Vaccine tổng hợp từ nọc độc nhện

Thứ Ba, 27/08/2013, 20:40

Loài nhện độc nâu cắn hơn 7.000 người ở Brazil mỗi năm gây những vết thương trầm trọng trên da và thậm chí có thể gây tử vong. Trong khi đó, việc sử dụng thuốc giải độc từ chính nọc độc nhện phải trả giá bằng sự sống của nhiều con ngựa do chúng dính líu trong tiến trình sản xuất. Nhưng, liệu việc tìm ra nọc độc nhện tổng hợp có dẫn đến một giải pháp nhân đạo hơn hay không?

Họ nhện độc màu nâu nhạt gọi là Loxosceles được tìm thấy ở Bắc và Nam Mỹ, châu Phi, Australia và một số phần ở châu Âu. Nó dài từ 6 đến 20mm và chưa phải là loài nhện lớn nhất thế giới. Nhưng, nọc độc của nhện nâu có thể gây thương tổn da trầm trọng đến mức hoại tử. Đây là họ nhện duy nhất trên thế giới gây hoại tử cho da khi cắn người. Các nhà khoa học cho biết một enzyme hiếm có trong nọc nhện nâu gọi là sphingomyelinase D gây thương tổn và giết chết mô da. Nạn nhân bị nhện nâu cắn nếu không được giải độc kịp thời rất dễ mất mạng.

Trong khi đó vaccine giải độc được chế tạo từ chính nọc nhện nâu cũng dẫn đến cái chết cho cả chính con nhện và ngựa. Nọc độc được rút từ cơ thể hàng ngàn con nhện độc nâu trước khi dùng để tiêm cho nhiều con ngựa để kích thích phản ứng miễn dịch và từ đó tạo ra thuốc giải độc dành cho con người. Nhưng, giải pháp này lại gây ra hậu quả đáng sợ - đó là tuổi thọ của những con ngựa bị rút ngắn.

Tiến sĩ Samuel Guizze - chuyên gia sinh học Viện Butantan, một trung tâm sản xuất vaccine giải độc - giải thích: "Chúng tôi rút nọc những con nhện theo chu kỳ 3 đến 4 tháng một lần. Số lượng nọc thu được từ cơ thể một cá thể nhện là rất nhỏ".

Tiến trình rút nọc nhện được mô tả như sau: một kỹ thuật viên cẩn thận cầm con nhện lên và chích điện cho nó trong khi một nhà khoa học khác nhanh chóng rút nọc bằng ống tiêm. Mỗi lần như vậy người ta chỉ rút được một lượng nọc nhện cực nhỏ, có nghĩa là phải cần đến hàng chục ngàn cá thể nhện mới thu đủ lượng nọc cần thiết.

Tiến sĩ Guizze cho biết: "Sau đó, chúng tôi tiêm nọc nhện cho những con ngựa và sau 40 ngày chúng được rút máu để tách lấy các kháng thể giải độc". Nhưng điều đáng nói là sức khỏe của những con ngựa được tiêm nọc nhện nâu sau đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể là, tuổi thọ của chúng từ khoảng 20 năm sẽ giảm xuống còn 3 đến 4 năm! Ngay những con nhện cũng sẽ chết ngay sau 3 hay 4 lần bị rút nọc.

Vết thương bị hoại tử do nhện độc nâu cắn.

Tuy nhiên, Đại học Liên bang Minas Gerais của Brazil đang có một bước đột phá mới trong công nghệ nọc độc hứa hẹn tránh được nguy cơ suy giảm tuổi thọ của những con vật. Tiến sĩ Carlos Chavez-Olortegui - nhà sinh học và chuyên gia về nọc nhện - cho biết: "Chúng tôi xác định những phần của nọc nhện sinh ra được kháng thể và từ đó tạo ra một chuỗi protein chỉ chứa những phần này mà thôi". Nọc nhện nhân tạo như thế chắc chắn sẽ không còn cần dùng đến những con nhện thật nữa. Mặc dù ngựa vẫn là vật thí nghiệm trong tiến trình nghiên cứu, song nọc nhện tổng hợp không độc hại cho nên bảo toàn được tuổi thọ của ngựa.

Tiến sĩ Chavez-Olortegui cam đoan phương pháp mới cho phép những con ngựa được về hưu sau vài năm và vẫn sống khỏe mạnh trọn đời. Không chỉ có thế, tiến sĩ Chavez còn hy vọng trong tương lai không xa các nhà khoa học không cần sử dụng đến những con vật để tạo ra kháng thể giải độc nữa.

Nghiên cứu tạo ra vaccine giải độc nọc nhện hiện nay hứa hẹn thành công. Những thử nghiệm cho thấy những con ngựa được tiêm nọc nhện tổng hợp bắt đầu sinh ra các kháng thể có tác dụng bảo vệ chúng trước vết cắn của nhện độc nâu. Chavez-Olortegui hy vọng kết quả đạt được sẽ mở đường cho sản xuất vaccine giải độc vết nhện cắn hiệu quả cho con người.

Ông nói: "Những thử nghiệm tiếp theo sẽ cho biết mức độ miễn dịch với nọc nhện có được kéo dài hay không. Nhưng, chúng tôi tin tưởng đang đi theo hướng đúng trong nỗ lực chế tạo vaccine cho con người".

Vaccine tiềm tàng được đánh giá là bước đột phá trong khoa học song có thể chỉ có những ứng dụng giới hạn trong đời thật do giá thành phát triển vaccine quá cao. Nhưng, trong một quốc gia xảy ra đến 26.000 trường hợp nhện độc cắn người chỉ riêng trong năm 2012 - trong đó 7.000 vụ liên quan đến loài nhện độc nâu - thì vaccine giải độc vô cùng cần thiết.

Adelainde Fabienski Maia, một nạn nhân của nhện độc nâu, cho biết, trong tự nhiên loài nhện này không tấn công người song chúng thường nấp ngủ bên trong quần áo cho nên hậu quả xảy ra là điều dễ hiểu.

Dưới đây là những loài nhện độc nhất trên hành tinh:

Nhện Phoneutria fera của Brazil: Theo Sách kỷ lục Guiness, nọc của loài nhện này chứa độc tố thần kinh nguy hiểm nhất thế giới. Chỉ 0,006mg nọc nhện đủ để giết chết một con chuột! Nếu một người đàn ông đủ may mắn sống sót sau khi bị nhện cắn, vết thương cũng gây đau đớn trong nhiều ngày, cương dương đau và có thể dẫn đến bất lực.

Nhện Phoneutria fera của Brazin.

Nhện giăng tơ hình phễu Sydney (Latrodectus mactans): Mỗi năm loài nhện này giết chết rất nhiều người ở Mỹ và nọc độc của nó mạnh hơn nọc rắn chuông đến 14 - 15 lần. Nhện chỉ tấn công đối phương khi bị đe dọa. Nhện có khả năng sống sót trong nhiều giờ nếu bị rơi xuống hồ bơi. 

Nhện lưng đỏ (Latrodectus hasseltii) Australia: Nhện cái thường cắn người hơn con đực. Trẻ em và người già có nguy cơ tử vong cao nhất nếu bị loài nhện này tấn công

An An (tổng hợp)
.
.