Văn Ba, nhà báo “nghiện” sắc màu
Nhưng, ngay cả trong những cuộc vui, chủ nhà - họa sĩ Văn Ba cũng chỉ khiêm tốn nhận mình là nhà báo “nghiện” vẽ, là người “nghiện” sắc màu. Tôi gặp nhà báo “nghiện” vẽ họ Phạm ấy trong một chiều đông của những ngày ông sắp tròn tuổi hoa giáp...
1. Họa sĩ tuổi Canh Tý Văn Ba nói rằng, vẽ là sở thích của ông ngay từ thuở nhỏ. Ấu thơ thì nguệch ngoạc trên nền đất, vỏ bao xi măng. Những “triển lãm” lủng liểng trên bờ tường, vào buổi tối phải dùng đèn pin để rọi cho khán giả - các cô cậu bé còn lấm lem bùn đất, sực nức mùi của rơm rạ, đồng quê, đến nay với ông vẫn là những kỷ niệm vô cùng ấm áp.
Không sách vở, không trường lớp nên năng khiếu và đam mê vẽ của những cô, cậu bé chốn thôn quê như ông thuở ấy chẳng khác nào hạt giống không được gieo trồng, lọt thỏm và bị lãng quên.
Vừa 19 tuổi, Văn Ba bắt đầu gắn bó với lực lượng công an, được cho đi đào tạo tại Lương Sơn, Hòa Bình. Thời điểm này đang diễn ra chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam. Vì nhỏ con, ông được xếp vào hàng “lính cậu”. Trong khi các học viên khác được phân công tham gia lao động sản xuất, vào rừng chặt nứa, vác nứa xây dựng doanh trại, ông ở nhà phục vụ công tác vẽ báo tường, sau này còn vào đội văn nghệ, biểu diễn phục vụ tuyên truyền.
Họa sĩ Văn Ba bên tác phẩm của mình. |
Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngoài làm báo, ông đã nghĩ mình sẽ dành theo đuổi văn chương và được nhiều bạn văn khen, khích lệ. Nhưng, cái duyên với văn chương, xét cho cùng, vẫn không đắm đuối bằng tình yêu ông dành cho hội họa.
Ngày ấy, tài liệu cho hội họa không nhiều và không dễ có như hiện nay. Văn Ba phải lần mò mua từng cuốn dạy hình họa ở trong nước. Cũng may, nghề báo cho ông nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu, trong đó có nhiều tư liệu của một số bậc thầy về hội họa nước ngoài. Đam mê thuở nhỏ như hạt giống được gieo trồng, nảy mầm đâm lá. Gặp tư liệu về hội họa, ông thuộc và nhớ rất nhanh.
Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, đời sống còn khó khăn, năng khiếu và đam mê hội họa vô tình giúp ông có thêm thu nhập bằng cách nhận vẽ biếm họa cho nhiều tờ báo. Năm 1992, một số tác phẩm được chọn trưng bày trong triển lãm tranh biếm họa tại Hà Nội.
2. Năm 2009, họa sĩ - nhà báo Văn Ba hưởng ứng, tham gia đợt phát động sáng tác của Bộ Công an. Có 2 tác phẩm được chọn trưng bày cùng nhiều họa sĩ trong và ngoài lực lượng là “Giấc mơ dưới những cái tổ” và “Thiện tâm”. Trong đó, “Giấc mơ dưới những cái tổ” vẽ một người đàn ông mặc áo kẻ sọc, chống xẻng, ngồi trong giờ giải lao, như đắm vào giấc ngủ mệt nhọc bên một cái cây trên cành có những tổ chim, phía trên nữa là bầu trời với người vợ kéo tàu mo cau có cậu bé ngồi, tươi vui và trong trẻo; phía sau cậu bé là một bé gái đang đẩy chiếc mo cau.
Cái cảnh ấm áp, hạnh phúc ngọt ngào ấy đang lướt bay trong bầu trời tự do và thanh bình. Một giấc mơ đẹp của một người lầm lỗi! Giấc mơ về tổ ấm ấy có sức níu kéo, lay động ghê gớm tới tâm thức con người, theo ông, có lẽ hơn ngàn lời giáo huấn, kéo tội nhân hoàn lương. Bẵng đi sau đận ấy, cách vẽ của ông cũng khác đi nhiều...
Bộ tranh sơn dầu “Tứ bất tử”: Tản viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh. |
“Mình vẽ vì thích. Đã thích thì phải tìm hiểu, càng tìm hiểu càng mê đắm. Hội họa là thánh đường, vô cùng đẹp đẽ. Nghề báo lại cho mình nhiều tư liệu, nhiều tư duy về cái thiện - ác... thôi thúc mình sáng tác. Cuộc đời đưa lại cho mình nhiều khổ hạnh mà chỉ có thể giấu nó vào dưới câu chuyện sắc màu, coi đó là cứu cánh mà níu vào” - họa sĩ Văn Ba chia sẻ.
