Văn hóa ly hôn thời @

Thứ Bảy, 11/04/2015, 14:20
Trong đại đa số các trường hợp ly hôn, người ta không sống được với nhau vì không phù hợp, chứ không hẳn là chuyện ai đúng, ai sai. Vì rất nhiều người sau đó lại kết hôn và sống hạnh phúc cùng người khác. Phải chăng với người cũ họ sai, còn với người mới thì họ đúng? Chẳng qua là có người phù hợp, chấp nhận được nhau và ngược lại… Trong câu chuyện đối xử với nhau, giữa người với người, văn hóa bao giờ cũng là cái gốc cho mọi hành xử!

Tự biến thành… "thức nhắm" cho thiên hạ

Sáng sớm, cậu em họ gọi điện cho tôi giọng đầy hoảng hốt: "Chị ơi, vợ em nó đòi ly hôn". "Tưởng gì, cô ấy đòi ly hôn lần này là lần thứ mấy chục?". "Lần này nghiêm trọng hơn chị ạ. Cô ấy vừa post lên Facebook rồi”. "Cậu tìm cách làm lành cho khéo, đâu lại vào đấy cả thôi. Những chuyện lặt vặt như của cô cậu nhà nào chẳng có. Facebook post lên được thì xóa đi được".

"Nhưng cả thiên hạ nhìn thấy, bạn bè hai bên đang nhảy vào comment ầm ầm kia kìa. Trong nhà đóng cửa bảo nhau không sao, chứ đem ra chỗ đông người phức tạp lắm. Bạn bè quen thân biết cũng không sao, còn những người không hiểu chuyện, rồi cả người không quen biết cũng góp ý, bình phẩm. Đau đầu lắm". "Gớm, cậu làm như vợ chồng cậu là người của công chúng không bằng mà đòi người dưng bình phẩm với cả góp ý".

"Thế chị không biết là có cô đang bán hàng bình thường, cũng đông khách nhưng chỉ là người kinh doanh bình thường, nhờ ly hôn với chồng mà trở nên nổi tiếng à? Giờ hỏi ai có dùng Internet cũng biết vì khắp nơi ném đá anh chồng tơi tả dù chả ai biết nội tình thật sự ra sao", giọng cậu em đầy lo lắng, chắc đang hình dung cuộc hôn nhân 5 năm của mình bị cư dân mạng xâu xé cho tơi tả.

Ly hôn không phải câu chuyện mới trong xã hội hiện đại mà có từ rất lâu rồi. Nhưng ly hôn trong thời buổi bùng nổ mạng xã hội và các phương tiện truyền thông có những diễn biến ly kỳ, khó lường hơn nhiều so với thời kỳ trước. Và gần như toàn bộ những diễn biến ấy được các khổ chủ, người quen, người không quen của các nhân vật chính và phụ tường thuật và cả đấu khẩu với nhau trên mọi mặt trận thông tin.

Theo dõi những cuộc ly hôn ấy như xem trực tiếp các chương trình truyền hình thực tế, khán giả luôn ngong ngóng xem tập tiếp theo. Và chính vì được phơi bày ra giữa bàn dân thiên hạ nên cách ứng xử trong tình huống không ai mong muốn trong đời người thể hiện khá rõ ràng văn hóa của người trong cuộc.

Mấy năm gần đây dồn dập các cuộc ly hôn của những người nổi tiếng hoạt động trong giới showbiz nước nhà. Cuộc nào cũng ầm ĩ một cách hoành tráng dường như để tương xứng với danh tiếng của chủ nhân.

Người mẫu Ngọc Thúy.

Có cuộc ly hôn dằng dai vì tài sản như giữa cựu người mẫu Ngọc Thúy và doanh nhân Đức An, có cuộc ly hôn chóng vánh như giữa diễn viên Lê Phương và Quách Ngọc Ngoan, có cuộc ly hôn diễn ra rồi người ta mới biết là họ đã kết hôn như giữa Hoa hậu Diễm Hương và người vẫn được các báo gọi là đại gia Trường Chinh, có cuộc ly hôn của hai người chưa từng kết hôn trước pháp luật như giữa diễn viên Huy Khánh và người vợ cũ tên Hoàng Anh…

Điểm giống nhau của các cuộc ly hôn ấy là đều xuất hiện rình rang trên các trang báo, các forum và mạng xã hội Facebook. Trong số các phương tiện truyền thông này thì báo chí có vẻ "lép vế" hơn nhiều vì chỉ có thể đưa tin, phỏng vấn người trong cuộc, viết dăm câu ba điều tiếc nuối cho những mối tình đẹp đẽ một thời.

