Văn hóa dân gian hồi sinh từ một ngôi làng

Thứ Sáu, 14/08/2020, 08:17
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung đã hồi sinh âm nhạc truyền thống nơi đây bằng việc truyền dạy miễn phí các loại hình xẩm, chèo cổ, chầu văn, hát văn... cho các thế hệ người dân trong làng Mọc Quan Nhân…

Làng Mọc Quan Nhân (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) từ lâu đã được biết đến là một trong những “cái nôi” của âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên, do thời buổi kinh tế thị trường mà hoạt động văn hóa, văn nghệ nơi đây đã dần bị mai một.

Rất may, trong khoảng 20 năm trở lại đây, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung đã hồi sinh âm nhạc truyền thống nơi đây bằng việc truyền dạy miễn phí các loại hình xẩm, chèo cổ, chầu văn, hát văn... cho các thế hệ người dân trong làng. Mới đây, bà là nghệ nhân xẩm duy nhất được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.

Đến với nghệ thuật hát xẩm

Nghệ nhân ưu tú Kim Dung sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Cha của bà chính là nghệ nhân nức tiếng thành Nam Phan Đức Hậu, một người nông dân yêu say đắm các loại hình âm nhạc truyền thống như chèo, xẩm... Chính người cha đã truyền dạy cho cô bé Dung tỉ mỉ từng câu, từng chữ trong cách lấy hơi, nhả chữ, đặc biệt, cụ còn dặn con gái trước khi ra hát hãy cắt lát chanh nhỏ cho vào cổ họng mà đến giờ bà vẫn còn áp dụng.

Nghệ nhân ưu tú Kim Dung biểu diễn trong một chương trình do Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội ghi hình.

Ngày ấy mỗi khi thấy cha đội nón mê, kéo ống bò đi hát xẩm ở chợ quê là cô bé Dung lại năn nỉ xin theo và cứ thế cô đã thuộc lòng một số bài hát xẩm đơn giản do người cha truyền dạy. Một lần nghe tin Đoàn chèo Nam Định mời nghệ nhân Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “báu vật” của xẩm đến Nhà hát 3-2 để dạy hát cho các nghệ sĩ trong đoàn, Kim Dung liền đi bộ mấy chục cây số đến xem.

Khi đang thập thò ngoài cửa thì nghệ sĩ Lê Huệ, khi ấy là trưởng đoàn với “con mắt nghề” của mình đã nhận thấy tình yêu lớn lao của cô bé gầy gò, đen nhẻm nên cho phép vào học ké. Lớp học kéo dài một tuần và đến bây giờ, khi đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng bà vẫn nhớ như in hình ảnh người nghệ nhân số 1 của nghệ thuật xẩm miệng ăn trầu, tay kéo nhị, chân đập phách và cả cách hát âm ư, nhấn nhá đầy điêu luyện, cuốn hút.

“Cụ Cầu đã dạy cả lớp hát xẩm thập ân, xẩm nhị tình lời cổ... còn chúng tôi thì phải cố gắng lắng nghe bởi hồi ấy làm gì có thiết bị ghi âm để ghi lại. Cũng chính vì tập trung cao độ như thế mà lúc nào tôi cũng cảm tưởng tiếng của cụ cứ văng vẳng bên tai, nhắc nhở bản thân phải tiếp tục công việc giữ gìn, tiếp nối nghệ thuật hát xẩm. Hiện nay, cũng là một bài hát có người hát kiểu này, người hát kiểu khác nhưng cái cốt lõi mình phải giữ được lề lối của các cụ để lại, không chỉ trong câu hát mà trong cách luyến láy, kỹ năng”, nghệ nhân Kim Dung nhớ lại.

Đĩa nhạc hát chèo - hát văn của Nghệ nhân ưu tú Kim Dung.

Khi đến tuổi trưởng thành, dù làm việc trong một nhà máy gia công cặp sách, mũ ở thành phố Nam Định, thế nhưng vì có năng khiếu âm nhạc bà hầu như không phải làm chuyên môn mà chỉ tập trung luyện tập những tiết mục văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ, công nhân viên trong nhà máy. Trong một cuộc thi của ngành nội thương được tổ chức tại Nghệ An, bà tham dự và giành Huy chương vàng với bài xẩm “Nghị quyết Đảng ta”. Mặc dù không hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp nhưng cuộc đời Kim Dung đã gắn bó với âm nhạc truyền thống như một sợi chỉ đỏ không thể tách rời.

