Vị đắng của hạt gạo đồng bằng…

Thứ Năm, 23/03/2017, 19:00
Gạo Việt Nam xuất khẩu đứng hàng thứ nhất, nhì trên thế giới thì ai ai cũng biết. Nhưng người nông dân làm ra hạt gạo lại không muốn ăn sản phẩm do chính tay mình làm ra. Đó là một nỗi đau. Người tiêu dùng trong nước thì vẫn nhầm lẫn vì hạt gạo của mình “một nắng hai sương” làm ra lại ẩn sau, đội lốt nhãn mác của gạo Thái Lan, Campuchia, Nhật, Hàn... Đau quá!

Mấy nghìn năm nay đã hình thành nên cả một nền văn hiến, văn minh, văn hóa lúa nước cho dân tộc Việt Nam vậy mà hôm nay chúng ta phải “phòng vệ” chống lại “xâm thực” của gạo ngoại. Từng có một địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long phải cử một đoàn cán bộ nông nghiệp sang “người anh em” láng giềng Campuchia để học hỏi cách làm nên thương hiệu gạo Campuchia... Sao lại thế?

Người Việt chuộng ăn gạo Campuchia?

Tôi có ông anh là GĐ Công ty Du lịch Lửa Việt chuyên khai thác tuyến tour Campuchia. Lần nào gặp anh cũng say sưa ca ngợi món ngon, vật lạ của xứ sở Chùa Tháp Angkor. Không phải vì anh từng sống và chiến đấu tại đất bạn trong thời gian làm nghĩa vụ quốc tế, cũng không phải vì đang kinh doanh du lịch với Campuchia mà cái gì cũng ca tụng... Nghĩ lại mới thấy anh bạn vô cùng đúng chuẩn khi anh quả quyết rằng: gạo và hột vịt của Campuchia, cả thế giới này ăn phải nghiêng mình...

Vừa qua, tại TP Long Xuyên (An Giang), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị: “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ lo đối diện với hiện tượng “xâm mặn” do biến đổi khí hậu, thời tiết mà còn phải lo đối mặt với nạn xâm thực gạo ngoại.

Dọc theo tuyến biên giới Tây Nam, tình trạng lúa gạo nhập lậu từ Thái Lan, Campuchia qua biên giới vẫn tràn lan, thường xuyên gây ra lũng đoạn thị trường lúa gạo nội địa. Đó đang là một thực tế, thách thức các cơ quan, bộ ngành chức năng và người dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại các chợ Vĩnh Xương (Châu Đốc, An Giang), chợ Kiến Tường, Mộc Hóa, Bà Đắc... gạo Campuchia, Thái Lan nhan nhản trên các sạp bày bán phục vụ người tiêu dùng. Theo ước tính mỗi tháng, lúa gạo Campuchia đã nhập vào thị trường Việt Nam tiêu thụ hàng ngàn tấn và gần như đang có mặt khắp cả nước.

Các loại gạo Campuchia đang được ưa chuộng gồm: Sa Mơ, Sa Ri, Sóc Miên, Móng Chim (Nhang Thơm)... Các thương lái từ Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Long An sang Campuchia mua lúa chở về xay xát rồi đóng bao bì, ghi nhãn mác phân phối các tỉnh thành cả nước.

Cánh đồng mẫu VN thu hoạch…

Anh Nguyễn Trung - thương lái tại chợ đầu mối Bà Đắc (Cái Bè, Tiền Giang) cho biết: hai xe gạo đang lên chuẩn bị ra chợ Phan Thiết (Bình Thuận) còn một xe gạo Nàng Hương thì chuẩn bị ra Hà Nội. Với mức giá giao động từ 12.000đ -16.000 đ/kg, gạo  Campuchia giá chỉ đắt hơn gạo Nàng Thơm của Long An một chút, nhưng người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam bộ từ lâu đã chọn gạo ngoại để ăn.

Chị Anh Phúc ở đường Bắc Hải nối dài, P15, Q10 cho biết: gạo Campuchia rất dẻo, hương thơm và để lâu cũng không bị thiu... cả nhà chị đều thích. Với người nội trợ, gạo ngon, giá rẻ và đảm bảo an toàn thực phẩm luôn là sự lựa chọn hàng đầu hiện nay.

