Váy ngắn váy dài - Mệt nhoài chú cháu

Thứ Hai, 04/08/2014, 16:30

Gần đây, những người làm việc trong các cơ quan nhà nước đang râm ran bàn tán về dự thảo “Nghị định về văn hóa công sở” do Bộ Nội vụ đề xướng. Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn thì: “Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc hội thảo về “Văn hóa công sở” để có một nghị định về vấn đề này, bởi đối với công chức ở công sở, có những vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là văn hóa. Ví dụ như khi phát biểu trong một cuộc họp thì phải đứng lên, không nên ngồi, bắt tay chào hỏi giữa mọi người với nhau như thế nào, xưng hô trong quan hệ công tác sao cho hợp lý, chứ cứ “chú - cháu, bác - cháu” nơi công sở là không phù hợp, hay phụ nữ có được mặc váy không, váy dài đến đâu...”.

Tuy nhiên, mặc dù mới chỉ là hội thảo để dự thảo, nhưng dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều…

Chỉ tại cái váy

Lại chuyện váy áo công sở, tức là chuyện áo quần của công chức.

Công chức là ai (?!). Theo giải thích của trang Bách khoa Toàn thư mở (Wikipedia) thì, "nghĩa chung của công chức là nhân viên trong cơ quan nhà nước, đó là những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh trong các cơ quan nhà nước (trong đó tập trung vào các cơ quan hành chính) để thực thi hoạt động công vụ và được hưởng lương và các khoản thu nhập từ ngân sách nhà nước. Công chức của một quốc gia thường là công dân, người có quốc tịch của nước sở tại và thường nằm trong biên chế".

Chắc chắn một điều, không một cơ quan nhà nước nào lại đi tuyển dụng một công chức không đủ năng lực hành vi, không đủ chuyên môn đáp ứng công việc vào biên chế. Tất nhiên, thi thoảng người ta cũng nghi ngờ về một nhóm nhỏ công chức được gửi gắm vào các cơ quan, đơn vị. Nhưng, điều này không có nghĩa là tất cả công chức đều thuộc dạng "Con cháu các cụ cả".

Trở lại chuyện váy ngắn váy dài, do đặc tính của công việc, tôi thường xuyên liên lạc với nhân viên của các cơ quan. Thú thật là, cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thấy bất kỳ nữ công chức nào mặc váy phản cảm. Váy phản cảm, tức là váy quá cao so với gối và quá thấp so với hông. Loại váy được nhắc đến dễ khiến người ta liên tưởng đến sự nóng bỏng của các cô nàng tóc xanh đỏ, da trắng nuột, đong đưa nhún nhảy trong quán bar.

Lâm Viên, nữ nhân viên của một cơ quan khi nghe tôi hỏi quan điểm về Dự thảo mặc váy theo quy chuẩn của Bộ Nội vụ đã cười ngất, Viên bảo: “Đúng là hài hước thật, vì nhỡ đâu có em nào mặc suýt soát cái tiêu chuẩn ấy, ông sếp lại là đàn ông mà phải vạch ra đo thì kỳ quá. Em nghĩ rằng, cái này chỉ là dự thảo thôi, chứ không có chuyện thành hiện thực đâu".

Chị Lê Khánh, hiện đang công tác tại Trung tâm Giáo dục sức khỏe tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nghe tôi hỏi hết câu: "Quan điểm của chị ra sao về dự thảo về quy định mặc váy của Bộ Nội vụ", đã hỏi ngược lại: "Ủa! Anh đang nói thiệt hả? Nãy giờ, tôi cứ tưởng anh nói chơi".

Sau khi tôi khẳng định đang trao đổi nghiêm túc, chị Khánh cho biết: "Mới nghe dự thảo là đã thấy kỳ rồi. Một quy chuẩn mơ hồ và mênh mông như vậy thì kiểu gì cũng bị phản ứng. Không chỉ vậy, tôi cho rằng dự thảo này phần nào coi thường nhận thức của nữ công chức. Nó thể hiện tầm nhìn bó hẹp và rất ngắn".

Khác với chị Lê Khánh - nhân viên của FPT Telecom Phan Sa tỏ ra mềm mỏng hơn. Phan Sa nói: “Tôi nghĩ, dự thảo này có thể là vì những người làm luật muốn có một quy định rõ ràng. Chứ chưa hẳn xem thường nữ công chức. Tuy nhiên, váy như thế nào để đúng quy chuẩn, là lịch sự, là không phản cảm thì rất khó để suy xét. Bản thân tôi, cũng chưa từng thấy nữ công chức nào mặc váy phản cảm".

Quan điểm rất lạ khác của nhà báo Lan Phương, hiện đang công tác tại Báo Thanh Niên: "Tôi thích đến cơ quan, nhìn mọi người tươi mới, sexy một cách ôn tồn. Hứng thú làm việc tốt hơn nhiều. Ngay bản thân mình, dù cơ quan tôi bố trí tiền may trang phục công sở, nhưng tôi rón rén không mặc. Vì tính cách tôi phóng khoáng (nhưng không phóng túng) nên không thích bó buộc".