Trong khi đó, forum và mạng xã hội thể hiện ưu điểm nổi trội của mình là tính tương tác cao, lan truyền rộng rãi. Các diễn biến của cuộc ly hôn thường xảy ra như sau: Nhân vật chính đưa thông tin hoặc úp mở thông tin ly hôn trên Facebook, các báo mạng xúm vào đưa tin, các forum xôn xao bình phẩm, nhân vật chính tiếp tục tường thuật diễn biến hoặc tố tội người bạn đời, công chúng lại hăng hái bình luận, phán đoán trên mạng xã hội và diễn đàn. Chu kỳ này lặp đi lặp lại cho đến khi các nhân vật chính chấp nhận tài sản được chia, chấp nhận tình trạng ly hôn hoặc đã tìm được người cùng mình đi tiếp.

Xấu chàng hổ ai?

Trong hầu hết các cuộc ly hôn đình đám của giới nổi tiếng, người chiến đấu không biết mệt mỏi trên các phương tiện truyền thông, người tung nhiều bằng chứng đối phương tệ bạc, người hăng hái giành tài sản, con cái hơn thường là người phụ nữ. Đặc tính của phụ nữ là nói nhiều hơn đàn ông, thích đem chuyện nhà đi chia sẻ, nhưng dường như việc những phụ nữ trong các cuộc ly hôn rình rang "đem chuyện nhà đi cho thiên hạ nhậu" đều có những mục đích sâu xa hơn nhiều.

Cách làm chung của những người vợ ấy là xây dựng hình ảnh xấu xa của chồng (hoặc từng là chồng) trong dư luận. Các chi tiết bất lợi cho người đàn ông được trưng lên.

Trong khi mạng xã hội và diễn đàn tập trung rất đông các phụ nữ khác thì người vợ tội nghiệp ngay lập tức nhận được thiện cảm, được thương xót và ủng hộ (!). Bởi vậy, cựu người mẫu Ngọc Thúy một thời hay lên báo tố chồng phản bội, không chăm sóc con; Lê Phương tố Quách Ngọc Ngoan không đoái hoài tới con; Hoa hậu Diễm Hương tố chồng đánh mình… Tất cả dùng để chứng minh rằng họ đúng, hôn nhân tan vỡ là do người chồng tệ bạc?

Ngoài sự cảm thông và cảm giác chiến thắng, việc tố tội trong nhiều trường hợp còn nhằm lấy lợi thế trong việc chia tài sản như trường hợp của cựu người mẫu Ngọc Thúy, hoặc là đòi nợ chồng cũ như diễn viên Lê Phương.

Cho tới thời điểm khi các cuộc chia tay vừa mới xảy ra, có thể thấy "phần thắng" thuộc về phái nữ khi những người đàn ông bị mang tiếng xấu, bị chê bai một cách công khai ngoài xã hội. Trong nhiều trường hợp, người ta còn bán tín bán nghi rằng hình như người vợ lấy được kha khá tài sản của chồng cũ (chính xác là của chồng cũ vì khi kết hôn các cô ấy là những cô gái không có tài sản gì đáng kể ngoài nhan sắc), có trường hợp thì rõ ràng lấy được nhiều tài sản như cựu người mẫu Ngọc Thúy.

"Được ăn, được nói, được gói mang về" như thế nên những người phụ nữ ấy chỉ nghĩ đến cái trước mắt mà không có hình dung sâu xa hơn về những hậu quả lâu dài của việc mình làm. Khi tố tội chồng trên các phương tiện truyền thông, đem cả người đàn ông lẫn gia đình, họ hàng họ ra cho thiên hạ bình luận, họ không nhớ được một câu đơn giản mà các cụ đã dặn rằng "Xấu chàng hổ ai". Hình ảnh những người đàn ông hiện lên xấu xa tới độ người ta không thể không băn khoăn, tại sao xấu xa như vậy mà cô ấy lại lựa chọn để gắn bó?

