Về chốn bình yên của đại văn hào Lev Tolstoy

Thứ Sáu, 03/11/2017, 10:52
Điền trang Yasnaya Polyana, nơi đại văn hào Lev Tolstoy cất tiếng khóc chào đời và cũng nơi đây, ông về yên nghỉ trong lòng đất mẹ Nga. Dường như những khung hình đẹp nhất của thiên nhiên nước Nga đều hiện hữu ở khu điền trang êm đềm chất chứa đầy hoài niệm này.

Và dường như những thành tựu trí tuệ, tinh thần của nhân loại cũng được cô đúc tại nơi này qua 22.000 đầu sách trong thư viện của ông.

Khu điền trang Yasnaya Polyana thuộc tỉnh Tula, cách thủ đô Moscow khoảng 200km. Con đường dài hun hút rợp tán bạch dương vàng rực, đến một ngã rẽ, du khách theo một lối đi nhỏ tìm đến mộ đại văn hào. Chỗ này cây cối thưa hơn vì trong quãng thời gian Lev Tolstoy vắng nhà một thời gian dài, khu rừng này đã từng bị chặt phá.

Nhiều năm sau đó, khi quay lại điền trang, văn hào mới cho trồng lại khu rừng này. Ngôi mộ của “Sư tử nước Nga” (chữ Lev tên ông trong tiếng Nga có nghĩa là sư tử) chỉ là một nấm cỏ xanh, những cành tùng, dương xỉ nhỏ leo lên tạo thành một khối hình chữ nhật. Cỏ trên mộ xanh ngắt, được điểm xuyết những chiếc lá phong, lá sồi vàng rực nối nhau rơi xuống. Ngay cạnh đó, là một khe suối cạn với chiếc cầu làm bằng gỗ bạch dương uốn mình khiêm tốn. Không một tấm bia, không một bức ảnh, một dòng chữ nào về tên tuổi lẫn ngày sinh, ngày mất…

Lev Tolstoy đang yên nghỉ, rất bình dị, theo như di chúc, để được hòa lẫn với đất trời nơi điền trang mà ông đã chào đời, đã sống tổng cộng 60 năm và viết nên những kiệt tác trong kho tàng văn học thế giới: “Chiến tranh và hòa bình, “Anna Karenina”…

Căn phòng của văn hào Lev Tolstoy được phục chế trong khu điền trang.

Những năm tháng cuối đời, trong ông đã nhen nhóm ý nghĩ phải rời bỏ ngôi nhà bình yên trong khu điền trang tuyệt đẹp vì ông đã chứng kiến “sự nhẫn tâm và ích kỷ của người thân” bởi những toan tính vật chất mà ông không thể nào chấp nhận. Con người dám từ bỏ mọi danh vọng và của cải, sống và lao động như một người nông dân, viết những bài thuyết kêu gọi hòa bình, chấm dứt chiến tranh và thủ tiêu nghèo đói ấy vào một đêm tuyết rơi đầy trời tháng 10-1910 đã âm thầm trốn chạy.

Sau khi dặn dò người đánh xe và vuốt ve những chú ngựa lần cuối, ông đã rời điền trang, cùng với con gái Alexandra và bác sĩ riêng, đi đến một nơi… vô định. Chỗ dừng chân cuối theo ý nguyện của ông là một tu viện nhưng đã phải dừng lại tại ga Astapovo vì ông ngã bệnh.

11 ngày sau, ngày 7-11-1910, vào một ngày tuyết rơi đầy trời, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà của ông trưởng trạm ga xe lửa vì sưng phổi. Được tin ông mất, hàng vạn người từ Moscow và khắp nơi trên đất nước Nga tìm đến điền trang Yasnaya Polyana tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tháng 5-2011, thư viện riêng của Lev Tolstoy thuộc quần thể Bảo tàng điền trang Lev Tolstoy được đề cử vào danh sách “Ký ức thế giới” -chương trình bảo vệ di sản tư liệu của Tổ chức UNESCO. Độc đáo nhất, đây là thư viện của một trong những văn hào vĩ đại, bao gồm 22.000 quyển in bằng 30 ngôn ngữ vẫn được xếp trên các kệ hệt như khi đại văn hào còn sống.

Những quyển sách đầu tiên trong thư viện này là do các bậc cha chú của ông đem về và truyền lại cho Lev Tolstoi với số lượng khoảng 600 quyển. Cuốn sách cổ nhất được xuất bản năm 1613, quyển cuối cùng được mua năm 1910, khi Tolstoy đã qua đời.

Thư viện Yasnaya Polyana luôn được nhà nước Nga quan tâm đặc biệt. Trong Thế chiến thứ II, khi Đức Quốc xã xâm chiếm Liên Xô, quân phát xít đã phá hủy và đốt cháy tòa nhà của Tolstoy. Rất may là 22.000 cuốn sách của nhà văn đã được đưa đi sơ tán tới thành phố Tomsk ở Siberi.

Nơi yên nghỉ của đại văn hào Lev Tolstoy.

Ở đây có những quyển sách mà người ta không thể nào tìm được trong Thư viện Quốc hội Mỹ, cũng như Thư viện Anh hay cả Thư viện quốc gia Nga tại Moscow. Thư viện này cũng ghi dấu hoạt động của Tolstoy về dịch thuật.

Bà Galina Alekseeva, nhân viên bảo tàng cho biết: “Trong thư viện này, Lev Tolstoy đã dịch các tác phẩm kinh điển Trung Quốc sang tiếng Anh. Ông đã dịch các tác phẩm của các triết gia và các nhà hoạt động xã hội các nước khác nhau. Đến nay vẫn lưu giữ các ấn bản mà nhà văn đã tham khảo khi ông viết ba cuốn cuối của bộ “Minh triết thư”, trong đó có quyển “Đường sống”. Ông thường dùng bút chì ghi lại nhận xét của mình bên lề những đoạn mà ông cho là thú vị nhất.

Hàng chục ngàn đầu sách không chỉ nói lên tầm tri thức của chủ nhân, mà còn nói về những thành tựu trí tuệ và tinh thần của nhân loại nói chung. Bà Galina Alekseeva nhấn mạnh: “Điều gì làm cho thư viện này có giá trị? Trước hết, nó chứa đựng một số ấn phẩm còn bảo quản được bút tích của Tolstoy khi ông đọc chúng.

Trong số đó có những cuốn sách từng là nguồn tài liệu tham khảo để nhà văn viết cuốn tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình”, có những công trình lịch sử và các bài viết về sư phạm có thể được xem ở cấp độ bản thảo. Ngoài ra, có nhiều ấn phẩm được những người đương thời nổi tiếng gửi đến tặng Tolstoy. Những cuốn sách có chữ ký của gần như tất cả các nhà văn đương đại Nga, nhà văn nước ngoài và nhiều người khác”.

Quang Hiếu (theo Sputnik)
.
.