Văn hóa pop Đài Loan xâm lấn Trung Quốc

Thứ Ba, 26/03/2013, 22:25

Hàng triệu người dân Trung Hoa thích thú xem những chương trình phỏng vấn nghệ sĩ nổi tiếng của Đài Loan, nhưng họ không xem trên tivi mà thoải mái thường thức trên Internet hay các DVD sao chép lậu bán tràn lan ở lục địa. Trên thực tế, các chương trình truyền hình của Đài Loan không được chính quyền Trung Quốc cho phép phát sóng ở lục địa do bị coi là không thích hợp. Ví dụ, một chương trình được xem nhiều nhất vào năm 2012 là cuộc trò chuyện tâm tình của ca sĩ Đài Loan FanF, nhưng chắc chắn một điều là nó không chính thức xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc. 

Chính quyền Trung Quốc cấm tiệt mọi loại chương trình phỏng vấn người nổi tiếng của Đài Loan. Chính quyền Bắc Kinh không muốn người dân Trung Quốc bị tiêm nhiễm văn hóa Đài Loan bất chấp mối quan hệ ngoại giao giữa hai cơ cấu chính quyền được cải thiện trong những năm gần đây và văn hóa Đài Loan đang là hiện tượng sốt ở lục địa. Nhưng, hiện nay Đài Loan đang cố gắng xoa dịu những mối lo ngại của Bắc Kinh. Ví dụ nhiều bài hát nổi tiếng của Đài Loan được phát sóng trên Đài Phát thanh Trung Quốc.

Nhiều chương trình truyền hình quy mô ở Trung Quốc - như chương trình mừng năm mới vừa qua - sẽ không hấp dẫn nếu không có sự trợ giúp của những nhà làm chương trình Đài Loan. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Mặc dù quá nhỏ bé so với Trung Quốc, song đảo Đài Loan có nền văn hóa pop được đánh giá cao bởi người Hoa trên khắp thế giới, kể cả ở lục địa trong những thập niên quan hệ căng thẳng trước đây.

Văn hóa pop Đài Loan xâm lấn Trung Quốc với những DVD và phim ảnh sao chép lậu.

Vào thập niên 80 thế kỷ trước, nữ ca sĩ Đài Loan Teresa Teng (Đặng Lệ Quân) nổi tiếng đến mức chính quyền Trung Quốc cấm nghe nhạc của cô nhưng cuối cùng vẫn không ngăn được sự ái mộ cuồng nhiệt của người Hoa trên khắp thế giới đối với giọng hát này! Đặng Lệ Quân được coi là một diva của châu Á. Năm 1986, tạp chí Time của Mỹ bình chọn Đặng Lệ Quân vào Top 10 ca sĩ nổi tiếng nhất thế giới và Top 7 ca sĩ của năm.

Trong thời gian qua, chỉ có vài bộ phim Đài Loan được phép chiếu trong các rạp ở Trung Quốc nhưng các chương trình truyền hình Đài Loan vẫn bị coi là chương trình nước ngoài cho dù được nói bằng tiếng Quan thoại. Không chỉ ở lĩnh vực âm nhạc và truyền hình, mà cả ngành xuất bản cũng vậy - các nhà xuất bản và tác giả Đài Loan đang cố gắng đấu tranh để bán hay in sách của họ ở Trung Quốc.

Văn hóa pop Đài Loan không được phê chuẩn chính thức ở Trung Quốc dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền và thất thu tài chính. Ví dụ, các ca sĩ Đài Loan nổi tiếng bị ảnh hưởng túi tiền do âm nhạc của họ phổ biến ở lục địa qua các DVD sao chép lậu hay được tải xuống từ Internet! Đó là lý do mà mới đây tân Bộ trưởng Văn hóa Đài Loan - Lung Ying-tai - tuyên bố bà muốn tăng cường hơn nữa sự trao đổi văn hóa giữa Đài Loan và Trung Quốc. 

Giải Kim Mã của Đài Loan thu hút sự quan tâm của rất nhiều người Trung Quốc lục địa.

Lung Ying-tai ước tính có hơn 1 triệu bản sao chép tác phẩm bestseller của bà nhan đề "Đại Hà, Đại Hải" ("Big River, Big Sea") để bán ngoài thị trường đen ở Trung Quốc. Cuốn sách kể câu chuyện người Trung Quốc vượt biên từ lục địa đến Đài Loan vào năm 1949. Bà Lung nhận định sự trao đổi văn hóa cũng là một con đường xây dựng hòa bình: "Thử nhìn vào gương của những quốc gia như Đức, Ba Lan hay Pháp sẽ thấy họ đã làm gì sau Thế chiến II. Đó là họ quảng bá trao đổi văn hóa với những quốc gia từng là kẻ thù của họ. Mục đích của họ là gì? Đó là xây dựng hòa bình, mà chỉ có trao đổi văn hóa mới làm được điều đó".

Cũng có thời gian chính quyền Đài Loan siết chặt nhập khẩu văn hóa Trung Quốc, chỉ cho phép công chiếu 10 phim của đại lục mỗi năm. Đài Loan cũng hạn chế các chương trình quảng cáo của Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông ở địa phương cũng như cấm tiệt các chương trình truyền hình Trung Quốc do nội dung nhạy cảm về chính trị. Ví dụ, một bộ phim về cuộc Cách mạng Tân Hợi - dẫn đến sự lật đổ hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa ngày xưa - không được phép phổ biến ở Đài Loan. Từ khi mối quan hệ giữa hai chính quyền được cải thiện vào năm 2008, sự trao đổi văn hóa bắt đầu tiến triển, với sự đóng góp của các tầng lớp sinh viên, học giả và nghệ sĩ.

“Búp bê Đặng Lệ Quân" rất được ưa chuộng ở Trung Quốc hiện nay.

Đài Loan cũng đề nghị những nghệ sĩ nổi tiếng ở Trung Quốc tham gia tranh giải Golden Horse (Kim Mã) quý giá của nơi này - được đánh giá  là giải Oscar cho những phim nói tiếng Trung Quốc - lần đầu tiên vào tháng 11/2012 bất chấp còn đó những mối lo ngại. Nhưng, Bộ trưởng Văn hóa Lung Ying-tai nhấn mạnh, như thế chưa đủ mà Trung Quốc và Đài Loan cần có sự trao đổi văn hóa nhiều và mạnh hơn nữa.

Bà giải thích: "Sau 6 thập niên thù địch và khả năng xảy ra chiến tranh vẫn còn đó, như thế là chưa đủ. Chúng ta cần phải trao đổi văn hóa nhiều hơn để hiểu nhau hơn, để giảm bớt sự nghi ngờ và không tin tưởng nhau". Văn hóa mang con người lại gần nhau hơn, bà nói thêm, và "tôi nghĩ những sự trao đổi văn hóa còn quan trọng hơn những cuộc đàm phán chính trị rất nhiều"

An An (tổng hợp)
.
.