Vì sao vàng miếng SJC dậy sóng?

Thứ Sáu, 10/04/2015, 07:15
Nửa tháng qua thông tin được phát ra từ công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) đã khiến nhiều người đang sở hữu vàng miếng SJC loại chỉ có 1 chữ cái trước dãy số seri xôn xao. Rất may, hiện tượng này đã nhận được sự can thiệp kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để ổn định thị trường. Nhưng đã thành thông lệ, kể từ khi được công nhận là thương hiệu vàng Quốc gia đến nay, không năm nào thị trường vàng miếng SJC không bị tạo sóng.

Một khi ấn tín đã trao tay…

Sau 25 năm kể từ khi xuất hiện trên thị trường, đến thời điểm này, Công ty SJC đã tự sản xuất để bán hoặc gia công cho NHNN và đưa ra thị trường trên 20 triệu lượng vàng miếng SJC các loại.

Theo thông tin được một lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đưa ra, thì sau khi trừ đi số đã bị dập thành thương hiệu khác hoặc biến thành vàng nguyên liệu để chế tác vàng trang sức, số lượng thực tế vàng miếng SJC đang lưu thông trên thị trường vào khoảng 15 triệu lượng.

Là nhà sản xuất, gia công chủ lực, chiếm đến 90% lượng vàng miếng đang lưu thông trên thị trường, nhưng trong vòng 3 năm trở lại đây, khi việc sản xuất vàng miếng SJC được NHNN quản lý, Công ty SJC trở thành nơi gia công theo đơn đặt hàng và kinh doanh thuần túy, bình đẳng như các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng miếng khác.

Nên chính DN "sinh ra" thương hiệu vàng miếng nổi tiếng này đã không thể "dưỡng" mà còn không ít lần gián tiếp gây sóng đối với thị trường vàng miếng SJC. 

Gần đây nhất, trong công bố của Công ty SJC vào ngày 18/3 có nội dung: Trước ngày 1/4, người mang vàng miếng SJC loại có 1 chữ cái trước dãy số seri đến bán sẽ được DN này mua lại bằng giá với những miếng vàng có 2 chữ cái trước dãy số seri. Những khách hàng muốn đổi vàng miếng có 1 chữ cái lấy những miếng vàng có 2 chữ cái sẽ phải bù tiền.

Còn kể từ ngày "cá tháng Tư" (1/4/2015 - PV) trở đi, khách đến bán vàng miếng SJC loại có 1 chữ cái trước dãy số seri sẽ bị trừ ngay 40 ngàn đồng/lượng.

Một công đoạn trong quy trình gia công vàng miếng SJC.

Dù vậy, thông tin này đã không được Công ty SJC cho công bố rộng rãi cũng như giải thích một cách rõ ràng để khách hàng hiểu. Mà ngược lại, đơn vị này chỉ cho dán công khai tại cửa hàng giao dịch của SJC và công bố với những đại lý, điểm kinh doanh vàng miếng của ngân hàng - tức toàn nhóm khách hàng bán sỉ, trực tiếp với Công ty SJC.

Do vậy, khi mang vàng tới giao dịch với các điểm kinh doanh vàng miếng, bị phát hiện ra tình trạng vàng chỉ có 1 chữ cái trước dãy seri và bị trừ từ 100 - 150 ngàn đồng/lượng, nhiều người dân TP HCM đã tỏ ra khá bức xúc bởi theo họ vàng nào cũng là vàng miếng SJC và loại chỉ có 1 chữ cái trước dãy số seri của mình cũng do chính Công ty SJC đã đóng lên.

Tại sao quy ước rõ ràng là thế lại bị phân biệt đối xử một cách thô bạo như vậy? Chị Liên, một người dân ở quận Phú Nhuận bức xúc cho biết, cách đây hơn tuần do có việc cần tiền nên chị có mang số vàng miếng SJC đã mua trước đó ra bán lại cho cửa hàng vàng tư nhân ở khu vực chợ Bến Thành.

Bán đúng tại cửa hàng đã mua trước đó nên việc kiểm tra các miếng vàng, kiểm tra seri trên hóa đơn được chủ cửa hàng tiến hành rất nhanh. Nhưng dù có là khách quen, khách mối thì chị cũng bị cửa hàng trừ mất 100 ngàn đồng/lượng sau một hồi nghe chủ cửa hàng giải thích vì sao lại bị trừ như vậy.

Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh vàng của Công ty SJC cho biết, số tiền trừ của khách có vàng miếng loại 1 chữ cái này dùng để bù đắp chi phí vốn, rủi ro do biến động giá và phí gia công.

