Vết thương từ cuộc khủng hoảng kép

Thứ Ba, 14/04/2020, 14:12
Sau khi thị trường “vàng đen” xuống sâu đến mức thấp nhất kể từ hơn chục năm qua, các nhà tài phiệt, những ông chủ lớn và cả các nhà lãnh đạo thế giới bắt đầu phải nghĩ tới lời giải cho cuộc khủng hoảng giá dầu và đại dịch COVID-19 này nếu không muốn bất ổn kéo dài.

Vết thương từ cuộc khủng hoảng kép là quá lớn, quá nguy hiểm với toàn thế giới. Ổn định giá dầu mỏ và chấm dứt tình trạng khủng hoảng kép hiện nay là ưu tiên hàng đầu.

Giá dầu có thể chạm đáy

Khi dịch COVID-19 hoành hành, nhiều người cho rằng, giá dầu trồi sụt thất thường khiến dầu mỏ mất đi vị thế trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch COVID-19 ở quy mô toàn cầu một lần nữa chứng minh vai trò của dầu mỏ như một thước đo quan trọng của các hoạt động kinh tế thế giới bất chấp việc thị trường dầu mỏ toàn cầu chưa bao giờ sụp đổ đột ngột như hiện nay. Nền công nghiệp dầu khí, cung cấp hơn 60% năng lượng cho toàn thế giới, đã chìm trong một cuộc khủng hoảng kép mà có lẽ chưa ai từng nghĩ có thể xảy ra vào đầu năm nay.

Nga và Saudi Arabia là những nhân tố chủ chốt trong cuộc chiến giá dầu. Ảnh: Moscowtimes.

Một cuộc chiến giá cả, trong đó các quốc gia sản xuất dầu mỏ tranh giành thị phần, đã dẫn đến việc thị trường này bị tổn hại nặng nề khi vấp phải một cuộc khủng hoảng lớn hơn do dịch COVID-19 gây ra và sắp tới, nhiều khả năng sẽ là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Điều đó sẽ dẫn tới sự sụt giảm mạnh về nhu cầu của thị trường chưa từng thấy trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào kể từ khi dầu mỏ trở thành mặt hàng toàn cầu. Giá dầu đã giảm 2/3 kể từ đầu năm và sẽ tiếp tục lao dốc.

Chỉ trong tháng 4, mức giảm tiêu thụ của toàn cầu gấp 7 lần so với mức giảm sâu nhất tính theo quý sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Ở những khu vực không còn khả năng chứa dầu và mất thị trường, giá của một thùng dầu có thể giảm xuống mức bằng 0.

Sự sụp đổ này sẽ gây ra tình trạng bất ổn ở những nước xuất khẩu dầu và góp phần dẫn đến sự hỗn loạn của các thị trường tài chính. Điều đó cũng sẽ khiến môi trường địa chính trị vốn đã căng thẳng phức tạp thêm. Nguyên nhân chính cũng được cho là do đại dịch COVID-19 gây ra. Ngoài ra còn một nguyên nhân khác là tình trạng khó khăn đó xuất hiện cùng với bước ngoặt về địa chính trị.

Trong khi giá cả đang lao dốc không phanh, sự bùng phát dịch COVID-19 đang chuyển sang giai đoạn nặng nề hơn, với sức tàn phá lớn hơn, dẫn tới việc đóng cửa gần như toàn bộ nền kinh tế thế giới đã gây ra sự sụp đổ về nhu cầu ở phạm vi toàn cầu chưa từng thấy trong lịch sử. Vào tháng 4, mức sụt giảm có thể lên đến 20 triệu thùng/ngày hoặc nhiều hơn, tương đương khoảng 20% tổng cầu của thế giới.

Ngay cả khi nhu cầu sụt giảm, dầu vẫn được hút ra khỏi giếng; nếu nó không được chuyển đến khách hàng thì phải được đưa đi nơi khác, điều đó có nghĩa là lượng dầu dư thừa sẽ được đưa vào kho dự trữ, chủ yếu là bể chứa ở khắp thế giới. Dựa trên thông số theo từng quốc gia, IHS Markit tính toán rằng kho chứa dầu thế giới sẽ được đổ đầy vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

Khi điều đó xảy ra, sẽ có 2 hậu quả: giá dầu sẽ lao dốc và nhà sản xuất sẽ đóng cửa các giếng dầu bởi họ không thể vứt bỏ số dầu đã khai thác. Ở những nước có chi phí khai thác dầu đắt, khi giá mỗi thùng dầu bán thấp hơn chi phí vận hành các giếng dầu thì chắc chắn họ sẽ đóng cửa giếng dầu.

Dầu mỏ luôn là mặt hàng nhạy cảm tác động tới toàn cầu. Ảnh: wanafrica.

