Văn miếu là nơi thờ chữ, thờ đạo học

Thứ Tư, 20/02/2008, 08:00
Sử xưa kể rằng: Nơi này được Vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào mùa thu năm 1070. Triều đình theo lệnh Hoàng thượng đã đắp tượng thờ đức Khổng Tử và nhiều bậc tiên nho khác. Công trình hoàn thành, đạo Nho ở Việt Nam một lần nữa được tuyên dương với bốn mùa phụng thờ, đèn nhang cúng tế hết sức long trọng.

Văn Miếu từ đấy thành nơi tín ngưỡng của sự học hành, chỗ rèn luyện nhân cách của các bậc hiền tài nhiều thời đại một lòng dốc trí lực, tâm huyết cho non sông đất nước.

Tại nơi được coi là cửa Khổng sân Trình lớn nhất quốc gia này cũng từ đấy trở thành trung tâm học vấn, niềm ngưỡng vọng chữ nghĩa của rất nhiều sĩ tử đất nước.

Nơi đây từ ngày lập dựng cho đến hôm nay thời gian đã gần nghìn năm với bao biến cải của nhân thế nhưng việc thờ phụng chữ nghĩa và đạo học của người Việt Nam luôn được tôn trọng và ngày mỗi thịnh vượng.

Năm nay hơn năm qua, ngày mới hơn ngày cũ. Sự sầm uất chỉ có tăng lên. Con Hồng cháu Lạc đến với Văn Miếu mỗi ngày mỗi đông. Người ngoài cương vực đến từ nhiều xứ sở khác nhau cũng coi Văn Miếu là một điểm nhấn lịch sử cần phải biết để nhận ra văn hiến Việt Nam.

Từ lâu như một mỹ tục, nhiều người Việt Nam ở các vùng miền khác nhau mỗi dịp xuân về dù bận thế nào cũng phải có một đôi lần hành hương đến Văn Miếu để xin lộc chữ. Nơi đây khi đến háo hức, thiêng liêng, khi về hồ hởi, phấn chấn.

Ai từ Văn Miếu ra về cũng ấp ủ trong mình những ngưỡng vọng trước người xưa cùng những đam mê được cống hiến của bản thân. Vẻ đẹp này có trong gương mặt và sự trịnh trọng của mỗi người cho dù đó chỉ là người mẹ với đứa trẻ còn phải bế trên tay đến những cụ già râu tóc bạc phơ.

Giếng Thiên Quang vuông vắn trong xanh mang hình tượng của người xưa quan niệm về mặt đất lặng soi rạng rỡ vầng mặt trời tròn trên gác Khuê Văn. Mặt nước giếng năm nay thấy nổi lên những đồng tiền giấy ai đó vừa thả xuống lấy phước.

Cả hai hàng bia bên giếng Thiên Quang năm nay người ta cũng đặt tiền. Những đồng tiền lẻ hai trăm, năm trăm, một nghìn. Cũng có những đồng tiền lớn mười nghìn. Tiền chồng lên tiền, tờ nọ tiếp tờ kia. Những đồng tiền được người hôm nay cung kính đặt lên lưng các cụ rùa ngay sát chân bia.

Vẫn như mọi năm, các sĩ tử đủ lứa tuổi xoa tay lên mặt bia, áp lòng tín ngưỡng của mình vào những dòng chữ khắc trên đá rồi xoa tay lên đầu rùa cầu xin cho sự học. Đặc biệt có cả các bà mẹ bế theo con nhỏ, dắt theo con nhỏ cũng vào lễ rùa, lễ bia, cũng cho các cháu xoa tay lên đầu rùa, áp tay vào mặt bia.

Những đứa trẻ này chưa biết chữ hoặc đang võ vẽ chữ cũng đã được phụ huynh đưa đến nơi dân tộc tôn vinh sự học. Thâm tâm các phụ huynh muốn được từ đấy ngấm vào con cái mình sự trân trọng, say mê và cần thiết cho việc rèn luyện chữ nghĩa của mỗi đời người qua tấm gương dùi mài kinh sử của các bậc tiên hiền.

