Về một nhà làm phim được in hình trên tiền giấy

Thứ Sáu, 04/08/2017, 09:55
Đồng tiền giấy mới của Thụy Điển, được in chân dung những vĩ nhân nổi tiếng trong lịch sử nước này. Trong số đó có đạo diễn Ingmar Bergman, một trong những nhà làm phim vĩ đại và có ảnh hưởng lớn nhất của nghệ thuật điện ảnh hiện đại…


Khác với những lần đổi tiền trước chỉ in hình ảnh những nhân vật tiêu biểu của nền quân chủ đất nước từ tháng 10-2015, trên các đồng tiền giấy mới của Thụy Điển, được in chân dung những vĩ nhân nổi tiếng trong lịch sử nước này. Trong số đó có đạo diễn Ingmar Bergman (1918-2007), một trong những nhà làm phim vĩ đại và có ảnh hưởng lớn nhất của nghệ thuật điện ảnh hiện đại. Chân dung của ông được in trên đồng 200 krona.

Một sự nghiệp đồ sộ

Bergman sinh ngày 14-7-1918 tại Uppsala, Thụy Điển. Tình yêu của Bergman đối với điện ảnh được hình thành từ rất sớm. Khi lên 9 tuổi, cậu bé Bergman đã biết dùng đồ chơi của mình để đổi lấy một chiếc đèn chiếu bóng cũ. Với món đồ này, cậu đã tạo cho riêng mình một thế giới của những con rối, những hiệu ứng ánh sáng đơn giản và của những vở kịch của Johan August Strindberg - nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà viết tiểu luận và họa sĩ người Thụy Điển - mà cậu đã thuộc lòng. 

Bergman và một cảnh trong bộ phim “Smultronstallet”.

Trong cuốn tự truyện “Laterna Magica”, ông kể lại: "Tôi yêu thích thế giới bí ẩn trong nhà thờ với những mái vòm thấp, những bức tường dày, mùi của sự vĩnh hằng, những tia nắng rực rỡ chiếu lên các bức tranh thời Trung cổ và các hình điêu khắc trên trần và tường. Ở đó có mọi thứ mà trí tưởng tượng có thể vươn tới - những thiên thần, các vị thánh, rồng, nhà tiên tri, lũ quỷ và cả con người".

Năm 1937 Bergman theo học chuyên ngành Nghệ thuật và Văn học tại trường Cao đẳng Stockholm (hiện là Đại học Stockholm). Cậu sinh viên trẻ đã dành phần lớn thời gian để tham gia nhà hát kịch của sinh viên và trở thành một người nghiện điện ảnh "chính hiệu". Mặc dù không tốt nghiệp đại học, Bergman cũng thu được cho mình kinh nghiệm từ việc viết vài kịch bản, một vở nhạc kịch và thời gian làm trợ lý đạo diễn tại nhà hát sinh viên, để về sau trở thành một đạo diễn sân khấu giàu sức sáng tạo và là nhà quản lý có tài.

Năm 1945, ở tuổi 27, Bergman là phụ trách sân khấu ở Nhà hát thành phố Helsingborg, trở thành người trẻ nhất tại châu Âu đảm nhiệm chức vụ này. Ông làm việc tại nhà hát này trong 3 năm, sau đó chuyển tới Nhà hát thành phố Gothenburg làm đạo diễn sân khấu. Năm 1953, Ingmar Bergman về làm đạo diễn sân khấu cho Nhà hát thành phố Malmo. 

Trong 7 năm làm việc ở vị trí này, ông đã phát hiện ra rất nhiều diễn viên mà sau này trở thành các ngôi sao trong các bộ phim cũng như những trợ tá đắc lực cho nhóm thực hiện các tác phẩm điện ảnh của ông. Từ năm 1960 - 1966, Ingmar được mời về làm đạo diễn và sau đó là phụ trách sân khấu tại Nhà hát kịch Hoàng gia ở Stockholm.

Bergman và nữ diễn viên Ingrid Thulin (năm 1963).

Sau khi phải rời Thụy Điển vì bị truy tố do trốn thuế, Bergman được mời làm đạo diễn tại Nhà hát Residenz ở München, Đức từ năm 1977 - 1984. Trong thập niên 1990 đạo diễn vẫn tiếp tục hoạt động tích cực trong lĩnh vực sân khấu. Vở kịch cuối cùng do ông thực hiện mang tên "The Wild Duck" của Henrik Ibsen được công diễn tại Nhà hát kịch Hoàng gia năm 2002.

