Về dự án xây dựng nhà Quốc hội mới
Từ ngày 2/9 đến 15/9/2007, tại phòng 101 (Trung tâm Hội nghị Quốc gia - số 2 Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội) đã diễn ra triển lãm các phương án thiết kế kiến trúc nhà Quốc hội, để trưng cầu ý kiến của người dân, các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, kiến trúc nhằm nghiên cứu lựa chọn phương án thiết kế tối ưu nhất.
Phương án quy hoạch, xây dựng tòa nhà Quốc hội tại lô D khu Trung tâm Chính trị Ba Đình đã được Quốc hội khóa XI nhất trí thông qua. Nhà Quốc hội sẽ được xây dựng trên khuôn viên của Hội trường Ba Đình hiện nay có diện tích hơn 1,2ha, trong đó diện tích xây dựng khoảng 0,8ha.
Nhà Quốc hội sẽ có phòng họp bao gồm khu vực đại biểu chính 800 chỗ ngồi, khu vực dành cho khách mời hơn 300 và khu vực đoàn chủ tịch. Trên mái nhà Quốc hội có thể bố trí một sân đỗ máy bay trực thăng...
Đây là phương án được nhiều cơ quan, nhiều tổ chức và cá nhân nhất trí cao do Nhà Quốc hội có vị trí trang trọng trong khu Trung tâm Chính trị Ba Đình; có không gian kiến trúc cảnh quan đẹp, giữ được nhiều di tích đã phát lộ trong quá trình khai quật khảo cổ học và có điều kiện để mở rộng các hoạt động của Quốc hội...
Khi công trình hoàn thành sẽ tạo ra một quần thể xung quanh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm Nhà Quốc hội, khu di tích 18 Hoàng Diệu, khu thành cổ Hà Nội và chùa Một Cột.
Về tiến độ xây dựng nhà quốc hội, Chính phủ đặt kế hoạch hoàn thành vào năm 2010, đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Về tòa nhà Quốc hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ đạo: “Nhà Quốc hội vừa phải là biểu tượng về nền văn hóa kiến trúc của đất nước, nhưng cũng đảm bảo hài hòa với tổng thể chung của khu vực. Đặc biệt, tòa nhà phải có tầm của một “công trình vĩnh cửu”.
Tổng Bí thư nêu rõ: “Lần này, việc đưa ra phương án xây dựng tòa nhà Quốc hội nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận, nhân dân, các vị lãnh đạo lão thành và kể cả các chuyên gia sử học... Nên cố gắng đến năm 2010 - đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - hoàn thành xong tòa nhà này!”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Phương án kiến trúc được lựa chọn phải thể hiện được tính bề thế, tính thời đại, tính dân tộc, xứng tầm là công trình kiến trúc phục vụ cho cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Thậm chí, nếu cần thiết sẽ tiến hành nâng cấp phương án kiến trúc đã lựa chọn. Trong trường hợp đặc biệt, có thể tổ chức lại cuộc thi để chọn phương án thiết kế khác đáp ứng tốt nhất yêu cầu cũng như tầm vóc của công trình...”.
Vì vậy tòa nhà Quốc hội phải đảm bảo là công trình tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, là biểu tượng tập trung ý chí và nguyện vọng của toàn dân, đồng thời cũng là biểu tượng của một nước Việt Nam yêu tự do, yêu hòa bình, sẵn sàng hợp tác với bạn bè quốc tế.
Đồng thời, kiến trúc tòa nhà Quốc hội cũng phải đảm bảo yêu cầu bảo tồn di tích lịch sử, kết hợp hài hòa với không gian, cảnh quan kiến trúc của khu vực.
Hàng vạn người dân thuộc đủ mọi giai tầng xã hội đã đến tham quan, chiêm ngưỡng 17 phương án thiết kế kiến trúc Nhà Quốc hội. Họ đã có nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết vào một số phương án thiết kế Hội đồng tuyển chọn để tham khảo.
Ông Hoàng Trung Trực, 60 tuổi, sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, hiện trú tại tổ 5, thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm góp ý: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, thế nên phải xây dựng sao cho xứng tầm với vai trò, trọng trách của nó. Làm sao cho người dân phải tự hào mỗi khi nhìn thấy Nhà Quốc hội, khách quốc tế cũng phải nể trọng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng không nên “tham rẻ” mà chọn nhà thầu thiếu kinh nghiệm, năng lực. Vì công trình kiến trúc hiện rất nhanh lạc hậu, thế nên khi chọn nhà thầu thì phải tính toán kỹ lưỡng, sao cho không phí tiền của dân.
