Ươm câu quan họ trên đất phương Nam

Thứ Sáu, 26/07/2019, 12:10
Làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm đã được người con của quê hương Kinh Bắc - nghệ sĩ Quý Thăng - “Ươm mầm” tại TP Hồ Chí Minh cách đây 21 năm thông qua việc thành lập Câu lạc bộ quan họ Mười Nhớ. Cũng chính từ “lò ươm” ấy mà hiện nay loại hình âm nhạc truyền thống này đã phát triển và có chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân khu vực phía Nam.


Quan họ vận vào đời 

Ngồi với nghệ sĩ Quý Thăng trong dịp ông về quê dự Festival “Về miền quan họ 2019” nhân kỷ niệm 10 năm ngày dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi mới cảm nhận hết được tình cảm, sự chân thành ở người nghệ sĩ tài hoa này.

Đã sắp bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng qua cử chỉ, giọng nói, ánh mắt thì không chỉ tôi mà bất cứ ai tiếp xúc đều thấy ông vẫn còn rất sung sức, khỏe mạnh, đặc biệt là sự tâm huyết và tràn đầy năng lượng với quan họ. Mặc dù đã sống xa quê mấy chục năm nhưng ở ông vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có và cao quý của “người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình”, đó là sự thân thiện, cởi mở, sống nặng nghĩa, vẹn tình.

Nghệ sĩ quý Thăng (trái) nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Câu Lạc bộ quan họ Mười Nhớ.

Trong buổi trò chuyện, ông ngậm ngùi nghĩ về những tháng ngày đã qua và nghiệm lại rằng mình đã sống một cuộc đời sắt son, nghĩa tình, trọn vẹn với quan họ. Đôi mắt nhìn xa xăm, giọng chầm chậm, ông kể, ông sinh ra ở Hà Nội nhưng quê gốc ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Vùng quê gắn liền với thành Luy Lâu, tranh dân gian Đông Hồ, chùa Dâu, đền Kinh Dương Vương… từ lâu đã được biết đến là nơi là có truyền thống văn hóa bậc nhất vùng Kinh Bắc.

Không những thế, Quý Thăng (tên thật là Nguyễn Đăng Thăng) lại được sinh ra trong dòng họ Nguyễn Đăng danh giá, nơi sản sinh nhiều bậc danh sĩ, đại thần nổi tiếng uyên bác, khí tiết hơn người, tiêu biểu trong số đó có thể kể đến Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo. Có lẽ vì “ngụp lặn” trong “bầu sữa mẹ” quê hương và dòng họ truyền thống như vậy đã sớm hun đúc và làm nên một Quý Thăng mê đắm với văn hóa dân tộc nói chung và dân ca quan họ nói riêng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, vốn sẵn năng khiếu ca hát ông được chọn vào Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc (cũ) rồi đi biểu diễn quan họ phục vụ bộ đội và nhân dân ở nhiều địa phương miền Bắc. Năm 1984, Quý Thăng thi vào chuyên ngành Thanh nhạc dân tộc, Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam (nay là Viện Âm nhạc) và nghe lời khuyên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước để chuyển vào học ở Phân viện 2 tại TP. Hồ Chí Minh.

Cũng bắt đầu từ đây, hành trình rong ruổi đem quan họ truyền bá vào phương Nam đã được Quý Thăng hết sức chú tâm, tâm huyết và cố gắng. Bởi, ông tin rằng dân ca quan họ đẹp và giàu bản sắc văn hóa dân tộc như vậy phải được truyền bá rộng rãi trên khắp mọi miền Tổ quốc. Hơn nữa, dân ca quan họ từ lâu đã là tài sản không chỉ của riêng quê hương Kinh Bắc mà rộng ra là của dân tộc Việt Nam.

Một thời gian khó

“Nói thì nói thế chứ bắt tay vào việc thì vất vả, gian nan vô cùng”, nghệ sĩ Quý Thăng nhớ lại. Ông kể, sau khi tốt nghiệp đại học, ông được mời vào Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố làm việc. Với một chàng sinh viên mới ra trường giữa “đất khách quê người” thì đây là một cơ hội tốt để ông có thể mưu sinh bằng nghề.

Một tiết mục của Câu Lạc Bộ quan họ Mười Nhớ trong Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập.

Thế nhưng, Quý Thăng đã để tuột mất “cơ hội” ấy, bởi ông cho rằng môi trường này sẽ rất khó để phát triển được dân ca quan họ. Lúc này, ông cũng không thể về quê được nữa, bởi cơ quan đã có đầy đủ “chỗ ngồi”.