Đạo diễn sân khấu chỉ là "phụ". Bergman được giới tinh hoa điện ảnh biết tới như một nhà đạo diễn điện ảnh huyền thoại. Rất nhiều nhà làm phim có tiếng trên thế giới coi Bergman như một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp điện ảnh của họ. Đạo diễn nổi tiếng Woody Allen đã nhận xét rằng Bergman "có lẽ là nghệ sĩ điện ảnh vĩ đại nhất kể từ ngày khai sinh của nghệ thuật thứ bảy". Sự nghiệp điện ảnh của Ingmar Bergman bắt đầu từ năm 1941 khi ông tham gia viết lại kịch bản cho các bộ phim. 

3 năm sau, ông chính thức viết kịch bản hoàn chỉnh đầu tiên cho bộ phim “Hets” của đạo diễn Alf Sjoberg. Trong bộ phim này, Bergman cũng được giao nhiệm vụ trợ lý đạo diễn và thành công của nó cũng đã đưa đến cho Ingmar cơ hội đạo diễn bộ phim đầu tay 1 năm sau đó. 

Trong 10 năm tiếp theo, Bergman viết và đạo diễn hơn 10 bộ phim trong đó phải kể tới các phim “Fangelse” (1949) và "Gycklarnas afton" (1953). Tác phẩm thành công ở tầm quốc tế đầu tiên của Bergman là bộ phim "Sommarnattens leende" (1955) bộ phim được đề cử cho giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes. Năm 1957, Bergman cho ra đời 2 bộ phim xuất sắc nhất của ông là "Det sjunde inseglet" và “Smultronstallet”. "Det sjunde inseglet" đã giành giải thưởng của ban giám khảo và được đề cử giải Cành cọ vàng, còn “Smultronstallet” đã mang lại cho đạo diễn và diễn viên chính Victor Sjostrom rất nhiều giải thưởng.

Đạo diễn Ingmar Bergman.

Từ đầu thập niên 1960 Bergman sống và làm việc phần lớn thời gian trên đảo Faro, thuộc Thụy Điển. Trong thời gian này, ông đạo diễn bộ ba phim có đề tài tôn giáo: "I en Spegel" (1961), “Nattvardsgasterna” (1962) và “Tystnaden” (1963). Năm 1966 nhà đạo diễn tài ba tiếp tục cho ra đời bộ phim “Persona”, được chính ông coi là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp và được đánh giá là một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới mặc dù nó không đoạt nhiều giải thưởng. 

Năm 1972 ông hoàn thành tác phẩm quan trọng thứ hai của sự nghiệp, bộ phim "Viskningar och rop", bộ phim duy nhất của Bergman được đề cử Giải Oscar ở hạng mục Phim hay nhất. Các tác phẩm đáng chú ý khác trong giai đoạn này của đạo diễn là “Jungfrukallan” (1960), “Vargtimmen” (1968), “Skammen” (1968) và "En Passion" (1969). Bergman còn thường xuyên tham gia đạo diễn các bộ phim truyền hình, trong đó phải kể tới "Scener ur ett aktenskap" (1973) và “Trollflojten” (Cây sáo thần - 1975). 

Sau vụ bê bối trốn thuế năm 1976, Bergman thề rằng ông sẽ không bao giờ làm phim trên quê hương Thụy Điển nữa. Ông đóng cửa xưởng phim ở đảo Faro và bắt đầu cuộc sống lưu vong. Tại Đức ông thực hiện bộ phim nói tiếng Anh duy nhất của mình, phim "The Serpent's Egg" (1977). 

1 năm sau đó ông làm đạo diễn cho sản phẩm hợp tác Anh - Norway với tựa đề “Hostsonaten”, một trong những bộ phim xuất sắc nhất của Bergman. Năm 1982, ông lần đầu quay lại quê nhà để đạo diễn bộ phim "Fanny och Alexander", một tác phẩm được đông đảo người hâm mộ đón nhận nhưng lại chịu sự chỉ trích của các nhà phê bình vì cho rằng, bộ phim của Bergman nông cạn và chạy theo mục đích thương mại. 

Tuy sau đó bộ phim đã giành Giải Oscar ở hạng mục Phim ngoại ngữ hay nhất, Bergman vẫn tuyên bố đây có thể sẽ là tác phẩm điện ảnh cuối cùng của mình. Tác phẩm cuối cùng của Bergman là bộ phim truyền hình “Saraband” (2003), được hoàn thành khi đạo diễn đã 84 tuổi.

Cuộc sống cá nhân nhiều biến động

Năm 1976 có lẽ là một trong những năm đau buồn nhất trong cuộc đời Bergman. Ngày 30-1-1976, trong khi đang duyệt vở kịch "Dance of Death" của August Strindberg' tại Nhà hát kịch Hoàng gia ở Stockholm, ông bị hai cảnh sát mật bắt giữ và kết tội trốn thuế. Cuộc điều tra của cảnh sát tập trung vào khoản giao dịch 500.000 krona giữa Công ty Cinematograf của Bergman ở Thụy Điển và công ty con của nó ở Thụy Sĩ là Persona để trả lương cho các diễn viên nước ngoài.