Theo khẳng định của ông Tường, thì số vàng miếng có 1 chữ là sản phẩm do Công ty SJC sản xuất, gia công thời điểm trước đây. Cả về chất lượng, quy cách, cân nặng… đều không hề có sự khác biệt gì so với miếng vàng có 2 chữ cái do cùng được dập trên một khuôn mẫu và cùng quy trình sản xuất.

Việc đóng 1 chữ cái hay 2 chữ cái trước dãy số seri chỉ là để xác định thứ tự từng đợt sản xuất gia công, hết đợt này sẽ chuyển sang đợt khác.

Miếng vàng có 2 chữ cái và miếng chỉ có 1 chữ trên seri.

Theo ông Tường, thời gian qua dù Công ty SJC vẫn lẳng lặng mua vào loại vàng miếng có 1 chữ cái trước dãy số seri, song không biết vì lý do gì thị trường lại "chê" miếng vàng SJC loại chỉ có 1 chữ cái, khiến số vàng công ty đã thu mua vào không thể bán ra(?)

Ngay cả các ngân hàng, đại lý kinh doanh vàng miếng SJC cũng không muốn mua lại loại vàng miếng chỉ có 1 chữ cái trước dãy số seri này. Tuy vậy, khi được hỏi rằng, các ngân hàng hoặc đại lý có văn bản nào phản hồi với SJC về việc không mua lại loại vàng miếng SJC có 1 chữ cái trước dãy số seri này không, ông Tường khẳng định là không!

Tình trạng này dù đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng ông Tường cho rằng không thể ngăn chặn do hiện nay Công ty SJC cũng chỉ là một trong những đơn vị kinh doanh mặt hàng này với thị phần mua vào, bán ra không lớn.

Đã vậy, ông Tường cho biết cũng không nắm được số lượng vàng miếng loại có 1 chữ cái đã sản xuất, đưa ra thị trường cũng như số lượng vàng miếng chỉ có 1 chữ cái trước seri mà Công ty SJC đã mua vào hiện đang còn tồn kho trong công ty dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị đọng vốn, phải khấu trừ tiền của người bán loại vàng này là bao nhiêu lượng.

Ngay cả số lượng vàng miếng SJC bị móp méo, cong vênh Công ty SJC đã thu về, xin giấy phép dập lại hoặc số lượng vàng do khách hàng mang đến nhờ Công ty SJC gia công bọc nhựa, ép màng chống giả là bao nhiêu lượng ông Tường cũng không nắm được.

Chiều ngày 1/4, ông Tường đã thông báo rằng đại diện Công ty SJC vừa họp với Chi nhánh NHNN TP HCM xong.

Tại cuộc họp này, đại diện Chi nhánh NHNN TP đã khẳng định sẽ hỗ trợ phía Công ty SJC bằng cách thường xuyên cấp phép để đơn vị này dập lại số lượng vàng miếng có 1 chữ cái trên seri thành 2 chữ cái để tránh tồn đọng. Phía SJC cũng đã tính chuyện hủy bỏ việc thu khoản phí 40 ngàn đồng/lượng khi mua vào đối với những miếng vàng có seri là 1 chữ cái.

Không có gió sao vẫn dậy sóng?    

Trở lại thời điểm nửa cuối năm 2012, từ thông tin đồn thổi một cách không chính thức, tâm lý lo ngại do giữ vàng miếng SJC móp méo, cong vênh khi SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia của người có vàng đã dậy sóng. Để an tâm, người dân đã ùn ùn kéo đến các cửa hàng của SJC ở Hà Nội, TP HCM để bán loại vàng này.

Với các lý do hết tiền vốn hay chưa được cấp phép dập lại vàng miếng, khi đó Công ty SJC cũng đã ngừng mua vào trong nhiều ngày.

Điều này khiến nhiều người sở hữu vàng miếng SJC bị móp méo, cong vênh sau quá trình lưu thông nhiều năm buộc phải lựa chọn một trong hai cách, mà cách nào cũng bị thiệt thòi: Hoặc bán tháo với giá nguyên liệu, rẻ hơn giá vàng miếng cùng loại từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/lượng hoặc chỉ còn cách đem về tiếp tục găm giữ, chấp nhận ôm vốn trong tình trạng lo lắng, hồi hộp.

Tiếp đó, vào năm 2013, chỉ với thông tin được đại diện Công ty SJC đưa ra, rằng đã phát hiện được vài trăm lượng vàng miếng giả, nhái thương hiệu SJC.

