Vì sao thị trường chứng khoán thế giới chao đảo?

Thứ Ba, 13/02/2018, 13:49
Chỉ trong 4 ngày, từ 3 đến 6-2-2018, thị trường tài chính thế giới đã bốc hơi 4 nghìn tỉ USD. Chỉ trước đó ít ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2018 và 2019. Sự lao dốc của thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới những ngày đầu năm 2018 báo hiệu điều gì?

Phải chăng kinh tế thế giới sẽ lại rơi vào khủng hoảng theo chu kỳ 10 năm một lần?

Vụ mất điểm lịch sử của chỉ số Dow Jones

TTCK Á - Âu đã lần lượt tuột dốc sáng 6-2-2018. Tại châu Á, Hong Kong bị nặng nhất, mất 5,12%, kế đến là Tokyo, 4,73% và Thượng Hải, 3,35%. Tại châu Âu, các thị trường cũng sụt giảm hơn 3%: London mất 3,8%, Paris, 3,43%, Frankfurt 3,58%... Đây là hậu quả của việc thị trường Wall Street ở New York (Mỹ) bị thiệt hại nặng nề vào tối 5-2, trước khi đóng cửa, với chỉ số Dow Jones tuột 4,60%. Đây là vụ mất điểm lớn nhất lịch sử của chỉ số Dow Jones.

Tính đến ngày 6-2-2018, 4 ngàn tỉ đôla tan biến trên TTCK thế giới mà mới cách đó 8 ngày đã lập giá trị kỷ lục. Các nhà đầu tư phải chuyển vốn sang những chọn lựa truyền thống và an toàn như vàng. Các chuyên gia kinh tế ở Ngân hàng Robobank nói rằng thời kỳ TTCK tăng liên tục đã chấm dứt. Việc bán tháo chứng khoán được một số nhà phân tích xem là một cách điều chỉnh giá trị trường lành mạnh sau một năm giá tăng quá nhanh ở châu Á và châu Âu.

Sự sụt giảm nghiêm trọng của thị trường chứng khoán thế giới diễn ra trong bối cảnh chỉ mới ngày 22-1-2018, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của năm 2018 và 2019, cho rằng kế hoạch cắt giảm thuế của chính quyền Donald Trump được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế số một thế giới này cũng như giúp các đối tác thương mại lớn của Mỹ.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 3,9% trong năm 2018 và 2019, tăng 0,2% so với dự báo cập nhật hồi tháng 10-2017. Mặc dù vậy, IMF cảnh báo các thị trường tài chính đang dồi dào rất có thể đảo chiều sau thời gian tăng trưởng mạnh mẽ.

Vì sao TTCK chao đảo trong khi kinh tế toàn cầu đang hồi phục?

Giải thích hiện tượng TTCK chao đảo trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang hồi phục, các chuyên gia kinh tế cho rằng nguyên nhân ban đầu gây ra tình trạng bán tháo chứng khoán là lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng đột biến hồi cuối tuần trước sau khi các số liệu cho thấy mức lương ở Mỹ tăng với tốc độ cao nhất kể từ năm 2009. Đó là những dấu hiệu cảnh báo lạm phát sẽ tăng và lãi suất cũng sẽ tăng.

Suốt một năm qua, thị trường đặt hy vọng vào đạo luật cắt giảm thuế các công ty mà Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa hứa hẹn, giá các cổ phiếu lên vì tin tưởng các công ty sẽ giữ lại được hàng tỷ đôla tiền lời không phải đóng thuế. Như thường lệ, khi thị trường lên, nó sẽ lên quá đà, vì động cơ tâm lý: nhiều người không muốn bỏ lỡ cơ hội làm giàu. Như thường lệ, khi giá cổ phiếu lên quá đà, nó sẽ phải “tự điều chỉnh” để xuống bớt.

Trước khi chấm dứt nhiệm vụ ngày 2-2-2018, bà Janet Yellen, Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đã nói: “Giá các cổ phiếu hơi cao, giá nhà đất hơi cao - tôi không nói cao quá, nhưng cao”. Bà đã tiên đoán cơn gió lốc thổi qua thị trường vừa qua.

Thị trường chứng khoán Tokyo, Nhật Bản, rớt điểm ngày 6-2-2018.

