“Vàng mắt” vì vàng

Chủ Nhật, 22/03/2020, 08:51
Cơn bão COVID-19 đang càn quét thị trường tài chính: giá vàng lập đỉnh mới, trong khi tiền ảo rực lửa, chứng khoán lao dốc, giá dầu rơi thẳng đứng... Dù được xem là hầm trú ẩn an toàn và đang “lên ngôi”, song kiếm tiền từ vàng cũng không hề dễ và thứ kim loại quý lấp lánh nhưng khó nắm bắt đó đang khiến nhiều người “vàng mắt”.

Hấp dẫn nhưng quá rủi ro

Từ đầu năm mới đến nay đã gần hết quý I, thị trường vàng liên tục tăng khiến cho nhu cầu đầu tư an toàn gia tăng, đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát thì giá vàng càng “làm mưa làm gió”. Lúc đỉnh cao, kim loại quý đã chạm ngưỡng 1.700 USD/oz, dù hiện tại, tính đến ngày 16-3, giá vàng đã xuống mức 1.533 USD/oz.

Tính trong cả năm 2019, giá vàng tăng gần 19% - mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010. Kết quả này có được chủ yếu nhờ cuộc chiến về thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc buộc các ngân hàng trung ương lớn của thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong nước, giá vàng năm vừa qua đã tăng tới gần 6 triệu đồng/lượng, tương đương 16,3% giá trị - cao hơn so với diễn biến của thị trường chứng khoán và gấp hơn 2 lần so với gửi tiết kiệm ngân hàng. Còn kể từ đầu năm 2020 đến nay, giá vàng đã tăng phi mã, lúc đỉnh cao lên gần 50 triệu đồng/lượng - tăng khoảng 7 triệu đồng/lượng - cao hơn cả năm 2019 cộng lại.

Hiện tại, dù lùi về mức 47 triệu đồng/lượng thì vàng cũng đã kịp mang lại cho nhà đầu tư gần 5 triệu đồng mỗi lượng chỉ trong vòng hơn 2 tháng. Nếu mang giá trị lợi nhuận này để so sánh với các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay tiền ảo đang rực lửa trên thị trường thì quả thực là “một trời một vực”.

Một vài người theo quan điểm “duy tâm” thì cho rằng giá vàng tăng trong năm 2020 là điều hết sức tất yếu vì ngay từ phiên “mở hàng” năm mới, kim loại quý đã tăng vọt từ lúc mở cửa. Cụ thể, trên sàn Kitco, giá vàng phiên cuối cùng năm cũ chốt ở mức cao 1.516,80 - 1.517,80 USD/oz. Sáng mùng 1, giá vàng kỳ hạn tháng 2 tăng 6,30 USD/oz tại 1524,90 USD/oz - đạt mức cao nhất trong hai tháng vào giữa ngày giao dịch tại Mỹ. Với diễn biến này, các nhà đầu tư đã rất lạc quan vào năm 2020. Và đúng thế thật, khi trong thời gian tiếp theo, kim loại quý đã trở thành một thế lực áp đảo trên thị trường tiền tệ.

Thế nhưng, điều đáng nói là tốc độ tăng giá của vàng sẽ chưa dừng lại - theo nhận định của hầu hết các chuyên gia và nhà đầu tư lớn trên thế giới. Có tới 80% nhà đầu tư Main Street tin rằng vàng sẽ vượt đỉnh lịch sử năm 2011 và chạm 2.000 USD/oz. Trước đó, khi chưa xuất hiện dịch COVID-19, nhiều chuyên gia phân tích thị trường đã nhận định giá vàng năm 2020 có thể lập kỷ lục mới trong bối cảnh địa chính trị vẫn bất ổn vì thế giới đầu tư sẽ đổ xô đi tìm tài sản trú ẩn an toàn, trong đó có kim loại quý. Nếu dự báo của các nhà đầu tư Main Street là đúng, giá lên đến 2.000 USD/oz như 25% ý kiến đưa ra thì quy đổi ra giá vàng trong nước sẽ không dưới 55 triệu đồng/lượng.

Giá vàng lên xuống nhưng không dễ kiếm lời.

Trước sự biến động của thị trường tài chính, rất nhiều quỹ đầu tư, các chuyên gia đều cho rằng nên ưu tiên vàng trong danh mục hàng hóa. Nhà đầu tư huyền thoại Byron Wien cũng khuyên “để mắt đến vàng” trong năm 2020. Còn trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, Christopher Cruden, giám đốc của Insch Kintore Ltd, đã lưu ý rằng vào tháng 2, công ty của ông đã nắm giữ một số lượng lớn các vị thế mua vàng bằng tất cả các loại tiền tệ G7: USD, đô la Canada, đô la Úc, bảng Anh, Euro, đồng Franc Thụy Sĩ và đồng yên Nhật.