Mùa chữ nghĩa năm nay ở Văn Miếu còn nở rộ ở những nơi viết chữ hoặc bày bán những chữ viết sẵn nơi hai bên sân Văn Miếu hoặc sân nhà Thái Học. Năm nay mặt hàng chữ ở Văn Miếu có vẻ phong phú, đàng hoàng hơn và giá cả cũng nhỉnh hơn năm ngoái.

Có những chữ viết sẵn trên nền giấy, có những chữ được đóng khung hoặc có dây treo. Các chữ viết sẵn này thường chân, chuẩn về cả nét lẫn màu mực. Có điều là người mua chữ không biết được người viết hoặc không có được cái tâm trạng hồi hộp sung sướng khi được đặt chữ mình muốn hoặc được chữ thầy chọn cho một cách trực tiếp. Đấy là kiểu xin chữ được gọi vui là chữ tươi.

Trong gian hàng chữ hôm nay, tôi để ý thấy có những bức có nẹp treo, chữ được viết trên mành. Thường là có chữ Hán ở giữa, trên là chữ Hán phiên âm ra chữ Việt và dưới có thêm phần giải nghĩa nữa.

Tranh có chữ Phúc thì trên là chữ Phúc bằng tiếng Việt, giữa là chữ Phúc bằng tiếng Hán, dưới cùng có thêm dòng nhấn ý nghĩa bằng chữ Việt là Phúc như Đông hải. Có bức trên là dòng chữ Việt Vạn sự như ý dưới là hình vẽ Đức Phật, dưới đó nữa là chữ Thọ bằng chữ Hán và sau cùng là hai dòng chữ Việt có nội dung là: Thọ tỷ Nam Sơn và Tùng bách lão.

Các kiểu tranh chữ này có chữ Việt xen chữ Hán, lại có phần tranh vẽ làm nền cùng phần giải cho rõ nghĩa nữa ở phần chữ Hán có một giá trị phổ thông hơn cho những người không biết chữ Hán mà chỉ hiểu chữ Hán qua phần phiên âm ra tiếng Việt.

Năm nay, dịch vụ bán chữ cũng đã được cải tiến một bước. Những chữ khách mua được cuộn tròn và đựng trong hộp dài có dán mác hẳn hoi. Giá mua loại chữ này có mắc hơn một chút khoảng từ năm mươi đến bảy mươi nghìn đồng nhưng được cái lịch sự, dễ cầm.

Rộn rã và đông đúc nhất vẫn là nơi xin chữ tươi. Thủ tục như năm trước là mua giấy. Tiền công viết chữ đã được gửi vào tiền giấy. Các cô tú cậu tú rất trẻ xúm xít quanh bàn các thầy đồ trẻ xin chữ. Vẫn chữ như mọi năm. Chữ Đạt, chữ Đăng Khoa nhiều người xin. Chữ Tâm, chữ Nhẫn thì năm nào cũng có.

Có cháu gái xin chữ Thọ. Tôi hỏi sao còn bé thế này đã xin chữ Thọ. Cháu bảo cháu xin chữ ấy mang về biếu ông. Năm nay, người xin chữ Hiếu cũng nhiều. Chữ xin thầy viết tươi màu mực. Sân gạch nhà Thái Học thành sân phơi chữ. Vẫn cảnh các bậc bố mẹ ngồi quạt chữ cho con. Vẻ đẹp này đã thành phong tục lâu nay ở Văn Miếu mỗi độ xuân về cho người đến đây xin chữ.

Có điều cần phải bàn là vẻ đẹp của chữ thầy cho. Người xin chân thành và đầy mong muốn, đầy khát vọng. Tuy vậy, chữ thầy cho về hình thức của nó cũng có chữ chưa thật xứng. Có chữ còn thô gầy vụng về cả từ nét phẩy đến nét chấm. Viết chữ Hán cần một hoa tay, sự luyện rèn và một cảm xúc nội tâm. Chỉ viết cho xong chữ, cho giống chữ thì ít khi rung động được lòng người.

Có chữ các cháu xin ra, tôi nhìn mà cảm thấy hình như trình độ người viết mới đang ở khoảng... bắt đầu. Chuyện này người trẻ biết chữ Hán dễ mắc. Biết chữ là một chuyện còn cho được chữ lại là một chuyện khác. Không phải ai biết chữ cũng có thể cho chữ được vì đây là loại chữ cần rất nhiều đến sự luyện rèn, để cung kính, để thờ tự.

