Sau sự cố đau lòng tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn:

Ứng xử thế nào với lễ hội truyền thống cho phù hợp?

Thứ Năm, 06/07/2017, 15:05
Sau nhiều cảnh báo về tính chất bạo lực cũng như mức độ nguy hiểm, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng năm 2017 đã buộc phải tạm dừng sau vụ tai nạn trâu chọi húc chủ khiến chủ trâu tử vong.

Thêm một lần nữa, việc để lễ hội chọi trâu tiếp tục tồn tại hay không trở thành tâm điểm tranh cãi. Tuy nhiên, câu chuyện đã không còn là cách ứng xử như thế nào với riêng lễ hội chọi trâu mà còn là câu chuyện ứng xử nói chung với lễ hội truyền thống, đặc biệt là các lễ hội tương tự như lễ hội chọi trâu trong đời sống hiện đại...

Đừng "đỏ đen hóa" lễ hội

Lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn, Hải Phòng được khôi phục từ năm 2009. Đến năm 2012, lễ hội này chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Quả tình mà nói, trong 27 năm tổ chức, lễ hội luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn đông đảo người dân và du khách thập phương.

Chọi trâu trong lễ hội truyền thống Đồ Sơn, Hải Phòng.

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, chọi trâu tại Đồ Sơn đang đối diện với không ít ý kiến chỉ trích vì cho rằng lễ hội đang bị lợi dụng trục lợi, bị thương mại hóa, cổ súy cho hành vi tàn ác với động vật, kích thích lối ứng xử bằng bạo lực... Vừa rồi, tai nạn trâu húc chủ trong khu vực thi đấu làm chủ trâu tử vong sau đó khiến luồng ý kiến dừng tổ chức lễ hội chọi trâu và lễ hội truyền thống có yếu tố bạo lực tương tự ào ạt trở lại trên các "diễn đàn". Việc tổ chức lễ hội cũng bị tạm dừng.

Thông tin phản hồi chính thức từ Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn, Ban tổ chức lễ hội khẳng định, tai nạn xảy ra tại vòng đấu loại vào sáng 1/7 trên sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn. Vòng đấu này gồm 32 trâu với 16 trận đấu. Các trận đấu diễn ra bình thường nhưng đến trận đấu thứ 14 thì trâu số 18 của phường Vạn Hương đột ngột bỏ chạy, húc chủ trâu ngay trên sân đấu. Đây là sự cố hy hữu tại lễ hội.

Ngay sau khi các hình ảnh vụ tai nạn được lan truyền, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Đồ Sơn tạm dừng tổ chức lễ hội, kiểm tra trâu số 18 và các trâu tham gia vòng đấu loại xem có chất kích thích, tăng lực hay không, đồng thời rà soát lại toàn bộ công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn của lễ hội. Cùng ngày, Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dừng 2 trận đấu còn lại của vòng loại để tập trung giải quyết vụ việc.

Mặc dù ban tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn khẳng định vụ tai nạn nói trên chỉ là hy hữu nhưng thông tin, hình ảnh tổng hợp được lan truyền sau đó cho thấy, việc trâu thi đấu có những phản ứng khó lường và những nguy hiểm tiềm ẩn đối với người có mặt trên sân thi đấu, kể cả trọng tài lẫn chủ trâu, người tham gia công tác bảo vệ lễ hội khá nhiều.

Những người trực tiếp có mặt trong khu vực thi đấu vẫn khá chủ quan, khi xảy ra sự cố thường lúng túng, bị động, thậm chí bị cho là có những ứng xử đi ngược với hành động cần thiết đối với trâu đột ngột trở chứng... Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng chọi trâu truyền thống của Đồ Sơn đã không còn là lễ hội mà đã bị thương mại hóa, trở thành trò chơi đỏ đen đơn thuần.

Con trâu đâu có lỗi?

Trao đổi quanh tai nạn trâu tham gia thi đấu húc chủ tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng đây chỉ là tai nạn hi hữu. Lễ hội truyền thống tương tự như chọi trâu của Đồ Sơn trên cả nước hiện nay có rất nhiều. Bắc Ninh có lễ hội chém lợn. Quảng Nam có lễ hội đâm trâu. Bắc Hà có lễ hội đua ngựa... Không nên quan niệm đây là các lễ hội có yếu tố bạo lực, cần lên án hay xóa bỏ mà quan trọng là cách tổ chức như thế nào cho an toàn.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn.