“Vàng sẽ là khoản phòng hộ tốt trước sự thay đổi chính sách tiền tệ”, cá nhân Cruden nói rằng ông hy vọng giá vàng sẽ tăng cao hơn khi các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo.

Thế nhưng, như cái bình thông nhau, vàng dù hưởng lợi bao nhiêu vì chứng khoán, dầu thô xuống giá thì cũng có lúc phải chấp nhận cảnh “đồng cam cộng khổ” với thị trường tài chính. Bởi vậy, dù không mong muốn nhưng nhiều nhà đầu tư buộc phải thực hiện lệnh bán vàng để bù đắp khoản lỗ do đã “sạch ví” vì sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, dầu thô.

Đây cũng là điều lý giải cho sự “thất sủng” tạm thời của kim loại quý trong những phiên giao dịch gần đây, từ “đỉnh cao” 1.700 USD/oz xuống còn 1.533 US/oz. Các nhà phân tích cho rằng việc giá vàng lên xuống hoàn toàn theo thị trường, khả năng làm giá của “tay to” không còn dễ như trước đây.

 Ngược lại lịch sử, từ năm 1919-2004, nhà Rothschild - gia tộc được cho là giàu nhất thế giới - đóng vai trò quan trọng trong việc định giá vàng thông qua ngân hàng đầu tư NM Rothschild & Sons ở Anh quốc. Một cách không chính thức, việc điều chỉnh giá vàng cung cấp một thước đo chuẩn mực để định giá phần lớn các sản phẩm làm bằng vàng và các mặt hàng liên quan tới vàng khắp các thị trường thế giới.

Tuy nhiên, từ năm 2004, ngân hàng nhà Rothschild đã rời bỏ khỏi thị trường kim loại quý này. Với nền tảng giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến, quy mô giao dịch khổng lồ của thị trường vàng tài khoản, các hợp đồng tương lai mới là yếu tố chính dẫn dắt giá cả của giao dịch vàng vật chất trong nhiều năm trở lại đây.

Cơ hội trong cạm bẫy?

Vàng có sóng, vậy cơ hội nào cho các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam? Theo số liệu thống kê thì có tới trên 95% những nhà đầu tư vàng trên thế giới vào thị trường Việt Nam bị thua lỗ kể cả những người chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, kể cả các cá nhân hay là tổ chức. Điều này cho thấy đầu tư vào vàng không “dễ ăn”.

Đối với thị trường vàng trong nước, từ trước đến nay vẫn đi theo diễn biến của giá vàng thế giới, tuy nhiên trong nhiều giai đoạn gần như cắt đứt sự liên thông với giá vàng thế giới, khi tăng giảm mạnh hơn nhiều kéo chênh lệch mở rộng so với giá thế giới quy đổi.

Như trong phiên giao dịch vào đầu tuần trước, giá vàng trong nước tăng thêm 3 triệu đồng chỉ trong một buổi sáng, lên mức kỷ lục gần 50 triệu đồng/lượng, kéo chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới quy đổi xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng sau đó nhanh chóng lao dốc, tương tự những gì đã diễn ra cách đây 9 năm, khiến cho câu hỏi về việc thị trường vàng có đang bị thao túng hay không quay trở lại.

Thực tế, so với trước đây, quy mô giao dịch của thị trường vàng trong nước nhỏ hơn rất nhiều, đặc biệt là thị trường vàng vật chất hiện đang nằm trong dân dưới dạng tích lũy nên khả năng thao túng khó xảy ra. Hơn nữa, sau khi hoạt động giao dịch vàng tài khoản chấm dứt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, Nghị định 24/2012/NĐ-CPvề quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời vào tháng 4-2012, không chỉ trao cho Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng mà còn thắt chặt hoạt động kinh doanh, mua bán, xuất nhập khẩu vàng, nhằm giảm mức độ vàng hóa trong nền kinh tế, thị trường vàng đã bình ổn trở lại.

Việc thao túng giá vàng lâu dài như giai đoạn trước là khó có thể, khi các doanh nghiệp lớn cũng chịu sự quản lý chặt chẽ từ nhà điều hành, trong đó có doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Vì vậy, những bất hợp lý trong giá vàng như trước đây, nếu có, cũng chỉ mang tính thời điểm.

Các nhà đầu tư không nên dồn tất cả vốn liếng vào vàng mà nên chia các khoản đầu tư của mình vào nhiều giỏ.

