Vì sao Tổng Giám đốc WTO từ chức?

Chủ Nhật, 24/05/2020, 14:35
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo vừa bất ngờ tuyên bố từ chức hôm 14-5, đẩy thương mại thế giới vốn đang trong tình trạng rối ren càng lún sâu thêm vào bất ổn. Việc tìm người thay thế ông sẽ rất khó khăn.

Quyết định từ chức của Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo sẽ bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 8-2020, sớm 1 năm so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ là cuối tháng 8-2021. Người thay thế ông sẽ bắt đầu nhiệm kỳ từ ngày 1-9 như thông lệ từ trước đến nay.

Azevedo năm nay 63 tuổi, sinh trưởng ở tại thành phố Sao Salvador, bang Bahia, Brazil. Thời trẻ ông theo học ngành kỹ thuật điện, tốt nghiệp Đại học Brasilia, sau đó học cử nhân chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Học viện Rio Branco.

Ông Roberto Azevedo.

Azevedo được đánh giá là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, dành trọn sự nghiệp đời mình hoạt động trong ngành ngoại giao. Sau khi tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế, Azevedo bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1988, khi mới 31 tuổi. Sau đó, ông phục vụ trong Đại sứ quán Brazil tại Montevideo, Uruguay trước khi được điều động sang làm việc trong Phái bộ thường trực của Brazil tại Geneva, Thụy Sĩ vào năm 1997.

Từ năm 2001, Azevedo được bổ nhiệm làm trưởng đơn vị giải quyết tranh chấp trong Bộ Ngoại giao Brazil. Với nhiệm vụ này, Azevedo đã đóng vai trò trưởng phái đoàn đàm phán của Brazil trong nhiều vụ tranh chấp thương mại, đồng thời cũng ngồi ghế ủy viên trong nhiều hội đồng giải quyết tranh chấp thương mại của WTO.

Sau 4 năm đảm nhiệm vai trò nhà đàm phán, Azevedo được thăng chức Thứ trưởng Ngoại giao Brazil (2006-2008) phụ trách mảng kinh tế và kỹ thuật. Trên cương vị đó, Azevedo được giao làm trưởng đoàn Brazil tại Vòng đàm phán Doha của WTO vào năm 2015 và là người đại diện chính của Brazil tại các vòng đàm phán Cộng đồng thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Từ năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Brazil tại Geneva đại diện Brazil tại các tổ chức quốc tế của Liên Hợp quốc và là đại diện thường trực tại WTO.

Từ năm 2013, ông được cộng đồng thương mại thế giới tín nhiệm bầu vào chức vụ Tổng Giám đốc WTO thay thế ông Pascal Lamy, đảm nhận trọng trách điều phối hoạt động thương mại toàn cầu. Cuộc bầu chọn Tổng Giám đốc năm 2013 được xem là cuộc tranh chấp giữa một bên là Azevedo được các quốc gia nghèo, đang phát triển ủng hộ và một bên là ứng cử viên nhà kinh tế Herminio Blanco, người Mexico, được các nước giàu ủng hộ.

Sự thắng thế của Azevedo đã giúp WTO tái cân bằng thế lực giữa các nước giàu và các nước đang phát triển. Tuy nhiên, cũng vì thế mà suốt thời gian gần 2 nhiệm kỳ của ông, chưa bao giờ WTO được yên ổn.

Việc Tổng Giám đốc Azevedo tuyên bố từ chức đã khiến nhiều quan chức ở Geneva và Brussels cảm thấy bất ngờ, dù ông cũng sắp mãn nhiệm kỳ thứ hai. Sự ra đi của ông Azevedo khiến cho WTO mất đi một người chủ trương mạnh mẽ cho thương mại tự do và sự hợp tác quốc tế cởi mở hơn. Trong tuyên bố từ chức của mình, tuy Azevedo nói rằng quyết định từ chức vì lý do cá nhân và thời gian từ chức sớm 1 năm là nhằm tạo thuận lợi cho việc bầu chọn người thay thế ông nhưng không ai tin rằng ông chỉ đơn thuần xin nghỉ vì lý do cá nhân.