Với chọi trâu, cần phải xem lại người chủ đã thực sự am hiểu con trâu của mình hay không. Việc sử dụng chất kích thích với trâu tham gia thi đấu cũng cần kiểm tra để giải tỏa những nghi ngờ. Nếu vì trâu húc chủ gây chết người mà loại bỏ lễ hội truyền thống như thế là ứng xử một cách cực đoan. Người quan niệm như thế là chưa hiểu gì về văn hóa? Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn đã trở thành di sản phi vật thể quốc gia. Bản thân lễ hội chọi trâu và những lễ hội truyền thống tương tự như chọi trâu không có lỗi.

Vấn đề là công tác tổ chức, là quản lý của cơ sở. Khi xem xét cho tồn tại lễ hội cần phải xác định lễ hội đó có đem lại lợi ích cho cộng đồng, tối thiểu là cộng đồng ở chính địa phương ấy hay không? Nếu lễ hội tồn tại chỉ vì lợi ích cho doanh nghiệp, tất nhiên là cần dẹp bỏ. Người làm công tác tổ chức lễ hội cũng cần có kinh nghiệm cụ thể.

Trâu thi đấu cũng cần phải có quy chế rõ ràng. Nếu quy chế sơ sài thì sẽ không đảm bảo được an toàn cho người tham gia. Không thể vì một vài sự cố mà cho rằng lễ hội này hay lễ hội khác phản cảm, bạo lực, kêu gọi phải xóa bỏ đi. Nếu xóa lễ hội như thế thì lễ hội truyền thống của cả nước xóa đi hết. Như thế đồng nghĩa với xóa bỏ văn hóa đặc trưng của từng cộng đồng.

Qua lăng kính dư luận, nhiều lễ hội trở nên phản cảm khó chấp nhận. Ảnh internet.

Lễ hội truyền thống là của một cộng đồng nhất định, phải là lễ hội của chính người dân địa phương. Họ tổ chức lễ hội cho chính họ trước. Sau này đời sống xã hội hiện đại, giao thông thuận lợi hơn, khách thập phương đổ về. Không phải khách nào đến tham gia lễ hội đã hiểu được giá trị cốt lõi của lễ hội song nhìn bề ngoài để phán xét thì rất nhiều.

Với việc sử dụng các phương tiện ghi hình hiện đại như hiện nay, ghi cận cảnh rồi phát tán, lễ hội rất dễ bị hiểu lệch lạc. Ở đây cũng có một phần lỗi của truyền thông, nếu không muốn nói, nhiều hệ quả là do sản phẩm của truyền thông. Chưa kể, lễ hội truyền thống hiện nay đang bị tác động từ "ngoại lực", dễ méo mó hơn.

Ví dụ, cũng là tranh cướp vật may mắn, trước đây chủ yếu là tranh vật, cướp chỉ vừa vừa và là tranh cướp giữa các thành viên trong cộng đồng thôi. Nay tham gia lễ hội còn có cả dân tứ xứ, tranh thì ít còn cướp thì nhiều và cướp quyết liệt theo kiểu không thể ngăn được. Trước người ta cướp theo kiểu nghi lễ còn bây giờ cướp theo kiểu đánh nhau. Nhiều lễ hội dần biến tướng là như vậy. Nếu để biến tướng là trách nhiệm của người trong hội đồng di sản, là trách nhiệm của người làm quản lý.

Thế giới có đấu bò tót, có đua ngựa, có những trò thi đấu có tiềm ẩn nguy hiểm, rủi ro cao nhưng vẫn là sản phẩm văn hóa đặc trưng của quốc gia, hấp dẫn hàng triệu người. Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy với những lễ hội có yếu tố nguy hiểm phải quản lý thật tốt. Vai trò của ban tổ chức rất quan trọng. Nếu tổ chức không tốt, với sự kiện thông thường cũng rất dễ xảy ra sự cố.

Bài học năm 2010 của ban tổ chức đua ngựa Bắc Hà là ví dụ điển hình. Đây là lễ hội của làng, được nâng cấp thành lễ hội đua ngựa Bắc Hà, là sản phẩm du lịch rất tốt của địa phương. Ban tổ chức chuẩn bị công tác rất chặt, không cho ai xuống đường đua nhưng một người mải chụp ảnh, đến gần quá, bị ngựa húc, phải vào bệnh viện cấp cứu. Chỉ sơ suất nhỏ do người tham dự không nắm được quy định hoặc không tuân theo quy định của ban tổ chức là dẫn đến sự cố. Nếu vì sự cố kia mà dừng đua ngựa thì có phù hợp?