Bà sở hữu một giọng hát đặc biệt mà theo đánh giá của người thầy lớn của âm nhạc dân tộc, đặc biệt là xẩm - Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch thì “hát tốt, hay, giọng sang nhưng đôi khi cẩn thận quá”. Thầy Xuân Hoạch nhận xét cô học trò “cẩn thận quá” là bởi với tinh thần cầu tiến, bà luôn tận dụng mọi lúc, mọi nơi để hỏi thật kỹ càng, tỉ mỉ những câu hát xẩm sao cho đúng với ca từ và lề lối của các cụ để lại.

Ươm những mầm xanh

Tuy nhiên, nếu chỉ giữ khư khư vốn âm nhạc cho bản thân thì âm nhạc truyền thống không thể trường tồn, lan tỏa được. Bởi thế, lúc nào bà cũng đau đáu với việc truyền dạy cho những người yêu âm nhạc truyền thống, đặc biệt là giới trẻ. Mong ước ấy của bà chỉ được thực hiện khi về sinh sống tại làng Mọc Quan Nhân, bởi đó là thời gian bà đã nghỉ hưu nhưng hơn hết, bà nghĩ đây là mảnh đất có truyền thống văn nghệ lâu đời đã bị mai một thì tại sao mình không gây dựng lại?

Nghệ nhân ưu tú Kim Dung truyền dạy cho các em nhỏ.

Nghĩ là làm, năm 2009, bà đã thành lập câu lạc bộ Dân ca và chèo làng Mọc Quan Nhân với số hội viên ban đầu là 14 người, tính cả 1 chủ nhiệm, 2 phó chủ nhiệm và 2 người trong ban cố vấn.

“Bất kể nơi nào cần truyền dạy là tôi sẵn sàng đến. Đa phần học viên của tôi là các chị em công nhân viên chức về hưu, cũng có người là nông dân tay cày tay cuốc nhưng nghe tiếng hát chèo, hát xẩm là người ta thích lắm, mê lắm. Điều làm tôi hạnh phúc là mỗi ngày lại có thêm nhiều người biết đến và tham gia lớp. Tôi chỉ tiếc thời gian còn lại của mình không nhiều nên nhiều lúc cứ nghĩ mình phải chạy đua với nó để cố gắng làm được điều gì đó cho cuộc đời này”, nữ nghệ nhân trải lòng.

Từ lớp đầu tiên gồm 30 em trong độ tuổi từ 8-14, nhiều em hiện nay đã trưởng thành, mặc dù không theo chuyên nghiệp nhưng các em vẫn giữ mãi “ngọn lửa” tình yêu với âm nhạc truyền thống để thấy cuộc đời đẹp hơn, thú vị hơn, ý nghĩa hơn.

Nghệ nhân Kim Dung vừa dạy nhưng cũng vừa động viên phụ huynh rằng: “Các anh chị nên cho các cháu học để sau này chúng trưởng thành đi làm thì cũng có sự tinh tế, đi làm cơ quan mà nghe được giọng hát xẩm, hát chèo cổ thì thích lắm”.

Nguồn học sinh của lớp học còn được nhân thêm khi lãnh đạo quận Thanh Xuân thường xuyên tổ chức thi tuyển học sinh có năng khiếu trong các trường cấp 1 trên toàn quận. Lần đầu tiên, quận đã tuyển được 190 em. Phương pháp của bà là dạy những bài xẩm dễ như xẩm tàu điện, xong dần dần mới đưa cái khó như xẩm huê tình, trống quân, thập ân.

Các em phải học từng làn điệu một, thông thường mỗi làn điệu học trong một tháng, khi chuyển bài mới phải kiểm tra lại bài cũ. Nhưng, âm nhạc dân tộc lại là môn học phải có năng khiếu thực sự mới tham gia được nên trong quá trình đào tạo, bà cũng thường xuyên sàng lọc, động viên để những em có năng khiếu vươn lên còn những em không có năng khiếu sẽ hướng đến những môn học khác phù hợp hơn.

Hiện nay, bà con và trẻ em làng Mọc ngày ngày rôm rả bên tiếng đàn, tiếng hát. Các lớp cứ nối tiếp được mở ra, lớp nọ kế lớp kia, dường như việc học hát đã trở thành phong trào. Mọi người hăng say đến lớp học với mong muốn được học những câu hát truyền thống, để vực dậy một mảnh đất giàu truyền thống âm nhạc xưa kia.

