Về nhà với hồi ức chiến tranh

Thứ Năm, 16/06/2016, 08:00
Patrick Howse từng là trưởng văn phòng đại diện của hãng tin BBC trú đóng tại Baghdad, Iraq, sau khi liên quân Mỹ - Anh can thiệp lật đổ chế độ Sadam Husseins.

Trở về London sau 7 năm tác nghiệp, một vụ việc tưởng như bình thường xảy ra trên tuyến tàu điện ngầm Central Line bất thần đưa ông quay ngược về thành phố hỗn mang nơi ông từng làm việc, kích hoạt chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD). Và điều này đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời ông...

Tôi đã từng miệt mài theo đuổi công việc đưa tin viết bài về cuộc chiến ở Iraq trong 7 năm nhưng bản thân lại không hề có chút hiểu biết thực tế nào về chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD).

Patrick Howse và nữ họa sĩ Inge Schlaile.

Một bước ngoặt lớn đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời tôi khi tôi hoàn tất chuyến công tác, trở về nhà vào đầu năm 2010 và được giao nhiệm vụ điều tra những tác nhân nào đã đẩy nước Anh quyết định tham chiến cùng đồng minh Mỹ vào chiến trường Iraq. Lúc đó tôi đang đi trên tuyến tàu điện ngầm Central Line đông nghẹt người chạy giữa lòng đất trung tâm thành phố Luân Đôn, một người phụ nữ bất giác lấy tay áo lau ô cửa sổ mờ hơi nước.

Những đường ngoằn ngoèo vô thức vẽ trên mặt kính khiến tôi liên tưởng đến tấm bản đồ Baghdad, nơi tôi đã từng chứng kiến những cảnh tượng thảm khốc, thường xuyên ngửi thấy mùi cháy khét và bên tai lúc nào cũng vẳng lên hàng tràng tiếng la hét bất kể ngày đêm.

Giữa thanh thiên bạch nhật, trong vòng người đang theo đuổi những suy nghĩ cho nhịp sống thường nhật, một hành động hoàn toàn ngẫu nhiên giữa Luân Đôn yên bình, não bộ của tôi hướng ký ức tôi quay về một thành phố mà tôi đã sống và thở cùng nó trong từng biến động suốt từ năm 2003 đến 2009.

Mỗi chuyến công tác đến đây thường kéo dài nhiều tháng trời và khiến tôi thật sự kiệt sức. Tôi, với tư cách là trưởng văn phòng đại diện của BBC tại Baghdad đã làm việc cùng một nhóm nhỏ vài đồng nghiệp phụ trách mảng tin chiến trường đã trải qua rất nhiều sự kiện kinh hoàng nhất của cuộc chiến. 

Có thể nói Luân Đôn và vụ điều tra về nguyên nhân cũng như diễn biến của cuộc chiến chính là điểm khởi đầu cho nhiều biến cố tâm lý của tôi sau này. Giây phút tôi nhìn thấy những nét ngoằn ngoèo vô định trên cửa kính tàu điện ngầm là thời khắc định mệnh. Đó là lúc tôi thấy mình đang trôi ngược về với những dòng thơ tôi viết cho chính mình, trong đó có đủ những cung bậc cảm xúc: kinh hoàng, khiếp sợ, phấn khích và cả hồi hộp khi phải đến Baghdad làm việc.

Bức vẽ của Inge Schlaile dành cho Patrick Howse khi ông bị triệu chứng “Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương”.

Cuộc sống của nhóm chúng tôi khi ấy không ngày nào là không trải qua nguy hiểm. Trong một ca làm việc, tôi nghe và đếm được 140 vụ nổ, một vài vụ trong số đó gần đến nỗi cửa sổ nơi tôi ngồi làm việc rung lạch cạch và bụi vữa từ trần nhà rơi lả tả xuống đầu chúng tôi. Nhưng khó chịu đựng nhất chính là cảm giác tội lỗi thường xuyên đeo bám khi phải quyết định không đi thẳng vào một cảnh đánh bom do lo sợ rằng những người trả lời phỏng vấn sẽ là mục tiêu tiếp theo của vụ đánh bom sau đó, hay phải chỉ đạo người quay phim quay một vụ đánh bom tự sát và hết sức tránh lia máy ghi hình những mảnh da thịt vương vãi khắp nơi.

Tất cả những cảnh quay rùng rợn đó sẽ không thể dùng để làm tin tức đưa lên màn ảnh truyền hình được. Tuy nhiên, cũng nhiều lần các thước phim đã quay lại không được sử dụng chỉ vì “không có đủ người chết” để chuyển tải nội dung bản tin nóng hổi.

Vào những lúc như vậy, tôi cảm thấy khinh bỉ chính bản thân mình, đan xen là cảm giác giận dữ và ghê tởm nghề nghiệp của mình. Tôi thực sự cảm thấy những gì mình đang làm thật vô bổ và phù phiếm. Dẫu vậy, một lúc nào đó giữa những thời khắc mâu thuẫn, tôi lại có cảm giác tự hào khi nhận thức được rằng dù khả năng đối mặt với những cảnh tượng kinh hoàng do chiến tranh gây ra còn rất kém cỏi, nhưng ít ra chúng tôi đã làm được, vẫn còn tốt hơn là không thể làm gì.