Rất nhiều nữ công chức khác đã từ chối trả lời về vấn đề này, bởi theo họ thì "tào lao quá thể".

Ngay trong gia đình mình, bà xã tôi công tác tại một ngân  hàng, vẫn thường mặc váy đồng phục đi làm. Khi nghe tôi hỏi nhanh về dự thảo này của Bộ Nội vụ, vợ tôi đã phàn nàn rất ngắn gọn: "Rảnh quá". Chính bản thân tôi cũng nghĩ, đúng là dự thảo này có vẻ được ban hành từ các cá nhân đang… rất rảnh.

Dự thảo, tất là điều luật chưa được ban hành đang chỉ ở trong giai đoạn bàn bạc, xin ý kiến. Thế nhưng, việc đưa ra những dự thảo như: váy chuẩn, cấm xưng hô chú cháu, không được nói tiếng lóng… của Bộ Nội vụ, phần nào đó khiến cho dư luận có cái nhìn không chuẩn mực, đúng đắn về quan chức.

Theo hướng "phải giáo dục công chức đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất", thì vô hình trung, Bộ Nội vụ lại ngày càng đẩy công chức về một biệt khu, tách biệt hoàn toàn công chức với những cá nhân còn lại trong xã hội.

Đây là điều hết sức nguy hại, mà có lẽ Bộ Nội vụ nên nghiêm túc suy tính đến, trước khi đưa ra một dự thảo nào đó liên quan đến công chức.

"Anh - em" – cần xem "chú - cháu"

Từ xưa đến nay, người Việt nói chung vốn đề cao tính "tôn ti trật tự" trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Theo đó, khi giao tiếp thì tùy theo tuổi tác mà xưng hô, chẳng hạn như cụ, ông, bà, bác, chú, cô, dì, anh, chị, em, con, cháu… Và bởi vì giao tiếp trong lĩnh vực hành chính có liên quan mật thiết đến giao tiếp xã hội nên chẳng ai thắc mắc khi thấy nhân viên trong một cơ quan nhà nước, gọi "sếp" mình là "anh Năm, chị Bảy", còn người được gọi thì theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu như chẳng lấy đó làm phiền, thậm chí có người còn cho rằng gọi như vậy là thể hiện tính thân mật, anh em một nhà, đoàn kết…

Chị Linh, nhân viên của một phòng nghiệp vụ ở huyện Bình Chánh, TP HCM cho biết: "Từ hồi vô làm việc tới giờ, em vẫn gọi thủ trưởng của em là anh Ba. Trò chuyện hoặc chỉ đạo công việc, ảnh thường xưng anh, kêu em bằng tên, giống như anh em trong gia đình vậy". Hỏi chị có khó chịu hay thắc mắc gì về cách xưng hô đó không, và cách xưng hô đó có ảnh hưởng đến công việc không thì chị Linh lắc đầu: "Dạ không. Chẳng riêng gì cơ quan em mà nhiều cơ quan khác trong huyện cũng vậy, nghĩa là cũng "anh Hai, chị Tư, chú Năm, cô Tám". Còn về công việc thì nhiệm vụ, chức trách của mình, mình phải làm tròn".

Nếu qui định về xưng hô nơi công sở đi vào hiện thực thì sẽ không còn “thưa chị Năm”, mà là “thưa bà giám đốc”.

Tương tự như chị Linh, anh Thiện, cán bộ của một cơ quan trực thuộc một sở ở TP HCM nói: "Tôi có ông anh, về mặt chức trách thì tôi là cấp trên của ổng nhưng trong xưng hô, tôi vẫn phải gọi ổng bằng anh, xưng em. Bây giờ nếu Nghị định mới của Bộ Nội vụ được đưa vào áp dụng thì mỗi lần làm việc với tôi, ổng sẽ phải gọi tôi bằng đúng chức danh của tôi là trưởng phòng. Ngược lại, tôi sẽ gọi ổng là đội trưởng…".

Vẫn theo anh Thiện thì: "Cứ tưởng tượng ra cái cảnh ổng đứng trước mặt tôi, rồi: "Báo cáo trưởng phòng…", còn tôi thì: "Đội trưởng cứ trình bày…", tôi thấy nó… kỳ kỳ làm sao ấy!

Anh Bình, phóng viên của một tờ báo tại TP HCM cho biết, cách xưng hô trong tòa soạn báo anh từ lâu đã là "luật bất thành văn", không ai bảo ai nhưng tất cả đều thuộc lòng như một nguyên tắc: "Ngoại trừ những buổi họp quan trọng, mọi người xưng hô với nhau theo chức vụ, còn thì hàng ngày, những người nhỏ tuổi hơn thường gọi tổng biên tập, phó tổng biên tập, các trưởng ban bằng anh, hoặc bằng chú, xưng em, xưng cháu. Nếu lớn tuổi hơn, họ gọi tổng biên tập, phó tổng biên tập, các trưởng ban bằng bác, xưng tôi - một cách gọi thay cho con nhưng vẫn thể hiện sự kính trọng. Bây giờ, nếu Nghị định của Bộ Nội vụ đi vào thực tiễn thì sẽ không còn anh, em, chú, bác gì nữa".

