu bang.

Tại Pháp, Uber luôn luôn khẳng định mình không phải là một công ty vận tải, chỉ đơn thuần là chương trình kết nối người dùng với các tài xế, nhưng các nhà lập pháp ở nước này lại không cho là như vậy. Chính phủ Pháp đã bắt đầu các thủ tục tố tụng nhằm vào Uber từ năm 2016, sau khi một tòa án ở Lille kết luận rằng, công ty này đã phạm tội kinh doanh vận chuyển trái phép thông qua dịch vụ giảm giá UberPop, cho phép các lái xe không chuyên nghiệp và không có giấy phép tham gia hoạt động chở khách.

Đại diện của Uber thì lập luận: quy trình tố tụng này cần dựa trên một luật liên quan đến các công ty Internet và do đó Ủy ban châu Âu (EC), vốn là cơ quan điều hành EU, cần phải được thông báo về vấn đề này.

Ông Maciej Szpunar, Tổng chưởng lý tại ECJ, nói trong một thông cáo báo chí: “Các quốc gia thành viên EU có thể cấm và trừng phạt một hoạt động vận tải bất hợp pháp như UberPop, trước khi thông báo cho EC về hành động trừng phạt này”. Ý kiến của Szpunar là tuy không có tính ràng buộc về pháp lý, nhưng quyết định cuối cùng thường tuân theo quan điểm của các thẩm phán ECJ.

Ông Szpunar đã viện dẫn một quan điểm khác của ECJ cho rằng, Uber thực sự là một dịch vụ vận chuyển chứ không phải là một “dịch vụ thông tin”. Khi đó, Uber có thể phải xin giấy phép cho dịch vụ của mình ở mọi quốc gia nơi nó hoạt động. Vì Uber không chỉ đơn thuần là một dịch vụ Internet, EC không cần phải được thông báo trước về các biện pháp trừng phạt áp dụng đối với UberPop.

Trường hợp duy nhất mà một quốc gia thành viên cần phải thông báo cho EC về dự thảo luật để trừng phạt một dịch vụ như UberPop, là nếu quốc gia đó muốn chế tài riêng dịch vụ đó.

Ở Đức, nơi dịch vụ chia sẻ hành trình bị cấm hoạt động nếu như không có giấy phép taxi, Uber vẫn có cách lách bằng kế hoạch mua giấy phép hoạt động cho các tài xế của họ... Dù vậy, xung đột với giới chức vẫn tiếp tục là một phần trong những rắc rối kéo dài của Uber. Uber còn đang có nguy cơ mất giấy phép tại tỉnh Quebec của Canada cũng như bị điều tra về lách luật tại một số nước châu Á.

Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này dường như đã trì hoãn ra quyết định cuối cùng đối với Uber, thay vào đó, Uber được yêu cầu “tạm dừng cung cấp dịch vụ cho đến khi thông qua được các quy định pháp lý cụ thể”.

Có nơi, Uber tiếp tục hoạt động bất chấp áp lực từ cộng đồng địa phương. Như ở thành phố Cape Town, Nam Phi, cảnh sát giao thông đã tạm giữ 34 xe Uber vì hoạt động bất hợp pháp, điều này cho thấy những lỗ hổng pháp lý cho phép Uber tiếp tục hoạt động, bất chấp việc cấm của cơ quan công quyền.

Cuối năm nay, Tòa án châu Âu sẽ quyết định liệu Uber có phải là công ty vận tải hay chỉ là một dịch vụ kỹ thuật số. Nếu được phán quyết là công ty vận tải, Uber sẽ phải tuân thủ các quy định cấp phép, bảo hiểm và an toàn nghiêm ngặt hơn, khiến cho chi phí ở khu vực châu Âu tăng mạnh. Khủng hoảng hiện tại ở Uber cho thấy đã đến lúc doanh nghiệp này cần một hệ thống quản trị chuyên nghiệp hơn.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.