Tôi thậm chí đã từng tham dự nhiều khóa huấn luyện để chuẩn bị tinh thần cho hội chứng PTSD như mọi nhân viên khác của BBC. Nhưng thực sự việc học và thực hành khác xa nhau, không một kiến thức nào có thể xem là hoàn toàn đúng với tình huống thực tế mà tôi phải trải qua. Dường như có một hố đen sâu thẳm ngăn cách tôi và cuộc sống bình thường xung quanh.

Hiện trường một vụ đánh bom ở Baghdad làm chết hơn 60 người.

Khi trở lại Luân Đôn, tôi luôn có cảm giác bạn bè và đồng nghiệp đều đang sống trong một vũ trụ vô cùng khác biệt so với thế giới của tôi. Hầu như không một ai có thể chia sẻ được những cảm xúc và suy nghĩ của một người phải làm việc tại chiến trường như tôi. Cuộc đời tôi đã hoàn toàn trở nên mất kiểm soát khi tôi trở về nhà tại thành phố Luân Đôn sau đợt công tác cuối cùng ở Iraq.

Tôi trở nên trắng tay chỉ trong một thời gian khoảng vài tháng sau lần trở về này. Hôn nhân đổ vỡ, sự nghiệp xuống dốc, xa cách gia đình và đánh mất cả bản thân mình. Trong suốt khoảng thời gian này, tôi có thể gục ngã bất cứ lúc nào bởi những hồi ức tối tăm, những cơn ác mộng về chiến trường nơi tôi đã từng làm việc. Mọi việc tồi tệ cứ tiếp diễn và lặp đi lặp lại như vậy trong nhiều ngày, thậm chí hàng tuần liền. 

Cuối cùng tôi đã nhận ra rằng mình thật sự không thể trốn chạy được nữa, tôi cần phải cầu cứu một ai đó. Trong hơn 3 năm, tôi đã theo đuổi các phương pháp trị liệu tâm lý như EMDR (phương pháp mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái nhận thức) hay CBT (liệu pháp nhận thức hành vi). Tôi không nghĩ là có thể chữa khỏi chứng PTSD hoàn toàn, nhưng cùng với sự hỗ trợ của chuyên viên trị liệu, bạn bè thân thiết và gia đình, các liệu pháp này đã mang lại cho tôi những kết quả tích cực. Tôi có thể bình tĩnh đối phó với những đoạn hồi ức thỉnh thoảng xuất hiện.

Giờ đây thì những ký ức đó hầu như không thể làm xáo trộn cuộc sống của tôi được nữa. Việc bản thân được giải thoát ra khỏi những trạng thái tâm lý tiêu cực đã mang đến cho tôi những kết quả khả quan mà ngay cả bản thân tôi cũng chưa từng nghĩ đến. Tôi đã học được cách buông bỏ những thứ vượt xa giới hạn và bản chất của con người tôi, bằng cách này tôi cho phép bản thân mình tận hưởng hạnh phúc theo cách mà tôi chưa từng làm trước đây. Điển hình là niềm vui giản dị nhưng cũng vô cùng lớn lao khi tìm được một người bạn đời tuyệt vời.

Chứng PTSD không chỉ mang đến những trải nghiệm tồi tệ mà không ngờ nó lại giải phóng sự sáng tạo trong tôi. Nếu không phải trải qua quá trình điều trị gian nan này, có lẽ tôi đã không viết nổi một dòng thơ. Chuỗi liên kết giữa những sự kiện, cảm xúc và quan sát trong quá trình trị liệu hiện hữu trong tâm trí tôi bằng những câu chữ mà tôi cần phải viết ra.

Ngoài những vần thơ liên quan đến những trải nghiệm về quá trình điều trị, PTSD và ký ức về Iraq, còn có cả những tình cảm tràn trề lạc quan về thế giới quan xung quanh, lòng biết ơn, nhận thức sâu sắc về bản chất tự nhiên, cuộc đời và hạnh phúc.

Patrick Howse là một phóng viên truyền hình cao cấp của kênh BBC News chuyên phụ trách mảng tin chiến trường và những môi trường đầy thách thức khác trong 25 năm. Ông là trưởng văn phòng tại Baghdad từ năm 2004 đến 2009. Vị trí cuối cùng mà ông đảm nhiệm ở đài BBC là phóng viên giáo dục cho trang tin tức online.

Ngoài việc tham gia giảng dạy Khóa học Các môi trường bất lợi do tổ chức 1st Option Safety điều hành, ông cũng tiến hành những hoạt động tập huấn cho các phóng viên của BBC trước khi họ bắt đầu đến làm việc tại những nơi nguy hiểm.

Tuyển tập thơ của Patrick Howse được đăng tải trên website: www.patrickhowse.co.uk

John Simpson, biên tập viên quốc tế BBC, trong lời giới thiệu tập thơ này đã viết:“Phóng viên tác nghiệp ở những nơi như thủ đô Baghdad luôn phải trả một cái giá khá đắt. Patrick đã tìm ra một giải pháp nhẹ nhàng và thanh lịch để đương đầu với nghịch cảnh: Biến những trải nghiệm sống của mình thành thơ”.

Hiếu Thảo lược dịch (nguồn Dart Center)
.
.