Theo cách nghĩ đơn giản của những bà nội trợ, nông dân Campuchia trồng lúa một vụ 6 tháng giống xứ mình ngày trước, đất đai cằn cỗi, không phun thuốc trừ sâu nên gạo lúa đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nhiều người tiêu dùng cũng chia sẻ thêm, cũng có “gạo độn” pha gạo mình vào gạo Campuchia để bán, nhưng tỷ lệ không cao, người tiêu dùng vẫn cảm nhận mùi hương, vị dẻo ngon nên chấp nhận. Thị trường gạo nội địa lại một phen sóng gió chao đảo bởi hạt gạo ngoại xâm thực vào...

Từng lang bạt khắp đất nước Chùa Tháp, tôi cũng cảm nhận người nông dân Campuchia sản xuất lúa gạo vô cùng cực khổ. Hệ thống thủy lợi không được đầu tư, lực lượng lao động và công cụ lao động thay đổi chậm chạp và thiếu hụt, yếu kém nên nền nông nghiệp Campuchia phục hồi và phát triển rất chậm. Thế nhưng, sau 15 năm, họ đã xây dựng một thương hiệu gạo Campuchia rất thành công, còn vựa lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long nổi danh xuất khẩu nhất nhì thế giới về số lượng, nhưng thất bại thảm hại trên sân nhà về chất lượng, thương hiệu.

Đã có hàng ngàn cuộc hội thảo, hội nghị bàn về đầu ra cho hạt gạo Việt Nam, xây dựng thương hiệu gì cho hạt gạo... Hàng ngàn nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp cùng với trăm ngàn dự án tiền tỷ trôi bay theo thời gian. Hạt gạo Việt Nam ngày nay đang tự chết dần giá trị trên đất nước và thị trường của mình. Còn phải “ẩn thân” vào nhãn mác ngoại để đánh lừa người tiêu dùng chính mình và vị đắng của hạt lúa gạo làm nghẹn lòng người nông dân trồng lúa...

GS. TS Võ Tòng Xuân nhìn nhận: một bộ phận không nhỏ người Việt đang ăn gạo Campuchia vì đó là gạo lúa mùa, ít sử dụng thuốc trừ sâu, nên sạch hơn, an toàn hơn gạo lúa cao sản. Từ đây cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng tiêu chuẩn sản xuất theo mô hình VietGAP, Global GAP vì xã hội càng phát triển, nhu cầu của con người càng tăng. Bây giờ người ta ăn để thưởng thức, để có sức khỏe tốt chứ không như ngày xưa ăn để sống.

Thương hiệu nào cho gạo Việt bay xa?

Tuy chỉ là giải quyết phần ngọn cấp thời, nhưng để cạnh tranh công bằng với gạo ngoại trên thị trường Việt Nam hiện nay, cần nhất chính là hành động của các cơ quan chức năng để dứt điểm ngăn chặn tình trạng gạo lúa nhập lậu qua biên giới. Lúa gạo chở trên ghe tàu, xe tải hàng trăm, ngàn tấn chứ không phải như những thùng thuốc lá ngoại mà có thể dễ dàng xâm nhập qua biên giới.

Phần cốt lõi của vấn đề gạo Việt chính là quy hoạch lại sản xuất, nghiên cứu lai tạo những giống lúa mới, tạo ra những sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao. Trong số 7,8 triệu ha diện tích sản xuất lúa cả nước, hiện chỉ có khoảng 30% diện tích sản xuất cho sản phẩm cấp cao nhưng vẫn chưa thể so sánh với chất lượng gạo các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ...

Vì sao gạo ngoại lại ồ ạt tấn công vào thị trường Việt Nam? Dễ nhìn thấy, do thuế nhập khẩu tới 40% nên gần như các nguồn gạo ngoại không nhập vào thị trường Việt Nam theo đường chính ngạch. Các thương lái sang tận Campuchia mua lúa của nông dân mang về Việt Nam chế biến. Các nhà máy xay xát nhân danh mua thu gom lúa của người dân đang thuê đất ruộng sản xuất lúa bện Campuchia để mang về nước chế biến.

Do không phải chịu bất cứ thuế suất nào nên hạt gạo Campuchia sau chế biến và đóng bao bì Việt Nam có giá thành chỉ cao hơn gạo Việt một chút, rất có lợi thế cạnh tranh, thu hút khách hàng tiêu thụ. Người mở đường và chỉ lối cho gạo ngoại tấn công thị trường gạo Việt không ai khác, chính là doanh nghiệp và nông dân Việt Nam.

