Vẫn vậy, Trần Tiến thuở nào…
- Đại gia đình nghệ sĩ Trần Tiến - Lê Mai và truyền thống nghệ thuật
- Lê Mai mừng vì chia tay Trần Tiến
Vẫn khuôn mặt ấy, vóc dáng ấy, không lẫn vào đâu được, giữa dòng người ngược xuôi, có ông cụ tung tẩy dạo chơi bè bạn khắp nẻo mà cũng chỉ loanh quanh Hà Nội 36 phố phường.
Xa rồi, ngày xưa thuở trước tung hoành ngang dọc, vi vu bôn tẩu Bắc - Trung - Nam cùng những người bạn văn nhân nghệ sĩ trên những chuyến xe bè bạn để ngược miền sương gió thỏa chí tang bồng. NSND Trần Tiến giờ chân bước đi chậm, tay lẩy bẩy run, ông không thể đi quá xa mà loanh quanh ở gần, sống bằng ký ức. Ký ức đẹp đẽ hay phong ba bão táp. Tất cả như những thước phim sống động cứ chập chờn ẩn hiện.
NSND Trần Tiến. |
NSND Trần Tiến sống một mình trong căn phòng ở tầng 1 tại một khu tập thể trên phố Ngọc Hà. Căn nhà thuê với giá 5 triệu một tháng để hằng ngày ông sinh sống ngủ nghỉ. Căn nhà đầy đủ vật dụng cần thiết, lại ngay ở tầng 1, tiện đi lại.
Ông bảo: Sáng ghé chân mấy bước ra chợ cóc đầu ngõ mua tí thức ăn nấu một bữa để ăn cả ngày. Lê Khanh có món gì ngon cũng chạy qua luôn để tiếp tế đồ ăn cho bố. Chỉ trừ có những lúc Khanh đi công tác dài ngày như đợt vừa rồi hai lần sang Nhật, chứ nếu ở nhà là lại như con thoi đảo qua đảo lại xem bố sinh sống thế nào.
Lê Vi sống cùng chồng con ở Pháp lúc lúc lại điện thoại về trò chuyện cùng bố, vừa rồi điện thoại về bảo sắp về Việt Nam để dự lễ kỉ niệm nhà hát ca múa nhạc chỗ Trần Bình, ông nói và mong ngóng Vi, mừng vì thế là bố con lại sắp được đoàn tụ sau ngày dài xa cách, nhớ nhung. Vân thì sống cùng chồng con ở ngay Hà Nội này thôi, thi thoảng ông cũng ghé đến thăm hai đứa cháu ngoại con của cô con gái đầu lòng của ông, nghệ sĩ múa Lê Vân.
Dáng người gầy mảnh, chân đi chậm và tay lẩy bẩy run, thính giác không còn nhạy nhưng đôi mắt thì vẫn tinh anh lắm. Đeo cặp kính vào, chữ lí nhí bé bằng con kiến gió, ông vẫn đọc được, nên hằng ngày ông vẫn có cái thú đọc sách báo hay bật ti vi theo dõi tin tức thời sự trong nước và quốc tế.
Ông bảo, không mấy khi xem phim, chỉ thích theo dõi thời sự, còn phim ảnh sân khấu giờ lùi vào quá khứ rồi. Nhiều người thấy ông sống một mình như vậy thì ái ngại, gia đình con cái đâu hết cả sao ông lại sống một mình, hoặc chí ít cũng cần phải có một ô sin “trông nom” chứ nhỡ ra có vấn đề gì thì làm sao xử lí kịp, ông lắc đầu phân bua. Chả gì bằng sống một mình, thoải mái, thảnh thơi, thích làm gì thì làm, ăn gì thì ăn, đi đâu thì đi, chả bị bó buộc gì vả lại Khanh cũng qua lại luôn, Vi điện thoại liên tục, ông nhớ cháu thì lại gọi taxi lên thăm hai đứa cháu trai con Lê Vân.
NSND Trần Tiến và nhà văn Ngô Thảo. |
Đã hơn 40 năm ông và vợ ông, nữ diễn viên Lê Mai chia tay nhau. Hồi chia tay, cả hai người đều còn rất trẻ, mới chỉ ngoài 30. Cô con gái út Lê Vi lúc đó mới 3 tuổi. Vậy mà mấy chục năm sau này, mặc dù có thừa điều kiện nhưng cả hai người chả ai chịu đi bước nữa, họ cũng không tái hợp, chung sống trong một mái nhà mà mỗi người sống một nơi.
NSND Lê Mai sống trong một căn nhà nhỏ xinh xắn tại phố Phan Đình Phùng, chung vách với cô con gái Lê Khanh, đây là căn nhà Khanh mua cho mẹ. Tính bà cũng thích tự do tung tẩy, độc lập, chả thích phiền hà con cháu, vả lại kề cận Lê Khanh, chỉ là tách nhà, tách khẩu nhưng vẫn gặp nhau luôn.
