Viêm não Nhật Bản đã đổ bộ vào phía Nam
Những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 TP HCM (BVNĐ) đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhi vào điều trị vì viêm màng não, trong đó có trẻ bị viêm não Nhật Bản. Đây là căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao còn nếu qua khỏi, nó cũng để lại những di chứng thần kinh nặng nề…
Hiện tại, đang là thời điểm thuận lợi cho loài muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản phát triển mạnh vì mùa này thường có nhiều loại trái cây chín, thu hút chim chóc hoang dã về ăn, mang theo mầm bệnh rồi lây sang lợn, trâu, bò… thông qua muỗi, chưa kể mùa mưa còn là môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sôi, phát triển. Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm cao nhất. Khoảng 80% đàn lợn nuôi bị nhiễm virút viêm não Nhật Bản trong vùng dịch…
1. Vào thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, khoa Nhiễm của BVNĐ2 có khoảng 40 trẻ nằm điều trị nội trú vì viêm màng não, trong đó có 4 trường hợp được xác định là viêm não Nhật Bản sau khi có kết quả xét nghiệm dịch não tủy, còn tại khoa Nhiễm BVNĐ1, con số bình quân trẻ vào điều trị vì viêm não là 10, tỉ lệ viêm não Nhật Bản từ 10 đến 30% tùy theo ngày.
Một bác sĩ cho biết tỉ lệ trẻ nhiễm bệnh cư trú ở TP HCM và ở các tỉnh tương đương như nhau, trong đó lần đầu tiên BVNĐ1 tiếp nhận 2 cặp anh em ruột cùng bị viêm màng não dù đã được chích ngừa vắcxin đầy đủ.
Chị Quách Kim Huệ, là mẹ của hai trẻ đang được điều trị tại khoa cho biết: "Mới đầu đứa em bị trước. Qua bữa sau là tới thằng anh. Tụi nó sốt liên tục, cho uống thuốc thì hạ nhưng rồi lại sốt tiếp. Bác sĩ nói cả hai đều bị viêm màng não".
Vẫn theo bác sĩ ở khoa Nhiễm, BVNĐ1 đã chuyển các mẫu xét nghiệm của những trường hợp anh em ruột bị viêm màng não sang Viện Pasteur TP HCM để kiểm tra.
Trước đó, tại các tỉnh phía Bắc, bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện trên nhiều ca viêm não. Điều đáng nói là trong khi bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 15 tuổi thì tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, đã ghi nhận 2 người lớn có kết quả xét nghiệm dương tính với virút viêm não Nhật Bản. Theo thống kê, tại các tỉnh phía Bắc, số ca mắc trung bình là 10/100.000 dân, tử vong khoảng 28%, trong khi phía Nam số trẻ nhiễm thường ít hơn nhưng tỉ lệ tử vong cũng chiếm 16%.
Tại BV Nhi Trung ương, tính đến ngày 25/6, số ca viêm não nhập viện là gần 130 trẻ, trong đó tỉ lệ bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản lại tăng vọt với 36 ca so với cùng kỳ năm 2013, chiếm gần 30% trong khi năm 2013 tỉ lệ này chỉ là 8%.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, chỉ trong 3 ngày - từ 1 đến 3/7, BVNĐ2 đã tiếp nhận 3 ca viêm não Nhật Bản. Hầu hết, các bệnh nhân đều là trẻ dưới 10 tuổi.
Trong đó, cháu Q., 8 tuổi, ở Bình Dương hiện đang hôn mê, phải thở máy và trong tình trạng nguy kịch. Mẹ cháu - chị Lan cho biết mấy hôm trước cháu vẫn chơi đùa bình thường rồi đột ngột sốt cao: "Tôi đưa cháu đến khám ở phòng mạch của một bác sĩ tư. Bác sĩ nói không sao, nhưng sau vài ngày, thấy cháu lơ mơ, tôi đưa cháu lên BVNĐ2 và cháu mê man tới bây giờ…".
Với cháu P., gia đình của cháu ở Đồng Nai cho biết sáng ngày 1-7 cháu còn chơi đùa bình thường thì đầu giờ chiều, cháu đột ngột lên cơn sốt cao, kèm theo nôn ói, co cứng người. Sau khi gia đình đưa vào bệnh viện địa phương, P. được chuyển thẳng lên BVNĐ2.
Kết quả thăm khám, xét nghiệm cho thấy P. bị viêm màng não. Dịch não tủy của cháu đang được phân tích để xác định cụ thể chủng virút gây bệnh. Còn ở BVNĐ1, trong số những bệnh nhi đang điều trị viêm não, đã xác định 1 cháu bị viêm não Nhật Bản là Kh., 5 tuổi, ở Tiền Giang. Người nhà cho biết trước khi vào viện, Kh cũng vẫn ăn ngủ, chơi đùa bình thường. Khi cháu sốt cao, lơ mơ nhưng không co giật, không nôn ói, gia đình đưa cháu vào cơ sở y tế địa phương rồi được điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, 4 ngày sau đó, lúc Kh xuất hiện những cơn co giật, y tế địa phương đã chuyển cháu lên BVNĐ1. Hiện cháu cũng hôn mê nhiều ngày.