Theo phân tích của TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư tài chính thì cơ chế nền tảng đầu tư vàng ở Việt Nam và trên thế giới khác nhau. Trên thế giới, những nhà giàu, trung lưu, tài sản của họ đều giao ủy thác cho các quản trị viên của các tổ chức tài chính và họ có công thức để chuyển dịch nhằm đảm bảo tài sản của nhà đầu tư an toàn. Còn ở Việt Nam, từ trung lưu trở lên thì hầu như không cần ai quản lí và dòng tiền hướng chủ yếu vào bất động sản. Do đó, người nước ngoài mua vàng nhiều hơn người Việt.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) vàng có khả năng tăng giá lớn nhất, song cũng đang ở mốc cao kỷ lục 8 năm và có thể giảm bất cứ lúc nào. Ông Khánh cho rằng trong bối cảnh toàn cầu bất ổn hiện nay, dòng tiền đầu tư có xu hướng chạy vào các tài sản an toàn.

“Tại Việt Nam, đầu tư vàng rất “khó giàu”. Hai kênh đầu tư có khả năng tăng giá nhất hiện nay là trái phiếu chính phủ và vàng. Tuy nhiên, trái phiếu chính phủ chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức, trong khi vàng rất rủi ro và tỷ suất sinh lời không cao”, ông Khánh nói.

Cùng chung quan điểm, TS Đinh Thế Hiển cho rằng mua vàng trên sóng là cực kỳ rủi ro. Theo vị chuyên gia này, vàng chỉ dành cho những người thật sự không đầu tư, tức người dân, những tiểu thương, công nhân mỗi tháng trích một ít tiền mua để dành, hay còn gọi là khoản tiết kiệm. Hiếm có người nào có thể bỏ vài chục tỷ để “ôm” hàng trăm cây vàng, nghĩa là có đầu tư thì cũng chủ yếu là “cò con”, còn đối với các nhà đầu tư chứng khoán, họ lại càng không rút tiền để mua vàng, bởi so với khoản lời 5-7% mỗi lần “nhích qua nhích lại” thì lợi nhuận của vàng chẳng là gì đối với họ.

“Nếu xét về lợi nhuận, vàng lên chỉ 5% đã là siêu lợi nhuận. Còn những người đầu tư thật sự thì đó không phải là đầu tư mà là tiết kiệm. Nhưng, mua vàng trong sóng đều là rủi ro mà tỷ lệ chiến thắng thị trường là rất thấp”, TS Hiển nói. 

Vẫn giữ quan điểm chia trứng vào nhiều giỏ để phân tán rủi ro, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, vàng và gửi tiết kiệm là hai kênh đầu tư tốt nhất hiện tại. Ngoài ra, theo TS. Hiếu, nhà đầu tư có thể nghiên cứu bỏ vốn vào một số dự án bất động sản phục vụ nhu cầu thực.

Chuyên gia về vàng Trần Thanh Hải cũng cho rằng, vàng có khả năng còn tăng nữa, nếu dịch COVID-19 lan rộng, kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy giảm. Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo, chỉ cần một quốc gia công bố vaccine phòng dịch thì giá vàng sẽ lao dốc không phanh. Chính vì vậy, đầu tư vàng thời điểm này khá rủi ro. Thực tế cho thấy giá vàng sôi động, song giao dịch trên thị trường khá trầm lắng.

Vàng sẽ “vật vã” trong những tháng còn lại của năm 2020?

Tại một báo cáo được công bố mới đây, Georgette Boele, chiến lược gia kim loại quý tại ABN AMRO, đã đặt câu hỏi về vai trò truyền thống của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Bà nói rằng bản thân mình nhận định giá vàng sẽ phải vật lộn trong phần còn lại của năm 2020 khi tăng trưởng toàn cầu yếu ảnh hưởng đến nhu cầu trang sức và các nhà đầu tư đổ xô tới đồng USD như một nơi trú ẩn an toàn.

Boele lưu ý rằng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giá vàng đã giảm 20%. Trong khi đó, đồng USD tăng mạnh khi thanh khoản thị trường cạn kiệt.


4 điều kiện khi đầu tư vàng

Thứ nhất, phải theo sát tình hình dịch bệnh và những khủng hoảng kinh tế, chính trị khác có tác động lớn tới giá vàng, cập nhật thông tin hằng ngày hằng giờ để xác định xu hướng, từ đó có quyết định mua bán phù hợp, kể cả cắt lỗ khi cần thiết. Thứ hai, vàng thanh khoản cao, dễ ăn nhưng cũng là một kênh đầu tư cực kỳ rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư không nên dồn tất cả vốn liếng vào vàng mà nên chia các khoản đầu tư của mình vào nhiều giỏ: gửi tiết kiệm, chứng khoán hay bất động sản - chia sẻ rủi ro.

Thứ ba là đừng bao giờ vay mượn tiền, hay dùng tiền thu nhập thường xuyên, tiền kinh doanh của mình để “ném” vào vàng. Chỉ mua vàng khi có tiền nhàn rỗi hoặc tiền nằm trong danh mục đầu tư mà thôi. Và khuyến nghị thứ tư là không “lướt sóng” vàng. Nếu đã mua vàng, nên giữ vàng trong thời gian từ 3-6 tháng. (Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu)

Hà An
.
.