Vấn đề an ninh lương thực: Cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu
- Biến đổi khí hậu và chiến tranh đe dọa an ninh lương thực
- Khai mạc Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực
Tham nhũng làm “nóng” thêm cái đói ở châu Phi
Ngày 16-10 đã được Liên Hiệp Quốc (LHQ) chọn là Ngày Lương thực thế giới nhằm mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu.
Cách đây ít tháng, các tổ chức của LHQ đã báo động về thực trạng an ninh lương thực, đặc biệt tại các vùng xung đột. Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), tình trạng thiếu an ninh lương thực tiếp tục xấu đi tại những khu vực đang chìm trong xung đột. Yemen, Nam Sudan và Syria nằm trong số những nước bị nạn đói ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Cuối năm ngoái, FAO đã phải bổ sung khoản kinh phí hàng chục triệu USD để hỗ trợ khu vực Đông Phi giải quyết nạn đói và thiếu lương thực trầm trọng. Hồi năm 2011, nạn đói ở khu vực Sừng châu Phi (vùng Đông Bắc châu lục này) đã trở thành thảm kịch khi cướp đi sinh mạng của 260.000 người, trong đó phần lớn là trẻ em.
Trong báo cáo hằng năm trước Hội đồng Bảo an (HĐBA) về tình hình an ninh, hai tổ chức trên đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của sự hỗ trợ nhân đạo đối với những cộng đồng bị ảnh hưởng. Xung đột là nhân tố chung đang gây phương hại an ninh lương thực tại toàn bộ 16 quốc gia có tên trong báo cáo, Yemen, Nam Sudan, Syria, Lebanon, Cộng hòa Trung Phi, Ukraine, Afghanistan và Somalia chiếm 1/4 dân số thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hay mức độ thiếu ăn khẩn cấp.
FAO cho biết, tình trạng trên được dự báo sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi dân số của châu Phi theo tính toán sẽ tăng từ con số 1,2 tỷ hiện nay lên 1,7 tỷ người vào năm 2030. Theo FAO, số người thiếu đói và suy dinh dưỡng tại Lục địa Đen đã tăng từ 200 triệu lên 224 triệu trong giai đoạn 2015-2016 và sẽ còn tiếp tục tăng cao theo đà phát triển dân số, trong khi hiện tượng biến đổi khí hậu cũng như tần suất các cuộc xung đột vũ trang chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm.
Cái đói luôn ám ảnh hàng trăm triệu người ở châu Phi. |
Các chuyên gia của FAO cho biết tình trạng thiếu đói và suy dinh dưỡng cũng sẽ tiếp tục đẩy một số lượng lớn người vào cảnh "tha phương cầu thực", đặc biệt tại những quốc gia liên tục xảy ra tình trạng xung đột như Somalia, Nam Sudan hay Cộng hòa Trung Phi.
Phó Tổng Giám đốc FAO Bukar Tijani cho biết, tỷ lệ suy dinh dưỡng tại châu Phi đã tăng từ 21% lên tới gần 23% từ năm 2015 đến 2016. Đây là điều đáng lo ngại. Ông Tijani cho rằng số người suy dinh dưỡng gia tăng và tình hình mất an ninh lương thực có liên quan tới biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai như lũ lụt, hạn hán, mùa màng thất bát.
Ngoài những nguyên nhân biến đổi khí hậu hay chiến tranh loạn lạc, trang mạng allafrica.com phân tích về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực nông nghiệp tại châu Phi, trong đó chỉ rõ: Tham nhũng, giống như biến đổi khí hậu và sâu bệnh hại mùa màng, là mối đe dọa lớn đối với giấc mơ xóa đói giảm nghèo vào năm 2030 của châu Phi. Theo đánh giá của các nhà lãnh đạo và chuyên gia, chính trị "bẩn" và sự yếu kém trong quản lý nguồn tài nguyên đang ảnh hưởng xấu đối với ngành nông nghiệp, dẫn đến sự mất an ninh lương thực liên tục ở Lục địa Đen.
Lấy ví dụ tại Kenya, tham nhũng trong lĩnh vực nông nghiệp dưới các biểu hiện từ phân phối phân bón giả đến nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm lậu tràn ngập thị trường đang ảnh hưởng xấu đến nông dân địa phương. Bộ trưởng Nông nghiệp Kenya Richard Lesiyampe và cựu Giám đốc quản lý của Ủy ban Ngũ cốc và Nông sản quốc gia Kenya (NCPB) Newton Terer hiện đang phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng liên quan đến việc mua ngô trị giá khoảng 56 triệu USD cho thấy hàng ngàn nông dân bị ăn chặn bởi các tập đoàn và quan chức nông nghiệp.
