Về với chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm

Thứ Ba, 11/08/2020, 14:42
Chùa Vĩnh Nghiêm, còn được gọi là chùa Đức La, là một ngôi chùa cổ tại làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa được công nhận là một trung tâm Phật giáo, nơi trước đây đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam.

Năm 2012, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương. Năm 2013, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Năm 2015, chùa được Nhà nước Việt Nam công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Trường Đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta

Chùa Vĩnh Nghiêm nằm cách thành phố Bắc Giang 18 km về phía Đông Nam,  chùa là một đại danh lam cổ tự, là chốn tổ tôn thờ Tam tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tương truyền chùa có từ thời nhà Lý thế kỉ XI, và trở thành trung tâm phật giáo nổi tiếng thời Trần thế kỉ XIII.

Quang cảnh chùa Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang, chốn Tổ của trường phái Thiền Trúc lâm Yên Tử.

Chùa có kiến trúc bề thế, khuôn viên rộng và đẹp với nhiều đơn nguyên kiến trúc khác nhau toạ lạc trên diện tích 1ha. Cụm kiến trúc được xây dựng trên không gian nhất định, theo trật tự từ Nam đến Bắc.  Gồm các hạng mục công trình kiến trúc: Tam quan, Tam Bảo, nhà tổ đệ nhất, gác chuông, nhà tổ đệ nhị và các công trình khác với kiểu kiến trúc "nội công ngoại quốc" mềm mại từ ngoài vào trong, thể hiện đậm đà và sâu kín sự hài hoà hồn Việt và tính Phật.

Đại đức Thích Thanh Vịnh,  Chánh thư kí Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang, tu tập tại chùa Vĩnh Nghiêm cho biết: Đối với Đại hùng bảo điện được các cụ Tổ sửa chữa ba lần vẫn giữ được không gian kiến trúc ban đầu. Lần đầu tiên sửa nơi thờ tự Tam Bảo vào năm 1458 đến Hoàng Định thế kỉ XVII và lần cuối cùng tu sửa vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

Sửa nhà Tam Bảo và nhà Tiền tế bây giờ đã được 100 năm. Thậm chí có những cột từ thời Trần đến bây giờ vẫn còn. Nhà tổ Đệ nhất công trình đặc trưng kiến trúc thời nhà Trần là bào trơn đóng bén (không đục, không chạm, toàn bộ làm trơn).

Kiến trúc Phật giáo thời nhà Trần đơn giản vô cùng, thấp chứ không to. Kiến trúc to là sang thế kỉ thứ XV trở đi và ở thế kỉ thứ XVII, XVIII đục chạm khắc nhiều hoa văn.  Kiến trúc thời Trần toát lên mô tuýp kiến trúc chắc chắn, thanh nhã, không đem quá nhiều hoa văn rực rỡ, làm cho mất tính chất thanh tịnh của người tu.  Nhìn vào công trình kiến trúc chùa Vĩnh Nghiêm thì qua ba lần sửa chữa  vẫn giữ được dáng vẻ như ban đầu.

Nhà Tam Bảo là công trình thờ Phật theo phái Đại thừa - một tông phái có đặc trưng là thờ nhiều Phật, Bồ Tát và hành giả. Vào trong toà Tam Bảo ta sẽ được chiêm ngưỡng hệ thống tượng Phật. Đó là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ tinh xảo của các nghệ nhân tạo ra từ thời Lê đến thời Nguyễn. Các pho tượng ở đây đều được sơn son thiếp vàng. Trong chùa có rất nhiều tượng pháp: Tượng Phật, tượng các vị tổ dòng Trúc Lâm, tượng các vị sư tổ sau này.

Tam quan là công trình có chức năng cổng chính để vào chùa. Bia lục lăng còn  khắc dựng năm 1606 ghi lại công đức tu sửa chùa Phật vào năm Hoàng Định thứ 6. Nội dung tấm bia ghi: "Nay ở huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Nguyên, đạo Kinh Bắc nước Đại Việt có một khu Sùng Phúc rõ là đất Tam Bảo. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn vạn, trùng trùng điệp điệp ôm tròn vây lấy thành hình chiếc lọng hoa. Ở chỗ hai ba sông, sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc. Khoảng giữa là ngôi chùa cổ có một bầu trời riêng, truyền rằng đó là chùa Vĩnh Nghiêm. Thực là một danh lam đứng đầu thiên hạ".

