Vì sao sự cố máy bay Airbus A380 gây hoang mang dư luận thế giới?

Thứ Tư, 17/11/2010, 08:35
Trục trặc kỹ thuật của một máy bay hành khách không phải là chưa từng bao giờ có, nhưng chuyện vừa xảy ra cho một máy bay Airbus A380 của Hãng Hàng không Qantas, Australia, mặc dù cuối cùng không đưa đến tai nạn, lại gợi lên sự lo ngại và trở thành đề tài được đặc biệt quan tâm. Vì sao?

Trước hết A380 là kiểu máy bay hành khách lớn nhất thế giới cho đến nay, ít nhất có 450 ghế trên hai tầng. Từ lâu trong giới hàng không quốc tế vẫn có nhiều tranh cãi về quan niệm cho rằng, kiểu máy bay lớn như vậy không có hiệu quả kinh tế: giá mua đắt, tốn kém về sử dụng và bảo trì, khó có đầy khách trong mỗi chuyến bay... Ngoài ra, A380 mới được đưa vào sử dụng từ hai năm nay và biến cố vừa qua có thể ảnh hưởng đến hợp đồng đặt hàng trên 100 chiếc khác của Airbus.

Hôm 4/11 vừa qua, chuyến bay QF32 của Hãng Hàng không Qantas trên đường từ London đi Sydney, ghé lại Singapore như lộ trình thường lệ. Nhưng chỉ 6 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Changi, Singapore, lúc đang ở trên không phận tỉnh Batam, Indonesia, hành khách nghe thấy một tiếng nổ lớn và nhìn thấy khói lửa bốc ra từ một trong bốn động cơ.

Những mảnh vỡ của động cơ rớt rải rác trên đất Indonesia, tuy nhiên không gây thiệt hại gì. Phi hành đoàn lập tức cho trút bỏ nhiên liệu và đưa máy bay còn bốc khói quay trở lại đáp xuống sân bay Changi.

Các xe cứu hỏa đứng chờ hai bên phi đạo đã dập tắt hoàn toàn ngọn lửa sau đó, và toàn thể 433 hành khách cùng 26 nhân viên phi hành đoàn an toàn bước xuống sân bay. Người ta nhận thấy động cơ bị nổ cháy đen thui và phần vỏ che phía sau rớt mất, mảnh vỡ văng ra từ động cơ cũng làm cánh máy bay bị hư hại chút ít.

Alan Joyce, Giám đốc điều hành Qantas cho biết, tất cả 6 chiếc A380 trong tổng số 191 máy bay đang hoạt động của hãng đã được lệnh không cất cánh cho đến khi hoàn thành cuộc điều tra. Một nhóm chuyên viên thuộc Cơ quan an ninh hàng không Australia đã đến Singapore để tìm hiểu về tai nạn, trong khi Airbus và công ty chế tạo động cơ Rolls Royce cũng sẽ được tham khảo. Đến bây giờ chưa biết nguyên nhân của sự trục trặc ở động cơ, tuy nhiên không thấy dấu hiệu là máy bay đã đụng phải một đàn chim hoặc bị tro núi lửa lọt vào.

Hãng Hàng không Qantas sử dụng A380 từ năm 2008 trên các đường bay từ Melbourne và Sydney đến Los Angeles cũng như từ Anh tới Australia ghé qua Singapore. Theo dự trù Qantas sẽ có thêm 14 chiếc A380 vào năm 2015 và Giám đốc Alan Joyce cho biết trường hợp trục trặc này là lần đầu tiên, có lẽ không ảnh hưởng gì đến dự án đặt hàng.

Hiện nay có 37 máy bay Airbus A380 đang được sử dụng trên đường hàng không quốc tế trong các hãng Qantas (6), Lufthansa (3), Singapore Airlines (11), Air France-KLM (4) và Emirates Airline (13). Hãng Hàng không Singapore cũng ra lệnh tạm ngừng bay A380 rồi sau đó, hôm 5/11 đã cho bay trở lại sau khi kiểm tra các động cơ và tham khảo ý kiến chuyên viên Airbus và Rolls Royce.