Kết quả kiểm định sau đó xác nhận phần lớn số vàng nhái thương hiệu này đều đảm bảo chất lượng, còn lại một phần là vàng bị rớt tuổi chút ít, không phải vàng 9999.

Chỉ một chiêu đơn giản như vậy cũng đã khiến thị trường vàng miếng SJC tiếp tục dậy sóng khi người có vàng miếng SJC một lần nữa đổ dồn về các cửa hàng của Công ty SJC để xác định xem vàng của họ thật hay nhái; để bọc nhựa, ép màng chống giả, thậm chí là để thay vỏ nhựa mới cho các miếng vàng SJC với chi phí tiền công là vài chục ngàn đồng/lượng.

Một phần vàng miếng SJC cong vênh, móp méo trở thành nguyên liệu chế tác vàng trang sức.

Lý giải về hiện tượng này, một đại diện Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP  cho rằng, không chỉ là tài sản có giá trị và dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt hoặc các loại tài sản khác, vàng miếng SJC là loại hàng hóa đặc biệt, nên chỉ cần một thông tin không minh bạch hoặc rõ ràng, lập tức thị trường này sẽ tổn thương, chao đảo.

Khi chúng tôi trao đổi với ông Tường, khẳng định, hiện dây chuyền máy móc gia công vàng miếng SJC vẫn thuộc quyền sở hữu của Công ty SJC; phía NHNN chỉ giữ, niêm phong khuôn mẫu dập các loại vàng miếng SJC.

Trong khi đó theo giới thạo tin trong lĩnh vực kinh doanh vàng miếng tại TP HCM, cả năm ngoái xưởng gia công vàng của Công ty SJC chỉ làm mỗi một việc là dập lại những miếng vàng móp méo, cong vênh đang lưu hành trên thị trường; chứ không hề có đợt dập vàng miếng SJC mới nào trong khi công suất của hệ thống máy móc nhà xưởng này rất lớn.

Bằng chứng là tính từ thời điểm NHNN đưa vàng miếng SJC ra đấu thầu vào cuối tháng 3-2013 đến hết năm này đã có 76 phiên đấu giá được tổ chức với lượng vàng miếng SJC được bán ra cho các cá nhân, tổ chức tham gia đấu thầu đã lên tới con số gần 1,82 triệu lượng trong tổng số hơn 1,93 triệu lượng được đưa ra chào thầu.

Nguyên liệu để dập ra số vàng miếng SJC này phần nhiều từ các loại vàng miếng thương hiệu khác. Do đó Công ty SJC vừa dập, vừa còn phải kiểm tra lại chất lượng đầu vào, nhưng công suất dập vàng miếng của SJC vẫn đạt một lượng khủng như vậy trong thời gian ngắn.

Điều này buộc công luận và những người đang có vàng miếng SJC loại 1 chữ cái trước dãy số seri có quyền nghi ngờ rằng: Hiện tượng vừa qua được tạo sóng để cứu dàn máy móc công nghệ, nhà xưởng dập vàng miếng giá trị nhiều tỉ đồng này khỏi cảnh đắp chiếu, trùm mền.

Hơn thế, căn cứ vào việc đánh các chữ cái trước dãy số seri theo thứ tự A, B, C rồi đến AA, BB, CC… trong khi mỗi miếng vàng SJC loại 1 lượng chỉ được ghi 5 - 6 chữ số phía sau các chữ cái, sau đó phải nhảy seri khác thì có thể thấy rằng lượng vàng miếng SJC chỉ có 1 chữ cái là không hề nhỏ trong tổng số vàng đã dập, lưu thông ra thị trường.

Dập lại hầu hết lượng vàng cong vênh, móp méo rồi đến bọc nhựa ép vỉ, ép màng chống giả. Nay với kiểu thông tin để dư luận gây áp lực cho NHNN theo kiểu này, dư luận cho rằng liệu có phải ý đồ dập lại số vàng có seri 1 chữ cái thành 2 chữ cái là để "ăn" tiền công, tạo công ăn việc làm của đơn vị này có vẻ như đã thành hiện thực?

Và cho dù người sở hữu vàng miếng SJC có 1 chữ cái trên dãy seri đã không còn bị trừ 40 ngàn đồng khi đem bán cho chính nơi sản xuất ra nó, nhưng tiền phí gia công, ép lại vỉ phía SJC bỏ ra chắc chắn sẽ phải có người móc hầu bao để trả. Đó sẽ là ai?

Thái Bảo
.
.