Vì sao xăng sinh học bị tẩy chay tại Đức?

Thứ Tư, 20/04/2011, 15:35
Tại Đức, lái xe đang tẩy chay xăng sinh học E10 (xăng pha 90% xăng truyền thống và 10% ethanol). Loại xăng không chì này chứa đến 10% cồn sinh học có nguồn gốc từ thực vật và đã có mặt tại các trạm xăng trên toàn nước Đức từ hồi đầu tháng 2/2011.

Mục tiêu của việc kinh doanh loại xăng này là gì? Đức muốn tuân thủ chỉ thị của châu Âu như Pháp đã làm vào năm 2009, hướng đến mục đích tỉ lệ tiêu thụ nhiên liệu sinh học đạt 10% tổng mức tiêu thụ nhiên liệu từ nay cho đến năm 2020.

Tuy nhiên, từ lúc mới được giới thiệu ra thị trường, loại xăng này đã là nạn nhân của các tin đồn. Người ta kháo nhau rằng E10 là nguyên nhân làm hỏng động cơ. Dù Liên đoàn xe hơi Đức đã đảm bảo rằng 93% các loại ôtô chạy xăng có thể vận hành tốt với E10, song tình hình cũng chẳng khả quan hơn, người lái xe vẫn thờ ơ. Dù vậy, trong tình hình nền kinh tế đang èo uột hiện nay, giá dầu lại đạt lên đến đỉnh, đẩy giá xăng tăng cao, E10 vẫn còn một cơ hội: một tuần trước, giá E10 là 1,54 euro/lít, tương đương giá xăng không chì 98 tại Pháp, trong khi giá xăng Super Plus là 1,62 euro/lít.

Việc người tiêu dùng không tin tưởng xăng E10 khiến cho việc phân phối nhiên liệu bị gián đoạn. Từ chối loại xăng "xanh", mọi người đổ dồn vào mua Super Plus, tạo nên tình trạng khan hiếm loại xăng này. Cùng lúc đó, xăng E10 lại đang tồn kho, dẫn đến việc Hiệp hội Công nghiệp dầu khí của Đức phải tạm ngưng sản xuất loại xăng này.

Tình thế này buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel đã triệu tập một hội nghị khẩn cấp tại Berlin về tình hình xăng dầu. Bộ Môi trường và Bộ Kinh tế Đức nhận định đây là "một vụ lộn xộn không thể chấp nhận được của ngành công nghiệp xăng dầu" và là "một vấn đề chính yếu của việc truyền đạt thông tin". Tuy nhiên, Đức vẫn tiếp tục bán xăng E10 vì họ cho rằng đây là một hướng đi đúng đắn cho môi trường và là một biện pháp giảm thiểu sự phụ thuộc vào dầu mỏ".

Trước khi cuộc họp diễn ra, Norbert Rottgen, Bộ trưởng Môi trường Đức đã phê phán giới kỹ nghệ xăng dầu là đã quảng cáo sai lệch về xăng E10 khiến cho người tiêu thụ hiểu sai. Theo ông giới kinh doanh xăng dầu sẽ phải cải tiến việc thông tin để cho dân chúng hiểu rõ vấn đề. Bây giờ họ không thể bắt người tiêu thụ phải trả giá cho những lỗi lầm của họ.

Ý kiến này không được các hiệp hội bảo vệ môi trường đồng tình vì E10 nói riêng và các loại nhiên liệu sinh học khác nói chung đều có những tác động không tốt lên môi trường. Các hiệp hội bảo vệ môi trường cho biết, ngay cả khi được sản xuất tại châu Âu, nguyên liệu sạch cũng có những tác động không tốt đến môi trường và xã hội.

Ambroise Mazal, người chịu trách nhiệm về lương thực của tổ chức CCFD-Terre solidaire đưa ra một ví dụ: "Vào năm 2008, 70% lượng cải dầu của Pháp được dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Các nước châu Âu có thói quen nhập dầu hạt cải của Pháp sẽ phải quay sang nhập khẩu của các nước đang phát triển. Việc mở rộng canh tác cây cải dầu sẽ làm giảm nguồn lương thực của họ".

Chính phủ Đức quan niệm rằng, nếu tiêu thụ thêm nhiều loại xăng thực vật thì Đức không chỉ bớt được sự phụ thuộc vào dầu thiên nhiên mà còn bảo vệ được khí hậu. Nhưng hiện nay chỉ mới có 7.000 trong số 15.000 cây xăng ở Đức có bán xăng E10. Luật ở Đức hiện bắt giới kinh doanh xăng dầu phải pha 6,25% dầu thực vật.

Vấn đề xăng E10 là một vấn đề gai góc. Chính phủ Đức đã cố gắng ép giới sản xuất xe hơi và kỹ nghệ xăng dầu phải chấp nhận pha 10% dầu thực vật thay vì 5% như ý của giới kỹ nghệ. Trước đây 2 năm, Chính phủ Berlin cũng đã phải nhượng bộ và cho ngưng chương trình sử dụng xăng E10. Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Sigmar Gabriel, thời đó làm Bộ trưởng Môi trường, giải thích rằng, ông thấy người tiêu thụ nghi ngại nên bỏ chương trình này. Ông cho rằng đáng lẽ Đức phải đầu tư vào loại xe chạy bằng điện hoặc khinh khí thay vì cứ bám mãi vào xăng thực vật.

Tại Việt Nam, ngày 9/12/2010, ông Lê Xuân Trình - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cho biết, sớm nhất là năm 2011 xăng E10 sẽ được đưa vào sử dụng trên thị trường. PV Oil đang tiến hành nghiên cứu, lấy ý kiến của các nhà khoa học để chính thức đề nghị với Chính phủ về sản phẩm E10

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.