“Có những em đến với lớp xẩm khi mới học lớp 2. Lại còn có em hỏi tôi nghệ thuật truyền thống là gì hả bà? Thế nhưng, những bỡ ngỡ thuở ban đầu mau chóng qua đi, các em đã dần biết và yêu mến âm nhạc truyền thống. Tôi cứ quan niệm trẻ con như một tờ giấy trắng nên mình phải dạy tỉ mỉ, tròn vành rõ chữ, cách lấy hơi, nhả chữ, các dấu chấm, dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng... rồi đến cách cầm phách, nếu sai một nhịp phách cũng phải làm lại thì mới nhớ. Nhiều em còn ghi âm để về nhà cùng tập hát với bố mẹ”, nghệ nhân Kim Dung chia sẻ.

Trong cuộc trò chuyện với tôi hôm nay, bà xúc động khi nhắc đến những người học trò kém may mắn trong cuộc sống, đó là những em khuyết tật nhưng vẫn đam mê âm nhạc truyền thống. Bà hồ hởi cho biết, vừa qua bà dạy 3 em tại Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân hát, múa. Khi đã thành thục một vài tiết mục, các em đã gửi clip dự thi và sắp tới sẽ sang Ấn Độ biểu diễn chính thức. Trước đó, học sinh khuyết tật của bà đã được vào hát tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam.

“Dạy những em khuyết tật, ban đầu tôi đã khóc, bởi các em với chân tay cứng đờ, khuôn mặt ngờ nghệch nhưng vẫn đam mê múa hát, thậm chí có em từ Lạng Sơn xuống học. Điều đó đã truyền động lực cho tôi tiếp tục với công việc đầy ý nghĩa này”, nữ nghệ nhân chia sẻ.

Không chỉ phục vụ đời sống tinh thần cho người dân nơi đây, câu lạc bộ còn gặt hái được nhiều thành công trong các cuộc thi văn hóa văn nghệ như: Huy chương vàng trong Hội thi hát văn và hát chầu văn khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất tại Vĩnh Phúc năm 2010; Giải Nhất trong Liên hoan hát văn do Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức năm 2012... Riêng cá nhân nghệ nhân Kim Dung, kể từ năm 2015 khi được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, bà đã gặt hái được 2 Huy chương vàng trong các hội diễn do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức và 3 giải A trong các cuộc thi do UBND thành phố Hà Nội tổ chức.

Vẫn chưa hết trăn trở

20 năm sinh sống, gắn bó với mảnh đất làng Mọc Quan Nhân, nhiều cụ cao niên trong làng đã gọi nghệ nhân Kim Dung là “con gái của làng”, bởi những cống hiến hết sức to lớn trong việc vực dậy âm nhạc truyền thống. 11 năm đồng hành với câu lạc bộ, dù không có một khoản thù lao nào cho việc truyền dạy, dù bị nhiều người gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng nghệ nhân Kim Dung không lấy đó làm buồn, cũng chưa bao giờ bà muốn bỏ cuộc.

Nghệ nhân ưu tú Kim Dung tâm huyết ở tuổi 70.

Ngược lại, bà thấy vui khi được mang những lời ca tiếng hát phục vụ cho dân làng, tạo được sân chơi bổ ích cho bà con. Và còn ý nghĩa biết bao khi gieo được niềm say mê âm nhạc cổ truyền cho các em nhỏ nơi đây.

Gặp bà trong những ngày hè oi ả khi các em nhỏ đã tạm biệt mái trường để về nghỉ ngơi bên tổ ấm gia đình nhưng đó lại là thời gian bà bận rộn hơn. Nghỉ hè, các em còn đề nghị bà dạy thêm buổi. Mặc dù năm nay đã bước vào tuổi 70 nhưng bà vẫn vui vẻ đồng ý, bởi với bà hạnh phúc là được truyền nghề.

“Trẻ con bây giờ có nhiều thứ để quan tâm. Chúng bị cuốn vào những trò chơi điện tử, dòng nhạc mới chứ nào để ý đến chèo, đến xẩm, đến hát văn hay múa sinh tiền. Tuy nhiên, nếu không truyền dạy cho các em thì âm nhạc truyền thống sẽ có nguy cơ thất truyền, tâm hồn các em liệu có hướng về cội nguồn dân tộc hay không?”.

Những trăn trở ấy cứ thôi thúc bà dốc hết “vốn liếng” đã tích lũy trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình để sẻ chia, lan tỏa, truyền tình yêu và lòng đam mê cho các em. Đó là cách khơi dòng chảy cho văn hóa dân gian trong đời sống đương đại để nó có một con đường đi của riêng mình.

Ngô Khiêm
.
.