Vị bác sĩ thực hiện 70.000 ca mổ đục thuỷ tinh thể

Thứ Bảy, 16/06/2007, 10:30
Đối với Ram và nhiều bệnh nhân đục thủy tinh thể khác, bác sĩ Sanduk Ruit là một vị thánh sống. Trong suốt 23 năm qua, bác sĩ Sanduk đã tự tay thực hiện gần 70.000 ca mổ, tính bình quân mỗi ngày ông cứu 100 người khỏi bị mù bằng những kỹ thuật đơn giản và rẻ tiền do mình sáng tạo.

Ram Shrestha là một người nông dân  vạm vỡ với khuôn mặt dày dạn sương gió và hàm râu quai nón gồ ghề. Thế nhưng, khi ông nằm bẹp dưới tấm drap tiệt trùng của bàn mổ tại Trung tâm mắt Tilganga ở Kathmandu thì bạn chỉ còn nhìn thấy một con mắt bên phải được bôi một lớp thuốc sát khuẩn màu  vàng nâu, đang nhìn vô hồn  lên trần nhà (từ nhiều năm qua, Ram đã chung sống với căn bệnh đục nhân mắt, khiến cho thủy tinh thể bị phủ mờ và thị lực giảm sút dần cho đến lúc mù hẳn vào một năm trước đây, khiến ông không thể lao động được nữa).

Nhìn qua kính hiển vi, với các thiết bị mổ trong tay, bác sĩ Sanduk Ruit rạch một đường nhỏ cạnh mắt của Ram, rồi tiến vào sâu hơn cho đến khi đụng lớp thủy tinh thể bị bệnh và nhẹ nhàng múc nó ra.

Khi khối viên tròn màu trắng đục như sữa rơi xuống đôi má của Ram, ông liền thay vào hốc mắt một viên thủy tinh thể trong veo bằng plastic có cấu trúc tương tự.

Tiến trình mổ chỉ mất vỏn vẹn có 5 phút. Mắt phải của Ram được băng lại. Sau đó, ông được tiếp tục mổ mắt bên trái. Sáng hôm sau, Ram quay trở lại để được tháo băng và chứng kiến những  điều kỳ diệu của thế giới ánh sáng.

Đối với Ram và nhiều bệnh nhân đục thủy tinh thể khác, bác sĩ Sanduk Ruit là một vị thánh sống. Trong suốt 23 năm qua, bác sĩ Sanduk đã tự tay thực hiện gần 70.000 ca mổ, tính bình quân mỗi ngày ông cứu 100 người khỏi bị mù bằng  những kỹ thuật đơn giản và rẻ tiền do mình sáng tạo.

Sinh năm 1954 tại chân núi Kanchenjunga, ngọn núi lớn thứ ba trên thế giới, vào năm lên 6 tuổi, Sanduk được cha gửi vào trường nội trú ở Ấn Độ vì không có trường làng.

Năm 16 tuổi, chị của Sanduk chết  vì bệnh lao phổi kháng thuốc. Đấy cũng là lúc cậu bé Sanduk quyết tâm học để sau này trở thành bác sĩ cứu người. Tài năng phẫu thuật của đôi tay vàng ngày càng thể hiện rõ nét.

Sau khi làm phụ tá cho một trạm phẫu thuật mắt đục thủy tinh thể miễn phí cho người nghèo, Sanduk biết được khả năng của mình nên ông quyết định trở thành bác sĩ nhãn khoa.

Năm 1984, ông đạt được tấm bằng nghiên cứu sinh ở tuổi 29 tại Viện Khoa học Y khoa toàn Ấn Độ. Là một bác sĩ tài ba nên Sanduk đã từ từ nâng trình độ trong hệ thống thể chế y khoa ở Nepal.

Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của ông là chương trình phòng chống mù lòa của quốc gia lẽ ra có thể được tiến hành tốt hơn nữa. Vào thời điểm này, tại Nepal cũng như phần còn lại của thế giới đang phát triển, phẫu thuật đục nhân mắt cho bệnh nhân chỉ bao gồm việc múc bỏ thủy tinh thể bị mắc bệnh và cho bệnh nhân đeo cặp kính dày cộp.

