Văn nghệ sĩ với biển đảo quê hương

Thứ Hai, 09/06/2014, 17:05

Ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng với hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay đi vào Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh, đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Trước tình hình trên, hàng triệu người dân Việt Nam đã vô cùng bức xúc, và nghệ sĩ cũng nêu chính kiến của riêng họ.

Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Lê Tiến Thọ

Đoàn của Hội Nghệ sĩ sân khấu chúng tôi gồm tác giả và đạo diễn vừa có chuyến đi thực tế ở biển đảo Trường Sa từ ngày 8 đến ngày 28/4/2014. Trong những ngày khi chúng tôi đặt chân tới những hòn đảo mà các chiến sĩ của lực lượng hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam đang bảo vệ biển trời biển đảo của Tổ quốc như đảo Song Tử Tây, Len Đao, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn và đi lên những nhà giàn… cảm xúc trong chúng tôi hết sức nồng ấm và thấy tình yêu với Tổ quốc càng thêm thiêng liêng. Trong các cuộc tiếp xúc giữa văn nghệ sĩ và các chiến sĩ, chúng tôi thấy rõ các chiến sĩ của chúng ta rất tự tin đầy bản lĩnh, tự hào khi được làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo.

Khi chúng tôi lên các giàn DK1/18 trong một nhà giàn rất nhỏ ở giữa biển cả bao la rộng lớn như thế mà hình dung vào những mùa mưa bão các chiến sĩ phải chống đỡ với giông bão, chống đỡ với đợt sóng gầm gào như vậy. Và đặc biệt là khi chúng tôi đi trên biển vẫn thấy lởn vởn những tàu mà các chiến sĩ Hải quân bảo đấy là những tàu của Trung Quốc.

Chúng tôi hỏi đời sống của các chiến sĩ ở đấy thì các anh nói rằng: "Chúng tôi không có gì phải lo lắng, sợ hãi cả, bảo vệ biển đảo là nhiệm vụ vinh quang được nhân dân và quân đội giao phó và chúng tôi ở đây ngoài khơi xa yên tâm công tác vì trong đất liền còn có cả một hậu phương vững chắc. Hôm nay được gặp văn nghệ sĩ ở đây động viên, biểu diễn giao lưu là nguồn động viên cổ vũ tinh thần rất lớn với các chiến sĩ biển đảo".

Chuyến đi vừa qua đến các hòn đảo của ta, đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi có rất nhiều hoạt động giao lưu trên tàu, thả vòng hoa và những ngọn nến xuống biển để tưởng nhớ những linh hồn của các chiến sĩ Hải quân đã hy sinh bảo vệ biển đảo. Chúng tôi còn được vào thăm trường học, nhà văn hóa, tận mắt chứng kiến sinh hoạt đời thường của những người dân sống trên đảo Song Tử Tây hay đảo Trường Sa và thấy cuộc sống nơi đây rất thanh bình. Chúng tôi nghĩ rằng trong thời gian vừa qua Nghị quyết của Trung ương về biển đảo đã tạo ra đời sống hoạt động phong phú của người dân trên đảo, chúng ta bảo vệ biển đảo, bảo vệ cho đời sống sinh hoạt của ngư dân suốt dọc bờ biển của đất nước từ Bắc vào Nam.

Trong chuyến đi chúng tôi có dịp được đồng hành, trao đổi với Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Vũ Huy Lễ của Hải quân nhân dân Việt Nam. Anh là người lao con tàu lên đảo Cô Lin  để bảo vệ đảo Cô Lin khi Trung Quốc định chiếm đảo và bắn chết 64 chiến sĩ hải quân đoàn vận tải biển vào năm 1988. Anh kể lại cho chúng tôi nghe chiến công cùng với các chiến sĩ để bảo vệ con tàu đưa con tàu lao về đảo Cô Lin và bây giờ các chiến sĩ hải quân của chúng ta vẫn đang ngày đêm bảo vệ đảo.

Người dân Việt Nam xuống đường phản đối sự xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc.

Trong đợt đi thực tế vừa qua, trong Nam có tác giả Vương Huyền Cơ và ngoài Bắc có tác giả được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật Lê Quý Hiền và một số các tác giả trẻ khác, chúng tôi cố gắng để có được những sáng tác hay, cho ra mắt những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao sẽ góp phần động viên cổ vũ tinh thần các chiến sĩ và đồng bào ở biển đảo. Và các khán giả tới xem tác phẩm sân khấu để hiểu được đời sống của chiến sĩ và nhân dân ở vùng  biển đảo mà chúng ta đang bảo vệ trước họa xâm lăng của thế lực phản động, bành trướng quốc tế.

Diễn viên, đạo diễn Như Lai

Hành động vừa qua, khi Trung Quốc cho giàn khoan HD981 vào sâu trong thềm lục địa và Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam  tất cả mọi người đều chung một cảm nhận chúng ta đang rất bức xúc về tình trạng hiện nay ở trên biển Đông. Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà họ là một bên tham gia ký kết và chính điều ấy đã gây nên sự bức xúc, phẫn nộ không chỉ riêng với giới văn nghệ sĩ mà tất cả mọi người mang dòng máu Việt. Kể cả đối với bạn bè quốc tế, những người đã và đang hết lòng ủng hộ chính nghĩa Việt Nam.

