Vang mãi tiếng khung cửi Khe Nghè

Thứ Hai, 22/06/2020, 10:24
Bản Khe Nghè, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, vốn là nơi xuất xứ nghề dệt thổ cẩm của người Cao Lan. Nơi đây, nghề dệt vải đã từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người Cao Lan khi trang phục truyền thống của dân tộc được coi là một nguồn tài sản quan trọng, có giá trị nhất định trong việc phân định giàu nghèo.

Và giờ đây, tiếng khung cửi dệt thổ cẩm vẫn được duy trì đều đặn dưới nhiều mái nhà, như một nét chấm phá đặc sắc, giàu bản sắc trong bức tranh bản làng mới. Trong bản có cả thảy 160 hộ gia đình sinh sống thì có tới 85% là người Cao Lan. Nghề dệt ở Khe Nghè từ xưa đã nổi tiếng khắp vùng.

Đến Khe Nghè, người ta dễ dàng bắt gặp những dấu hiệu của cuộc sống hiện đại, đủ đầy hơn nhưng tiếng khung cửi dệt thổ cẩm của người Cao Lan vẫn khua lên nhịp nhàng, như những thanh âm trở về quá khứ.

Nghệ nhân Trạc thị Ngọn (82 tuổi) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2015.

Một hình ảnh quen thuộc khi đến bản Khe Nghè đó là người đàn bà ngồi bên chiếc khung cửi bằng gỗ thô sơ, nhịp nhàng, đều đặn, cần mẫn khuôn từng sợi chỉ để làm thành những thước vải thổ cẩm đặc sắc... Đó là bà Trạc Thị Ngọn, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2015. Nhắc đến thổ cẩm và kỹ thuật dệt, chẳng ai ở bản Khe Nghè am tường và thuần thục như bà.

Trong ngôi nhà nhỏ của mình, chị Tống Thị Lâm, cháu của bà Ngọn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dệt truyền thống bản Khe Nghè, cũng mải miết với từng đường tơ, sợi chỉ bên chiếc khung cửi bằng gỗ đã ngả màu nâu. Mẹ chị Lâm truyền cho chị nghề dệt thổ cẩm này và để lại luôn cho chị cái khung cửi.

Bà Ngọn kể, khi ấy, con gái Khe Nghè ai cũng phải biết dệt thổ cẩm, nếu không sẽ bị chê cười, không có người yêu thương. Vì thế, các cô gái trong bản từ 13-14 tuổi là phải biết dệt thổ cẩm. Trước đây, khi công cụ chưa được cải tiến, phụ nữ phải dành nhiều thời gian, công sức cho công đoạn này. Cán bông và se sợi đòi hỏi sự tỉ mỉ, chú tâm mới tạo ra những sợi chỉ đều, đẹp. Sau đó việc lên khung cần kiên nhẫn để sợi vải sắp xếp 2 tầng với số lượng sợi lẻ và chẵn phù hợp, rồi tuần tự đảo vị trí cho nhau bảo đảm sản phẩm không bị lỗi, đều sợi, trơn mượt. Từ năm 13 tuổi bà đã học kéo sợi, đến năm 18 tuổi đã học lên khung và dệt thành thạo từ đó.

Ngày nay, kỹ thuật dệt, lên khung, thêu thùa trang trí trang phục truyền thống ấy vẫn được các nghệ nhân ở Khe Nghè bảo lưu và có ý thức truyền dạy cho con cháu để có sẵn lớp kế tục. Đam mê của bà Ngọn cũng lan tỏa sang cả người con trai là anh Dương Văn Quang.

Hằng ngày, nhìn những người phụ nữ Khe Nghè vất vả bên khung dệt, nhận thấy nỗi vất vả của họ, anh Quang đã nghĩ ra chiếc máy lên khung giúp cho người lên khung, cuốn sợi di chuyển nhanh hơn. Không chỉ cải tiến những công cụ để người dệt đỡ vất vả mà anh Quang còn trực tiếp học dệt. Công việc dệt vải không đơn giản như anh tưởng. Khi mới bắt đầu, lưng và tay dệt không nhịp nhàng, được khâu này thì lại quên khâu khác, khiến tấm vải dệt ra nhiều chỗ bị lỗi, hỏng... Thế nhưng, dưới sự hướng dẫn của bà Ngọn, anh Quang đã trở thành người đàn ông đầu tiên và duy nhất, cho tới nay, học và biết dệt ở Khe Nghè.

Vừa dệt vải, vừa tìm cách cải tiến những công cụ dệt, suốt gần 20 năm qua, anh Quang cùng mẹ mình là bà Ngọn không ngừng cải tiến, nâng cao kỹ thuật cũng như truyền giữ nghề dệt. Thay vì chỉ dệt những thước vải phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, với màu chàm chủ đạo của người Cao Lan, người thợ đã bắt đầu dệt thêm những sản phẩm để bán, phục vụ du lịch với cách phối màu và các sản phẩm phong phú hơn.

Theo thống kê, hiện nay, bản Khe Nghè còn giữ được khoảng hơn 20 chiếc khung cửi, trong đó gần chục chiếc hoạt động thường xuyên, còn lại là tùy theo thời gian nông nhàn. Những người giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống như bà Trạc Thị Ngọn (82 tuổi), Trạc Thị Phúc (84 tuổi), Tô Thị Thọ (79 tuổi)... chính là những nghệ nhân nhiệt tình đang cố gắng truyền nghề cho những thế hệ sau trong bản.

Trang Nguyên
.
.