Văn hoá hay phản văn hoá?

Chủ Nhật, 30/09/2007, 20:30
Sau khi lên tiếng về văn hóa "chát" trên truyền hình mà trực tiếp qua chương trình "Đêm trắng" của kênh VTC, khán giả đã không còn phải mục sở thị những dòng chữ "chướng tai gai mắt" mà có lẽ nội dung của nó chỉ biết diễn tả trong hai từ "quá phô" chạy trên đường băng ôm lấy phía dưới màn hình. Thế mà chuyện này giờ lại lặp lại ở một số kênh truyền hình.

Có lẽ “chát” qua truyền hình là một khởi xướng đầy “sáng tạo” của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC cho hàng loạt các kênh truyền hình khác noi theo.

Bởi xét đến cùng đây cũng là  một trong những “chiêu” thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ theo dõi chương trình. Chưa kể đến đó cũng có thể là phương thức “rút hầu bao” của khán giả.

“Chát” qua truyền hình được thực hiện dễ dàng. Qua một tổng đài đã định sẵn, khán giả nhắn một nội dung dưới hình thức tin rồi gửi đến tổng đài đó.

Sau khi nhận được tin, tổng đài này sẽ “bắn” nguyên cả nội dung tin vừa nhận lên màn hình để cho người nhận có thể đọc được. Khi đã đọc được nội dung tin ấy, người nhận có thể hồi âm hoặc không bằng chính hình thức như người gửi vừa gửi cho mình và rồi nhà đài lại “bắn” lên hình.

Tóm lại, truyền hình có thể hiểu như  phương tiện dùng để “chát” trên truyền hình, vô tuyến được dùng làm phương tiện và cả thiên hạ biết những gì giữa những người đang “chát” với nhau.

“Chát” xét về bản chất chẳng có gì xấu, thậm chí mang nhiều tiện ích cho người sử dụng như thư giãn đầu óc, trao đổi thông tin nhanh... Kể cả khi “chát” mang nội dung “nghịch nhĩ” thì cũng chỉ những người chát tự “hưởng” với nhau.

Tuy nhiên, chát trên truyền hình có thể hiểu cách nói chuyện đó đang diễn ra ở chốn đông người, giữa “thanh thiên bạch nhật”. Vì vậy nội dung “chát” sao cho văn hóa và khiến người bên ngoài nếu phải chứng kiến  cũng chấp nhận được. Vậy mà những yếu tố cơ bản như vậy nhiều khi lại không được thể hiện qua chát truyền hình, thậm chí còn ngược lại. Ở đây đáng trách đầu tiên phải là những người tham gia “chát”.

Thế nhưng bên cạnh đó, cũng phải nói đến trách nhiệm của nhà đài. Là một cơ quan văn hóa và quan trọng hơn là tuyên truyền, phổ biến văn hóa, đáng lẽ khi đưa tin nhắn lên sóng, nhà đài phải kiểm duyệt, biên tập kể cả đó là nội dung chỉ nằm trong một chương trình giải trí nhỏ.

Đằng này chắc chắn do không thực hiện những khâu cơ bản như vậy nên mới có chuyện “gi gỉ gì gi” nội dung tin nhắn kiểu gì cũng đưa lên một cách “tạp pí lù”. Mà làm như vậy có khác nào cơ quan văn hóa “cổ xúy” cho những việc làm phi văn hóa.

Đối với những người trực tiếp nhắn tin, những tin như vậy không sao, không tác động gì đến trạng thái, tâm lý của họ. Nhưng với “bàn dân thiên hạ” làm sao bắt người ta phải chứng kiến những chuyện “chướng tai” như vậy.

Như Đài Truyền hình Việt Nam có chương trình cổ động cho Đội tuyển Bóng đá Việt Nam trong giải Asian Cup dành cho khán giả theo dõi truyền hình thông qua hình thức nhắn tin. Về ý nghĩa đây có thể coi là chương trình cổ vũ rất lớn cho tinh thần chiến đấu của Đội tuyển Việt Nam đồng thời khơi dậy lòng nhiệt huyết của khán giả không chỉ đối với thể thao Việt Nam mà còn đối với cả chương trình thể thao của nhà đài.

Tuy nhiên, chỉ vì những tin nhắn mang nội dung không được kiểm duyệt nên đã làm chương trình trở nên như một trò đùa và mất đi sự sang trọng. Chưa nói đến là khán giả tham gia chương trình này một cách nghiêm túc còn như bị coi thường.

Chẳng hạn, trong những tin nhắn rất ý nghĩa gửi cho các tuyển thủ Việt Nam thông qua tổng đài 8730 như: “Vì màu cờ sắc áo của Việt Nam, các anh hãy cố lên” hoặc: “Không cần kết quả như thế nào, các anh cứ chơi hết mình là được”... tự nhiên có một tin lạc lõng chẳng hiểu đầu cua tai nheo như thế nào: “Em là Trang đây. Em yêu anh. Hôn anh!”.

