Văn hóa cổ hồi sinh từ một nghệ nhân

Thứ Bảy, 14/02/2015, 20:15
Ngày nay, nhiều làng nghề đang dần bị mai một, thất truyền. Ở quê hương Kinh Bắc có một người nghệ nhân già bao năm nay ngày đêm miệt mài với hành trình đi tìm và giữ gìn vốn văn hóa cổ đặc trưng của dân tộc.

Rất may, trong hành trình tìm về nguồn cội, nghệ nhân đó đã ung dung, điềm nhiên bước vào cánh cửa nghệ thuật, thăng hoa trong sáng tạo để giữ lại nét rất riêng. Đã có một thời người ta lo lắng, sợ hãi khi tưởng rằng tranh Đông Hồ thất sủng.

Cách trung tâm Hà Nội gần 30 km, đi dọc bờ đê bao bọc sông Cầu nước đỏ nặng phù sa, những cánh đồng hoa cải vàng ruộm và từng thửa lúa non xanh mơn mởn, quê hương Kinh Bắc hiện ra với cảnh đẹp yên bình đặc trưng của  làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Từ trên đê phóng tầm mắt một bên là dòng sông đang dập dềnh cuộn sóng, thi thoảng một vài chiếc thuyền đi lại trên sông như những cánh chim hải âu đậu trên mặt nước lướt nhẹ.

Một bên là cánh đồng xanh với những thửa ruộng, rau xanh và cả hồ nước nhỏ. Chốc chốc trên con đường đó ta bắt gặp gốc đa to chắc nịch, xù xì như chứng nhân lịch sử có tự bao đời.

Cũng trên con đê đó ta thấy những ngôi đền, đình làng Việt, hiện hữu, nhập nhoạng trong ráng chiều ngày đông man mác buồn. Đi qua làng Sen Hồ đến làng Đông Hồ.

Gọi là làng Sen Hồ vì làng có nghề trồng sen, vào mùa hè những hồ nước ở đây hoa sen chen chúc nở, hương thơm mát ngạt ngào.

Đến địa phận của làng Đông Hồ bất giác nhớ đến câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm trong bài "Bên kia sông Đuống": “Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp/ Quê hương ta từng ngày khủng khiếp/ Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn/ Ruộng ta khô, nhà ta cháy/ Chó ngộ đầy đàn lưỡi dài lê sắc máu/ Mẹ con đàn lợn âm dương chia lìa đôi ngả/ Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã/ Bây giờ tan tác về đâu?...”.

Bài thơ được cố thi sĩ viết khi đất nước chìm trong trong khói lửa chiến tranh.

Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, làng Đông Hồ không còn nghề làm tranh nữa mà chuyển sang làm vàng mã. Đi ngoài đường trong những ngày giáp Tết lại càng thấy người người nhà nhà bày biện bán mua vàng mã tấp nập.

Cả làng Đông Hồ giờ chỉ còn sót lại hai nghệ nhân biết nghề tranh xưa không bỏ nghiệp tổ.

Đi trên đường đê ta bắt gặp một tấm bảng hiệu ghi "Xưởng tranh Đông Hồ  của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cách 20m".

Nhìn từ con đê xuống dinh cơ khang trang của người nghệ nhân già là một quần thể quy mô và tổng thể hài hòa.

Cả một khu đất rộng với những gian nhà mái ngói đỏ một tầng có kiểu kiến trúc đối xứng độc đáo.

Căn phòng đầu tiên khi chúng tôi bước vào gặp cụ già tuổi độ 80 vóc người nhỏ bé, đang lúi húi với từng thếp tranh tố nữ.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.

Ông cụ miệt mài, tỉ mẩn đưa tay phẩy nhẹ màu mực lên tranh. Gần đấy là cụ bà tóc trắng dáng vẻ đôn hậu, khoan thai đang cột chỉ lên trục gỗ.

Sau lưng cụ bà, vài chị đang hì hụi dập khuôn in hình. Cạnh đấy, cậu con trai cặm cụi đục đẽo khắc gỗ. Không khí xưởng tranh gia đình làm việc khẩn trương và chuyên nghiệp.

Cụ ông dừng nét bút vẽ, đứng lên mời khách tới bàn trà. Tại đây nhìn thấy vô số bằng khen, giấy khen treo kín bức tường của các cấp từ trung ương đến địa phương về cụ Nguyễn Đăng Chế với khả năng phục dựng tranh Đông Hồ.

Người con trai của cụ là Nguyễn Đăng Tâm cũng vừa mới được phong danh hiệu nghệ nhân từ tháng 11/2014.

Chỉ những bức do chính mình chế tác, vừa giữ được nét cổ của ngày hôm qua lại thêm phong thái hiện đại của ngày hôm nay, cụ Chế không khỏi tự hào.

Cụ bồi hồi nhớ lại kỷ niệm ngày nào xa lắm mà cứ ngỡ như mới hôm qua. Tất cả quá khứ về làng tranh Đông Hồ cứ dội về ngày một hiển hiện và rõ rệt sắc nét hơn.

