Vẫn nan giải chống ngập nước ở TP Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 13/06/2017, 16:13
Trong lúc miền Bắc và miền Trung đang vật vã chống chọi với nắng nóng trên 41 độ thì người dân TP Hồ Chí Minh và Nam Bộ đang chuẩn bị đối mặt với nhiều thách thức về mưa lụt và tình trạng sạt lở đất đáng báo động. Chỉ vài cơn mưa lớn đầu mùa đến nay, những điểm ngập sâu đã xuất hiện báo động tình trạng rất tồi tệ trong những ngày tới về ngập lụt, ùn tắc giao thông.

Mặc dù thành phố đã và đang triển khai nhiều dự án chống ngập hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng tiến độ hoàn thành vẫn phải chờ đợi đến năm 2018 và sau nữa... Nhiều mối lo vẫn còn nguyên với mùa mưa!

Chống ngập vẫn ngập

Tháng 9-2015, Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập TP làm chủ đầu tư dự án xây dựng hệ thống cống hộp thoát nước trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) trị giá 160 tỷ đồng, hoàn thành vào tháng 5-2016. Thế nhưng người dân nơi đây đều bất lực nhìn nước ngập lênh láng sau mấy cơn mưa mới đây vào các ngày 15-5 và 21-5. Người dân phản ánh: nước ngập sâu hơn thời chưa có cống hộp!

Một số tuyến phố ngập sâu sau những cơn mưa đầu mùa.

Nhiều đoạn đường khác trong quận 12 và các quận khác tình trạng ngập vẫn tái diễn như chưa hề có công trình dự án chống ngập qua mấy cơn mưa lớn đầu mùa. Các tuyến đường Bình Tây, Hồ Học Lãm, Phạm Phú Thứ, Phan Văn Khỏe ở quận 6; Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân ở Thủ Đức và cả những đại lộ lớn như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, An Dương Vương, Kinh Dương Vương hay xa lộ Hà Nội... đều ngập và ngập sâu. Trời mưa, ngồi ở nhà cũng biết đường nào ngập. Điệp khúc này vang mãi...

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội TP Hồ Chí Minh 5 tháng đầu năm 2017 thể hiện: do tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước nên nhiều điểm ngập xuất hiện khắp thành phố. Thống kê cho thấy có 67 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm, 88 tuyến cống bị lấn chiếm với tổng chiều dài 13,841m và 392 hầm gas, 53 vị trí cửa xả bị lấn chiếm... đến nay, cơ quan chức năng cũng mới chỉ xử lý vài vị trí.

Trung tâm chống ngập TP đã đề ra kế hoạch hạn chế tình trạng ngập do mưa lớn và triều cường trong năm 2017 sẽ tập trung giải quyết 13/17 tuyến đường, 23/23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng các giải pháp cấp bách như bơm nước; tiếp tục xử lý 179/179 tuyến hẻm ngập nước và 9 tuyến đường ngập thường xuyên do triều cường xuất hiện theo chu kỳ.

Ngoài ra, Trung tâm chống ngập nước TP cho biết, các quận huyện cũng đã đề xuất một danh sách khá dài khoảng 1.127 tuyến đường, hẻm cần phải nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước để kết nối đồng bộ với các dự án chống ngập, thoát nước của thành phố do ảnh hưởng triều cường, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu trong giai đoạn 1 vào năm 2018. Như vậy, trong năm 2017, tình trạng chống ngập nước cho TP theo các chuyên gia dự đoán sẽ không nhiều khả quan, thậm chí có thể tệ hại hơn nếu mưa lớn, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những công trình chống ngập đang khẩn trương thi công đến hệ thống thoát nước vốn đã quá cũ và lạc hậu.

Điển hình như trạm bơm Thị Nghè có công suất thiết kế trước đây dưới 100m3/s, nhưng lưu lượng nước chảy xuống trong những trận mưa lớn tại đây cần đến công suất thiết kế khoảng 600m3/s mới đáp ứng đủ nhu cầu thoát nước.

Một số tuyến phố ngập sâu sau những cơn mưa đầu mùa.