Ngày 8-9-2018, phát biểu tại lễ bế mạc Diễn đàn Cách mạng xanh châu Phi tại Kigali (Rwanda), cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề châu Phi Jendayi Frazer cho biết tham nhũng trong lĩnh vực nông nghiệp và bổng lộc của các chính trị gia, quan chức chính phủ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lương thực. Tiến sĩ Frazer, đồng thời là đối tác quản lý của Africa Exchange Holdings - tổ chức hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường và hỗ trợ các cơ hội tài chính - cho biết tính chịu trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp là mấu chốt để châu Phi loại bỏ nạn đói triền miên hiện nay.
Chung suy nghĩ về nạn tham nhũng trong nông nghiệp, Chủ tịch Quỹ Rockefeller Rajiv Shah cho biết tham nhũng trong lĩnh vực nông nghiệp có thể cản trở giấc mơ đảm bảo an ninh lương thực vào năm 2030 của châu Phi.
Kể ra một trong những khó khăn do nạn tham nhũng gây ra, Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) Gilbert Houngbo đánh giá hầu hết các nước châu Phi đang huy động rất nhiều nguồn lực nhưng nông dân quy mô nhỏ, vốn đang cung cấp 80% lương thực và nông sản trên toàn lục địa, lại rất ít khi được tiếp cận các nguồn lực này.
Đồng quan điểm về nhận định trên, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Chủ tịch điều hành Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu, cho rằng, việc dành ưu tiên cho xóa đói nghèo chưa đúng chỗ; chính sách chưa phù hợp và sự yếu kém về quản lý tài nguyên, tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp đang gây thiệt hại cho sản xuất lương thực ở châu Phi. Ông nói: "Thật đáng buồn khi hàng triệu người ở châu Phi vẫn đang phải vật lộn để kiếm sống mặc dù có nhiều đất canh tác màu mỡ".
Những hiện tượng như thời tiết cực đoan khiến đất canh tác ngày càng bị thu hẹp. Ảnh: globalhealth.org. |
Muốn cứu đói, phải đưa được các nguồn lực "xuống đất"
Ngoài nguyên nhân xung đột, FAO và WFP còn bày tỏ lo ngại về tình trạng hạn hán, đồng thời cảnh báo các tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino từ nay tới cuối năm sẽ đe dọa nghiêm trọng tới an ninh lương thực và dinh dưỡng tại các quốc gia Trung Mỹ. Theo Viện Nghiên cứu quốc tế về thời tiết và xã hội (IRI), có tới 60% khả năng xảy ra hiện tượng El Nino mới từ tháng 9 – 12-2018, sẽ tác động xấu tới năng suất vụ cây trồng thứ hai trong năm của khu vực bắt đầu từ tháng 11.
Đại diện khu vực của FAO Julio Berdegué cho biết, nếu không áp dụng các biện pháp kịp thời, hạn hán sẽ dẫn tới tình trạng di cư của hàng trăm nghìn người tại khu vực này.
Liên quan tới vấn đề an ninh lương thực do biến đổi khí hậu, theo một nghiên cứu mới do Đại học Exeter công bố, nhiều nước trên thế giới có thể đứng trước nguy cơ thiếu lương thực ngày càng gia tăng do tình trạng biến đổi khí hậu sẽ gây ra các hình thái thời tiết cực đoạn nhiều hơn. Nhóm nghiên cứu do Đại học Exeter đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đối với 122 nước đang phát triển và kém phát triển, phần lớn ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, đồng thời xem xét tác động của biến đổi khí hậu đối với nguy cơ mất an ninh lương thực của các nước này.
Kết quả cho thấy mặc dù các nước đều có nguy cơ mất an ninh lương thực theo kịch bản khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, tác động sẽ trở nên nghiêm trọng hơn đối với phần lớn các nước nếu nhiệt độ trái đất tăng 2 độ C.
Câu hỏi đặt ra là phải làm thế nào để huy động các nguồn lực nhằm giúp người dân châu Phi thoát khỏi nạn đói trên chính mảnh đất màu mỡ của mình? Theo cựu Thủ tướng Togo Gilbert Houngbo, các nước châu Phi cần huy động được đa dạng nguồn lực để phát triển nông nghiệp nhưng thách thức lớn nhất là đưa được các nguồn lực này "xuống đất". Nếu không đặt cộng đồng nông thôn ở vị trí trung tâm của hoạch định kế hoạch thì mục tiêu xóa đói giảm nghèo của châu Phi trong 12 năm sẽ "vẫn chỉ là một giấc mơ".
Tại hội nghị lần thứ 30 của Hội đồng Các nhà lãnh đạo nhà nước và chính phủ thuộc Liên minh châu Phi (AU) được tổ chức vào đầu năm nay tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, các nhà lãnh đạo châu lục này đã nhất trí lấy năm 2018 là năm đấu tranh chống tham nhũng, bởi nạn tham nhũng là một trở ngại đối với phát triển bền vững của châu lục này.
