Vì sao trùm gỗ lậu Sáu Ngọc dám tự do tàn sát rừng Khe Diên, Quảng Nam?

Thứ Tư, 09/04/2008, 13:30
Khi biết mình đã được điều động về làm Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, vẫn “tranh thủ” gặp gỡ Sáu Ngọc, ký Giấy phép bổ sung để hợp thức cho hành vi khai thác gỗ trái phép của trùm gỗ lậu này tại cánh rừng đầu nguồn Khe Diên...

Đến thời điểm này, công tác điều tra của lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV (PC15) Công an tỉnh Quảng Nam đối với vụ án trùm gỗ lậu Sáu Ngọc cùng đồng bọn lợi dụng xây dựng thủy điện Khe Diên để phá rừng đã đi vào hồi kết. Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Sáu Ngọc và 9 đối tượng. đáng tiếc là trong số này, có những người là quan chức cấp huyện, tỉnh đã giúp sức đắc lực cho y.

Gặp lại người dũng cảm tố cáo

Có thể nói, người dân cùng các ngành chức năng khác đã góp phần rất lớn giúp cho PC15 Công an tỉnh Quảng Nam điều tra vụ án Sáu Ngọc, làm rõ hành vi một số cán bộ thoái hóa, biến chất tiếp tay cho trùm khai thác gỗ lậu; trong đó có công rất lớn của anh Lê Phước Cẩm, trú ở thôn Trung Thượng, xã Quế Trung, huyện Quế Sơn.

Anh Cẩm đi vắng, chị Trịnh Thị Hà, vợ anh Cẩm nói với tôi, vì chuyện tố cáo trùm gỗ lậu Sáu Ngọc (Lê Văn Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Ngọc Sơn, gọi tắt là Công ty Ngọc Sơn) mà vợ chồng chị phải bao phen lao đao, khốn đốn, mất ăn mất ngủ. Thở dài đánh sượt, chị nói: “Đấu tranh với cán bộ tham nhũng,  để có được kết quả thì mình cũng lên bờ, xuống ruộng anh à!...”.

Khoảng một giờ đồng hồ sau, anh Cẩm về. Anh dẫn tôi ra xem con đường rải đá dăm nối từ đầu cầu Nông Sơn phía đông lên núi Cà Tang về xã Quế Phước. Anh bảo: “Sáu Ngọc bỏ tiền ra đền bù giải tỏa vườn tược của bà con để làm con đường này nên nó mang tên đường Sáu Ngọc”.

Sáu Ngọc làm đường phục vụ cho mục đích vận chuyển gỗ khai thác trái phép từ Khe Diên về tập kết lên núi Cà Tang là chính. Mặt bằng trên đó rộng rãi, hoang vắng, lại gần Trạm Kiểm lâm Trung Phước thì mấy ai dám nhòm ngó. Đêm nào xe tải cũng chở gỗ ầm ầm chạy rung chuyển cầu Nông Sơn. Trước cảnh đó, anh Cẩm bàn với chị Hà tìm cách thu thập chứng cứ tố cáo Sáu Ngọc...

Được cái nhà anh Cẩm ở ngay đầu cầu Nông Sơn, lái xe chở gỗ cho Sáu Ngọc về núi Cà Tang thỉnh thoảng ghé vào uống nước. Thế là, vợ chồng anh dò hỏi, làm thân rồi xin đi theo xe lên rừng, vào tận nơi mà Sáu Ngọc đang cho bọn lâm tặc đốn hạ gỗ.

Hiện trường khai thác gỗ trái phép, cảnh xe tải Sáu Ngọc chở gỗ nườm nượp qua cầu Nông Sơn về núi Cà Tang đã không thoát khỏi ống kính của chiếc máy ảnh mà anh Cẩm mượn của một người bạn. Những bức ảnh ấy được bí mật gửi đến cho các cơ quan thông tấn báo chí để từ đó công luận lên tiếng, chính quyền tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Thanh tra tỉnh Quảng Nam kiểm tra và hồ sơ sự vụ án được chuyển đến PC15 Công an tỉnh Quảng Nam...

Cũng trong thời điểm đó, anh Cẩm “đấu” trực diện với Sáu Ngọc bằng những tấm ảnh chụp một số ống cống kém chất lượng mà hắn sử dụng thi công đoạn đường được chính quyền địa phương đưa vào dự án đường liên xã, báo cáo sự việc với Chi bộ Đảng thôn Trung Thượng và Đảng ủy xã Quế Trung.

