Vì một mong muốn những cuốn sách giáo khoa tốt nhất
Trước đó, sau một thời gian đưa vào giảng dạy, một bộ phận phụ huynh học sinh đã có ý kiến về ngữ liệu được sử dụng trong bộ SGK tiếng Việt lớp 1 của nhóm tác giả Cánh diều.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, các ý kiến, dù gay gắt, đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Do đó, Bộ GDT-ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng thì Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục. Mặt khác, Bộ cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung, nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp với Bộ GD-ĐT chiều 12-10. |
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT đẩy mạnh hơn nữa việc biên soạn các bài giảng điện tử theo chương trình SGK mới, từ đó các thầy cô giáo lựa chọn, tham khảo được những bài giảng tốt nhất, hay nhất và các tài liệu, kiến thức của mình để có các bài giảng phù hợp, bảo đảm yêu cầu của chương trình. Bởi trong cùng một thời gian giảng dạy, nếu thầy cô tạo được hứng thú thì học sinh sẽ không cảm thấy chương trình nặng, không cảm thấy quá tải.
Trước đó, ngày 11-10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký công văn gửi Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo về nội dung SGK Tiếng Việt lớp 1. Bộ GD-ĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí phản ánh về việc SGK Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1.
Báo cáo của Hội đồng thẩm định gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 17-10. GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt cho hay sẽ lên kế hoạch tổ chức họp 15 thành viên để rà soát theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Quá trình thẩm định trước đó, Hội đồng đã xem xét từng trang, bài, câu hỏi, câu chữ, tranh vẽ để đánh giá.
Thạc sĩ ngôn ngữ Phan Thế Hoài. |
“Phỏng theo” có vi phạm bản quyền?
Theo ghi nhận, bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 đó không chỉ được phản ánh là chương trình nặng mà còn bộc lộ nhiều sạn về ngôn ngữ chưa chuẩn mực cũng như kiến thức. Đáng nói, những mẩu chuyện được đưa lại trong bộ sách Cánh diều đã được “sửa lại cho nhẹ nhàng” (theo lời của chủ biên, GS Nguyễn Minh Thuyết) đều được chú thích là “phỏng theo”, “dựa theo” một tác phẩm nguyên bản, trong đó có một số tác phẩm của Lev Tolstoy.
Cụ thể, trong 46 bài/82 bài đọc là các văn bản sao phỏng từ các truyện ngụ ngôn nước ngoài, trong đó có 8 bài được tách ra thành 2 phần cho 2 bài khác nhau.
Theo nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến - Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, nếu một tác phẩm được biên soạn, biên dịch lại hoặc phỏng theo với nội dung sai lệch bản gốc sẽ vi phạm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm. “Theo khoản 4, Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 thì quyền nhân thân đối với tác phẩm quy định: Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; không cho người khác sửa chữa; cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến nói.
Tuy nhiên, ở góc độ ngôn ngữ học, thạc sĩ ngôn ngữ Phan Thế Hoài cho rằng, các bài học trong SGK Tiếng Việt lớp 1 không thể đưa vào nguyên một câu chuyện (ngụ ngôn) nào đó được vì dung lượng quá dài nên tác giả sách ghi là mô phỏng, dựa theo là hoàn toàn hợp lý. “Song, dù ghi là mô phỏng truyện ngụ ngôn nhưng nhiều truyện trong bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều bị thay đổi nhiều nhân vật khiến truyện lủng củng, chắp vá, thậm chí sai lạc nội dung - không giống như nguyên tác.
Một bài đọc trong sách Cánh Diều tập 1. |
Truyện “Quạ và chó” (Truyện ngụ ngôn Ê-dốp - Thành Vân) nằm ở trang 99 trong cuốn sách này, nguyên tác là “Con quạ và con cáo” (La Fontaine kể lại ngụ ngôn Aesop) là một minh chứng. Rõ ràng, việc xào xáo lại truyện ngụ ngôn đã làm mấy đi ý nghĩa hay, đẹp của nguyên bản”, ông Phan Thế Hoài cho hay.