Năm 1974, Bergman giải thể Persona sau khi công ty này bị Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lưu ý và kiểm tra về các khoản thu nhập. 2 năm sau, ngày 23-3-1976, công tố viên Anders Nordenadler đã bác lời buộc tội chống lại Bergman khi cho rằng không có bằng chứng hợp pháp và chẳng khác gì việc "truy tố một người vì tội ăn cắp xe của chính anh ta".

Mặc dù được tuyên bố vô tội, Bergman đã lâm vào trạng thái suy sụp một thời gian và lo sợ rằng, ông không bao giờ có thể quay lại nghề đạo diễn. Ông phải nhập viện vì trầm cảm. Sau khi hồi phục khỏi cơn chấn động tâm lý, mặc dù đích thân Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme và nhiều nhân vật quan trọng của chính giới và điện ảnh nước này kêu gọi, Bergman vẫn thề sẽ không bao giờ làm việc ở quê nhà nữa.

Ông đóng cửa xưởng phim trên đảo Faro, hoãn vô thời hạn 2 dự án làm phim trong nước và tới ở München, Đức. Harry Schein, Giám đốc Viện phim Thụy Điển ước tính rằng, việc này đã làm ngành điện ảnh Thụy Điển thiệt hại tức khắc 10 triệu krona và hàng trăm người bị mất việc.

Từ giữa năm 1978, Ingmar Bergman dường như đã vượt qua được cơn suy sụp. Tháng 7-1978 ông quay lại Thụy Điển để kỉ niệm sinh nhật lần thứ 60 tại Faro và cộng tác trở lại với Nhà hát kịch Hoàng gia. Để chào mừng sự trở về của đạo diễn lừng danh, Viện phim Thụy Điển đã lập ra Giải thưởng Ingmar Bergman được trao hằng năm cho các bộ phim xuất sắc. Tuy vậy đạo diễn vẫn tiếp tục định cư ở München cho đến năm 1984.

Trong một cuộc phỏng vấn gần như là cuối cùng trước khi Bergman qua đời, đạo diễn đã nói rằng mặc dù mình đã rất cố gắng trong thời gian lưu vong, nhưng thực sự ông đã bỏ phí mất 8 năm sự nghiệp của mình.

Bergman chính thức nghỉ hưu vào tháng 12-2003. Tháng 10-2006 khi đã ở tuổi 88 đạo diễn phải trải qua một ca phẫu thuật hông và quá trình hồi phục rất chậm chạp. Ngày 30-7-2007, Ingmar Bergman lặng lẽ qua đời trong khi đang ngủ tại nhà ở Faro, thọ 89 tuổi. Cũng trong ngày này, điện ảnh thế giới còn mất đi một đạo diễn nổi tiếng khác là Michelangelo Antonioni. Bergman được chôn cất ngay tại đảo Faro.

Bergman có 9 người con sau 5 lần lập gia đình. Ngày 25-3-1943, ông cưới nữ biên đạo múa Else Fischer, hai người ly dị năm 1945 sau khi có chung một người con gái là Lena Bergman (1943). Ngày 22-7-1945, Bergman cưới nữ đạo diễn Ellen Lundstrom. Ellen đã sinh cho đạo diễn nổi tiếng 4 đứa con, sau này cũng trở thành đạo diễn, đó là Eva Bergman (1945), Jan Bergman (1946 - 2000) và hai anh em sinh đôi Mats, Anna Bergman (1948).

Sau khi ly dị bà Ellen năm 1950, một năm sau, Bergman lập gia đình với nhà báo Gun Grut và có thêm một đứa con, phi công Ingmar Bergman Jr (1951). Năm 1959, Bergman lại ly dị và lấy vợ mới, lần này là nghệ sĩ piano Kabi Laretei. Cuộc hôn nhân này kéo dài trong 10 năm và hai người có một người con chung, Daniel Bergman (1962), sau này cũng trở thành đạo diễn.

Ngày 11-11-1971, Ingmar lập gia đình lần cuối cùng với một người phụ nữ góa chồng là Ingrid von Rosen. Đây là cuộc hôn nhân lâu bền nhất của đạo diễn cho đến khi bà Ingrid qua đời ngày 20-5-1995 vì bệnh ung thư dạ dày.

Bà Ingrid đôi khi được gọi theo họ chồng thứ hai là Ingrid Bergman, trùng tên với nữ diễn viên huyền thoại Ingrid Bergman, người tuy là đồng hương Thụy Điển với Bergman nhưng không hề có quan hệ họ hàng với nhau. Đạo diễn còn có một đứa con với nữ diễn viên Liv Ullmann tên là Linn Ullmann (1966), sau này trở thành nhà văn.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.