Có dịp ngồi tại đồn biên phòng ở ngã ba Sông Tiền (xã Thường Phước, Hồng Ngự, Đồng Tháp) nơi con sông Mê Kông chia ra hai nhánh Tiền Giang, Hậu Giang chảy vào đất Nam sẽ dễ dàng nhấn thấy có ngày, hàng trăm tấn lúa từ Campuchia được vận chuyển hợp pháp về Việt Nam qua ngã ba Sông Tiền. Bộ đội Biên phòng, Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương (Châu Đốc) và Sông Tiền xử phạt có ngày hàng tỷ đồng, ngày một nhiều hơn tính từ năm 2015 đến nay.

…và gạo Campuchia xuất khẩu…

Hạt gạo ngoại đã làm lũng đoạn thị trường gạo nội địa, gây mất an ninh trật tự thị trường lương thực. Nhưng để ngăn chặn gạo ngoại, không phải việc làm ngay là được. Tại nhiều huyện biên giới tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp... hầu hết người dân đều ăn gạo Thái Lan, Campuchia được bán với giá 12.000-13.500 đ/kg, trong khi gạo Việt bán giá 15.000-16.000 đ/kg. Chất lượng, độ dẻo thơm gạo Việt kém xa gạo Thái, Campuchia gấp nhiều lần.

Sự chọn lựa của người dân trong tiêu dùng không thể trách cứ gì được. Nhưng cần phải có những giải pháp hữu hiệu nhất để chấm dứt sự chênh lệch giá theo hướng tiêu cực này do tình hình buôn lậu lúa gạo qua biên giới gia tăng.

Cuối năm 2016, tỉnh Sóc Trăng đã cử một đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm và mời cả GS.TS Võ Tòng Xuân tham gia. Chính những người trồng lúa xuất khẩu thuộc hệ “đàn anh” ở đồng bằng sông Cửu Long trước hai thập kỷ, nay phải nhún nhường sang “bên em” để học hỏi kinh nghiệm trồng lúa, xây dựng thương hiệu, quản lý... từ đầu, mà kết quả không có gì khác biệt nhau. Vẫn là quy tắc: “nhất nước - nhì phân - tam cần - tứ giống”.

Trong khi nhiều chuyên gia, lãnh đạo bộ ngành Việt Nam liên quan đến ngành lúa gạo, nông nghiệp đang tiếp tục những cuộc luận bàn về những việc trên trời như: kiến nghị Quốc hội xem xét sửa Hiến pháp về “mở rộng hạn điền”, xây dựng “những cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu...” thì hạt gạo của Campuchia vẫn đã âm thầm len lỏi chiếm lĩnh mất thị phần gạo Việt ngay trong nước và đẩy thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu tại các nước khác xuống thấp dần từng ngày.

Chưa ngăn chặn xong tình trạng gạo lúa nhập lậu đang tung hoành, chất lượng và sức hấp dẫn của gạo ngoại đang được chính những doanh nghiệp và nông dân Việt Nam phù phép nhào nặn như những chuyên gia làm đẹp cho người đẹp, người mẫu cho cuộc thi nhan sắc đã khiến cho người tiêu dùng nản lòng với hạt gạo truyền thống, đon đả, vội vàng đón nhận hạt gạo xứ người.

Tại Hội nghị bàn về sản xuất lúa gạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Mình nói “xâm thực mặn” ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng “xâm thực gạo” của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ”. Thủ tướng cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện. Ngành lúa gạo cần một tầm nhìn mới, đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa.

Từ xuất phát điểm rất thấp, Campuchia đang vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo chất lượng cao nổi tiếng thế giới. Họ đã quảng bá và xây dựng thành công thương hiệu gạo Campuchia. Tuy sản lượng còn rất khiêm tốn, nhưng chất lượng gạo được thế giới đánh giá rất cao. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều thương hiệu gạo đặc sản, truyền thống lâu đời, chất lượng và số lượng vượt trội nhưng đến nay vẫn còn phải loay hoay chưa có một thương hiệu nào danh tiếng thế giới. Phải chăng chúng ta chưa có ai xứng tầm hay chưa có cuộc cạnh tranh công bằng?

Nhìn hạt gạo của Campuchia, không thể nào lung linh, óng ánh và thơm ngon hơn gạo Nàng Thơm Chợ Đào xứ Cần Đước - Long An, vậy mà người ăn gạo chỉ có biết gạo Campuchia, không hề biết gạo Nàng Đào thì buồn đến  đau lòng...

Hoàng Châu
.
.