Có nhiều lý do để người ta tin rằng sự ra đi của Azevedo xuất phát từ những trục trặc, bất ổn trong WTO và thương mại toàn cầu. Trước hết, đó là sự va chạm về quan điểm giữa Azevedo với Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự va chạm quyền lực chính trị giữa hai bên, trong đó nước Mỹ của Tổng thống Trump luôn gây áp lực, công kích WTO về những vấn đề liên quan đến tự do mậu dịch, hợp tác đa phương không theo ý muốn của Mỹ.

Từ năm 2019, cho rằng WTO đứng về phía Trung Quốc khi từ chối các thay đổi trong “luật chơi” theo ý muốn của Mỹ và EU, chính quyền ông Trump còn mạnh tay hơn, không chấp thuận các đề cử nhân sự cho các ủy ban hòa giải tranh chấp thương mại của WTO, khiến cho hoạt động của tổ chức này gần như tê liệt.

“WTO có thể không hoàn hảo nhưng đây là tổ chức không thể thiếu trong thương mại toàn cầu. WTO phải đảm bảo tự do thương mại thế giới có trật tự chứ không phải theo luật rừng” - ông Azevedo phát biểu tại cuộc họp Hội đồng điều hành WTO qua truyền hình từ xa hôm 14-5, trong đó ông tuyên bố từ chức.

Sau 25 năm tồn tại (từ tổ chức ban đầu là GATT), chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của WTO là giúp đàm phán các thỏa thuận thương mại đa phương; giải quyết, dàn xếp các tranh chấp thương mại xuyên biên giới. Thế nhưng, trong suốt thời gian qua, nhất là từ sau Vòng đàm phán Doha, WTO chưa bao giờ đạt được thỏa thuận thương mại quốc tế lớn nào, ngoại trừ duy nhất Gói thỏa thuận Bali, với mục tiêu các nước thành viên hạ thấp các hàng rào thuế quan trong thương mại toàn cầu, vốn là một phần của Vòng đàm phán Doha.

Cho đến nay, có vẻ như ngay cả Gói thỏa thuận Bali cũng chưa hoàn toàn đạt mục tiêu, nhiều rào cản thuế quan vẫn tiếp tục được duy trì hoặc dựng thêm lên, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến cho hầu hết các mục tiêu tự do thương mại của WTO đều thất bại.

Vấn đề lớn nhất của thương mại toàn cầu và cũng là cơn đau đầu nghiêm trọng nhất của Tổng Giám đốc WTO chính là WTO không thể dung hòa được lợi ích của các nước lớn, không thể buộc các cường quốc thương mại toàn cầu như Mỹ, Trung Quốc,... tuân thủ luật chơi một cách sòng phẳng. Từ đó, hầu như mọi cuộc đàm phán đều không đi đến kết cuộc mỹ mãn nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng đúng nghĩa. Đơn cử như việc đàm phán về thương mại điện tử xuyên biên giới đã thất bại chỉ bởi vì Washington đưa ra những động thái quyết liệt nhằm bảo vệ lợi ích cho các tập đoàn công nghệ khổng lồ của họ: Amazon, Facebook và Google.

Trong những tuần lễ gần đây, Azevedo cùng lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) kêu gọi các nước gác sang bên những khác biệt để cùng nhau giảm bớt các rào cản thương mại và thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Azevedo được cho là rất tức giận trước màn “ăn thua” qua lại về thuế nhập khẩu trong thương chiến Mỹ-Trung. Trong khi đó, giới chức ở Washington lại xem WTO như “chướng ngại vật” trong cuộc thương chiến. Đại dịch COVID-19 có vẻ như làm cho vấn đề trầm trọng thêm. Azevedo đã phẫn nộ trước việc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và nhiều nước khác đã không hợp tác ứng phó với đại dịch, khiến đại dịch bùng phát ngoài tầm kiểm soát, làm cho kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái.

An Châu (Tổng hợp)
.
.