Theo cánh tay của cụ Chế chỉ vào bức ảnh đen trắng phóng to đóng khung được treo ở vị trí trang trọng, cụ Chế cho biết, đây là bức ảnh của lão nhiếp ảnh gia Nguyễn An Ninh chụp không khí chợ bán tranh trước đình làng Đông Hồ vào năm 1938.

Theo lời của cụ Chế, làng Đông Hồ khi đó vô cùng tấp nập. Làng tranh nhộn nhịp nhất là vào tháng Chạp. Lúc đấy người ta mua tranh để cầu vận may đầu năm.

Có sáu phiên chợ diễn ra trong những ngày này, bắt đầu từ ngày 1 tháng Chạp và cứ thế năm phiên chợ còn lại cứ cách 6 ngày lại có một phiên. Ngày mồng 1, ngày mồng 6, 11, 16, 21, 26 chợ tranh tấp nập ở trước đình làng Đông Hồ.

Sau này làng tranh Đông Hồ ngày càng mai một đi cùng với nhiều làng tranh khác. Như ở Hà Nội có 36 phố phường, tranh phố Hàng Trống nổi tiếng với tranh in khắc gỗ phẩm thờ, ngoài tranh treo, còn có tranh để cúng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế bên bức tranh dân gian Đông Hồ.

Ở Hà Tây có làng Kim Hoàng làm tranh treo Tết, in trên nền giấy đỏ. Ở Bắc Ninh nổi tiếng tranh Đông Hồ được chế tạo hoàn toàn bằng các nguyên liệu tự nhiên.

Ký ức về tranh của ngày xưa giờ chỉ còn là kỷ niệm. Chẳng ai còn nhớ rõ tranh thờ từ các nghệ nhân phố Hàng Trống đã thất truyền từ khi nào, chỉ biết rằng ngày nay tuyệt nhiên không còn ai nhắc đến tranh thờ phố Hàng Trống nữa.

Người ta chỉ tìm còn lại chút dư âm ngắn ngủi và ít ỏi từ những câu chuyện của các cụ kể lại hay từ cuốn sách về làng nghề truyền thống của Hà Nội 36 phố phường.

Làng tranh Kim Hoàng ở Hà Tây giờ cũng chẳng còn bóng dáng. Giờ đây người ta chỉ còn nhớ đến làng tranh nức tiếng một thời trong tâm tưởng.

Thoát ly gia đình từ nhỏ, người con Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế lên Hà Nội học ở Trường Mỹ nghệ Đông Dương (năm 1960 đổi tên thành Trường Mỹ thuật Công nghiệp). Ông có 31 năm làm ở Nhà xuất bản Văn hóa.

Năm 1972, Bộ Văn hóa có đề xuất xuất bản tranh Đông Hồ tết, thế là ông đi sưu tầm tranh Đồng Hồ. Vốn có kiến thức với nghề tranh lại có ký ức về miền quê luôn nằm trong tâm khảm, hình ảnh tranh Đông Hồ ngày càng hiện ra rõ nét.

Trăn trở vật vã với nguy cơ làng tranh quê hương đứng trên bờ vực thất truyền, những buổi đi tìm tranh Đông Hồ càng dấy lên trong ông một cảm giác khó tả.

Sau những buổi cất công đi tìm tranh, phân loại, xuất bản thì tình cảm ông dành cho tranh ngày càng lớn dần theo năm tháng. Để rồi đến một ngày khi về hưu, ông lại về làng quê yên bình ngay cạnh Hà Nội để sinh sống.

Lúc này không còn làng tranh đặc trưng nức tiếng một thời mà thay vào đó là nhiều gia đình trong làng chuyển sang nghề vàng mã.

Nghề này xem ra thức thời và có thu nhập cao. Sau rất nhiều trăn trở, ông Chế quyết định một mình tìm ra "ánh sáng phía cuối đường hầm".

Dồn hết vốn liếng, ông thuê khu đất của xã với thời gian 50 năm làm xưởng sản xuất tranh để khôi phục lại cái nghề từ lâu đã dần thất truyền.

Ông đến gõ cửa từng nhà trong làng hỏi xin mua lại những bản khắc gỗ quý từ thời xưa. Những bản khắc gỗ đó có nhà còn, nhà mất.

Có nhà nhiều năm không động đến, bản khắc gỗ nằm trong gia đình chỉ như đồ vật cũ vô tác dụng chẳng ai ngó ngàng, hoặc giả người ta có trân quý thì cẩn thận cất vào một góc tủ.

Khi thấy ông Chế hỏi mua những bản khắc gỗ có người nhìn ông ái ngại, người khích lệ động viên. Họ không hiểu ông sẽ làm gì với những bản khắc gỗ đó.

Không ít người thở dài: "Sự đời đâu đơn giản. Từ ý thích và thực hành là hai câu chuyện khác xa nhau. Một người già đã đến tuổi về hưu thì còn có thể làm được gì?!".

Dần qua những tháng ngày vất vả, cực nhọc, ông Chế vẫn kiên trì, miệt mài, say sưa, tìm tòi cộng hưởng những bản khắc gỗ cũ và mới ngày càng nhuần nhị, thành thục hơn.

