Về bộ phim khiến cộng đồng Hồi giáo nổi cơn thịnh nộ

Thứ Ba, 29/01/2019, 15:17
Người Hồi giáo trên khắp thế giới từng rầm rộ xuống đường biểu tình, phản kháng một sản phẩm điện ảnh xuất xứ từ Mỹ dám báng bổ đấng tiên tri Muhammad có tựa đề “Innocence of Muslims” (Sự ngây thơ của người Hồi giáo). Vậy những ai đã can dự vào bộ phim “phạm húy” gây ra sự phẫn nộ lan truyền?

Cụ thể vào đầu tháng 6-2012, một người mang tên Sam Bacile đã tải lên trang web YouTube một đoạn video clip dài gần 14 phút quảng bá cho phim; đồng thời nhân vật bí ẩn này tự nhận mình là nhà sản xuất, người viết kịch bản kiêm đạo diễn cuốn phim dài 120 phút, với kinh phí 5 triệu USD từ các nhà tài trợ và được quay tại tiểu bang Calfornia trong năm 2011, nhằm “lột tả khối u ác tính Hồi giáo” như nguyên văn lời ông ta trong buổi trả lời phỏng vấn Hãng tin AP.

Trước làn sóng bài Mỹ dâng cao, đặc biệt là sau vụ tấn công vào cơ sở ngoại giao ở Libya sát hại Đại sứ Christopher Stevens cùng ba người Mỹ khác, cảnh sát California đã lần ra danh tính của người mang nghệ danh “Sam Bacile” là Nakoula Basseley Nakoula, 55 tuổi, một kẻ đang bị quản thúc tại gia ở quận Carittos phía nam thành phố Los Angeles. Vốn là một di dân Ai Cập, từng thụ án 21 tháng tù cùng số tiền phạt 790.000 USD về tội lừa đảo tài chính, sau khi mãn hạn vào đầu tháng 6-2011, N. Nakoula còn bị quản chế 5 năm kèm điều kiện cấm tiếp xúc với mạng Internet do trước khi bị bắt và kết án tù, trong năm 2009 đương sự đã dùng số an sinh xã hội giả đánh cắp nhiều tài khoản ngân hàng trực tuyến.

N. Nakoula cho biết đã viết kịch bản phim khi đang trong thời gian cải tạo, với tên gọi chính thức ban đầu là “Innocence of Bin Laden” (Sự ngây thơ của Bin Laden), nhưng khi tải lên mạng lại chuyển thành cái tên trên. Rốt cục N. Nakoula đã phải trở lại nhà tù, do đã sử dụng Internet vi phạm lệnh cấm.

Nhà làm phim nghiệp dư N.Nakoula (trái) tại tư gia trước khi bị tống trở lại vào tù.

Nhân vật thứ 2 là Steve Klein, một cựu binh được Sam Bacile mời làm cố vấn kịch bản cho bộ phim nhờ nhãn quan phản bác đạo Hồi. Năm 1977 S. Klein đã đứng ra thành lập Liên đoàn Kitô hữu can đảm, một tổ chức quá khích chuyên bài xích Hồi giáo, đạo Mormon và giáo phái Nhân chứng Jehovah tách biệt khỏi Kitô giáo chính thống.

S. Klein cho biết nhóm làm phim quyết định chiếu ra mắt tại nhà hát Vine trên đại lộ Hollywood ở Los Angeles, có phụ đề tiếng Arab nhằm gây sự chú ý từ cộng đồng Hồi giáo cư ngụ tại nam California.

Theo các nhân chứng thì phim “Sự ngây thơ của Bin Laden” chỉ trình chiếu duy nhất một suất, với lượng khán giả lèo tèo trái với dự tính lúc đầu. Còn chủ rạp Vine cho biết có một người tên Sam tự xưng là đạo diễn đã đứng ra thuê nhà hát. Trong khi rạp chiếu phim thì ông này ngồi tại nhà hàng phía đối diện nhìn dán mắt vào phía cửa chính hy vọng khán giả đông đảo sẽ kéo tới.

Áp phích phim “Sự ngây thơ của Bin Laden” tại nhà hát Vine đầu tháng 6-2012, cùng lời quảng bá bằng tiếng Arab.

Nội dung phim mô tả nhà tiên tri Muhammad, nhân vật bất khả xâm phạm trong đạo Hồi như là một người không ngay thật và đam mê sắc dục; trong khi các diễn viên tham gia đóng phim lại không hề hay biết về chủ đề vừa nêu. Nữ diễn viên Cindy Lee Garcia cho rằng mình đã bị lừa, khi tham gia quay bộ phim “Chiến binh sa mạc” cùng với 59 diễn viên khác, với đoàn làm phim 45 người trong vòng 3 tuần lễ vào tháng 8-2011 tại một nhà thờ gần Los Angeles.

Chỉ có tiếng nói của C. Garcia là còn giữ nguyên trên phim “Sự ngây thơ của người Hồi giáo” nhưng với bối cảnh hoàn toàn khác. Theo như quảng cáo thì các diễn viên tự nguyện không nhận thù lao, trong thực tế theo lời bà C. Garcia mức cát-sê thuộc dạng èo uột. Còn nam diễn viên Tim Dax quả quyết rằng đó không phải là những cảnh anh đóng trong phim “Bão táp sa mạc” do S. Bacile đạo diễn, thậm chí anh còn tỏ ý nghi ngờ về giọng của mình trong “Sự ngây thơ của người Hồi giáo”…

Một nhân vật trung gian khác liên quan đến bộ phim gây phẫn nộ trong cộng đồng Hồi giáo quốc tế là Morris Sadek, một người Mỹ gốc Ai Cập đã cất công lồng tiếng Arab cho phim đăng tải trên blog của mình, rồi gửi trích đoạn tới kênh truyền hình vệ tinh Al-Naus nhằm quảng cáo về siêu phẩm màn bạc “có một không hai”. Nhưng cao trào chống Mỹ và phương Tây chỉ thực sự bùng nổ, khi kênh Al-Nas của Ai Cập chính thức phát trích đoạn  phim vào buổi tối ngày 8-9-2012.

Sự kiện này làm người ta nhớ lại bức biếm họa về đấng tiên tri Muhammad, đăng trên tờ nhật báo Jyllands-Posten của Đan Mạch dạo năm 2005, đã dấy lên làn sóng bạo loạn ở một loạt các nước có đạo Hồi là quốc giáo. Theo đánh giá của các chuyên gia điện ảnh am hiểu thì bộ phim “Sự ngây thơ của người Hồi giáo” được tạo dựng không phải từ giới làm phim chuyên nghiệp, mà đơn giản là từ những người muốn thể hiện qua ngôn ngữ điện ảnh cho mục đích bôi nhọ tín ngưỡng của người khác, đi ngược lại tiêu chí nhân văn của bộ môn nghệ thuật thứ 7.

Kim Dung (tổng hợp)
.
.