Họ có thể nhìn thẳng trước mặt (chẳng hạn như phân biệt được giữa con dê và con bò) nhưng khả năng thị giác về ngoại biên thì rất thô sơ. Cấy thủy tinh thể kính nội nhãn – tức là thủy tinh thể bị bệnh được thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo trong cao cấp đặc biệt - đang được thực hiện ở Nepal, nhưng chỉ dành cho tầng lớp  khá giả, bởi vì mỗi  thủy tinh thể như vậy có giá 100 USD, một món tiền khá lớn đối với những người nông dân nghèo khó.

Với số tiền tài trợ ít ỏi, các viên chức y tế địa phương và các chuyên gia của WHO đều cho rằng tiến trình này không sinh lợi và các điều kiện vô trùng siêu cấp để thực hiện phẫu thuật là điều không tưởng ở những trạm xá nông thôn. Sanduk không đồng tình với quan điểm này.

Nhằm giảm bớt chi phí, ông đã nghĩ  ra các kỹ thuật hỗ trợ để mổ dễ hơn và nhanh hơn – chẳng hạn như bắt bệnh nhân gội đầu, rửa mặt thật sạch trước khi phẫu thuật để bảo đảm vô trùng.

Dù phải vận dụng những chiếc kính hiển vi thô sơ, Sanduk cũng có thể  cấy thành công những viên thủy tinh thể bằng plastic do bạn bè của ông ở phương Tây tài trợ.

Nhờ đó mà tình trạng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật rất hiếm khi xảy ra. Một trở ngại lớn ở đây là giá thành của thủy tinh thể sản xuất tại  châu Âu rất cao. Sanduk đã ấp ủ một kế hoạch sản xuất chúng ngay tại Nepal.

Nhưng liệu ông có thể thuyết phục được các đồng nghiệp ở Nepal và phương Tây rằng kế hoạch của mình là khả thi? Chỉ có một nhóm các chuyên gia mắt chịu khó đến Nepal quan sát Sanduk làm việc là ủng hộ ông.

Còn tại Nepal, nhiều bác sĩ nhãn khoa đều phản đối ông, thậm chí có cả lãnh đạo ngành nhãn khoa. Những lá thư tố cáo  đã được gửi đến tận tay Thủ tướng Nepal.

Đã có những lúc Sanduk muốn buông xuôi nhưng cuối cùng nghị lực ông đã chiến thắng. Ông đã từ bỏ công việc ở bệnh viện. Năm 1992, ông quyết định thành lập "Chương trình mắt Nepal".

Ông lấy Kathmandu làm nơi xây dựng các trạm xá mắt ở nông thôn cũng như  thành lập một cơ sở nghiên cứu - đào tạo bác sĩ nhãn khoa. Trung tâm mắt Tilganga, Phòng thí nghiệm Thủy tinh thể nội nhãn Fred Hollows - với nguồn tài trợ của Chính phủ Australia, một tổ chức từ thiện Phật giáo và các thương nhân địa phương - đã được khai trương vào năm 1994.

Sau 18 tháng thử nghiệm, năm 1996 phòng thí nghiệm đã bắt đầu sản xuất được thủy tinh thể. Ngày nay, sản phẩm của hãng được sử dụng tại 70 nước trên thế giới với giá 5 USD/thủy tinh thể.

Với thành công lớn lao như vậy, các cơ sở chữa mắt khác bắt đầu cạnh tranh với Sanduk. Khoảng 98% trạm xá chữa mắt ở Nepal hiện nay đã có thể cấy thủy tinh thể nên số lượng nạn nhân mù do đục thủy tinh đang giảm mạnh.

Giờ đây, các chuyên gia mắt ở châu Á, châu Âu, châu Phi và cả Mỹ đều đến Trung tâm mắt Tilganga để học hỏi kỹ thuật mới. Bản thân Sanduk cũng đi nhiều nước trên thế giới để chuyển giao kỹ thuật cho các đồng nghiệp khác.

Ông thích đến những nước có nhu cầu cao nhất, chẳng hạn như CHDCND Triều Tiên và khu vực Tây Tạng (Trung Quốc). Trên thế giới hiện nay có khoảng 20 triệu người - chủ yếu là người nghèo - bị mù vì đục thủy tinh thể.

Nếu không có sự can thiệp từ những người như bác sĩ Sanduk  thì con số  ấy sẽ tăng lên thành 40 triệu vào năm 2020. Chính vì những nỗ lực và công lao to lớn này mà Sanduk Ruit đã được Tạp chí Reader's Digest trao tặng danh hiệu “Người đàn ông châu Á của năm 2007”

Thuý Hân (theo Reader's Digest)
.
.