Vì sao vụ United Airlines “nổ” lớn?

Thứ Bảy, 15/04/2017, 19:45
Vụ hành khách người Mỹ gốc Việt, bác sĩ David Dao, 69 tuổi, ở Elizabethtown, Kentucky, bị nhân viên an ninh dùng bạo lực lôi ra khỏi chuyến bay 3411 của hãng United Airlines hôm 9-4 tại sân bay Chicago, chỉ là một trong hàng nghìn vụ mà hãng hàng không này đã làm trong năm qua với khách hàng. Nhưng tại sao vụ việc mới này lại khiến cả thế giới phẫn nộ, và buộc giới chức cao nhất của nước Mỹ vào cuộc?

Thật đau lòng khi lý do ông David Dao bị bạo hành và lôi ra khỏi máy bay đơn giản là ông mua vé giá rẻ. Chuyến bay 3411 bán ra số vé nhiều hơn số ghế, đáng lý sẽ đủ nếu như hôm đó không có một phi hành đoàn dự bị cùng đi trên chuyến bay này. Để giải quyết, United Airlines chọn người mua vé giá thấp nhất để thương lượng.

Dù cho hành khách có giải thích gì, hay gọi điện lên hãng để trình bày rằng ông phải cứu người bệnh vào sáng hôm sau nên không thể nhường ghế nhưng đều vô nghĩa trước sự vô cảm của cả nhân viên tiếp điện thoại của hãng lẫn an ninh sân bay OHare ở Chicago.

Những người biểu tình ở sân bay quốc tế O'Hare, thành phố Chicago, tiểu bang Illinois, phản đối và đòi tẩy chay United Airlines.

Cái giá mà United Airlines phải trả thấy tức thì. Ngay khi những hình ảnh bạo hành ông David Dao được những hành khách cùng trên chuyến bay 3411 tung lên mạng, cổ phiếu của United Airlines ngày 13-4 có thời điểm rớt gần 5% khiến giá trị của hãng mất hơn 1 tỷ USD. Ở nhiều thành phố của Mỹ và trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người ta nhận thấy một làn sóng biểu tình, phản đối mạnh mẽ cách hành xử kém cỏi của United Airlines, bất chấp việc CEO của hãng này lên tiếng xin lỗi.

Hôm 12-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng từ “kinh khủng” để mô tả cảnh tượng bác sĩ Dao bị lôi xềnh xệch khỏi máy bay. Theo ông Trump, United Airlines đã xử lý vấn đề quá dở, không nên giới hạn mức trần chi phí bồi thường khi cần điều đình với hành khách để đổi lấy ghế ngồi của họ trong các chuyến bay bán ra nhiều vé hơn số ghế. Vả lại nếu trong trường hợp bác sĩ Dao không đồng ý, tại sao hãng không đề nghị các hành khách khác, biết đâu có người chấp nhận tiền bồi thường để nhường ghế.

Hôm 13-4, ông David Đào kiện lên tòa bang Illinois yêu cầu United Airlines và thành phố Chicago bảo toàn tất cả các video theo dõi, các băng thu âm trong buồng lái, và danh sách tổ bay và hành khách của chuyến bay này. Theo các luật sư, bác sĩ Dao có nhiều cơ thắng trong vụ kiện này và có thể sẽ nhận được bồi thường hàng triệu đôla. Nhưng số tiền đó sẽ chẳng thấm vào đâu so với sự hủy hoại uy tín và hình ảnh của United Airlines sau vụ này.

Theo Fox News, United Airlines đã buộc gần 3.800 khách xuống máy bay trong năm qua. Nhưng vụ của bác sĩ Dao còn đụng tới vấn đề phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ, nhất là gần đây làn sóng phản đối cảnh sát dùng bạo lực với người da màu ở Mỹ tăng cao. Một cuộc khảo sát của Gallup năm 2015 cho thấy rất nhiều người Mỹ đồng ý với những câu như “Quốc hội thì tách rời với những người Mỹ bình thường” và “tập trung vào nhu cầu của những quyền lợi đặc biệt”. Thế nhưng cảm giác đó dính líu gì đến sự kiện United?

Tuy rằng hầu hết người dân không thường xuyên có quan hệ với nhà nước, nhưng hầu như tất cả đều là những người tiêu thụ. Và việc khách hàng càng bị đối xử một cách khinh thị đã phản ảnh rõ tình trạng phân hóa xã hội một ngày một gia tăng trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Mỹ nơi mà phân hóa giàu nghèo gay gắt hơn nhiều so với châu Âu.