Hiện TP Hồ Chí Minh có trên 35 tuyến đường bị ngập nước, trong đó có khoảng 14 tuyến đường ngập nặng sau khi mưa. Thực tế đã có nhiều tuyến đường ngập nặng và rất sâu mới chỉ sau vài cơn mưa lớn đầu mùa vừa qua. Điều đó cho thấy, công tác thống kê của ngành GTVT và công tác dự báo không sát thực tế.

Số lượng các điểm ngập mới càng ngày nhiều hơn, do phát sinh đột biến từ các công trình xây dựng dân sinh và cả từ các công trình chống ngập. Ngập nước gây ùn tắc, nghẽn mạch giao thông. Đặc biệt là nỗi lo ngập nước khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác cải tạo kênh cống.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ông Lê Văn Khoa cho biết: các dự án TP đang triển khai liên quan đến quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt có tổng nhu cầu vốn hơn 73.000 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau như: Ngân sách TP, Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp SCIC, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu xã hội hóa (PPP), vận động nguồn vốn ODA...

Dự án giải quyết ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đã chính thức khởi công vào ngày 26-6-2016 do Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Dự án bao gồm 6 cống ngăn triều và 8km đê bao (kè) xây dựng ven sông Sài Gòn với kỳ vọng giải quyết chống ngập triều cường cho 570 km2 vùng lõi trung tâm TP với khoảng 6,5 triệu dân.

Theo đó, dự án xây kè bao 8km tại những vị trí xung yếu ven sông Sài Gòn từ sông Vàm Thuật kéo dài đến Sông Kinh với 25 cống nhỏ chạy từ Vàm Thuật đến Mương Chối (Nhà Bè). Còn 6 cống kiểm soát triều cường được xây dựng tại các địa điểm: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định được thiết kế rộng từ 40-160m, cao trình đáy từ 3,5-10m để tàu thuyền có thể lưu thông qua lại dễ dàng.

Một số tuyến phố ngập sâu sau những cơn mưa đầu mùa.

Cống kiểm soát ngăn triều lớn nhất là cống Mương Chuối, hoạt động dựa vào quy luật và mực nước dao động mùa mưa và mùa khô. Công trình bao gồm 4 khoang cửa van và 1 âu thuyền. Cửa tiêu nước sẽ mở ra khi lưu lượng nước từ thượng nguồn cao hơn vào mùa mưa và sẽ đóng lại ngăn triều vào mùa khô.

Tuy được ứng dụng những công nghệ hiện đại của Hà Lan, Đức và vận hành bằng hệ thống SCADA hiện đại nhất, nhưng sự thay đổi đột biến của khí hậu và lưu lượng nước mưa tại thành phố, quan sát mấy năm qua cho thấy có những yếu tố gây nhiều trăn trở cho nhà đầu tư dự án kể cả khi cống ngăn triều hoàn thành đưa vào vận hành.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Công ty CP dầu tư xây dựng Trung Nam thì  tại TP, có những cơn mưa kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ đã đạt lưu lượng hơn 200mm đã vượt xa tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước thành phố. Công ty đang quyết tâm thi công đúng tiến độ đảm bảo chất lượng sớm giúp thành phố ngăn triều cường xâm nhập gây ngập úng đã huy động tổng lực hơn 1.850 cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động miệt mài, cùng với 12 chuyên gia kỹ thuật nước ngoài, 950 thiết bị máy móc và hơn 67 ngàn tấn thép xây dựng tại các công trình. Tính đến nay, Công ty đã đạt tiến độ xây dựng theo kế hoạch dự kiến 30-4-2018 sẽ hoàn thành dự án.

Dự án kiểm soát ngăn triều đang triển khai.

Chưa thấy hiệu quả

TP Hồ Chí Minh từ hơn 10 năm qua đã thường xuyên quan tâm tìm các giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng ngập lụt, cũng đã tiêu tốn hành chục ngàn tỷ đồng cho các dự án, hội thảo quốc tế và trong nước, nhưng điệp khúc ngập vẫn ngập lại vang lên khi mùa mưa đến hàng năm. Ảnh hưởng và tác động của biến đổi khí hậu đã và đang trở thành mối đe dọa trực tiếp đến an ninh kinh tế và sự phát triển của xã hội Việt Nam trong tương lai.