Một động cơ bị nổ cháy của chiếc A380 chuyến bay Qantas QF32 trở về đáp khẩn cấp tại sân bay quốc tế Changi, Singapore.

Hãng Hàng không Đức Lufthansa không ngưng bay A380 vì hãng này có 3 chiếc A380 nhưng hàng ngày chỉ có một chuyến bay tới Tokyo, do đó dễ dàng kiểm tra mà không làm gián đoạn lịch trình. Theo nhận định của các chuyên gia, chưa đến mức Airbus phải ban hành quyết định ngưng các chuyến bay A380.

Trong số 37 chiếc A380 đang sử dụng, 20 chiếc thuộc Qantas, Lufthansa, Singapore Airlines gắn 4 động cơ Trent-900 của Rolls Royce, công ty Anh chiếm lĩnh thị phần chính trên thế giới trong việc chế tạo động cơ máy bay. 17 chiếc A380 khác thuộc Emirates Airline và Air France-KLM dùng động cơ của Engine Alliance, công ty liên doanh Mỹ giữa GE Aircraft Engines và Pratt & Whitney. Trent 900 cũng như Engine Alliance GP 7200 là động cơ được thiết kế đặc biệt cho A380, vận hành êm hơn loại động cơ GE 90 gắn trên máy bay Boeing 777.

Đến nay chưa có trường hợp khẩn cấp nào xảy ra với các máy bay A380 gắn động cơ Engine Alliance nhưng đã 3 lần các máy bay A380 gắn động cơ Rolls Royce Trent 900 có biến cố. Hồi tháng 8, một chiếc A380 của Hãng Hàng không Đức Lufthansa từ Tokyo đi Frankfurt đã phải tắt một động cơ ít phút trước khi đáp vì phi công nhận thấy áp lực dầu thay đổi bất thường. Tháng 9/2009, một chiếc A380 của Singapore Airlines trên đường đi Trung Đông phải quay lại Paris gần 3 giờ sau vì một động cơ hoạt động không bình thường.

Nhắm đạt một vị trí ưu việt trong cuộc cạnh tranh với Boeing, tổ hợp chế tạo máy bay Airbus của châu Âu, EADS, bắt đầu nghiên cứu chế tạo loại máy bay khổng lồ A380, về kích thước cũng tương đương như Boeing 747 nhưng tải trọng lớn hơn. Do nhiều khó khăn về kỹ thuật và thay đổi thiết kế, năm 2007, nghĩa là sau hơn 15 năm kể từ khi tiến hành dự án, A 380 mới bay được chuyến đầu tiên.

Thân máy bay A380 với hai tầng, hơn hẳn Boeing chỉ có một "gác xép" có đủ chỗ để chở được tới 800 hành khách. Tuy nhiên chiếu nhu cầu thực tế, các hãng hàng không chỉ để khoảng 450 đến 500 ghế tạo sự thoải mái cũng như thêm nhiều tiện nghi cho hành khách như Internet trong khi bay.

Mặc dù với giá mỗi máy bay A380 vào khoảng 300 triệu USD, trong đó 1/6 là trị giá các động cơ, đến nay đã có 17 hãng hàng không quốc tế, đặt mua tổng cộng 234 chiếc và sẽ được giao hàng cho tới năm 2015.

Howard Weeldon, chiến lược gia trưởng của Công ty Tư vấn hàng không BGC ở London nhận xét: "Mặc dù phải có những quan tâm chính đáng với biến cố vừa qua trên máy bay Qantas, đặc biệt là về động cơ và cần kiểm tra thẩm định thích đáng, chúng tôi không tin rằng sự việc này ảnh hưởng tai hại đến các hợp đồng bán A380 trong tương lai"

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.