Bác sĩ Dao bị lôi khỏi ghế một cách thô bạo.

Và tình trạng phân biệt đối xử này được thấy một cách rõ ràng hơn cả khi đi máy bay. Các công ty hàng không càng ngày càng nghĩ cách tìm ra những hình thức mới mẻ hơn để o bế chiều chuộng một số nhỏ hành khách trong lúc đối xử với đa số hành khách một cách ngày càng khinh miệt. United Airlines chỉ là một trường hợp điển hình.

Ðầu năm nay, United thay thế ghế ngồi của các hành khách đi hạng C, “Business Class”, bằng những ghế giường nằm đầy đủ với đèn có thể điều chỉnh sáng tối, và chăn mền đệm trải giường của Saks Fifth Avenue. Thế nhưng hành khách đi vé “Coach” thì phải hài lòng với chật chội và phải trả thêm tiền nếu muốn có thêm chỗ để chân. Hành khách đi loại ghế mới của United, “Basic Economy” còn không được chọn ghế và không được mang theo người quá một túi hành lý xách tay.

Những phản ứng đầu tiên của United về vụ này chỉ làm người ta thấy rõ thêm thái độ coi thường của họ đối với những khách hàng bình thường. Theo nhật báo New York Times, một người phát ngôn của United đã biện minh với tòa báo rằng “chúng tôi đã mấy lần lễ độ yêu cầu ông ấy rời chỗ”. Làm như là như vậy là đủ để biện minh cho việc hành hung sau đó.

Lúc đầu, ông Oscar Munoz, Tổng Giám đốc United, viết trong một email gửi cho nhân viên đã không những không xin lỗi mà còn tỏ ra ủng hộ cho nhân viên của mình vì những hành động này. Và chỉ khi thấy bị áp lực quá lớn và với giá cổ phần của United tại Wall Street đi xuống mới chịu lên tiếng xin lỗi tuy rằng vẫn còn ngượng nghịu và thiếu thành thật vì đến nay ông Munoz vẫn chưa tiếp xúc riêng với ông Dao để xin lỗi một cách đàng hoàng.

Sự kiện United còn có một loạt những cái khác đáng làm chúng ta suy nghĩ. Tại đây, chúng ta có thể thấy sự kiện bạo lực hóa gia tăng trong xã hội Mỹ với các quan chức càng ngày càng phản ứng với những tranh chấp bình thường bằng những hành động bạo hành gia tăng. Tuy nhiên, cũng có một khía cạnh làm chúng ta lạc quan hơn là người ta nay có những khả năng gia tăng để đưa những hành động này ra trước công luận - qua các phương tiện truyền thông xã hội - với hy vọng rằng công lý sẽ được thực hiện. Sau cùng là sự kiện nạn nhân là một người châu Á, một người Mỹ gốc Việt và một bác sĩ cũng làm chúng ta suy nghĩ.

Có nhiều người chỉ ra rằng vụ này có thể sẽ không lôi kéo nhiều chú ý đến như vậy nếu nạn nhân là một người da đen hay là người Mexico. Một số khác thì chỉ ra rằng nạn nhân có thể được cảnh sát và nhân viên hãng hàng không đối xử khác, nếu ông là da trắng. Nó có thể là một cú sốc cho nhiều người trong cộng đồng người Việt tại Mỹ vốn không nghĩ rằng mình có thể bị đối xử như một công dân hạng nhì.

Bình luận về sự kỳ thị chủng tộc trong sự việc của United Airlines, một nhà nghiên cứu truyền thông độc lập cho biết: "Cảm giác như vì người ta là người gốc Á, có thể là người Trung Quốc, có thể là người Việt Nam, thì người ta dễ bị đối xử một cách thô bạo hơn. Tôi liên tưởng tới một sự việc khác như việc một cô gái bị từ chối ở dịch vụ Air BnB cũng chỉ vì cô là người gốc Á. Thực ra đấy không phải là biểu hiện cao nhất của một sự kỳ thị chủng tộc nhưng từ những hành động nhỏ như vậy mà mọi người không nhìn thấy cái bản chất hay cái nguyên nhân nếu mà nó có thể có một cách sâu xa ở trong đấy thì nó sẽ phát triển lên thành những hành động kỳ thị chủng tộc khác nữa".

M.T. (tổng hợp)
.
.