NSND Trần Tiến, người đàn ông hào hoa của làng sân khấu, được bao người mến thầm thương trộm, được vây kín bởi hào quang và những đón rước tung hô mời chào, với những giai thoại cả hàng tá mỹ nữ xinh tươi xin chết, nhưng rốt cuộc, trung vận rồi, đi mãi cuối con đường vẫn chả chọn được bóng hồng nào cho riêng mình thành ra giờ vẫn lẻ loi, đơn chiếc. Mọi chuyện kiếp dân sinh vô thường, tất cả âu cũng là cái số.
Kể từ ngày đó đến nay tròn 10 năm sau sự cố không mong muốn ấy. Năm 2006 Lê Vân ra cuốn tự truyện “Lê Vân yêu và sống”, sóng gió ập đến, thiên hạ thi nhau nhòm ngó gia đình danh giá có truyền thống nhiều đời làm nghệ thuật. Ông đi qua bão tan tác lòng nhưng rồi thời gian đã kịp hàn lại vết thương, mọi chuyện rồi cũng dần qua. Ông cũng đã quên và tha thứ tất cả để cho mọi chuyện ngủ yên trong quá khứ.
NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu, cậu út ruột của ba chị em Lê Vân, Lê Vi, Lê Khanh nói đến anh rể Trần Tiến đầy trìu mến rằng, chả ai đáng yêu và nghệ sĩ đến cực độ như anh rể mình. Cái tố chất một nghệ sĩ thiên bẩm đa tài ấy vào nghệ thuật thì đích thị là một solist chính hiệu cừ khôi số 1 nhưng nếu là một người chồng trong gia đình thì còn phải xét lại.
Ông Lê Chức kể rằng, Trần Tiến quý bạn và cần bạn chẳng khác gì cần vợ, cần con. Ngay từ thời tuổi trẻ ông Trần Tiến có thói quen là ngày nào cũng bạn, ăn cùng bạn, uống cùng bạn, chơi cùng bạn, ngủ cùng bạn.
Những bữa tiệc với bạn bè triền miên, quanh năm suốt tháng trong ngôi nhà nhỏ 24 mét vuông thì chị mình, nữ nghệ sĩ Lê Mai lại trần lưng ra dọn dẹp sau những “sản phẩm” bừa bộn của cả chủ lẫn khách lúc đã lướt khướt say mèm, và cả ba cô cháu gái của mình Vân, Khanh, Vi đều thảng thốt chứng kiến những bữa tiệc của cha mình. Nhưng kì thực, trong những người thân thiết với ông, nhiều người chứng thực Trần Tiến cũng trách nhiệm với vợ con và cũng chu đáo, ân cần lắm lắm. Ngay cả ái nữ Lê Khanh cũng ăm ắp kỉ niệm về người cha của mình không chỉ tài hoa trên sân khấu mà còn là một người cha chu toàn.
Chị kể về cha: Những ngày cùng cha theo đoàn kịch rời Thủ đô Hà Nội sơ tán về các làng quê, cha chị, NSND Trần Tiến lúc bấy giờ mới trổ tài là ông bố đảm, dậy từ tờ mờ sáng đắp đất be bờ bắt cá, nuôi gà để mấy bố con có thức ăn tươi. Nhà văn Ngô Thảo, người bạn thân thiết của nghệ sĩ Trần Tiến kể nếu như những gia đình nghệ sĩ khác đi sơ tán, ra chợ chỉ mua quả mướp về nấu ăn thì nghệ sĩ Trần Tiến mua cả cây mướp về trồng, vì cây mướp sẽ cho ra nhiều quả, cây mướp sai quả thế thì ngoài mấy bố con tha hồ ăn, còn lại phân phát cho những gia đình khác. Nghệ sĩ Trần Tiến đích thị là người biết nhìn xa, trông rộng, lại khoáng đạt với anh em bè bạn.
Bà Lê Mai và hai con gái Lê Khanh, Lê Vi. |
Tuy là người Hà Nội gốc, gia đình ông có hai anh em thì cả hai đều theo nghệ thuật, anh ruột ông là NSƯT Trần Văn Nghĩa - nguyên Giám đốc Nhà hát múa rối Trung ương và ông. Sinh ra và lớn lên ở đất Hà Thành nhưng ông lại thích tự tay gieo cấy, trồng trọt. Ông kể, hồi còn mảnh đất rộng, cứ sáng sáng là tự tay trồng rau để mình ăn và phân phát cho các con. Luống rau xanh non mơn mởn, mỗi ngày mỗi lớn, về già vui thú điền viên âu cũng là một cách vui vẻ của tuổi già đang xồng xộc kéo đến.
Nhưng rồi mảnh đất rộng đấy đã phải bán đi. Giờ ông đã yếu, nếu còn đất cũng không có thể tự tay chăm bón trồng trọt, thôi thì cứ mất dăm phút đi bộ ra mua mớ rau, con cá cũng là xong một bữa. Người già sống chủ yếu là về kí ức, những chuyện hôm nay họ có thể quên nhưng những chuyện của hôm qua, hay của những hôm trước nữa thì vẫn còn nhớ.