Đã có thất bại và đã nếm trải dắng cay. Bao nhiêu tiền ông dồn cả lại để phục hồi nghề tranh Đông Hồ. Vậy nhưng,  tranh không dễ bán, không phải ai cũng thích. Lãi đâu chẳng thấy, số tiền rồi cũng cạn dần, thâm lẹm cả vào tiền làm ra sản phẩm.

Cái sự hao hụt đấy khiến cho ông phải suy tính: Hoặc là đi tiếp, hoặc là mất trắng. Cuối cùng ông chọn con đường đi phía trước.

Cũng may, một lần trong cuộc triển lãm ông bảo con trai mang tất cả tranh trong nhà đến. Khi những bức tranh được mang đến, ai nấy đều tỏ ra vô cùng thích thú như thể họ vừa sờ lên kỷ vật tại vùng quê  nức tiếng làm tranh một thời.

Sau này cả gia đình ông đều tham gia vào công tác hoàn thiện tranh. Ông Chế có 4 người con trai và 1 cô con gái.

Vậy là cả gia đình con trai, con gái, con dâu, con rể và cả người phụ nữ đã gẵn bó với ông qua bao khó khăn đều được huy động để khôi phục lại nghề truyền thống gia đình.

Cụ Chế giờ đã qua cơn bĩ cực, tươi tỉnh nói, cụ là đời thứ 20 được ghi rõ trong gia phả của dòng họ về làm tranh Đông Hồ.

Các con của cụ là đời thứ 21. Tranh Đông Hồ của cụ khi xuất xưởng, chu du sang cả trời Âu xa xôi và được du khách khắp nơi đón nhận nhiệt tình.

Người nước ngoài khi tìm về vốn văn hóa cổ truyền Việt Nam họ cũng không quên đến vùng quê Kinh Bắc tìm về xưởng tranh của cụ Nguyễn Đăng Chế.

Tháng giáp Tết được xem là bận rộn nhất trong năm. Không khí Tết cổ truyền lùa vào thời gian, không gian, đời sống sinh hoạt của con người.

Từng đoàn khách về làng tranh Đông Hồ ghé đến xưởng tranh bề thế duy nhất của ngôi làng đã đi vào sách khi xưa về một làng nghề truyền thống có một không hai.

Cụ nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cặn kẽ giới thiệu cho mọi người từng bức tranh in trên nền giấy dó. Du khách tấm tắc xuýt xoa lẫn trầm trồ thán phục.

Người Việt đến xưởng tranh ngắm nghía những bức tranh của ông họ cảm giác như được sống lại kỷ niệm ngày thơ bé mà có một thời tranh Đông Hồ được bày bán ở phố phường Hà Nội vào phiên chợ Tết Nguyên đán hàng năm.

Du khách nước ngoài đến xưởng của cụ nghệ nhân tò mò, lạ lẫm về một nét văn hóa, vẽ tranh độc đáo của người Việt.

Chất liệu thô sơ mà tạo nên bức tranh sống động tinh tế đến kỳ lạ. Màu sắc  bền đẹp vượt thời gian, mà cái hay của tranh Đông Hồ đều làm từ chất liệu thiên nhiên nguyên sơ 100%.

Những câu chuyện về đời sống sinh hoạt làng quê phong phú cũng được tải vào mỗi hình ảnh sinh động trong các bức tranh.

Chỉ còn ít ngày nữa thôi là đến Tết Nguyên đán, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế lại lom khom bên hàng chồng tranh từ những bức tranh phong cảnh tùng, cúc, trúc, mai hoặc tranh lịch sử về Đức thánh Trần, hay các tướng lĩnh tài ba của dân tộc Việt như Ngô Quyền, Lý Nam Đế…

Bên những bức tranh lịch sử còn có cả những bức tranh tố nữ cổ xưa dịu dàng e ấp bên cây đàn dân tộc… Nội dung phong phú, đa dạng để khách có thể tùy cơ lựa chọn.

Những ngày này xưởng tranh ngày nào cũng có các đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế từ lâu đã coi nhà mình là minh chứng cho hồn cốt của một văn hóa cổ đang được hồi sinh, lan tỏa. Cụ bảo: "Cả năm, trừ ngày mồng một Tết, còn lại  xưởng tranh này ngày nào cũng đón khách".

Khi chúng tôi từ biệt cụ ra về, lại một đoàn khách Hàn Quốc đến với xưởng tranh, trong nhóm khách du lịch đó có một phụ nữ khoảng ngoài 40 tuổi ngồi trên xe lăn, được người nhà đẩy chầm chậm vào trong căn phòng vừa đủ rộng để chiêm ngưỡng các bức tranh.

Bà nói khó nhọc nhưng ánh mắt vẫn không rời khỏi các bức tranh lạ lẫm mà bà chưa từng nhìn thấy bao giờ...  Cụ Chế lại hoan hỉ giới thiệu…

Mỹ Trân
.
.