Không còn đường lùi, ông bắt đầu đi hát quan họ trong các chương trình ca múa nhạc tạp kỹ (ca nhạc đường phố) của thành phố – nơi biểu diễn cùng lúc nhiều loại hình như: ảo thuật, xiếc, cải lương, nhạc trẻ, múa…. Và tất nhiên khi ấy ông xác định đi hát không phải vì kiếm tiền mà để người ta… biết đến mình. Rồi có những lần được mời đến biểu diễn, ông cảm thấy hụt hẫng khi họ nhắc: “Hát một bài thôi nhé!”. Ông đau xót khi nghĩ rằng: “Quan họ đẹp như một bông hoa mà bị đem ra giày vò giữa chợ”.

Ông nhớ, trong một lần đi diễn, khi đang chờ tiết mục của mình thì thấy khán giả không mặn mà, thiết tha với màn biểu diễn của các nghệ sĩ hát tuồng. Lúc ấy, ông cũng rất e ngại rằng liệu mình có bị khán giả đối xử như vậy không? Thế nhưng, khi đoàn biểu diễn của ông vừa mới bước ra với áo the, khăn đóng, với áo mớ ba, mớ bảy, khán giả liền hào hứng vỗ tay.

Nhưng có điều mặc dù biểu diễn để “nịnh” khán giả nhưng ông vẫn có những nguyên tắc nghề nghiệp của riêng mình. Nhiều người góp ý nên thay đổi chiếc khăn mỏ quạ của liền chị để trẻ trung hơn nhưng ông không đồng ý. Bởi, ông cho rằng người nghệ sĩ quan họ không những phải chỉn chu ở giọng hát mà còn phải mặc đúng trang phục truyền thống.

Cũng không ít lần, trong chương trình biểu diễn có sử dụng đàn organ, ông đều từ chối hát. Nếu có hát, ông phải mời thêm nghệ sĩ đàn bầu của Đoàn Ca múa Bông Sen đi cùng. Tất nhiên khi ấy thu nhập sẽ bị giảm đi nhưng ông vẫn luôn quan niệm: “Thà ăn ít đi một tý chứ nhất quyết phải giữ được tiếng của mình”.

“Lò ươm” quan họ

Trong suốt 10 năm, Qúy Thăng rong ruổi đem quan họ đi biểu diễn hết ở đường phố đến hội trường của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Thế rồi nhận thấy nhu cầu người học quan họ càng lớn, ngày 1-5-1998, Quý Thăng quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) quan họ Mười Nhớ. Đây cũng là CLB quan họ đầu tiên trên đất phương Nam.

Chia sẻ về cái tên Mười Nhớ cũng như kỳ vọng của mình, ông cho biết: “Đây là một làn điệu trong dân ca quan họ Bắc Ninh. Nó gợi lên trong mỗi người nỗi nhớ và lòng mong muốn phải làm được điều gì đó để không hổ thẹn với quê hương. Từ CLB này, tôi thực lòng muốn truyền một môn nghệ thuật truyền thống của quê nhà trong cộng đồng những người Kinh Bắc xa xứ và ươm trồng những giọng hát quan họ trong tương lai”.

Thành lập được CLB đã khó nhưng để nó phát triển xứng đáng với sự kỳ vọng của người yêu quan họ thì càng khó hơn. Chính vì vậy, Quý Thăng đã siết chặt kỷ cương và đề ra những quy chế rất rõ ràng với các học viên. Đó là đặt mục đích đoàn kết, yêu thương nhau là trên hết. Ngoài ra, CLB còn rất nề nếp trong giờ giấc sinh hoạt, hoạt động có tổ chức, có Ban Chủ nhiệm và các học viên phải chịu sự phân công của Ban Chủ nhiệm.

Trước mỗi buổi học học viên đều nhận được nội dung đã thông báo từ trước. Những bài giảng được thiết kế khoa học, khúc chiết, dễ hiểu luôn thu hút  học viên. Đặc biệt, CLB còn xây dựng kế hoạch rất cụ thể bám sát những ngày lễ lớn của đất nước theo từng tháng, từng quý và có định hướng cho từng năm.

Buổi đầu khi mới thành lập, không những dạy hát mà gia đình ông còn nuôi ăn, ở miễn phí cho những người yêu quan họ từ đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần xã hội. Học viên nào khó khăn quá, ông sẵn sàng cho quần áo, cho ô, cho xà tích. Để giữ gìn nguyên gốc quan họ, nhiều lần ông đã lặn lội về quê để tìm áo the, khăn mỏ quạ, học cách têm trầu, vấn khăn và tìm hiểu làn điệu quan họ cổ.

Tiếng lành đồn xa, năm 2002, một phóng sự của VTV3 mang tên “Câu quan họ trên đất phương Nam” dài tới 45 phút đã quảng bá rộng rãi đến công chúng cả nước về một “địa chỉ đỏ” của dân ca quan họ. Sau đó, liên tiếp các đài, báo từ Trung ương tới địa phương đã có những phóng sự phản ánh, giới thiệu về CLB.