Báo cáo thực trạng nông nghiệp châu Phi năm 2018 cảnh báo rằng các nước châu Phi sẽ phải vật lộn nhằm phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo trừ khi có sự liên kết giữa ý chí chính trị cấp cao với hành động của chính phủ để giúp nông dân sản xuất quy mô nhỏ.
Một ví dụ rất sinh động về sự nỗ lực giải quyết các thách thức về an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng chính là Algeria. Algeria sẽ đối phó thành công với các thách thức về an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Năng lượng Algeria Mustapha Guitouni.
Với đất đai màu mỡ, nếu có biện pháp canh tác phù hợp, chống được tham nhũng trong nông nghiệp, châu Phi sẽ là vựa lương thực của thế giới trong tương lai. Ảnh: Passport Health. |
Kinh nghiệm của Algeria được ông chia sẻ: Algeria có tiềm năng lớn để cải thiện sản xuất nông nghiệp và hợp lý hóa hệ thống phân phối, thông qua áp dụng các loại hình canh tác mới, kỹ thuật mới trong sản xuất cũng như nâng cao năng lực quản lý trong sản xuất nông nghiệp. Ông nhấn mạnh, Algeria phải đồng bộ giải quyết các thách thức năng lượng, nguồn nước với an ninh lương thực thông qua ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực có khả năng chuyên môn và các chuyên gia trong lĩnh vực này. Chỉ khi Algeria giải quyết trọn vẹn được các thách thức kể trên, nước này mới có thể trở thành một trong những nền kinh tế đầu tàu của khu vực Bắc Phi và châu lục.
FAO dự báo, với sự vào cuộc quyết liệt của nhiều quốc gia trong cuộc chiến chống tham nhũng, kinh tế tại một số quốc gia châu Phi đang có dấu hiệu phục hồi, là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp, lĩnh vực được dự đoán sẽ đạt giá trị lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Theo Quỹ Quốc tế cho phát triển nông nghiệp (IFDA), thế giới cần khẩn trương hành động để có thể huy động được khoảng 265 tỷ USD mỗi năm, là số tiền cần thiết để đạt được 2 mục tiêu phát triển bền vững đầu tiên nhằm hướng tới chấm dứt nghèo đói vào năm 2030.
Thiếu lương thực có thể gây rối loạn xã hội
Không chỉ ở châu Phi, các cuộc chiến đẫm máu ở nhiều khu vục; chiến tranh thương mại ngày một leo thang khi các bên đều tuyên bố “vẫn còn nhiều đạn” đã trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới khía cạnh an ninh lương thực. Con đường xuất nhập khẩu lương thực khi bị chặn lại đã giáng đòn chí mạng vào nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực ở cả những cường quốc kinh tế.
Lấy ví dụ ở Trung Quốc. Tuy là nước lớn với gần 1,4 tỷ người và 9,6 triệu km vuông đất đai, có công nghệ công nghiệp và nông nghiêp tiên tiến, song chính chiến tranh thương mại đang diễn ra với Mỹ khiến Trung Quốc bắt đầu khó khăn trong vấn đề lương thực.
Tại sao vậy? Hiện nay, diện tích đất có thể canh tác của Trung Quốc chiếm 9% toàn cầu, nhưng phải nuôi sống 1/5 dân số thế giới. Theo tính toán, Trung Quốc phải duy trì ít nhất 1,8 tỷ mẫu đất canh tác trồng cây lương thực thì mới đủ nuôi sống 1,4 tỷ người. Tuy nhiên, giới hạn đỏ này đã bị phá vỡ. Do nhu cầu của công nghiệp hóa và đô thị hóa, một lượng lớn đất canh tác đã được sử dụng để xây dựng nhà máy và nhà ở, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Tới nay, diện tích đất có thể canh tác của Trung Quốc còn chưa tới 1,5 tỷ mẫu, hơn nữa, 1/3 trong số đó lại bị ô nhiễm mưa a-xít.
Các chuyên gia dự đoán tới năm 2020, nhu cầu lương thực của Trung Quốc khoảng 700 triệu tấn, nhưng chỉ tự sản xuất được 554 triệu tấn, gần 200 triệu tấn còn lại phải nhập khẩu, đe dọa tới an ninh lương thực, bất chấp việc trước đó, vào năm 2006, Trung Quốc vẫn dư thừa lương thực và từng xuất khẩu 10 triệu tấn.
Theo các chuyên gia, nếu mức độ thiếu hụt lương thực khoảng 10%, xã hội đã có thể rơi vào tình trạng bất an. Trong trường hợp tỉ lệ thiếu hụt lương thực lên tới 30%, rối loạn có thể sẽ xảy ra.