Thỏa thuận nửa vời

Câu hỏi cấp thiết lúc này là: Liệu có cách nào để ổn định thị trường toàn cầu hay không trong bối cảnh phần lớn nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, cuộc khủng hoảng dầu mỏ sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những tuần tới, đồng thời, người ta sẽ cảm nhận được thiệt hại không chỉ trong ngành công nghiệp này?

Các chuyên gia nhận định, muốn ổn định giá dầu, phải giải quyết từ gốc, tức là từ các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất hiện nay. Lãnh đạo của các quốc gia dầu mỏ cần “ngồi lại với nhau”, nhằm tìm kiếm một thỏa thuận đầy tham vọng về sản lượng khai thác, hướng tới khả năng ổn định giá và chấm dứt tình trạng khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới khó có thể phục hồi trong ngắn hạn.

Sau cuộc đàm phán thất bại với Nga, Saudi Arabia đã phản ứng rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Ngay tuần sau đó, Saudi Arabia đã giảm mạnh giá xuất khẩu, đồng thời tăng tốc độ khai thác. Tuần trước, Saudi Arabia đã bơm hơn 12 triệu thùng/ngày. Cũng trong thời gian này, Saudi Arabia đã nâng lượng xuất khẩu dầu thô đến mức kỷ lục.

Bằng cách nhấn mạnh việc giảm giá, Riyadh hy vọng sẽ thuyết phục được Moscow xem xét lại vị thế của mình với mục tiêu là cứu OPEC+, một liên minh có sức mạnh lớn hơn đối với sự thay đổi giá dầu so với chỉ một khối OPEC. Về lâu dài, điều này sẽ cho phép giá dầu tăng lên và do đó Saudi Arabia có thể lấy lại những gì bị mất trong ngắn hạn.

Chiến lược của Saudi Arabia và Nga không phải không có rủi ro. Ngay cả ở mức giá 20 USD/thùng, Saudi Arabia cũng không mất tiền bởi để khai thác một thùng dầu nước này chỉ phải bỏ ra có 2,8 USD. Tuy nhiên, Saudi Arabia vẫn cần giá dầu ở mức hơn 80 USD/thùng thì mới có thể cân bằng ngân sách cũng như thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng của mình để đa dạng hóa nền kinh tế. Ở Nga, chi phí sản xuất cao hơn đáng kể, trên 20 USD/thùng.

Ngoài ra, ngân sách có thể được cân bằng với mức giá dao động 40 đến 50 USD/thùng. Cả Saudi Arabia và Nga đều có những giới hạn tương đối về tài chính. Theo đánh giá của các nhà quan sát, hai nhà sản xuất sẽ không thể cầm cự được quá lâu. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch của Mỹ cảnh báo giá dầu có thể giảm xuống dưới 10 USD/thùng nếu các nước sản xuất dầu không đạt được thỏa thuận về sản lượng khai thác.

Tại Mỹ, vấn đề thực sự rất quan trọng đối với Washington là cứu ngành công nghiệp dầu đá phiến khỏi nguy cơ phá sản. Các công ty sản xuất dầu của Mỹ cần giá dầu ở mức 50 USD/thùng để có lãi. Nếu giá không tăng nhanh, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ “biến mất”, các giếng sẽ bị đóng cửa, hàng ngàn việc làm bị cắt giảm... Và sự độc lập về năng lượng của đất nước, vốn rất quan trọng về mặt địa chính trị, sẽ bị đe dọa.

Nếu không được giải quyết sớm, một thùng dầu có thể về mức 0 USD. Ảnh: economictimes.

Để thuyết phục Saudi Arabia giảm sản lượng khai thác, Mỹ có thể đe dọa chấm dứt viện trợ quân sự cho nước này. Tuy nhiên, Mỹ lại không có một phương tiện gây sức ép như vậy đối với Nga. Ngược lại, trong bối cảnh này, Nga đã tuyên bố rằng dầu đá phiến Mỹ đang góp phần làm suy giảm sản lượng toàn cầu. Nói cách khác, Nga không tận dụng những nỗ lực của OPEC+ để giành lại thị phần.

Trong khi đó, do hoạt động sản xuất toàn cầu giảm, sản lượng dư thừa trung bình trong tháng 4 dự tính ở mức 25 triệu thùng/ngày. Không có gì khẳng định tình trạng này sẽ không xảy ra trong tháng 5 khi vẫn chưa có thông tin chắc chắn về việc các quốc gia sẽ kết thúc biện pháp giãn cách xã hội cũng như sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sẽ như thế nào.

Các nhà phân tích của tập đoàn ngân hàng Mỹ Citigroup nhận định rằng con số cắt giảm sản lượng như vậy là "quá ít” và thời gian thực hiện “quá muộn", không loại trừ khả năng giá dầu có thể chỉ ở mức 10 USD/thùng ngay cả khi các bên đạt được đồng thuận về hạn ngạch khai thác.