Ông cực kì vui bạn, ngoài gia tài đồ sộ với những vai diễn đóng đinh trên sân khấu kịch từ thuở hoàng kim của sân khấu thập niên 70, 80 thế kỉ trước, ông còn có một gia tài là những người bạn chí cốt, tri âm tri kỉ. Những người bạn đó đến nay người còn, người mất, người đang ngã bệnh đau yếu như cây nến lung lay trước gió.
Cách đây hơn chục năm, lúc đấy nhà thơ Thu Bồn, NSND Trọng Khôi, nhà văn Ngô Thảo và ông rong ruổi trên chiếc xe 7 chỗ của nhà văn Ngô Thảo đến từng vùng đất chơi dăm bữa rồi lại trở về. Sinh, lão, bệnh, tử - quy luật muôn đời, con người khi về già như chiếc lá mong manh trước gió, nhà thơ Thu Bồn và NSND Trọng Khôi đã lần lượt ra đi, ông do tuổi cao sức yếu không còn đi xa như trước được nữa.
Chẳng ai lãng du như nghệ sĩ, từ chục năm trước, nhà văn Nguyễn Khắc Phục không vợ con gì, thuê nhà sống một mình, lang thang khắp nơi, đã có lần ông tính cùng thuê nhà ở riêng với Nguyễn Khắc Phục. Duyên phận đẩy đưa, ý định hai người bạn già thuê nhà ở cùng nhau chưa thành thì Nguyễn Khắc Phục lại kết hôn với một phụ nữ trẻ. Nhưng hiện tại, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đang mang trọng bệnh. Còn ông sau bao năm sống một mình lẻ loi đơn chiếc thì giờ vẫn vậy, ở một mình mãi rồi cũng là một thói quen.
Tôi bất giác hỏi ông, hai vợ chồng ông chia tay cũng đã lâu, ông là một người đích thị hào hoa khó ai sánh bằng chắc hẳn rất nhiều bóng hồng gãy gục liêu xiêu, thế tại sao đến giờ ông vẫn một mình chăn đơn gối chiếc? Ông thừa nhận, bảo đúng là ông có số đào hoa, có nhiều người yêu mến nhưng có lẽ số ông nó vậy, chỉ có duyên nhưng không có phận, toàn đứt gánh giữa đường. Mà, ông trời cũng chả cho ai hết bao giờ.
Được cái này nhiều thì sẽ bớt cái kia, ông cũng bằng lòng và cho đó chung quy cũng là hai từ: “Số phận”. Như ông, con đường ông đi, số phận đã an bài là một nghệ sĩ kịch nghệ nổi danh, một diễn viên sân khấu kịch tài hoa của đất Hà thành nên trong cuộc sống đổ vỡ chuyện hôn nhân, hay bất đồng với con cái cũng là điều dễ hiểu. Ông chấp nhận như một phần của số phận, không oán trách mà man mác buồn như tâm hồn của một nghệ sĩ vấn vương đa cảm, giàu trắc ẩn.
Cân đong đo đếm, thì vẫn thấy người nghệ sĩ như ông là quá lãi lời, tính cách và tài năng thiên bẩm của một nghệ sĩ đích thực lồ lộ, ngay cả ông cũng đã thừa nhận không làm nghệ thuật cũng chả biết làm gì. Khởi đầu vào sân khấu là ông đến với chèo, năm ông 17 tuổi đã gây ấn tượng với vai hề gậy, hề chèo.
NSND Thế Lữ và NSND Đào Mộng Long đã phát hiện tố chất thiên bẩm từ người diễn viên trẻ nên khuyến khích ông sang địa hạt sân khấu kịch nói và sau này là điện ảnh. Ở sân khấu ông thành danh với những vai diễn từ bi cho đến hài, chính kịch, ở địa hạt nào ông cũng gây ấn tượng mạnh với những vai diễn lôi cuốn và đầy tính thuyết phục.
Từ vai Nguyễn Trãi trong vở “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” đầy bi tráng với những cung bậc nội tâm giằng xé của bậc cao nhân hiền triết, ông lột tả nét thâm trầm của một nhà nho tiết nghĩa với nỗi oan khiên tày trời. Tiên ông Đế Thích trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, ông Đại Cát trong “Quẫn”, Cao bồi trong “Đứng gác dưới ánh đèn nê ông, người cha trong “Người cha thô bạo”... hàng trăm vai diễn lớn đã gắn với tên tuổi của ông. Ở địa hạt điện ảnh, ông cũng có đóng góp không nhỏ. Bộ phim cuối cùng ông đến với điện ảnh là phim “Bi đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di.
Sau bộ phim đấy, nhiều đạo diễn điện thoại mời đóng phim nhưng lấy lí do sức khỏe, ông đều từ chối. Hôm nay đây, dưới những hạt mưa xuân, ông lại xênh xang xống áo, vi vu taxi để gặp gỡ bè bạn. Ông vẫn vậy, vẫn là Trần Tiến thuở nào, những câu chuyện hóm hỉnh, cái nhìn sâu sắc, lối sống phong lưu, lạc quan, rồi cũng có chỗ kĩ tính. Ông cười, bảo Trần Tiến của 10 năm sau nữa vẫn phong độ và đáng mến như trước đây và bây giờ. Và, đương nhiên, tất cả chúng tôi đều tin như thế.