Đặc biệt, khi CLB đã “ươm” được những giọng hát tốt, họ đã “tương tác” trở lại với Đài. Đó là việc CLB tham gia cộng tác với một số chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam (gần đây nhất là bộ phim “Nhịp đời Kinh Bắc” của đạo diễn Hồng Giang), Đài Tiếng nói Việt Nam (một số bài hát “Lên núi Ba Vì”, “Gửi anh chiến sĩ đảo xa” phát trong chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền), Đài Phát thanh- Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (gần đây nhất là: “Quê hương trong khúc hát tự hào” và “Hội làng quan họ phương Nam”), Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Long An….

Một tiết mục của Câu lạc bộ quan họ Mười Nhớ trong chương trình nghệ thuật “Dâng Người khúc hát dân ca” nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2019).

Đặc biệt, vào năm 2006, nhận thấy nhu cầu hát quan họ trong các chương trình nghệ thuật ở khu vực phía Nam ngày càng lớn, nghệ sĩ Quý Thăng đã quyết định thành lập Công ty Quan họ Kinh Bắc phương Nam để nhận “đơn đặt hàng” biểu diễn.

Thế nhưng, không thể đi diễn mãi với những bài quan họ cổ, ông chủ “lò ươm” còn đảm nhận đặt lời mới cho quan họ phù hợp với yêu cầu của “gia chủ”. Gần đây, CLB đã biểu diễn trong những sự kiện như: Festival biển Nha Trang (Khánh Hòa), Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)….

Tuy vậy, nghệ sĩ Quý Thăng và Ban Chủ nhiệm CLB vẫn luôn trăn trở về việc phải tái hiện được hát canh quan họ mỗi năm từ 1 đến 2 lần. Dù chất lượng liền anh, liền chị chưa thực sự tốt nhưng theo ông thì: “Mình cứ làm đi rồi sẽ có kinh nghiệm”.

“Theo như truyền thống hát canh của người Kinh Bắc sẽ có 3 chặng (lề lối, giọng vặt, giọng giã bạn). Đặc biệt, mỗi nghệ sĩ khi ngồi xuống chiếu hát phải thuộc ít nhất 100 bài, còn ở đây, tôi chỉ mong tái hiện được hát canh, tức là mỗi người nghệ sĩ khi ngồi xuống chiếu hát cố gắng thuộc được 10 bài là mừng rồi”, nghệ sĩ Quý Thăng trầm ngâm chia sẻ.

Đánh dấu chặng đường mới

Ngày 1-5-2018, nhân kỷ niệm 20 năm ngày CLB Mười Nhớ thành lập, nghệ sĩ Quý Thăng cùng Ban Chủ nhiệm đã tổ chức một chương trình với những tiết mục văn nghệ được dàn dựng và biểu diễn công phu, đặc sắc được giới chuyên môn đánh giá cao.

Trong đó, phần kịch bản do soạn giả Mai Văn Lạng (Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam) đảm trách. Nghệ sĩ ưu tú Quý Tráng (Nguyên Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh) chịu trách nhiệm dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật. Cũng phải nói thêm rằng, Nghệ sĩ ưu tú Quý Tráng và soạn giả Mai Văn Lạng là hai trong số nhiều người đã luôn tạo mọi điều kiện, quan tâm, giúp đỡ để CLB Mười Nhớ có được ngày hôm nay.

Nghệ sĩ Quý Thăng và các thành viên Câu lạc bộ quan họ Mười Nhớ dự Festival “Về miền quan họ 2019” tại Bắc Ninh. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Quý Thăng xúc động chia sẻ: “Đây là tâm huyết ấp ủ và cũng là sự kiện đánh dấu chặng đường hai thập niên không chỉ của CLB Mười Nhớ mà là sự nghiệp của tôi trên mảnh đất đầy thương nhớ này. Qua sự kiện này, tôi muốn tri ân đến những người thầy, người bạn và khán, thính giả yêu mến giọng hát Quý Thăng. Đồng thời, tôi muốn cảm ơn thành phố này, bởi từng ngọn gió, giọt nước, hạt gạo nơi đây và đặc biệt hơn là tình cảm của nhân dân đã cưu mang, đùm bọc CLB, gia đình và cá nhân tôi mấy chục năm qua”.

Chắc hẳn với những ai có mặt trong Lễ kỷ niệm sẽ rất xúc động với tiết mục “Ơn người ươm khúc dân ca” do liền anh Đoàn Nghiêm - nguyên Phó Chủ nhiệm CLB đặt lời mới theo điệu “Chia rẽ đôi nơi” của dân ca quan họ do tập thể CLB thể hiện. Bài hát đã tóm tắt được hành trình rong ruổi đem câu quan họ từ quê hương Kinh Bắc đến với mảnh đất phương Nam của nghệ sĩ Quý Thăng.

Ngô Khiêm
.
.