Không dễ cho năng lượng xanh

Cuộc khủng hoảng dầu đang đẩy nhanh khả năng thay đổi của ngành công nghiệp năng lượng thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang ngày càng lan rộng. Theo các nhà phân tích thị trường, nhu cầu về dầu giảm mạnh do đại dịch, kết hợp với cuộc chiến giá cả đã khiến ngành công nghiệp hóa thạch bị tổn thất nặng nề và rơi vào một chế độ "sinh tồn". Đây là lần đầu tiên dầu mỏ phải đối diện với thách thức nghiêm trọng nhất trong lịch sử 100 năm phát triển của ngành này.

Một số người đã gọi viễn cảnh trước mắt là "địa ngục", trong khi một số khác lạc quan hơn thì mô tả đây là giai đoạn "chưa từng thấy" trong lịch sử để tạo ra thay đổi vĩnh viễn tiến trình khủng hoảng khí hậu. Nhiều chuyên gia tin rằng theo thời gian, bầu khí quyển thế giới sẽ dần phục hồi, trong bối cảnh đỉnh cầu về dầu và khí đốt sẽ không bao giờ có khả năng phục hồi như trước kia.

Cuộc đối đầu giữa các cường quốc dầu mỏ đã làm xáo trộn thế giới. Ảnh: the star.

Khi kỷ nguyên dầu mỏ chấm dứt, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc chuyển hướng sang các dự án mang lợi ích xã hội rộng lớn hơn. Tuy nhiên, không phải mọi chuyên gia đều có cùng suy nghĩ rằng sự "mất mát" của ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ dẫn tới những lợi ích cho ngành công nghiệp xanh và môi trường.

Giáo sư chính sách năng lượng Dieter Helm của Đại học Oxford cho rằng dầu sẽ vẫn giữ được thị phần của mình trên thị trường năng lượng thế giới trong dài hạn vì dầu rẻ hơn các loại năng lượng sạch khác và đó là tin xấu đối với quan điểm khí hậu.

Nói là khó nhưng không phải không có cơ hội, thời điểm này chính là cơ hội lịch sử. Các chính phủ đang triển khai nhiều gói tài chính khổng lồ để kích thích nền kinh tế toàn cầu vượt qua sự tàn phá của đại dịch. Nhóm các nền kinh tế lớn và mới nổi G20 đã thống nhất sẽ đóng góp kinh phí 5.000 tỷ USD nhưng vẫn chưa chắc chắn khoản tiền này sẽ được giải ngân như thế nào.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hứa sẽ thực hiện các biện pháp khẩn cấp phù hợp với chương trình Thỏa thuận Xanh và Fatih Birol. Giám đốc điều hành tại Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tuyên bố đây là "cơ hội lịch sử" để thúc đẩy đầu tư và lĩnh vực công nghệ năng lượng, giúp cắt giảm khí thải nhà kính.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, có nhiều hy vọng cho rằng hàng nghìn tỷ đô la sẽ được "xuất kho" để làm xanh nền kinh tế nhưng nhiên liệu hóa thạch và khí thải của chúng vẫn tiếp tục phát triển. Không có bất kỳ điểm nào cho thấy xu hướng duy trì các tài sản nhiêu liệu hóa thạch có chi phí cao và không bền vững. Adrienne Buller, nhà kinh tế học hàng đầu tại Ngân hàng Common Wealth của Australia, cho rằng vẫn còn quá sớm để dự đoán các tác động trung hạn có thể xảy ra. Ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt đã có một lịch sử ứng phó thành công với các tình huống khó khăn.

Do đó, IOGP tin rằng ngành này sẽ sớm thích nghi như đã từng đạt được trước kia. Tuy nhiên, bất kể điều gì có thể xảy ra, ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt cũng sẽ không bao giờ trở lại được thời kỳ "huy hoàng", sau "cú đánh" của đại dịch và cuộc chiến giá cả. Chỉ có điều, đây như dấu hiệu cho thấy thế giới sẽ được chứng kiến sự suy giảm của các công ty dầu khí, sự tái cấu trúc và thay đổi căn bản.

Bởi việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế khó có thể thực hiện trong ngày một ngày hai trong khi trước đó nhiều nền kinh tế đã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 của toàn thế giới này càng khó thực hiện được. Một vấn đề đáng chú ý khác là trong bối cảnh các nhà đầu tư thế giới thiếu niềm tin, việc thị trường dầu mỏ điều chỉnh mạnh đã và có thể tiếp tục gây ra hiệu ứng dây chuyển trên các thị trường khác như thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường hàng hóa...

Và tệ hơn, nếu cuộc “chiến tranh” giá dầu mỏ tiếp tục diễn ra, những hậu quả đối với kinh tế toàn cầu và các thị trường trên toàn thế giới có thể sẽ chuyển sang tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn những hậu quả do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ra. Viễn cảnh như vậy sẽ làm tăng nguy cơ diễn ra một đợt suy thoái kinh tế toàn diện.

Hồng Nguyên
.
.