Theo trình tự quy định của Luật Tố cáo Khiếu nại, anh Cẩm gửi đơn tố cáo đến UBND huyện Quế Sơn. Nào ngờ, sau khi anh gửi đơn lên huyện thì Sáu Ngọc tìm tới nhà. Hôm ấy, anh đang ở tiệm thuốc bắc dưới Trung Phước, Sáu Ngọc chỉ mặt chị Hà, lớn tiếng đe dọa: “Mày bảo thằng Cẩm rút đơn khiếu nại, nếu không tao thủ tiêu nó!”.

Nghe chị Hà hoảng hốt gọi điện thoại nói lại chuyện, anh đóng cửa tiệm thuốc bắc, đạp xe về. Đi đến cây cầu người địa phương gọi là “cầu Bộ Đội” thì gặp Sáu Ngọc được đàn em chở trên chiếc Uoát chạy xuống. Ngọc cho lái xe đỗ ngay trước mặt anh, mở cửa bước xuống, chỉ mặt anh gầm gừ: “Mày khôn hồn xuống huyện rút đơn, nếu không tao giết mày!”.

Trước những lời đe dọa của Sáu Ngọc, anh vẫn ôn tồn: “Anh có chuyện gì thì về nhà tui nói, mình là người lớn cả mà!”. Nói rồi anh lên xe đạp về. Một lát sau Sáu Ngọc tới nhà anh, vẫn chất giọng giang hồ: “Tao nói lần chót, mày mà không rút đơn thì tao giết mày. Mày có gửi đơn tới trung ương, tao đây cũng chẳng ngán. Mày dám bẻ nạng chống trời hả?...”.

Nói xong, Sáu Ngọc hầm hầm quay ra xe Uoát đóng cửa đánh rầm để đàn em chở đi. Chị Hà lúc đó mặt cắt không còn giọt máu, vừa khóc vừa nói với chồng: “Thôi anh ơi, đừng dây vào chúng làm chi nữa. Sáu Ngọc mà làm thiệt như nó nói thì anh chết bỏ mẹ con em...”. Anh Cẩm cũng lo, song vẫn an ủi vợ, vì anh tin rằng đấu tranh cho cái đúng thì hà cớ gì phải sợ...

Bắt tạm giam trùm gỗ lậu Sáu Ngọc.

Tiếp theo, đoàn công tác của UBND huyện Quế Sơn do ông Nguyễn Xuân Thanh, lúc bấy giờ là Phó chủ tịch thường trực huyện, dẫn đầu về làm việc với Đảng ủy, UBND xã Quế Trung, nêu chuyện anh Cẩm tố cáo ra trước cuộc họp,  phê bình anh tố cáo Sáu Ngọc vượt cấp là vi phạm 19 điều cấm đảng viên.

Ông Thanh còn bênh vực cho Sáu Ngọc rằng, qua kiểm tra các cống trên đường liên xã không có ống cống làm bằng đá xỉ than...

Trước chỉ trích của ông Thanh, anh Cẩm vẫn khẳng định rằng mình không vi phạm, và đã gửi đơn khiếu nại cho các cấp xã, huyện, tỉnh đúng qui định của pháp luật. Các ống làm cống do Sáu Ngọc chỉ đạo làm bằng đá xỉ than cũng được lãnh đạo huyện Quế Sơn phát hiện tại hiện trường thi công.

Song, ngay tối hôm đó, đài phát thanh huyện loan tin ông Nguyễn Xuân Thanh trả lời khiếu nại của nhân dân Quế Trung về dự án đường liên xã, nêu rõ anh Cẩm tố cáo là vi phạm 19 điều cấm đảng viên. Người dân trong thôn, trong xã đều xầm xì, bán tán, một số kẻ “theo đuôi” Sáu Ngọc tha hồ dè bỉu, mỉa mai...

Anh Cẩm cười buồn: “Sự thật giờ đây đã được Công an làm rõ, không chỉ Sáu Ngọc mà ông Thanh và hàng loạt quan chức cấp huyện, cấp tỉnh cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì tiếp tay cho hắn. Đó là điều đáng mừng...

Nhưng thú thật với anh, hồi tui bị ông Thanh, rồi đài phát thanh huyện bêu diếu, tui khổ tâm và đau đớn lắm anh à. Cả một tuần liền tui ấm ức không ngủ được. Đôi lúc cũng nghĩ quẩn, bỏ ý định đấu tranh với Sáu Ngọc.