Những thách thức và đe dọa đang ngày càng đến gần hơn do đó, việc thực hiện các giải pháp chống ngập có hữu hiệu nhất được xét đến vào thời điểm hiện nay là một yếu tố rất quan trọng cho nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Nhiều yếu tố gây ra tình trạng ngập lụt cho TP Hồ Chí Minh như độ nghiêng, lún, khu vực trũng thấp và cao so với mực nước đã được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đề cập đến tại các cuộc hội thảo, trong đó yếu tố tăng dân số và đô thị hóa cũng là những yếu tố rất quan trọng then chốt. Diện tích hồ ao, kênh rạch bị san lấp, tắc nghẽn hàng chục con kênh rạch đã làm suy giảm khả năng chứa nước mưa tại nhiều khu vực.

Dự án kiểm soát ngăn triều đang triển khai.

Ví dụ như rạch Xuyên Tâm, các kênh rạch khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay do nhà dân lấn chiếm, san lấp gây tắc nghẽn cống thoát. Bề mặt đất ngày càng thu hẹp diện tích, thay vào đó là bê tông hóa chiếm tỷ lệ rất cao trên bề mặt đã không còn chỗ cho nước thấm, thoát.

Chuyên gia hải dương học, TS Trương Đình Hiển lý giải, cần tập trung vào xử lý 3 vấn đề cốt lõi là: Triều cường, nước mưa và nước thải. Sau mỗi trận mưa lớn, nước mưa chồng lên lưng thủy triều sẽ gập ra ngập sâu nhiều khu vực. Nếu ngăn triều không cho xâm nhập như dự án xây dựng 6 cống ngăn triều hiện nay, nước vẫn ngập là do kênh rạch, hồ chứa cần nhiều hơn, nạo vét sâu hơn, tăng diện tích nhiều hơn... và nếu vẫn ngập, chắc chắc do hệ thống cống thoát, cống xả tắc nghẽn. Phải bằng mọi giá ngăn được thủy triều thì chắc chắn thành phố sẽ cơ bản thoát ngập hoặc chỉ còn ngập rất ít, khi đó xử lý tốt nước mưa, nước thải sẽ không còn lo ngập trong mùa mưa.

Gốc của ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh là do thủy triều xâm nhập. Cách làm của nhiều dự án trước đây quá vụn vặt, manh mún nâng cao chỗ này, nước tràn qua chổ khác, ngăn nơi này thì ngập nơi khác khiến cho toàn bộ hệ thống thoát, xả nước đâu đâu cũng trở nên bất lực cùng với công nghệ lạc hậu, thiết bị đã quá lạc hậu, cũ kỹ, thiết kế nhỏ...

Theo dự báo, TP Hồ Chí Minh sẽ là nơi chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Như vậy, kịch bản xảy ra nếu nước biển dâng cao 0,5m thì TP có nguy cơ ngập 13,3% diện tích. TP Hồ Chí Minh sẽ là “đô thị ngập triều” nằm cuối hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai do cấu tạo địa hình vùng đất thấp, có nguồn gốc từ một vùng đầm lầy ngập mặt có nhiều cửa sông rạch giao nhau và chảy ra biển nằm cách trung tâm hiện hữu 80km, với 61% diện tích là vùng thấp trũng và gần 7.900 km kênh rạch chằng chịt như mạng nhện.

Và đây cũng chính là hệ thống thoát nước tự nhiên của thành phố nếu không có sự xâm nhập của triều cường ngày càng cao hơn do biến đổi khí hậu và đô thị phát triển không làm biến mất khoảng 50 con kênh rạch.

Với tất cả các công trình dự án chống ngập cho TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai thi công cho thấy, quyết tâm rất cao của chính quyền thành phố dành mọi ưu tiên cho chương trình chống ngập và giải quyết ùn tắc giao thông. Mùa mưa bão 2017 tuy sẽ còn nhiều khốn khổ do nước ngập và ùn tắc giao thông, nhưng kỳ vọng vào tương lai gần trong những năm tới, vấn đề cơ bản chống ngập lụt chắc chắn sẽ được hạn chế rủi ro thấp nhất.

Hàm Yên
.
.