Thực tế, trẻ em lớp 1 nên dùng ngữ liệu là những câu chuyện đẹp, có ngôn từ đẹp, định hướng tốt, giáo dục lối sống, kỹ năng. Trong kho tàng văn học dân gian của Việt Nam, không thiếu những câu chuyện bình dị, dễ nghe, dễ hiểu. Th.s Phan Thế Hoài bày tỏ: “Cá nhân tôi không đồng ý đưa truyện ngụ ngôn, hay truyện dịch, thơ dịch vào dạy cho học sinh lớp 1, 2, 3 học. Vì truyện dịch được chuyển ngữ từ một ngôn ngữ khác sang tiếng Việt chắc chắn sẽ làm mất đi sự trong sáng tiếng mẹ đẻ.
Hiếm hoi lắm mới có một bản dịch đạt đến độ nhuần nhuyễn như bài thơ “Gửi lời chào lớp Một” - nguyên tác bằng tiếng Nga. Tốt nhất cứ đưa ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện dân gian vào dạy cho học sinh tiểu học. Ngôn ngữ trong những văn bản này thì học sinh ở độ tuổi nào cũng có thể tiếp nhận nhanh chóng, bởi đó là cảm thức của người bản ngữ”.
Trẻ lớp 1 học được gì?
La Fontaine hay Lev Tolstoy đều những bậc thầy ngụ ngôn truyền đời với hàng loạt tác phẩm văn học đỉnh cao cho nhân loại. Thế nhưng, những kiệt tác văn học này bỗng chốc trở thành chuyện khôi hài, nhảm nhí qua những mẩu truyện ê a kệch cỡm “đầu Ngô - mình Sở” trong bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều.
Cụ thể, khảo sát cho thấy, có gần 50% các bài đọc dựa trên các cốt truyện có nội dung liên quan đến các yếu tố bạo lực, thói xấu, hoặc xa lạ với trẻ (đe dọa, bắt nạt, lừa đảo, lười biếng, sinh đẻ), không có tính giáo dục. Các hoạt động, cảm xúc chủ yếu của các nhân vật này là: Sợ (thống kê sơ bộ ở mấy bài đã khoảng chục lần), lo, ăn thịt, dọa, dữ, dám, giả vờ, la, than, cuỗm, quắp, tợp, tha, la, cắn, mổ, nhá, chộp, tóm cổ, kẹp cổ, nuốt mồi, bắt, chén, hùng hục, phàn nàn, than thở, lầm rầm, van xin, than thở, liếm, la liếm, vùng vằng, lem lẻm, cằn nhằn, gật gù...
Trang sách Tiếng Việt 1, bài “Hai con ngựa”. |
Nhiều phụ huynh phải giật mình than vãn và lo sợ sách tác hại đến con trẻ khi đọc những mẩu ngụ ngôn “Hai con ngựa”, “Quạ và chó”, “Ve và gà”, “Cua, cò và đàn cá”... Đã vậy, còn hàng loạt từ ngữ nhạy cảm, những tiếng lóng “tợp, chộp, nhá, cuỗm” vô tư mang ra dùng để dạy một đứa trẻ 6 tuổi. Sách còn dạy trẻ con đánh ghen kiểu như “Núi cao, sông hãy còn dài/ Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen” mà mục đích là chỉ nhằm để “đưa 4 thanh ngang vào mô hình”.
Phân tích cụ thể trong văn bản “Tiết tập viết” (trang 119) có nội dung: “Lớp Hà có tiết tập viết. Hà viết rất cẩn thận. Thế mà bạn Kiên xô bàn làm chữ “biển” của Hà xiên đi. Hà nhăn mặt. Kiên thì thầm: “Tớ lỡ mà”. Hà chả giận bạn. Em viết thêm chữ biển thật đẹp. Cô nhìn chữ em, khen: “Chữ Hà đẹp lắm””.
Th.s Phan Thế Hoài cho rằng bài tập đọc này có nội dung khiên cưỡng. Hành động xô bàn của Kiên là có chủ ý chứ không thể lỡ. Điều khiến mọi người bất ngờ là Hà rất bao dung “chả giận bạn”. “Lẽ ra Hà phải yêu cầu Kiên xin lỗi mình và hứa lần sau không được tái phạm hành động phá phách thái quá này. Và càng kỳ lạ hơn, cô giáo cũng không có hình thức xử lý, kỷ luật Kiên, cô chỉ nhìn chữ Hà và khen đẹp. Học sinh 6 tuổi học được gì từ hai văn bản trên? Rõ ràng là không! Vì nội dung bài viết rời rạc, lủng củng, chắp vá chiếu lệ và thiếu tính giáo dục. Học sinh lớp 1 cần biết nói lời cảm ơn - khi được người khác giúp đỡ, tha thứ và phải xin lỗi khi mắc sai lầm, cho dù đó là lỗi do vô tình hay cố ý”, Th.s Hoài bình luận.
