Vì sao kinh tế tăng trưởng nhẹ nhưng Hy Lạp cắt giảm nợ công?

Thứ Sáu, 09/06/2017, 13:25
Trong thông điệp phát đi vào đầu năm 2017, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos đã mạnh dạn tuyên bố: “Trong năm nay, chúng ta có thể và chúng ta phải lấy lại niềm lạc quan và hy vọng”.

Ông đề ra những mục tiêu cụ thể làm cơ sở xây dựng niềm hy vọng đó bằng cách tăng cường hỗ trợ đối với những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ công và vấn đề người di cư, tị nạn; hối thúc Hy Lạp thay đổi “những chính sách hà khắc dẫn đến tình trạng bế tắc” từ trước đến nay bằng các chiến lược giải quyết vấn đề tài chính, đảm bảo kinh tế phát triển bền vững và xã hội ổn định.

Đại diện cho chính phủ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã nêu bật những thành tựu mà nước này đã đạt được trong năm 2016, trong đó có việc ổn định nền kinh tế, đạt mức tăng trưởng dương, giảm tỉ lệ thất nghiệp... Ông cũng cho rằng Hy Lạp có thể đạt được những mục tiêu của chương trình cứu trợ tài chính.

Thực tế dựa trên số liệu chính thức được Cơ quan Thống kê Hy Lạp (ELSTAT) công bố vào ngày 15-5-2017 cho thấy, kinh tế Hy Lạp trong quý I/2017 tăng trưởng 0,4% so với quý IV/2016, thay vì giảm 0,1% theo ước tính sơ bộ trước đó.

Hiện nợ công Hy Lạp đã vượt ngưỡng 300 tỷ Euro, tương đương 180% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, giới lãnh đạo Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn đang tranh cãi về cách thức làm thế nào để thúc đẩy Athens thực thi những cải cách cứng rắn hơn nữa. Như vào ngày 21-4, Giám đốc khu vực châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Paul Thomsen tuyên bố, cần khẩn cấp đạt được một thỏa thuận về chương trình cho vay đối với Hy Lạp, tuy nhiên vẫn cần các cam kết từ phía Athens về cải cách và giảm nợ.

Theo ông Thomsen, các bên tham gia cứu trợ Hy Lạp cần nhanh chóng kết thúc các cuộc thảo luận, bởi tiến trình đàm phán kéo dài đang gây thiệt hại cho kinh tế Hy Lạp. Các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp, IMF và Eurozone đã kéo dài nhiều tháng, Hiện đang tồn tại bất đồng giữa các nhà tài trợ ở châu Âu, đứng đầu là Đức và IMF.

IMF cho rằng, dự báo của châu Âu về kinh tế Hy Lạp là quá tham vọng. Tình trạng bất đồng này đã dẫn tới việc trì hoãn giải ngân khoản cho vay tiếp theo từ gói cứu trợ thứ ba của châu Âu trị giá 86 tỷ Euro (97 tỷ USD) mà Hy Lạp cần để thanh toán khoản nợ trị giá 7 tỷ Euro sẽ phải đáo hạn vào tháng 7 sắp tới.

Giám đốc khu vực châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Paul Thomsen. Nguồn: greekreporter.

Bất chấp sức ép từ Đức, IMF cho đến nay vẫn từ chối tham gia chương trình cho vay 86 tỉ Euro mà Eurozone thỏa thuận với Hy Lạp vào giữa năm 2015, chương trình thứ 3 kể từ năm 2010, chủ yếu liên quan đến khả năng trả nợ của Hy Lạp.

Đại diện IMF cho biết, đã đạt được tiến bộ trong đàm phán với giới chức Hy Lạp trong những tuần vừa qua, gồm cả các vấn đề ngân sách. Tuy nhiên, vẫn còn bất đồng về khoảng thời gian Athens phải đáp ứng mục tiêu thặng dư mà IMF đánh giá là “quá tham vọng”.

Ngoài ra, ông Thomsen nhấn mạnh, IMF cũng cần các nước Eurozone minh bạch hơn về cách thức châu Âu sẽ thực hiện lời hứa giảm nợ cho Hy Lạp. Nếu như hai vấn đề này được giải quyết, IMF sẽ có thể tham gia vào chương trình cứu trợ như đã tham gia trong các năm 2010 và 2012.

Ngày 2-5, hãng tin quốc gia ANA Hy Lạp dẫn lời Euclid Tsakalotos, Bộ trưởng Tài chính nước này cho biết, Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đổi lấy gói cứu trợ tài chính thứ 3 về tất cả các vấn đề bao gồm cải cách lao động, năng lượng, cắt giảm quỹ hưu trí và tăng thuế.

Ông Tsakalotos bày tỏ tin tưởng, thỏa thuận sẽ cho phép Hy Lạp đảm bảo các biện pháp giảm nhẹ nợ, giải pháp quan trọng trong sự phục hồi của nền kinh tế vẫn chật vật trong khủng hoảng. Trước đó, dưới áp lực của các chủ nợ, Chính phủ Hy Lạp đã chấp thuận cắt giảm ngân sách thêm 3,6 tỷ Euro (tương đương 3,8 tỷ USD) trong năm 2019 và 2020. Athens thừa nhận, việc cắt giảm quỹ hưu trí và mức miễn thuế mới là nhằm đổi lấy sự chấp thuận sử dụng số tiền tương đương cho các biện pháp xóa đói giảm nghèo.

Một nguồn tin từ Chính phủ Hy Lạp cho biết, quỹ hưu trí sẽ bị cắt giảm trung bình khoảng 9%. Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng đã tuyên bố sẽ không thực hiện các khoản cắt giảm trên nếu không có lời cam kết rõ ràng từ các chủ nợ về các biện pháp giảm nhẹ nợ cho nước này.

Ngoài ra, Athens cũng hy vọng cuối cùng sẽ được phép tiếp cận chương trình mua tài sản được coi là một chương trình nới lỏng định lượng (QE) của ECB nhằm mở đường đưa nước này trở lại thị trường trái phiếu.

Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Thủ tướng Alexis Tsipras, số liệu mới cho thấy nền kinh tế Hy Lạp đã có được động lực để vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay và quyết định về các giải pháp trung hạn cho vấn đề nợ của nước này nên Chính phủ Hy Lạp đã hối thúc về một giải pháp rõ ràng tại cuộc họp sắp tới của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone.

Được biết, tại cuộc họp diễn ra vào ngày 22-5, các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone đã không nhất trí được về các biện pháp giảm nợ cho nước này và quyết định mới sẽ phải chờ đến cuộc họp tiến hành vào ngày 15-6 tuần tới.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.