Trong chương trình nhắn tin ủng hộ đội tuyển Bóng chuyền Việt Nam hướng tới SEA Games thông qua tổng đài 8733 cũng có những tin nhắn tương tự. Nào là “Trang ơi (không hiểu trong Đội tuyển Bóng chuyền nữ có ai tên Trang không), anh yêu em nhiều. Anh không thể xa em...”.

Hay: “Tôi đã nhắn cả chục tin rồi, tin này nữa mà không được là tôi đi ngủ”... Hầu hết những tin nhắn nhố nhăng đều tập trung vào đề tài... yêu đương. Mà những tin nhắn như vậy có khác nào đang mục kích một trận đấu hấp dẫn nhưng tự nhiên khán giả phải chứng kiến cảnh một cổ động viên lột hết quần áo chạy lõa thể ra sân. Và kiểu cổ động này cả Tây lẫn Đông chẳng nền văn hóa nào chấp nhận được.

Mới đây, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC còn tổ chức một chương trình “chướng” chẳng khác gì những tin nhắn trên. Chương trình này có thể hiểu nôm na là “bói” số điện thoại. Nghĩa là người tham dự gửi đến tổng đài 8430 số điện thoại kèm theo họ, tên, ngày tháng năm sinh... để nhận được những thông tin bất ngờ, “thú vị” về “hậu vận” của họ từ chính số điện thoại họ đang sử dụng (?!).

Trong khi ngành văn hóa đang bằng mọi cách bài trừ mê tín dị đoan thì Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức chương trình đó phải chăng muốn cổ xúy và đi ngược lại mục đích do ngành văn hóa đặt ra?

Hay là thông qua chương trình này, Đài Truyền hình VTC muốn làm giàu thêm ngân quỹ bằng cách rút hầu bao của khách hàng nhắn tin để “ăn chia” với nhà cung cấp dịch vụ - một hình thức mà Đài Truyền hình VTC vẫn thường áp dụng lâu nay?

Xung quanh chuyện “chát chít”, nhắn tin hiện nay nói chung có nhiều vấn đề cần bàn đến, đặc biệt là văn hóa. Sự phát triển của công nghệ tin học đã mang lại hữu ích cho cuộc sống nhưng thực sự cũng đã kéo theo nhiều mặt trái.--PageBreak--

Điển hình như những chuyện vừa nêu và cả chuyện ngôn ngữ sử dụng hiện nay. Nếu là người “ngoại đạo” và rất yêu tiếng Việt, bạn sẽ kinh hoàng về ngôn ngữ “chat” hiện nay. Sự trong sáng và phong phú của tiếng Việt trong việc diễn đạt dường như bị bóp méo đến mức... dị dạng trong ngôn ngữ “chat”.

Bao nhiêu từ ngữ chính thống trở nên như tiếng... lóng để rồi người đọc “toét mắt” vì phải dịch từ tiếng sang... tiếng Việt. Chẳng hạn “Tôi bít rùi” (tôi biết rồi); “Bùn wá” (buồn quá); “u thế nào” (bạn thế nào) vụngzui 0" (vui không)...

Tuy nhiên, đó vẫn còn là ngôn ngữ dễ dịch do từ gốc không bị biến dạng nhiều. Chứ đọc cả đoạn thế này, không phải dân “chatter” biết hiểu thế nào: “Nguôn wóa. Cúa nhều đồ eng nguôn woa” (Ngon quá. Có nhiều đồ ăn ngon quá), hay: “Con roát tiếc lè con còn phải đi học nên hong cóa thời gian nấu cơm cho Papa, Mama đâu. Zì zậy nhè mình mới kím osin đi Ma” (con rất tiếc là con còn phải đi học nên không có thời gian nấu cơm cho bố, mẹ đâu. Vì vậy, nhà mình nên kiếm osin đi mẹ”...

Không chỉ “biến tấu” dựa trên từ gốc mà ngôn ngữ @ của dân “online” còn đưa cả tiếng Anh vào sử dụng. Song tiếng Anh đó không được sử dụng nguyên gốc mà cũng biến thành “dị hợm” kiểu như trên dưới sự “sáng tạo” của “chatter”.

Ví dụ: “G9” dựa trên chữ “good night” để dân chat nói với nhau câu “chúc ngủ ngon”; hoặc “CU 29” nghĩa là hẹn gặp nhau tối nay - dựa trên cách nói tắt “see you tonight”...

Tuy nhiên, tất cả ngôn ngữ ấy vẫn chưa thể hiện hết “tinh hoa” của dân “chat” mà muốn biết thực sự có phải dân chat “xịn” và sành điệu hay không phải dựa trên sự “phá cách” khác về ngôn ngữ. Sự phá cách ấy chính là cách gieo vần giữa các từ trong một câu nói.

