Vì sao ông Trump muốn mua Greenland?

Thứ Hai, 26/08/2019, 19:18
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa gây nên làn sóng dư luận ồn ào từ Mỹ đến Đan Mạch và cả châu Á (Trung Quốc) khi khẳng định trên báo chí về những thông tin đồn đoán trong dư luận về việc ông có ý định mua lại Greenland - hòn đảo lớn nhất thế giới nằm ở Bắc Băng Dương, giáp Bắc cực, một vùng tự trị thuộc chủ quyền Đan Mạch.

Dư luận từ lâu đã loan tin đồn về việc các cố vấn trong Nhà Trắng thường xuyên bàn bạc, thảo luận với nhau về ý định của Tổng thống Donald Trump mua lại hòn đảo Greenland. Các cuộc thảo luận không chỉ xoay quanh vấn đề có mua được hay không, mà còn bàn xa hơn về lý do để mua hòn đảo này. Đó là tầm quan trọng của hòn đảo không chỉ về vị trí địa chính trị, quân sự chiến lược, mà còn về mặt kinh tế.

Trên báo chí vào hạ tuần tháng 8, Tổng thống Donald Trump không chỉ khẳng định có chuyện thảo luận của các cố vấn, mà ông còn nhận xét rằng, việc mua Greenland hoàn toàn là một thương vụ bất động sản cả đời ông theo đuổi.

Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, cư dân trên đảo Greenland đã có phản ứng trái ngược. Những người dân Greenland đầu tiên được báo chí quốc tế tiếp cận đã thẳng thắn trả lời rằng họ không muốn và không cần phải bán vùng đất của mình cho ông Donald Trump. Dù ai cũng biết rằng Greenland là hòn đảo xa xôi nhất thế giới, một trong những vùng hẻo lánh ít người lui tới, nhưng môi trường sống nơi đây đã là “thiên đường” đối với cư dân trên đảo.

Ngay cả Chính phủ Đan Mạch cũng vừa lên tiếng khẳng định vấn đề ông Donald Trump đặt ra nghe “rất kỳ quặc”, rằng việc mua bán hòn đảo Greenland là không thể xảy ra, đồng thời tuyên bố hiện không có ý định bán hòn đảo thuộc chủ quyền của mình.

Căn cứ không quân Thule của Mỹ trên đảo Greenland.

Nhưng người muốn mua - Tổng thống Trump thì có suy nghĩ khác. Ông khẳng định rằng tiến trình “thương thảo” cho việc mua hòn đảo đang được khởi động, và “không gì là không thể”.

Câu hỏi được đặt ra đâu là động cơ của việc này, và tại sao Tổng thống Trump muốn mua Greenland?

Có ý kiến cho rằng, Tổng thống Trump đang muốn ghi dấu ấn vào lịch sử nước Mỹ như là một trong những tổng thống “mở rộng bờ cõi”. Thật vậy, trong lịch sử nước Mỹ hàng trăm năm qua đã từng có một số tổng thống bỏ tiền ra “mua đất” cho nước Mỹ. Chẳng hạn như, năm 1803,  Tổng thống Thomas Jefferson đã bỏ ra 15 triệu USD để mua lại vùng đất có tên gọi là Luoisiana từ tay người Pháp.

Đến năm 1867, Tổng thống Andrew Johnson đã bỏ ra 7,2 triệu USD để mua vùng đất Alaska của người Nga để nhập vào thành tiểu bang Alaska của Mỹ. Năm 1917, Tổng thống Woodrow Wilson mua quần đảo West Indies của Đan Mạch với giá 25 triệu USD, sau đó đặt lại tên là Quần đảo Virgin thuộc Mỹ.

Với diện tích 2,16 triệu km2, bằng một phần tư nước Mỹ, nhưng Greenland chỉ có dân số 56.000 người. Phần lớn diện tích hòn đảo này phủ  băng. Tuy vậy, Greenland thật sự đang có sức hấp rất lớn đối với Tổng thống Trump. Một trong những thuận lợi cho việc mua Greenland đó là giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Đan Mạch đang có hiệp định cho thuê đất làm căn cứ quân sự.

Hiện trên hòn đảo này đang tồn tại căn cứ không quân Thule, xây dựng năm 1951, được xem là tiền đồn xa nhất của nước Mỹ, nằm sâu bên trong vòng Bắc Cực. Căn cứ này hiện có hơn 600 nhân sự làm việc tại các hệ thống rađa và trạm nghe lén quân sự. Căn cứ quân sự này là mối quan tâm lớn của Mỹ nhằm mục đích đương đầu với sự hiện diện của Nga ở Bắc Cực. Đó cũng được ví như một chốt chặn quan trọng về mặt chiến lược quân sự đối với mối đe dọa đến từ Nga.

Nhưng việc thuê căn cứ lâu nay đã làm phát sinh những vấn đề khó khăn khiến nước Mỹ luôn tìm cách khắc phục bằng phương án mua lại toàn bộ hòn đảo để làm căn cứ của riêng mình tại Bắc Cực. Thực ra, từ thế kỷ 19, các đời tổng thống Mỹ đã tìm cách mua Greenland nhưng không thành công, một phần cũng là do cư dân địa phương quyết liệt phản đối.

Từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống, dường như vấn đề đối đầu quân sự với nước Nga đã bị ông gạt sang bên. Đối với Tổng thống Trump và các cố vấn của ông, Nga không còn là mối bận tâm hàng đầu của nước Mỹ. Vấn đề “Nga can thiệp bầu cử Mỹ” gây ồn ào hơn 2 năm qua đến nay dường như đã dần đi vào quên lãng sau khi báo cáo sơ bộ cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller III đã không đưa ra được bằng chứng nào về sự cấu kết giữa bộ sậu tranh cử của ông Donald Trump và giữa những người trong gia đình ông với người Nga.

Theo giới quan sát, gần đây các cố vấn của Tổng thống Trump đã chuyển đề tài thảo luận sang hướng mới: làm thế nào để chiếm thế thượng phong trong cuộc đối đầu kinh tế với Trung Quốc. Muốn vậy, ít nhất người Mỹ phải giảm bớt sự phụ thuộc vào một số mặt hàng của Trung Quốc, hiện đang được Bắc Kinh sử dụng như vũ khí chiến lược để đấu với Mỹ. Như một phát hiện mới, vùng đất bên dưới lớp băng dày của Greenland đang có trữ lượng mỏ đất hiếm rất lớn.

Một dự án khai thác quặng mỏ khoáng sản do một công ty khai khoáng của Australia trúng thầu khai thác từ năm 2007 tại khu vực mỏ Kvanetjeld, Tây Nam Greenland đã làm lộ ra khu mỏ đất hiếm được dự báo có trữ lượng lên đến hàng trăm triệu tấn, trữ lượng lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Giới phân tích nhận định đây là nguyên nhân chính, là động cơ quan trọng nhất thôi thúc Tổng thống Trump theo đuổi ý định mua lại đảo Greenland.

Trên đường đến Pháp dự Hội nghị G-7 ngày 19-8 vừa qua, Tổng thống Trump đã bộc lộ quyết tâm sẽ mua bằng được Greenland. Ông cho rằng cái gì cũng có giá của nó, và Greenland cũng vậy. Vấn đề là tìm ra điểm yếu của đối phương để khai thác nhằm đạt được mục tiêu của mình. Ông Trump đã phân tích vấn đề khó khăn nhất của Đan Mạch trong việc cai quản hòn đảo Greenland, và ông tự tin cho rằng mình có thể đạt được điều mình muốn.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.