Theo quy định của Luật Lao động hiện thời, độ tuổi về hưu của nam giới là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi (ngoại trừ một số ngành nghề đặc thù và học vị của người ấy). Nhưng ở nhiều cơ quan nhà nước, có người đến tuổi nghỉ hưu vẫn được mời ở lại làm cố vấn, chuyên gia nên một bác sĩ 24 tuổi, mới tốt nghiệp chẳng hạn, làm việc cùng một giáo sư, tiến sĩ 62 tuổi thì cách xưng hô sẽ ra sao?

Lê Duy, sinh viên Y khoa năm thứ 6, Đại học Y Dược TP HCM nói: "Dù vị giáo sư tiến sĩ ấy không dạy tôi nhưng theo truyền thống, tôi vẫn phải gọi bằng thầy, và xưng con. Bây giờ,  nếu Nghị định của Bộ Nội vụ không cho phép xưng hô như vậy thì sao? Chẳng lẽ mỗi lần tiếp xúc, tôi phải "thưa giáo sư tiến sĩ" hoặc "thưa ông cố vấn", và xưng "tôi"?".

Dược sĩ Thanh, làm việc tại một bệnh viện ở TP HCM, có vợ cùng làm chung than thở: "Bả là trưởng khoa, tôi là lính. Nếu mai này mỗi lần muốn xin ý kiến của bả, tôi phải "thưa bà trưởng khoa" hoặc "thưa đồng chí trưởng khoa" thì nghe mà não ruột!

Trước vấn đề dự thảo "Nghị định về văn hóa công sở", có ý kiến cho rằng hiện nay ở các nước tiên tiến và ngay cả trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, khi vào công sở, người ta xưng hô theo thứ bậc chức trách cho dù đó là cha con hoặc anh em trong một gia đình. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ thì tại những nước này, rất ít khi người cùng một nhà làm việc chung trong một đơn vị - ngoại trừ các công ty, doanh nghiệp tư nhân. Còn ở Việt Nam, hiện tượng "một người làm quan cả họ được nhờ" không phải là hiếm. Vì thế, liệu có mấy người chấp nhận trường hợp ông anh cả do ít học, phải làm công việc bảo vệ còn thằng em là giám đốc rồi mỗi khi thằng em ra, vào cơ quan, ông anh lại phải "chào giám đốc".

Cũng có ý kiến cho rằng trong công sở, xưng hô thân mật như gia đình theo kiểu "chú chú, cháu cháu"... sẽ làm triệt tiêu  tính độc lập của cá nhân khi nêu ý kiến phản biện hay tranh luận nhưng chưa hẳn ý kiến này đã đúng. Trong vụ án tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Công ty Lương thực An Giang hồi cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, một cán bộ thân tín của bà Giám đốc Trương Thị Thanh Hương khi tiếp xúc với chúng tôi đã cho biết anh coi bà Hương như chị ruột, và hàng ngày khi xưng hô anh vẫn gọi bà là "chị Hai". Nhưng trước những sai phạm động trời của bà, anh đã không ngần ngại cung cấp cho chúng tôi hàng loạt hồ sơ chứng từ, chứng minh hành vi phạm tội. Kết quả bà Thanh Hương bị bắt, ra tòa và lĩnh án 20 năm tù giam!

Còn nhớ năm 2012, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam ban hành "Quy chế văn hóa doanh nghiệp", trong đó chi tiết đến độ việc xỉa răng cũng được đưa vào: "Khi xỉa răng cần che miệng", hoặc cách ngồi ăn, lấy thức ăn, húp canh, nhai thức ăn (gặm xương, nhả xương...).

Một giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nói: "Văn hóa hình thành nên nhân cách. Khi có văn hóa, người ta tự  biết cách ứng xử, nói năng, ăn mặc như thế nào cho phù hợp chứ không cần phải ra quy định như thế".

Còn với dự thảo Nghị định về văn hóa công sở, không ít người cảm thấy ngạc nhiên khi mà Bộ Nội vụ, một cơ quan lớn của Nhà nước chịu trách nhiệm các vấn đề thuộc về công chức, lại đi lo những chuyện nhỏ nhặt. Nó khiến dư luận nhớ lại quy định về trang phục biểu diễn của nghệ sĩ do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành trước đây, cũng chi tiết đến độ váy chỉ được ngắn cách đầu gối bao nhiêu, và đã có nữ ca sĩ bị phạt vì mặc váy áo hở  ngực. Quy định ấy bị dư luận phản đối vì chẳng lẽ cứ trước mỗi buổi biểu diễn, lại có người chuyên làm nhiệm vụ… đo váy hay sao!

Thế nên, theo ý kiến của nhiều người trong giới công sở, họ ủng hộ cách thay đổi xưng hô theo kiểu gia đình, nhưng chuyện váy ngắn váy dài, chú chú cháu cháu nên để cho các cơ quan đề ra quy định chứ không nên biến thành luật

Cao – Hữu
.
.