Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán sau 2 năm thành lập: Bước đầu tạm ổn
Hai năm trước dư luận từng xôn xao khi Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (sau đây gọi tắt là Viện) do Giáo sư Ngô Bảo Châu làm Giám đốc khoa học nhận được số kinh phí "khủng" để hoạt động là 651 tỉ đồng. Tiếp đó, Viện lại nhận được biệt thự trị giá 3 triệu USD Mỹ (tương đương với khoảng 60 tỉ đồng) của "Chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển tặng để phục vụ cho nhu cầu hoạt động của Viện. Vậy sau những ưu đãi đó, chúng ta đang có những gì?
Về khoản kinh phí “khủng”: 651 tỉ
Giáo sư - TSKH Lê Tuấn Hoa, Giám đốc điều hành là một trong số những người đặt những viên gạch đầu tiên cho sự ra đời và phát triển của Viện. Ông cho chúng tôi biết, số kinh phí khủng 651 tỉ là dành cho toàn bộ Chương trình toán học trong 10 năm (từ năm 2010-2020). Trong số này, dự kiến dành cho Viện Nghiên cứu cao cấp về toán là khoảng 50%. Tuy nhiên số tiền 651 tỉ đồng có được cấp hết hay không, hay như Viện có nhận được 50% số kinh phí này hay không còn phụ thuộc vào quá trình triển khai.
Theo lý thuyết, bình quân mỗi năm Viện được hơn 30 tỉ đồng. Nhưng trong năm 2011, Viện hoạt động được nửa năm thì nhận được chưa đến 4 tỉ đồng. Còn trong năm 2012, Viện nhận được khoảng 15 tỉ đồng.
Bên cạnh đó nói là tự chủ, tự quyết nhưng Nhà nước cấp tiền dựa trên những kế hoạch cụ thể của Viện với những kế hoạch hoạt động và dự toán cụ thể, được Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt và giám sát chặt chẽ, chứ không phải cứ nói cần 60 tỉ đồng là được cấp ngay 60 tỉ đồng. Tương lai các năm sau cũng sẽ là như vậy.
"Nếu so với các viện nghiên cứu về toán của quốc tế sẽ thấy kinh phí của Việt Nam dành cho Viện ít hơn rất nhiều. Cao nhất là Hàn Quốc dành cho Viện nghiên cứu cao cấp (gồm 3 ngành: Toán, Lý và Khoa học máy tính) của họ hơn 20 triệu USD cho năm 2011, còn Việt Nam năm 2012 sẽ chỉ là 700.000 USD/năm. Pakistan và Malaysia cấp cho hai viện toán của họ (chưa phải cấp quốc gia) cũng hơn số tiền đó" - ông Hoa cho biết thêm.
Giáo sư Hoa cũng nhấn mạnh không phải Nhà nước chỉ dành tiền đầu tư cho toán học. Từ hơn 10 năm trước, Nhà nước đã đầu tư cho 9 chương trình khoa học trọng điểm quốc gia. Nhiều ngành khoa học cơ bản không được đề tên trực tiếp, nhưng đã hưởng khá nhiều kinh phí từ các chương trình này. Số tiền dành cho các chương trình này lớn hơn nhiều so với cho Chương trình toán và hiện vẫn đang tiếp tục.
Giáo sư, TSKH Lê Tuấn Hoa - Giám đốc Điều hành của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. |
Lương Giáo sư Châu: 2.000 USD/tháng
Được thành lập từ năm 2010 (sau khi Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt Giải thưởng Fields) nhưng chỉ đi vào hoạt động thực sự từ tháng 2/2012, Viện đã triển khai tích cực các hoạt động với sự tham gia và ủng hộ của đông đảo người Việt làm toán trong và ngoài nước và nhiều nhà toán học xuất sắc trên thế giới.
Tổng cộng trong năm 2012 đã có 61 nghiên cứu viên được tuyển chọn đến Viện làm việc với thời gian nghiên cứu từ 2 đến 6 tháng. Viện cũng mời 20 khách đến làm việc từ 1 tuần đến 1 tháng. Trong số 61 cán bộ hợp đồng nghiên cứu có 55 người trong nước, 5 người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài và 1 người nước ngoài. Trong số 20 khách mời có 3 người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài và 17 người nước ngoài từ 7 nước là Mỹ, Pháp, Đức, Nga…
Hoạt động chính thức đầu tiên của Viện là khi "nhóm tối ưu miền Nam" do Giáo sư Phan Quốc Khánh của Đại học Quốc gia TP HCM chủ trì tới làm việc 4 tháng ở Viện. Để được chọn đến Viện làm việc, những người làm toán phải tập hợp được thành các nhóm với các đề tài có giá trị. Hai yêu cầu cơ bản là mỗi nhóm phải có một người chủ trì có uy tín về chuyên môn và phải mời được một vài chuyên gia hàng đầu thế giới cùng chuyên ngành đến làm việc ở Viện với mình trong thời gian tối thiểu là 2 tuần.
Với mong muốn Viện không chỉ là một trong những nơi đầu ngành toán học của cả nước, của khu vực mà còn mang tầm quốc tế, trong năm 2012 Viện đã tổ chức được 10 hội nghị, hội thảo, các trường chuyên biệt, các khóa học ngắn hạn… thu hút hơn 1.000 lượt người tham dự. Trong đó nổi bật là Hội nghị Toán học phối hợp Việt - Pháp.