Từ ngàn đời nay truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta khiến cho những thế lực thù địch và giặc ngoại xâm phải kinh hoàng khiếp vía. Truyền thống đó tạo cho chúng ta tin tưởng rằng bất kỳ một thế hệ nào, một thời đại nào trong lịch sử, khi đất nước bị xâm hại chắc chắn mọi người sẽ đồng lòng. Vì khi động vào chữ Tổ quốc tạo ra một cảm giác rất thiêng liêng và chính sự thiêng liêng ấy sẽ biến thành sức mạnh. Sức mạnh của các dân tộc và thời đại.

Họa sĩ, nhà báo Nguyễn Lê Tâm

Không ai lùi mãi được, ngưỡng thay đổi thì cách thức đấu tranh cũng phải thay đổi. Từ khá lâu rồi, các cuộc ta chống gây hấn trên biển đã thực hiện rất bền bỉ, nhưng vì lý do nhạy cảm, chưa thể công bố. Đấu tranh phải lúc cứng lúc mềm, cương nhu nhuần nhuyễn thì mới có cơ thắng lợi. Tư duy gặm nhấm của Trung Hoa thì chúng ta không lạ, tổ tiên ta càng không lạ. Đúng như đức vua Trần Nhân Tông viết: "… họ không tôn trọng biên giới quy ước, cứ luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính ta thì gặm nhấm ta. Họ gặm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích".

Thực tế thời gian qua, bất chấp sự bền bỉ hòa nhã của ta, Trung Quốc luôn gây hấn rồi lại đổ lỗi cho ta trên trường quốc tế. Họ cố tình vẽ nên một hình ảnh Việt Nam xấu xí nhằm có lợi cho họ. "Con đỉa" HD981 chẳng khác nào hình ảnh con sói đặt từng chân vào nhà dê. Hãy cảnh giác. Không loại trừ, cái giàn khoan này chỉ là nghi binh cho những ý đồ khác. Kẻ thôn tính thường giương đông kích tây nhằm thực hiện những mưu đồ khôn lường trên mọi vùng biển và thậm chí đất liền.

Đấu tranh mạnh mẽ nhưng đừng quên xây dựng trước quốc tế một hình ảnh Việt Nam thân thiện, hòa hiếu. Đây cũng là truyền thống ứng xử, hóa giải hận thù với ngoại bang của cha ông ta để lại. Tuy hòa hiếu nhưng chúng ta cần cho Trung Quốc thấy 90 triệu người chung một ý chí thép. Để họ biết trước thất bại của họ.

Chúng ta có đủ cơ sở pháp lý và đạo lý để có thể trục xuất HD981. Chúng ta không đơn độc khi ASEAN cùng nhiều nước khác đã theo sát và đã có các tuyên bố ủng hộ ta. Muốn được ủng hộ nhiều hơn nữa, cần chăm lo công việc tuyên truyền. Lòng yêu nước trong những ngày qua thể hiện nhiều cách, ai có thế mạnh nào nên phát huy thế mạnh đó. Khẩu hiệu mạnh mẽ bao nhiêu mà không chuyển thành các ngoại ngữ thì cũng chỉ nội địa chúng ta nghe với nhau mà thôi. Hãy chuyển thành các ngôn ngữ như Anh, Hoa ngữ và các ngôn ngữ phổ thông khác để bạn bè hiểu ta. Ngay tại Trung Quốc thì cũng có nhiều tư tưởng khác với lãnh đạo. Không ít người Trung Quốc đã chỉ trích đường lối sai lầm của lãnh đạo họ.

Tống khứ "con đỉa" HD981 có ý nghĩa lớn, nó xóa đi tiền lệ xấu của việc đã rồi. Mỗi người một việc. Các họa sĩ hãy thiết kế các poster lên án hành động dùng giàn khoan phi pháp và cổ vũ cho chiến sĩ gìn giữ chủ quyền. Các nhạc sĩ hãy viết những tác phẩm ngợi ca hình ảnh người cảnh sát biển, cán bộ kiểm ngư đã dũng cảm đối đầu với kẻ thôn tính. Ta nhân nhượng nhưng không cho phép kẻ thôn tính lấn tới. Ngày xưa nhà thơ Cuba từng viết: "Mỹ thua trận ở Việt Nam vì không đọc thơ Người". Không hiểu ý chí của một dân tộc khát vọng độc lập tự do thì chỉ chuốc lấy thất bại. Trung Quốc chưa hiểu thì ta cho họ hiểu và buộc phải hiểu. Họ phải thấy cách ứng xử của người trưởng thành khác trẻ con như thế nào.

Tôi đã chứng kiến những chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, ngư dân và người dân kiên cường bám biển đấu tranh giữ chủ quyền. Họ là những cột mốc chủ quyền sống. Tôi đã thấy 90 triệu dân một ý chí những ngày qua. Đó là ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Nếu Trung Quốc chưa hiểu điều này, chúng ta sẽ cho họ thấy

Trần Mỹ Hiền
.
.