Nhưng rồi nghĩ lại, mình là đảng viên, là người con quê hương này, cha ông mình đã đổ máu đánh Pháp, chống Mỹ để bảo vệ quê hương, bảo vệ những cánh rừng thì sao mình lại không biết giữ gìn, vì sao mình lại phải bó tay trước Sáu Ngọc và đồng bọn? Nghĩ vậy nên tui quyết tâm đấu tranh tới cùng...”. --PageBreak--

Vén bức màn liên minh ma quỉ

Ngày 17/3/2005, chính quyền tỉnh Quảng Nam có quyết định thu hồi đất rừng thuộc 3 xã của huyện Quế Sơn, là Quế Trung, Quế Ninh và Quế Phước, giao cho Công ty Đầu tư và Phát triển điện Sông Ba (gọi tắt là Công ty Sông Ba) thuê để xây dựng và khai thác công trình thủy điện Khe Diên.

Sau đó, tỉnh Quảng Nam cũng đồng ý cho UBND huyện Quế Sơn được khai thác tận thu, tận dụng gỗ trong lòng hồ thủy điện Khe Diên và chỉ đạo phải hợp đồng với đơn vị, có tư cách pháp lý để tiến hành khẩn trương, sớm giao mặt bằng cho công trình thủy điện. Tuy nhiên, nhiều cán bộ huyện Quế Sơn và cán bộ cấp sở, ngành liên quan đã cố tình làm trái chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, tiếp tay cho Sáu Ngọc phá rừng...

Trung tá Lê Văn Hồng, Phó phòng PC15 Công an tỉnh Quảng Nam, trực tiếp chỉ huy lực lượng điều tra phá án, khẳng định như vậy.

Theo kết quả điều tra, cán bộ huyện Quế Sơn lúc đó đã ký giấy ủy quyền cho trùm gỗ lậu Sáu Ngọc thay UBND huyện ký hợp đồng với các đơn vị được phép khai thác tận thu, tận dụng gỗ tại rừng Khe Diên. Thế là, Sáu Ngọc ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam là đơn vị không đăng ký hành nghề tư vấn thiết kế khai thác gỗ.

Hai bên bàn bạc và “chơi bạo” bằng cách lập bản đồ thiết kế khai thác tận dụng, tận thu gỗ tại rừng Khe Diên với diện tích 420ha, tăng so với diện tích đất rừng tỉnh thu hồi giao cho Công ty Sông Ba 101ha. Chẳng những thế, Sáu Ngọc còn ngang nhiên mở 3 cây số đường, đưa xe lên khai thác gỗ trái phép tại rừng đầu nguồn thuộc các tiểu khu 444 và 446, nằm ngoài khu vực xây dựng thủy điện Khe Diên.

Lúc đầu, Hạt Kiểm lâm (HKL) Quế Sơn kiểm tra phát hiện Sáu Ngọc phá rừng và đo, đếm tại hiện trường, gỗ bị chặt hạ 69 lóng (khoảng 53,45m3) liền báo cáo UBND huyện Quế Sơn và Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, báo cáo cốt cũng để cho một số cán bộ móc ngoặc với Sáu Ngọc tìm đường gỡ rối cho hắn mà thôi.

Được sự “giật dây” của ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Quế Sơn, Nguyễn Thành Vui, Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch (TC-KH) huyện lập và ký ngay tờ trình xin phê duyệt hồ sơ thiết kế bổ sung khai thác tận thu, tận dụng gỗ, để rồi với tờ trình này, Trần Hải Hà – Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (CCLN) tỉnh Quảng Nam, ký công văn phúc đáp, thống nhất cho UBND huyện Quế Sơn được tiếp tục cho công ty của Sáu Ngọc làm  hồ sơ khai thác bổ sung ở các tiểu khu 444 và 446.

Trước đó, Trần Hải Hà cũng là người tích cực đề nghị lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam cho phép Công ty cổ phần Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam ký hợp đồng với công ty của Sáu Ngọc khảo sát, thiết kế khai thác tận thu, tận dụng gỗ tại Khe Diên...