Trong năm 2017, mức lời của các công ty lớn ở Mỹ tăng vượt bậc. Châu Âu đã thoát cơn trì trệ kể từ năm 2008; kinh tế Trung Quốc vẫn đứng vững, cả châu Mỹ Latinh cũng ngóc dậy. Trong tháng 1-2018, giới đầu tư đã bỏ thêm 102 tỷ USD vào cổ phần các công ty Mỹ và thế giới, qua các quỹ đầu tư.

Một dấu hiệu báo động phát ra tuần trước, khi mức lời của trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng lên cao nhất kể từ 4 năm qua. Giá cổ phiếu trên thị trường Mỹ bắt đầu tụt sau tín hiệu này, vì 2 lý do. Một là, khi lãi suất tăng lên, nó báo hiệu “giới có tiền” cho Chính phủ Mỹ vay đang lo lạm phát sẽ lên cao; nếu giữ lãi suất như cũ, họ sợ rằng sẽ chẳng được lợi lộc gì khi đồng tiền mất giá vì lạm phát. Hai là, nếu lãi suất lên thì mua trái phiếu cũng có lời hơn trước, mà lại an toàn. Do đó, nhiều người sẽ bán bớt các cổ phiếu chuyển tiền qua mua trái phiếu.

Mối lo lạm phát vẫn nằm ẩn trong suy nghĩ của giới đầu tư, đã trở nên cụ thể hơn ngay trong ngày 2-2, sau bản thông báo của Bộ Lao động Mỹ về thị trường lao động. Với tỷ lệ thất nghiệp xuống 4,1%, kinh tế Mỹ đang bước vào tình trạng “toàn dụng”, tức là ai cũng đang làm việc. Vì trong nền kinh tế, cả lúc hưng thịnh nhất, luôn luôn có khoảng 4% người “thất nghiệp” - những người bỏ hay mất việc còn đang đi tìm việc làm khác.

Sau 9 năm kinh tế tăng trưởng, tình trạng “toàn dụng” đang diễn ra; nhất là khi thế hệ rất đông những người sinh sau Thế chiến thứ II đang lần lượt về hưu, lớp người đang ở lớp tuổi làm việc không tăng lên kịp để lấp vào khoảng trống đó.

Song song với tình trạng thị trường lao động lên cao, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lương bổng công nhân đã tăng lên thật, sau hàng chục năm trì trệ. 2 hiện tượng trên báo hiệu các doanh nghiệp biết họ sẽ phải cạnh tranh nhau để kiếm người làm việc và họ sẽ phải tăng lương để thu hút nhân tài. Đây là một tin mừng cho người lao động, nhưng là một tin xấu cho các chủ doanh nghiệp.

Thống kê về lao động khiến cho mối lo lạm phát đang hiện ra rõ ràng, gần gũi trước mắt. Khi các công ty phải tăng lương cho nhân viên và công nhân, người ta sẽ phải tăng giá bán hàng hóa và dịch vụ. Tăng giá sinh ra lạm phát. Ngoài ra, khi được tăng lương, mọi người sẽ tiêu thụ nhiều hơn, đẩy giá cả tăng thêm.

TTCK ghét lạm phát, vì nó sẽ làm lãi suất lên cao. Khi kinh tế bị lạm phát đe dọa, FED sẽ phải tăng lãi suất để ngăn ngừa. Trong 8 năm thời Tổng thống Obama, FED giữ lãi suất ở mức thấp nhất, gần số không, vì không thấy bóng dáng lạm phát đâu cả. Chỉ từ 2 năm qua, lãi suất đã được tăng lên từ từ. Nếu mối lo lạm phát lên cao, trong năm 2018 này, lãi suất sẽ phải tăng để đề phòng.

Lãi suất tăng có nghĩa là các doanh nghiệp vay tiền khó hơn trước, mà người tiêu thụ cũng phải bớt việc vay nợ để tiêu xài. Đó là tin xấu cho tất cả các doanh nghiệp. Cho nên, thị trường đã phản ứng ngay khi mối lo lạm phát xuất hiện, sau khi các thống kê thị trường lao động được đưa ra.

Nhưng TTCK không phải là tất cả nền kinh tế. Vì xưa nay thị trường lên xuống thất thường, không thể căn cứ vào đó để biết tương lai kinh tế ra sao. Dù thị trường lên xuống đột ngột thế nào, nền kinh tế vẫn chạy theo tốc độ của nó.


Đan Kô (tổng hợp)
.
.