“Nhà Quốc hội phải vừa giữ được bản sắc truyền thống dân tộc, lại vừa phải mang nét hiện đại của một Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, cũng không vì quá câu nệ nét cổ truyền mà phải gượng ép, ví dụ như phải có mái cong cong như mái đình, chùa...” - đây là ý kiến của chị Lê Hoa, chuyên viên hiện công tác tại Cục Ngoại giao đoàn (cựu sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội).
Kiến trúc sư Phạm Hồng Hà, 29 tuổi, hiện đang là giảng viên Trường cao đẳng Cộng đồng cho biết: Thực sự, anh chưa thật nhất trí với bất kỳ phương án nào trong số 17 phương án được đưa ra ở cuộc triển lãm. Vì Nhà Quốc hội phải được quy hoạch tốt và có công năng sử dụng cao. Phương án tốt nhất theo anh hiện là phương án L-787 vì theo đó, đường Bắc Sơn sẽ được quy hoạch thành khu cây xanh, mặt chính của Nhà Quốc hội quay ra phía quảng trường khiến cho tổng thể hài hòa. Tuy vậy, phương án này cũng còn mặt chưa được là có thể sẽ “thiếu đất” cho các ban chuyên trách và nhà nghỉ cho đoàn đại biểu các tỉnh...--PageBreak--
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế Nhà Quốc hội, cho biết, trong 17 phương án, có một phương án được giải A và 4 giải khuyến khích. Phương án đoạt giải A mang số hiệu L787.
Phương án thiết kế kiến trúc nhà Quốc hội được giải A.
Theo thuyết minh của nhóm thiết kế, biểu tượng tượng trưng của L787 được thể hiện bằng hình dáng gắn chặt với truyền thống - hình tròn, tượng trưng cho mặt trời/người cha, và hình vuông, tượng trưng cho trái đất/người mẹ.
Phương án này có hướng chính hướng ra Quảng trường Ba Đình và một hướng ra trục đường Bắc Sơn. Các đường đi trong khu vực Hoàng thành cổ theo hình ngôi sao năm cánh.
Phòng họp Quốc hội xòe ra hình nón, bao quanh bởi một sảnh lớn, được thiết kế với những dãy ghế quây tròn, bàn chủ tọa ở giữa, tránh không gian cách biệt như các phòng họp hiện nay, lại có độ dốc sàn vừa phải tạo khả năng quan sát và sự di chuyển dễ dàng cho các đại biểu.
Thêm vào đó, do phương án này sử dụng nhiều vật liệu kính, Nhà Quốc hội sẽ được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên.
Hội đồng tuyển chọn, khi quyết định trao giải A cho phương án L787 đã đánh giá ưu điểm nổi bật của phương án là có công năng hợp lý, rõ ràng. Chẳng hạn, khu làm việc của Chủ tịch Quốc hội tuy riêng biệt, nhưng được bao quanh bởi khu làm việc của các thư ký.
Bên cạnh đó, L787 còn tạo dáng bao hàm ý nghĩa trọn vẹn của trời đất. Tỉ lệ Nhà Quốc hội hài hòa với không gian xung quanh, với con người.
Về mặt quy hoạch, đề án cũng đã giải quyết được vấn đề bảo tồn di sản khi thiết kế khu di tích Hoàng thành Thăng Long thành một bảo tàng ngoài trời. Điều thú vị là, tuy các ý kiến tranh luận của người xem về phương án L787 vẫn khác nhau, nhưng theo một cán bộ của Ban tổ chức triển lãm, kết quả kiểm phiếu thăm dò sau mỗi ngày diễn ra triển lãm cho thấy, L787 vẫn đang chiếm ưu thế với số phiếu bình chọn cao nhất.
Sau khi trưng bày trong hai tuần để lấy ý kiến nhân dân, hội đồng tuyển chọn sẽ tổ chức một buổi hội thảo của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các hội nghề nghiệp khác góp ý bổ sung hoàn thiện các phương án được chọn. Kết quả sẽ được trình lên Chính phủ quyết định phương án cuối cùng để công trình sớm được thực hiện