Ngày xưa các cụ đồ trước khi cho chữ có cụ còn ăn chay, tắm rửa nước thơm sạch sẽ xong mới mài nghiên, chuốt bút và trịnh trọng tìm tư thế ngồi viết chữ. Bởi theo quan niệm của các cụ chữ các cụ cho là chữ của Thánh hiền và người cho chữ cũng phải xứng đáng là đệ tử của chữ Thánh.

Ngoài khu Văn Miếu Quốc Tử Giám, chỗ dải tường trông ra đường Nguyễn Khuyến còn có một phố chữ mới lập trong ngày xuân này. Gọi là phố bởi đây là dãy dài những thầy đồ đủ các lứa tuổi trưng bày và viết các chữ của mình do người xin chữ đặt. Nền tường là nơi treo các chữ. Vỉa hè là nơi chữ được bày ra, trải rộng. Có một số cụ đồ già mặc áo the, đầu đội khăn xếp. Hình ảnh này gợi nhớ những câu thơ trong bài thơ "Ông đồ" của nhà thơ Vũ Đình Liên:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua...

Bây giờ thì vẫn là mực tàu giấy đỏ nhưng lại có thêm cả các thầy đồ trẻ. Thầy đồ xưa lác đác nhưng nay thì đã có hẳn lứa tuổi nọ, lứa tuổi kia tiếp sức. Cả nước đang rộ mùa thư pháp bởi người mộ chữ ngày một nhiều nên thầy đồ cũng nhiều lên là lẽ đương nhiên.

Các cụ đồ cao niên thường là ngoài bảy mươi, tám mươi tuổi trở lên, vốn chữ và kiểu cách viết chữ nhìn chung là phong phú và rất có hồn. Tôi để ý thấy một cụ đồ chắc là nhiều tuổi nhất phố chữ này có treo sau lưng mình một chữ Hán rất đẹp.

Tôi hỏi cụ đó là chữ gì, cụ nói đó là chữ Tuệ. Chữ Tuệ cụ viết thật gợi. Nét chữ không tách rời nhau mà làm thành một khối mềm mại và bề thế theo nghĩa tượng hình của nó. Chỗ cụ viết, các bà các cháu xúm xít đợi nhau đặt chữ, xin chữ và lấy chữ. Tôi nhìn dáng cụ ngồi, tay cụ viết mà thấy lại vẻ đẹp của cụ đồ xưa trong thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên đang hiện về nơi mặt phố dựa lưng vào Văn Miếu.

Có chuyện cảm động. Một người mẹ đi xin chữ cho con. Bà chọn người có chữ đẹp xin chữ Chí rồi cẩn thận phơi cho khô, cuộn lại mang lên nhà Thái Học đặt nơi bàn thờ cụ Chu Văn An vị thầy giáo của muôn đời để vái lạy Người với những lời khấn niệm chân thành nhất.

Theo người mẹ ấy nói, việc xin chữ rồi mang chữ đặt lên bàn lễ là muốn chữ xin được linh nghiệm. Tôi lại muốn nghĩ thêm, chữ  bà xin cho con và những chữ người khác xin nữa cho bản thân và gia đình với sự bắt đầu bằng tâm thành như thế, dù đặt lên bàn lễ hay là chưa kịp đặt lên thì tự nó đã linh nghiệm cho sự phấn đấu vươn lên của mỗi người rồi. Các bậc linh thiêng luôn luôn chứng giám cho lòng tốt của con người ở mọi nơi, mọi chỗ.

Mùa xuân là mùa lộc chữ của Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Có lẽ trên đất nước mình không có nơi nào nở rộ mùa chữ hơn nơi này khi tết đến xuân về. Thật hạnh phúc cho dân tộc ta khi mà càng ngày càng có nhiều người mỗi đầu năm mới đến hành hương về Văn Miếu xin lộc chữ  với nhiều ước muốn tốt đẹp cho cuộc sống trong niềm kính cẩn trang trọng.

Mùng 3 tết, xuân Mậu Tý, 2008

Phan Quế
.
.