2. Viêm màng não do nhiều vi khuẩn và virút gây ra như vi khuẩn HIB, mô cầu, phế cầu… Về mặt lý thuyết, có thể có sự lây nhiễm từ người sang người qua đường hô hấp nhưng trên thực tế, rất ít trường hợp lây nhiễm trực tiếp mà thường là do qua đường tiêu hóa hoặc do muỗi truyền bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó trưởng khoa Nhiễm BVNĐ2 cho biết: "Virút, vi khuẩn tấn công trực tiếp qua hệ thống tai mũi họng. Đó là những nơi rất gần với màng não, hoặc nhiễm bệnh từ đường hô hấp, đường máu, gây ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, các bệnh về tai mũi họng hoặc răng hàm mặt phải được điều trị tích cực để hạn chế nhiễm trùng nặng hơn".
Riêng với viêm não Nhật Bản - hay còn được gọi là viêm não mùa hè, viêm não B, là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do một loại muỗi có tên Culex là vật trung gian. Muỗi thường đẻ trứng ở ruộng, kênh, mương, ao, vũng nước đọng và hay trú đậu ở chuồng lợn, trâu bò. Con đường lây truyền thông thường là muỗi Culex hút máu chim hoang dã - thường là chim tu hú - có virút viêm não Nhật Bản, sau đó truyền cho lợn cũng qua việc hút máu. Lúc ấy, lợn mang vi rút nhưng vẫn sống bình thường và chỉ đến khi lợn suy yếu do bệnh tai xanh chẳng hạn, thì virút mới phát triển mạnh.
Muỗi Culex, nguyên nhân chính truyền bệnh viêm não Nhật Bản. |
Muỗi hút máu lợn có virút rồi khi bị muỗi này đốt, con người có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, người lớn cũng có nguy cơ nhiễm bệnh nếu chưa từng được tiêm chủng
Viêm não Nhật Bản thường có thời kỳ ủ bệnh từ 1 đến 6 ngày, ngắn nhất là 24 giờ nhưng có trường hợp kéo dài đến 14 ngày. Triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là những dấu hiệu ở màng não, não và thần kinh thực vật. Đối với dấu hiệu màng não có 2 triệu chứng phổ biến là cứng gáy và dấu hiệu Kernig. Rối loạn vận động thể hiện bằng nhiều triệu chứng như co cứng cơ, co vặn, cơn quay mắt quay đầu, co giật, động kinh, run, liệt nửa người, mất vận động ngôn ngữ. Bên cạnh đó, các triệu chứng thần kinh thực vật rất đa dạng và nặng nề như thân nhiệt dao động, da xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đờm dãi, nhịp tim nhanh, chướng bụng, nôn, bí đại tiểu tiện và ngừng hô hấp đột ngột.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP HCM cho biết: "Các triệu chứng tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau, từ u ám, ngủ gà ngủ gật hoặc hôn mê sâu". Với các ca bệnh nặng dẫn đến đến tử vong, thường thấy sốt trên 400C kèm theo các rối loạn thần kinh thực vật nặng nề. Tử vong thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến thứ 8 của giai đoạn cấp tính, tỉ lệ lắm khi lên đến 10 - 20%. Nếu sống sót, não có thể tổn thương vĩnh viễn, trẻ phải chịu các di chứng thần kinh, tâm thần.
3. Hiện tại, một số tỉnh, thành phía Bắc đang là điểm nóng của bệnh viêm màng não và trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm gia tăng tại, các tỉnh thành phía Nam là điều hoàn toàn có thể xảy ra nhưng điều may mắn của căn bệnh nguy hiểm này là đã có vắcxin phòng bệnh. Việc tiêm vắcxin phòng bệnh cho trẻ em và cả người lớn ở những vùng nguy cơ cao là rất cần thiết.
Một bác sĩ ở BVNĐ2 nói rằng: "Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền rất nhỏ để tiêm ngừa sẽ giúp trẻ tránh được bệnh viêm màng não - trong đó có viêm não Nhật Bản. Còn nếu trẻ đã mắc bệnh thì chi phí điều trị rất lớn, nhiều trường hợp có cả vài chục tỉ đồng cũng khó cứu được".
Tại TP HCM, việc tiêm vắcxin ngừa viêm não Nhật Bản cho tất cả 24 quận, huyện dự kiến sẽ tổ chức sau chiến dịch tiêm phòng bệnh sởi và sẽ được thực hiện vào tháng 8 cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Bên cạnh đó, người dân cần tích cực diệt muỗi, loăng quăng và ngủ mùng để tránh bị muỗi cắn. Giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn, rối loạn tri giác thì gia đình cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để kịp thời chẩn đoán, điều trị nhằm giảm thiểu tối đa những di chứng nếu chẳng may trẻ mắc bệnh viêm não nói chung