Thực ra, những khổ hạnh mà ông đề cập ấy, bắt đầu từ khi vợ mất, mấy cha con không còn bàn tay người bạn đời của ông chăm chút cách đây vài chục năm, khi tai ương ập xuống cái mái ấm nhỏ nhoi này. Ông bảo rằng, với ai thì không biết, chứ cái phận như ông cõng cái tuổi Con Chuột trên lưng là vất vả, là nhọc nhằn lắm. Chứng kiến từ thực tế cuộc sống, chiêm nghiệm qua hàng loạt vụ việc, những bất trắc trong cuộc đời, lo cho các con, ông quyết định không đi bước nữa khi các con còn thơ dại.
Những tháng ngày ấy, ít ai biết rằng, khi các con đã yên giấc, những đêm trắng đối diện nỗi cô đơn, không chia sẻ được cùng ai, ông gửi cả vào hội họa. Đến nay, đây vẫn là thói quen khó bỏ. Những đêm mất ngủ, ông lại lịch kịch mải mê với cọ và giá vẽ. Dù rằng, sau triển lãm năm 2009, ông không tham gia đợt trưng bày nào khác. Không đủ diện tích, không đủ khung để treo, tranh ông xếp lớp trên gác. Vài chục bức chân dung ông vẽ bạn bè, phần lớn đã dành tặng hết.
3. Họa sĩ Văn Ba nói rằng, ông say mê với văn hóa dân gian khủng khiếp. Bởi ở đó, quan niệm về sinh tồn, đấu tranh sinh tồn, đấu tranh giữa thiện - ác, những mặt xấu - tốt đối lập trong con người... hiện diện rất rõ. Và thực ra ở câu chuyện nào, xét cho cùng nó vẫn hàm chứa những thông điệp lớn lao, những sở nguyện chung của Con Người mong hướng tới vùng trong trẻo và hạnh phúc.
Những sở nguyện ấy, vấn đề ấy, chưa bao giờ cũ. Chỉ là mỗi nghệ sĩ cần tìm cách tiếp cận và đề cập như thế nào để các sở nguyện đó không bị trượt đi trong đời sống xã hội hiện đại. Ông đã chọn cách tiếp cận và chuyển tải chúng bằng hội họa.
Từ phương pháp vẽ trực tiếp, pha màu trên pallet, với bút pháp mạnh mẽ, ông chuyển sang vẽ sơn dầu nhiều lớp, “trộn màu” bằng phương pháp phủ các lớp mỏng màu nguyên chồng nhau để tái tạo hiện thực. Ông bảo rằng, ông sẽ không rời bỏ phương pháp vẽ nhiều lớp, sẽ tiếp tục dày công học hỏi để hoàn thiện nó. Bởi theo ông, với cách vẽ này nó gần gũi dễ truyền tải đề tài dân gian hơn cả.
Cũng vì thế, trong sáng tác của ông phân chia 2 mảng: Mảng tranh mang đậm tính triết lý âm - dương với bút pháp vẽ màu trực tiếp. Và, hai là phong cách với phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp, gắn với văn hóa dân gian mang âm hưởng mới. Thay vì các bức vẽ có thể khó hiểu với đa số người xem, các tác phẩm sau này dễ tiếp cận hơn với số đông.
Với ông, văn hóa dân gian, cội nguồn luôn là vùng đất màu mỡ cho văn học nghệ thuật. Nhiệm vụ của người làm nghệ thuật là chọn ra cái riêng, thể hiện như thế nào để đạt yêu cầu về thẩm mỹ, truyền cảm hứng cho người xem, để cuối cùng thông qua tác phẩm, làm sao để cái xấu, cái ác giảm đi, “vùng sáng, vùng thiện” ngày càng rộng ra, cái tốt được nhân lên. Đây cũng là mục tiêu ông đặt ra cho chính mình khi “đặt chân” vào thánh đường của hội họa.
Người xem cũng không khó nhận thấy điều này khi có dịp khám phá “kho gia tài” của ông. Câu chuyện đậm chất sử thi về truyền thuyết dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương trong những tác phẩm mà thoạt nhìn, người xem nhận ra ngay là Mẹ Âu Cơ với thiên chức vĩ đại, bộ tác phẩm tranh sơn dầu nhiều lớp “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, tranh sơn dầu “Trò Trám” là những điển hình...
Với nhà báo - họa sĩ Văn Ba, những sáng tạo thú vị vẫn luôn ở phía trước.
Hiện tại, ông đang cùng một số bạn hữu vốn cũng là nhà báo “nghiện” sắc màu ấp ủ dự định chuẩn bị cho triển lãm chung “Người làm báo vẽ”. Triển lãm sẽ là dịp để ông cảm ơn bạn bè, tri ân cuộc đời đã hỗ trợ, cho mình cơ hội, cảm xúc để vẽ trong suốt những năm tháng đã qua.