Đây là hội nghị lớn nhất, được tổ chức một cách công phu. Hội nghị đã gây ấn tượng tốt trong cộng đồng toán học Việt Nam và các nhà toán học Pháp.
Bên cạnh đó, Viện đã tổ chức Trường hè "Tìm hiểu một số định lý cơ sở trong lý thuyết số học giải tích" do Giáo sư Ngô Bảo Châu trực tiếp hướng dẫn.
Theo lịch trình, mỗi năm Giáo sư Châu sẽ dành khoảng 2 tháng về Việt Nam để tham gia nghiên cứu, giảng dạy với đồng nghiệp, sinh viên Việt Nam và tổ chức một số Hội thảo chuyên ngành. Cũng theo Giáo sư Lê Tuấn Hoa thì chi phí mà Viện trả cho Giáo sư Châu là khoảng 2.000 USD/tháng. Đây là mức trả cao nhất, chỉ dành cho người có đóng góp nhiều nhất cho Viện.
Còn ở các vị trí khác trong Viện, thù lao được tính theo bậc lương của Nhà nước cộng thêm 50% trợ cấp. Tính ra một cử nhân vừa ra trường làm việc tại đây được chừng 4 triệu đồng/tháng.
Dự kiến năm 2013, Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ về Việt Nam vào tháng 7 để tổ chức hai sự kiện quan trọng. Một là "Hội thảo hàng năm - 2013" (sẽ được tổ chức trong 2 ngày 20 và 21/7/2013) và hai là "Hội nghị quốc tế về Lý thuyết số" (sẽ được tổ chức từ 22 đến ngày 26/7/2013).
Cũng theo Giáo sư Hoa, việc mời được các chuyên gia uy tín phụ thuộc vào quan hệ quốc tế của người chủ trì nhóm, và phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của Giám đốc khoa học của Viện là Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Việc tuyển chọn các đề tài đến làm việc tại Viện được hội đồng khoa học tiến hành nghiêm túc. Mỗi hồ sơ đề tài đều được đọc và thảo luận bởi toàn bộ 14 thành viên hội đồng sau khi nghe nhận xét chi tiết của ít nhất hai thành viên có chuyên môn gần với đề tài, và quyết định bởi Giám đốc khoa học - Giáo sư Ngô Bảo Châu. Trong thời gian qua, Viện đã đưa nhiều người làm toán trên cả nước, từ Cần Thơ, TP HCM, Đà Lạt, Quy Nhơn, Huế... và Hà Nội tới làm việc ở Viện.
Điều đáng nói là Viện đã và đang là cầu nối và nơi đến của rất nhiều người Việt đang làm toán ở nước ngoài. Có Viện những người làm toán này có thêm nơi để trở về góp sức với anh em làm toán trong nước. Họ về để chia sẻ với các đồng nghiệp trong nước những gì họ biết và đang làm.
Viện cũng là nơi để nhiều nhà toán học lừng danh thế giới đến giúp đỡ các đồng nghiệp Việt Nam. Căn hộ công vụ Nhà nước cấp cho Giáo sư Ngô Bảo Châu được dùng làm chỗ ở cho các giáo sư nước ngoài đến làm việc ở Viện, khi anh không ở Việt Nam.
Đi vào hoạt động chưa lâu nhưng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã thu hút rất nhiều nhà khoa học và sinh viên trong và ngoài nước tới đăng ký nghiên cứu và học tập. Ảnh: VGP/Từ Lương. |
Giáo sư nước ngoài: Một đi không trở lại!?
Bước sang năm thứ ba hoạt động, trụ sở của Viện vẫn là đi thuê nên khá chật chội. Ban lãnh đạo Viện đã xúc tiến việc xin thành phố đất để làm trụ sở, song cho đến thời điểm này tình hình vẫn không có mấy khả quan.
Theo Giáo sư Hoa, Ban lãnh đạo Viện đã nhiều lần làm việc với UBND thành phố về vấn đề xin đất. Ban đầu định xin một khu ở quận Long Biên, song không được. UBND thành phố cũng đề xuất cấp cho Viện tại khu vực Mễ Trì (huyện Từ Liêm) nhưng cũng chưa đến đâu…
Vì trụ sở hiện hành (Thư viện Tạ Quang Bửu, số 1 đường Đại Cồ Việt) rất chật chội khiến cho hoạt động của Viện gặp nhiều khó khăn. Điển hình là việc các cán bộ ngoại tỉnh không có nhà khách để ở. Viện đã cố gắng khắc phục bằng cách thuê nhà dân, trong trường hợp cần thiết thuê khách sạn (chủ yếu cho khách mời nước ngoài) nhưng điều đó có nhiều bất tiện.
"Cái mất lớn hơn là cán bộ nghiên cứu, đặc biệt là khách nước ngoài không có cơ hội trao đổi với đồng nghiệp ngoài giờ làm việc, làm giảm hứng khởi của họ.
Có giáo sư nước ngoài đã đến làm việc 2 tháng tại Viện, mặc dù ghi nhận cố gắng ban đầu của Viện cũng như rất cảm thông với hoàn cảnh hiện tại, nhưng ông cũng đã nói rõ chưa có ý định quay lại làm việc trong thời gian dài"- Giáo sư Hoa trăn trở