Gác chuông: được treo bảo khí của nhà Phật là quả chuông lớn đúc năm 1831, nơi sớm chiều các sư tăng thỉnh chuông thỉnh pháp đạo Phật tới thập phương.

 Nhà Tổ đệ nhất là toà thờ ba tổ sư khai sáng thiền phái Trúc Lâm là: Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang. Chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành ngôi chùa cổ có kiến trúc giàu bản sắc Phật Việt nhất, mà không ngôi chùa cổ nào trong khu vực miền Bắc có được.

Ngôi chùa bắt nguồn từ thời ba vị sư tổ chọn nơi đây làm trụ sở Trung ương Giáo hội phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, lập sổ tăng nhân, độ cho các tăng ni và khai tràng thuyết pháp nên nơi đây vẫn được coi là trường Đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta.

Nhà tổ đệ nhị:  Là nơi thờ các vị Tổ sư kế tiếp ba vị tổ sư của thiền phái Trúc Lâm. Thiền phái Trúc Lâm được Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, phát triển hưng thịnh và trở thành Quốc giáo dưới thời Trần từ thế kỉ XIII - XV.

Thời kì đó dân chúng sùng kính đạo Phật, chùa chiền được xây dựng ở khắp nơi, Phật giáo Trúc Lâm đã giúp các nhà chính trị đời Trần cố kết nhân tâm, áp dụng những chính sách bình dị an dân. Ngay từ khi sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, năm 1299, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cho biên tập và san khắc, ấn hành một số kinh sách, trước tác để phổ biến giáo lý tư tưởng hành đạo của nhà Phật nói chung và các vị phái cao tăng phái Trúc Lâm nói riêng.

Gìn giữ Mộc bản - Di sản tư liệu kí ức của thế giới

Chùa  đã xây dựng xong nhà lưu trữ và nhà trưng bày mộc bản. Chủ quản đầu tư là UBND huyện Yên Dũng với tổng mức đầu tư là 32,008 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn kinh phí xã hội hoá. Được khánh thành vào ngày 18/12/2017 (tức ngày 1/11 năm Đinh Đậu), đúng ngày giỗ của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Những mảnh sành sứ từ thời Trần  được trưng bày.

Nhà mộc bản, nhà trưng bày là hai căn nhà nằm song song nhìn xa như hai con thuyền đậu trên bến, rộng hơn 300 mét vuông và được làm toàn bộ bằng gỗ lim. Bên trong là những kệ sách tủ gỗ để chứa mộc bản.

Phòng không lắp điều hoà vì sư thầy cho biết: "Các mộc bản này đều được khắc trên gỗ thị màu trắng có độ bền cao, ít cong vênh, khó nứt vỡ. Gỗ này phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên, nếu như để điều hoà trong phòng sẽ làm cho mộc bản bị cong vênh vì khô nẻ, dẫn đến tình trạng nhanh xuống cấp. Chính vì vậy nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản chỉ lắp nhiệt kế.  Những mộc bản vương màu thời gian nằm ngay ngắn trong không gian ấm cúng, thơm mùi gỗ.

Hiện nay, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm gồm có 3050 ván khắc rời trên chất liệu gỗ thị. Kích thước các bộ mộc bản không đồng đều, tuỳ theo bộ kinh sách mà có kích thước khác nhau.  Bản khắc lớn nhất là loại sớ điệp có chiều dài hơn 100cm, rộng 40x50cm, ván nhỏ nhất chỉ khoảng 15x20cm. Phần lớn các mộc bản là bộ Hoa Nghiêm hơn 2800 bản có kích cỡ 33cmx23 cmx2,5 cm. Chữ khắc trên mộc bản là chữ Hán cổ và chữ Nôm, một số ít khắc sen cài chữ Phạn, được khắc trên hai mặt của mỗi ván.

Những bản khắc của chữ Nôm, chữ Hán trên gỗ thị (gỗ cây thị) có hàm chứa tư tưởng giáo lý của Phật phái Trúc Lâm, mà cốt lõi là sự giác ngộ của các cao tăng hướng tới việc từ bỏ cách tu hành dựa vào mê tín, thần bí, siêu nhiên. Và đề cao lòng lạc quan với cuộc sống thực, sống thuận theo quy luật của tạo hoá.

Nhiều kệ ván in kinh vẫn còn. Đó là kho ván khắc in, người xưa gọi là mộc thư khố là hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lãnh 72 chốn tùng lâm. Những bản khắc có niên đại sớm nhất, nhiều sách nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo, trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta.. Các bản mộc thư chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ thiền phái là Trần Nhân Tông,  Pháp Loa và Huyền Quang.

Ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng. Nghiên cứu mộc thư khố, các nhà nghiên cứu thấy lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của thiền phái Trúc Lâm, văn học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam.

Sư thầy Thích Thanh Vịnh cho biết thêm: Kinh mộc bản thì duy nhất mới dịch được bộ "Thiền tâm bản hạnh", còn bộ kinh "Hoa Nghiêm sớ sao" đang nhờ các thầy chùa Long Hưng (Trung tâm biên, phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế, trụ sở đặt tại huyện Đông Anh). Được biết trước đây, Tổ đệ nhị đã mất rất nhiều công sức để giảng bộ kinh này. Ngày nay, sách sử Phật giáo còn chép lại vị sư Tổ đã mất 20-30 năm mới giảng xong bộ kinh "Hoa Nghiêm sớ sao".
Phòng lưu giữ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

Nội dung của kinh Hoa Nghiêm sớ sao đề cập: Phương pháp tu tập cho thân và tâm phải điều hoà song hành. Người muốn thân khoẻ thì không thể nào để cho tâm phiền não được, điều đấy là bắt buộc người Phật tử phải tập tu. Trong kinh Hoa Nghiêm dạy rằng muốn cho tâm không bệnh thì thân cũng phải khoẻ. Cuối cùng là phải điều tiết được Thân và Tâm. Đích cuối cùng của Phật giáo là làm cho con người khoẻ, khoẻ từ thân cho đến tâm. Một xã hội, một giáo hội trong giai đoạn nào thì cũng cần phải làm được hai điều đó.

Đề xuất mở rộng một số công trình

Đại đức Thích Thanh Vịnh, Chánh thư kí Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang cho biết: "Chùa đang có một số những công trình mới, dự án mới. UBND tỉnh Bắc Giang đang đề nghị mở rộng thêm một số công trình như giảng đường, tăng phòng, nhà đông y, hội trường bằng nguồn xã hội hoá.

Đặc biệt một số mộc thư (mộc bản còn lưu giữ tại chùa) giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc nam, cách châm cứu với bản sơ đồ chỉ dẫn các huyệt rõ ràng. Mong muốn của chùa Vĩnh Nghiêm là sớm xây dựng được nhà đông y để nhà chùa kế thừa các bài thuốc ghi trong mộc thư nhằm chữa các bệnh về thần kinh, đau khớp và các bệnh về tiêu hóa cho dân chúng thập phương tất cả mọi người cùng hoan hỷ.

Đại đức kể: Cách đây 86 năm về trước vào những mùa an cư kiết hạ, hàng trăm vị sư về chùa, các vị đại đức về đánh vạt hết cả mõ. Nhưng đến  bây giờ thì không có nữa. Nói đến đây sư thầy thoáng chút suy tư bảo: "Nên đây cũng là sự thịnh suy của một trụ xứ. Hồi xưa ở đây lụt, Tết còn phải đi đò từ trên kia về chùa đây. Hoà thượng Sam, Hòa thượng Thích Thanh Tứ về đến chùa vào mùa mưa, đường trơn, sạt lở, lụt hết cả.

Hoà thượng Thích Thanh Tứ bảo: "Nên để Giáo hội của tỉnh ở trung tâm tỉnh Bắc Giang; về đấy còn thuận lợi đường sá, chứ Giáo hội ở chốn tổ như chùa ở đây cứ phải đi thuyền vào những ngày lụt nguy hiểm cho các sư". Từ đấy đến giờ tăng đoàn mới chuyển lên trên đó. Nhưng sớm hay muộn cũng bạch với cụ trưởng ban sau này cơ sở hạ tầng ổn định thì xin chuyển Trung tâm Giáo hội của Tỉnh về lại chùa Vĩnh Nghiêm để cho các học viên, tăng đoàn về chốn tổ vẫn ấm cúng hơn. 

Như bây giờ tăng đoàn sang những chùa kia cơ sở vật chất đầy đủ nhưng là cơ sở mới. Việc thăm trường hạ về chùa Vĩnh Nghiêm nơi chốn Tổ, sẽ uy nghi hơn là đến những ngôi chùa mới. Mình sẽ xây dựng lại những gì mà các cụ xưa đã làm ở chốn Tổ".

Trần Mỹ Hiền
.
.