Điều bất ngờ hơn là ông Nguyễn Xuân Thanh còn công khai ủng hộ hành vi phá rừng của Sáu Ngọc. Để hợp thức cho Sáu Ngọc khai thác gỗ trái phép, ngày 26/9/2006, ông Thanh ký ban hành Thông báo số 204 với nội dung đã lấy ý kiến các ngành trong huyện đồng ý cho Công ty Ngọc Sơn thiết kế bổ sung khai thác gỗ, giúp Sáu Ngọc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng đi tiêu thụ.

Ông Thanh cũng chỉ đạo những cán bộ Phòng TC-KH huyện là tay chân của ông như: Nguyễn Thành Vui, Nguyễn Thanh Vân (Kế toán trưởng) hợp thức chứng từ để làm giảm số tiền Sáu Ngọc bán gỗ ra thị trường từ 2,5 triệu đồng/m3 xuống còn 98.000 đồng/m3, tạo điều kiện để Sáu Ngọc khai thác gỗ lậu, bỏ túi hàng chục tỉ đồng...

Ngoài ra còn một số cán bộ Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cũng ra tay "tiếp sức" cho Sáu Ngọc phá rừng.

Trong số quan chức cấp tỉnh tiếp tay cho Sáu Ngọc phải kể đến ông Hồ Tấn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam. Mặc dù, công việc cấp giấy phép cho khai thác gỗ tận thu trong lòng hồ thuỷ điện Khe Diên đã được họp bàn và thống nhất trong Ban Giám đốc, phân công Phòng Kinh tế của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam thẩm định và giao trách nhiệm cho ông Phan Văn Hậu là Phó giám đốc trực theo dõi.

Thế nhưng, khi biết mình đã được điều động về làm Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Sơn vẫn “tranh thủ” gặp gỡ Sáu Ngọc, ký Giấy phép bổ sung số 953, ngày 27/9/2006, hợp thức cho hành vi khai thác gỗ trái phép của trùm gỗ lậu này tại cánh rừng đầu nguồn Khe Diên, thuộc tiểu khu 444 và 446.

Chỉ trong phạm vi cho phép của Giấy phép sai trái này, PC15 Công an tỉnh Quảng Nam, xác định: Sáu Ngọc đã khai tử cánh rừng trên diện tích 131,9 ha nằm ngoài phạm vi thu hồi đất của UBND tỉnh Quảng Nam, vượt mức nước lòng hồ về phía thượng nguồn đến 1.610m. Riêng tại tiểu khu 446, tại hiện trường có đến 287 gốc cây bị đốn hạ, ước tính 596m3 gỗ tròn.

Trung tá Lê Văn Hồng, cho biết thêm: Khi thực hiện lệnh bắt Sáu Ngọc và khám xét nhà của tên trùm gỗ lậu này tại thôn Bà Rén, xã Quế Xuân I, huyện Quế Sơn, PC15 Công an tỉnh Quảng Nam đã thu được cuốn sổ Sáu Ngọc ghi chép việc chung, chi tiền cho một số cán bộ cấp huyện, tỉnh đã giúp sức cho hắn phá rừng Khe Diên.

Đến thời điểm này, vụ án phá rừng Khe Diên đã gần kết thúc, PC15 Công an tỉnh Quảng Nam xác định Sáu Ngọc đã dùng tiền để mua chữ ký của một số cán bộ có chức quyền, thoái hóa, biến chất, để khai thác 4.500m3 và được đóng búa Kiểm lâm chuyển đi tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Sáu Ngọc còn liều lĩnh mở rộng phạm vi đốn hạ rừng ngoài qui định với số gỗ  lên đến  1.204,105m3. Ngoài việc bắt tạm giam Sáu Ngọc, PC15 Công an tỉnh Quảng Nam còn khởi tố bị can, bắt tam giam và cấm đi khỏi nơi cư trú 9 đối tượng là cán bộ Nhà nước, giữ những trọng trách quan trọng từ cấp huyện đến cấp tỉnh.

Như vậy, có thể nói rằng, việc điều tra khám phá vụ án Sáu Ngọc và đồng bọn lợi dụng xây dựng thủy điện Khe Diên để phá rừng là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của Công an tỉnh Quảng Nam nói chung, lực lượng PC15 nói riêng.

Và thành tích đó còn có sự đóng góp công sức của những người dân Quế Sơn, đặc biệt là anh Lê Phước Cẩm, đã dám tố cáo sai phạm của một số người cậy chức quyền thông đồng, tiếp tay cho hành vi phạm tội của trùm gỗ lậu Sáu Ngọc, để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần giữ gìn kỷ cương pháp luật Nhà nước...

Long Vân
.
.