Bên cạnh những người thương cảm còn có những người có lý trí hơn để nghĩ được rằng, phải chăng cô ấy bị đối xử tệ như vậy một phần lỗi do cô ấy có vấn đề hoặc sự thật không phải như cô ấy nói.

Ngàn năm bia miệng…

Và trong một số trường hợp, suy nghĩ ấy được chứng minh là không sai. Như Hoa hậu Diễm Hương tố bị chồng đánh nhưng người ta nhìn ảnh cô không giống bị đánh lắm và ngạc nhiên khi bị đánh mà cô vẫn còn tâm trí chụp ảnh, cô tố chồng giam hãm mình mà người ta vẫn thấy cô tung tăng đi dự sự kiện suốt ngày…

Người nổi tiếng thường hay lên báo, thích xuất hiện nên những sự tiền hậu bất nhất dễ dàng lộ ra như thế. Sau một thời gian, không còn mấy người thương xót cô hoa hậu có chồng còn nói dối chưa chồng để đi thi quốc tế, đang có chồng mà đi yêu người khác; nhiều người chuyển sang thông cảm với diễn viên Huy Khánh và ủng hộ cuộc hôn nhân mới của anh vì cảm nhận được sự không hiền ngoan của cô vợ cũ.

Nếu việc tố tội người đàn ông của người vợ không sai thì việc đem họ ra cho đám đông xâu xé cũng không phải việc làm khôn ngoan bởi dù sao đó cũng là bố của các con mình. Người phụ nữ có thể hả hê với chiến thắng trong thời gian ngắn nhưng những gì để lại thì còn mãi mãi, và đó không phải những thứ tốt đẹp cho lắm. Người xưa đã nói: "Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ", bia miệng tồn tại trên Internet có lẽ còn có sức sống lâu bền hơn vì tính nguyên văn của nó. Chỉ cần một vài năm nữa thôi, những đứa trẻ lớn lên, biết vào mạng đọc báo, chỉ cần tra một cái là kiếm ra đủ thông tin mẹ nói xấu bố, người ngoài bình phẩm, chê bai bố mẹ mình. Dù ai đúng, ai sai thì đứa con cũng sẽ là người đau lòng nhất khi chứng kiến.

Có người phụ nữ viết cả một quyển sách về chuyện cô ấy ly hôn như thế nào. Đó là Phan Việt và "Xuyên Mỹ". Đâu đó trên các diễn đàn, người quen, bạn bè của Phan Việt  và chồng cô cũng có ý chê trách cô dày công để nói về cuộc hôn nhân không như ý. Nhưng có lẽ họ chưa đọc hoặc đọc chưa hết cuốn sách này. Phan Việt viết nó giống như một liệu pháp điều trị tâm lý cho mình sau khi cuộc hôn nhân 7 năm tan vỡ, đồng thời cuốn sách có giá trị tham khảo cho những phụ nữ chuẩn bị hoặc vừa ly hôn.

Trong đó cô miêu tả, mổ xẻ tâm lý, hành động của mình trong những tháng ngày đó. Cô không chê trách người chồng cũ mà nhìn nhận sự việc rất khách quan. Cô viết về anh như thế này: "S không phải người xấu. Thậm chí trái lại. Anh vẫn là người đàn ông thông minh nhất, hào phóng nhất, mạnh mẽ nhất, hài hước nhất mà tôi biết. Nhưng anh chỉ không phải là người bạn đời tốt nhất - cho tôi". Cách Phan Việt nói về cuộc ly hôn của mình trong "Xuyên Mỹ" khiến người đọc thấy được tầm nhận thức, văn hóa cũng như tấm lòng của cô. Quả thật, người ở tầng văn hóa nào thì khi rơi vào biến cố sự thể hiện phản ánh đúng tầng văn hóa ấy.

Khi rơi vào hôn nhân không như ý, bị người chồng đối xử tệ bạc, người phụ nữ có quyền lên tiếng bảo vệ mình. Nhưng sự lên tiếng không nhất thiết phải ầm ĩ, rầm rộ trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông với mục đích bêu xấu nhau như cách nhiều người đã, đang làm. Mạng xã hội là phương tiện mới xuất hiện, được sử dụng vô tội vạ. Theo thời gian, có lẽ xã hội cần hình thành cả những quy tắc ứng xử văn hóa trên các phương tiện truyền thông kiểu mới như thế này.

Việt Hòa
.
.