Ví dụ “lại Jôn Lê-nôn rùi” (từ gốc là tên của ca sĩ John Lenon”, ý muốn nói lại bị “nôn” rồi. Hay “Chán như con gián ăn bánh rán”; “nghèo như Chí Phèo đi vớt bèo”... Nói chung có rất nhiều cách để dân “chat” dựa vào đó “sáng tác” ra ngôn ngữ của riêng mình.

Thế nhưng ngôn ngữ ấy chắc chắn do chính dân “chat” sinh ra không thì câu trả lời cho thắc mắc đó là không. Bởi chỉ dựa trên cơ sở: dân chat thường xuyên sử dụng ngôn ngữ ấy khi online thì nhiều người võ đoán như vậy.

Còn ai là cha đẻ của ngôn ngữ này và nó được sinh ra lúc nào, thực tế không ai biết. Chỉ biết rằng nó có sức lan tỏa rất nhanh và vượt ra khỏi cả lãnh giới “chat” để trở thành ngôn ngữ đời thường của một số người. Như “Giôn Lê-nôn” chẳng hạn, trước “thành quả” của một chầu nhậu nhẹt tới bến hoặc bị say xe tới mức nôn mửa là cụm từ đó được sử dụng lập tức.

Và khi ngôn ngữ chat trở thành ngôn ngữ đi sâu vào đời thường như vậy thì việc ảnh hưởng của nó tới sự lành mạnh, thậm chí làm “tha hóa” tiếng Việt là chuyện không thể lường trước.

Nhất là khi giới trẻ, đặc biệt là lớp học sinh, sinh viên đang là đối tượng chính sử dụng ngôn ngữ này hiện nay. Thử hình dung do thói quen “chat”, học sinh sử dụng phổ biến ngôn ngữ @ và thậm chí đưa cả vào sách vở của các em.

Mà như vậy, mấy chốc tiếng Việt không trở thành ngôn ngữ “thổ tả”. Vì học sinh, sinh viên là lực lượng “xung kích” mạnh mẽ nhất trong việc  “lan tỏa” ngôn ngữ hiện nay.

Cũng có một vấn đề nữa mà chúng ta không thể xem thường, đó là tình trạng quảng cáo tràn lan các trò chơi điện tử trên sóng truyền hình. Trong lúc cả ngành văn hóa và xã hội đang tìm đủ mọi cách để hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của việc thanh thiếu niên bỏ học, bỏ hành lao đầu vào chơi điện tử, thì lại có đài truyền hình kỹ thuật số như VTC lấy việc quảng cáo này như là "nguồn thu nhập chính".

Một đằng thì ra sức vận động, giáo dục, thậm chí có cả các chế tài nhằm hạn chế thời gian mở cửa của các quán chơi games, còn một nơi thì ra sức quảng cáo, cổ vũ, khuyến khích... Thật đúng là chúng ta cứ "cầm dao tay phải chặt tay trái".

Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa thông tin, hiện nay những nội dung liên quan đến Internet thực sự ngành văn hóa rất khó quản lý chặt chẽ, đặc biệt là với những nội dung mang đặc thù cá nhân của người sử dụng như blog, chát...

Bởi thứ nhất do trình độ kỹ thuật càng hạn chế; thứ hai do quy định không xâm phạm thư tín, nội dung mang tính chất cá nhân... Mà trực tiếp việc bóp méo tiếng Việt trong ngôn ngữ “chát” rất khó “quy” nói vào điều khoản nào trong việc phạm luật nên không thể can thiệp vào lĩnh vực này bằng pháp luật.

Vì vậy cuối cùng chỉ có thể trả lại sự trong sáng của tiếng Việt trong ngôn ngữ “chát” bằng cách kết hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội dưới hình thức tuyên truyền, phổ biến... cho học sinh, sinh viên nói riêng và các “chatter” nói chung.

Còn trước vấn đề “bắn” tin nhắn có nội dung thiếu lành mạnh, không phù hợp với văn hóa Việt Nam lên màn hình ở một số kênh truyền hình, ông Thành cũng cho biết, không cứ quảng cáo mà việc “chạy”  nội dung ở đường bo phía dưới màn hình đều coi là sai phạm.

Một số đài truyền hình đã bị nhắc nhở, thậm chí xử phạt mang tính cảnh cáo về điều này mới đây. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tái diễn, ông Thành cho biết sẽ xử phạt nghiêm khắc những trường hợp như vậy.

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, thiết nghĩ các “nhà đài” phải đi đầu và nên có biện pháp nhằm ngăn chặn những thứ ngôn từ nhố nhăng thiếu văn hóa. Chả lẽ chúng ta lại dùng sóng truyền hình để quảng bá cho một thứ... phản văn hóa như thế hay sao?

Duy Hưng
.
.