Chia sẻ với báo chí, TS Chu Mộng Long (Trường Đại học Quy Nhơn) phân tích, ngụ ngôn thường sử dụng hình tượng loài vật như một ẩn dụ về một triết lý. Điều này làm cho ngụ ngôn khác biệt với truyện loài vật. Ngụ ngôn không lấy loài vật làm đối tượng miêu tả (đặc điểm tự nhiên và mối tương quan với xã hội con người) như truyện loài vật mà chỉ dùng loài vật như một phương tiện minh họa cho bài học triết lý.
“Hình tượng của ngụ ngôn không là hình tượng trực quan sống động mà là hình tượng của suy tư trừu tượng. Sẽ có loại ngụ ngôn trẻ em hiểu được và loại không thể hiểu được. Loại hiểu được là những truyện đơn giản nằm trong tiềm năng và phạm vi trải nghiệm của trẻ. Còn loại không thể hiểu được là những truyện hoàn toàn thuộc trải nghiệm của người lớn khi con người phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề của cuộc sống: dối trá, lọc lừa, thủ đoạn...
Lỗi sai cơ bản trong một bài học SGK lớp 1 của nhóm Cánh Diều. |
Những truyện này nếu áp đặt cho trẻ em, không chỉ trẻ em không hiểu được mà còn tác động ngược. Do tính chất hàm ẩn rất trừu tượng của hình tượng gián tiếp, cho nên cái sai, cái xấu bị phê phán trong ngụ ngôn nhiều khi tác động trực tiếp vào trẻ em làm cho trẻ em tự đồng hóa mình với nhân vật. Không chừng trẻ em thấy lười biếng, lừa lọc, dối trá... tốt hơn là thật thà, siêng năng mà với lứa tuổi ấy, thầy cô rất khó nói sao cho chúng hiểu”, TS Chu Mộng Long giải thích.
Cần thu hồi gấp
Hiện nay, bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều được chọn ở gần 30 tỉnh thành và chiếm đến 30% thị phần SGK lớp 1. Rõ ràng, tác động của sách rất lớn, hàng triệu học sinh lớp 1 đang học bộ sách này. Với thực trạng này, không chỉ nhóm biên soạn mà Bộ GD-ĐT cần sớm có những ý kiến hay giải thích chính thức, thuyết phục dư luận hơn về những bài học, từ ngữ, câu chuyện... đang gây tranh cãi và bị phản ứng trong sách Cánh diều. Đồng thời, phải có phương hướng điều chỉnh và xử lý càng sớm càng tốt. Vì nếu để lâu, người thiệt thòi nhất chỉ là con em của chúng ta.
Dành nhiều thời gian đọc và nghiên cứu hết toàn bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh diều, Th.s Phan Thế Hoài khẳng định gần như bài nào cũng có “sạn”, bao gồm: lỗi dùng từ, đặt câu, một số văn bản thiếu tính giáo dục, thậm chí sai lạc kiến thức ở mức “phổ thông”.
“Tôi cho rằng, bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 này không thể sửa chữa được nữa mà cần thu hồi ngay lập tức. Sau đó quy trách nhiệm cho đội ngũ tác giả, đặc biệt là ông tổng chủ biên, kể cả hội đồng thẩm định sách. Nếu chỉ sửa chữa một số văn bản như lời ông Thuyết trả lời báo chí thì con em chúng ta vẫn phải học sản phẩm lỗi - chắc chắn sẽ cho ra “phế phẩm”, điều không thể chấp nhận được đối với ngành giáo dục”, Th.s Phan Thế Hoài gay gắt.
Hiện, Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục lắng nghe ý kiến và rà soát, báo cáo về nội dung SGK Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Không chỉ phụ huynh, giới chuyên môn cũng đang kỳ vọng ở sự quyết liệt làm rõ trắng đen của Bộ GD-ĐT - cơ quan có thẩm quyền cao nhất, chịu trách nhiệm trước công chúng về việc dùng SGK lớp 1 mới như thế nào?