Đua ngựa là sản phẩm lễ hội của địa phương, muốn quyết định dừng hay tiếp tục tổ chức lễ hội truyền thống, phải đi đến tận nơi, tìm hiểu thật kỹ, nghe xem chủ thể lễ hội nói gì, vì sao lễ hội tồn tại. Nếu không, có khi cấm họ cũng không nghe.

Vừa qua, lễ hội đâm trâu ở Quảng Nam từng bị phản ứng rất dữ dội. Thực ra đây là lễ hội ăn trâu. Cán bộ quản lý nói nên dừng, không cho tổ chức. Người dân vẫn lén lút làm vì đây là lễ hội của họ, là nhu cầu của họ. Cứ đem văn minh của mình, quan niệm con trâu là đầu cơ nghiệp ra mà áp đặt với đồng bào dân tộc Cơ Tu thì không hợp. Với người Cơ Tu, con trâu là vật hiến tế và hiến tế phải có máu của con vật. Lễ hội của họ làm trong quy mô của làng, của xã.

Nếu là khách dự lễ hội phải tuân theo lễ tục của địa phương, phải đứng trên quan điểm của cộng đồng, phải hiểu văn hóa, bản chất, giá trị cốt lõi lễ hội của cộng đồng ấy. Không thể lấy quan điểm của người ngoài cộng đồng để soi chiếu... Khách đã không hiểu văn hóa địa phương, còn gí máy quay, máy chụp vào cận cảnh hiến tế, tuyên truyền cho nhiều người không hiểu nữa thì lễ hội bị hiểu thành man rợ là tất yếu.

Phải bảo lưu giá trị cốt lõi

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giảng viên lâu năm của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, ông Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, nếu người trẩy hội vẫn đông, vẫn có hoạt động dâng hương cúng tế, vẫn có ban tổ chức, có kế hoạch và diễn ra tuần tự thì chắc chắn đó chính là lễ hội.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ.

Nếu lễ hội kém vui, lễ hội nhiều lộn xộn, đã xảy ra bất trắc thương tâm, lễ hội chưa đáp ứng kỳ vọng thì cần lắng nghe ý kiến đóng góp để rút kinh nghiệm mà thực hành lễ hội cho tốt hơn. Những giá trị cốt lõi đã tồn tại lâu dài trong lễ hội, những gì đáng bảo lưu và phát triển cho phù hợp với hôm nay và với lí tưởng nhân văn như chân - thiện - mỹ cần được bảo tồn, phát huy.

"Bạo lực nhất là người "chọi" người. Trâu chọi trâu, gà chọi gà, chim chọi chim, cá chọi cá... thì mức độ bạo lực không thể bằng quyền Anh, các môn võ đối kháng. Vấn đề là nếu làm chưa tốt thì phải làm cho tốt hơn. Không phải vì một bức tranh chưa đẹp, phản cảm mà bỏ đi một triển lãm, một vai diễn chưa hay mà bỏ đi một đêm kịch. Việc xảy ra ở chọi trâu Đồ Sơn là một bi kịch, chúng ta đều đau buồn.

Trước mất mát đó, việc tạm dừng mùa năm nay là đúng đắn. Còn với một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia chúng ta không thể bỏ phắt đi được. Các lễ hội đã được công nhận di sản văn hóa đều có truyền thống lâu dài và bất kỳ thời điểm nào của nó cũng có điều hay điều dở. "Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội". Ngày xưa cái quần cái áo vài năm mới có một, quan trọng thế mà tả tơi thì xót xa vô cùng, nhưng vẫn đi. Chèo đua về, cả tuần nằm liệt, bón cháo húp canh, đến hội lại chèo...

Lễ hội thời nào cũng có điều này điều nọ, nhưng bây giờ đang trong thời điểm gay gắt, dễ bùng phát, có thể nói là nhạy cảm hơn, quyết liệt hơn. Hy vọng hiện tượng này chóng qua, xã hội cân bằng trở lại. Muốn  như thế thì có nhiều điều cần làm với trách nhiệm xã hội cao: thấu hiểu hơn nữa, hướng thiện hơn nữa, phục vụ đại chúng hơn nữa, chuẩn bị chu đáo hơn nữa.

Trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu, quản lý, bảo tồn, phát triển, quảng bá, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cần quán triệt hơn nữa. Đừng để mục tiêu kinh tế, mục tiêu thương mại hóa lấn át giá trị đạo đức, giá trị nhân văn trong thực hành lễ hội..." - nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định.

Minh Hà
.
.