Viễn cảnh kinh tế thế giới khi Mỹ rút khỏi JCPOA

Thứ Năm, 17/05/2018, 11:20
Mất tới hơn 12 năm nỗ lực để các cường quốc thế giới có thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran, song chỉ chưa đầy 3 năm kể từ khi được ký kết, thỏa thuận này lại bị xé bỏ.

Mặc dù quết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) với Iran chưa phải là "nhát dao khai tử” ngay thỏa thuận này, song tuyên bố này đang gây ra những thiệt hại kinh tế không thể kể hết đối với những quốc gia “đặt cược” vào thị trường Trung Đông. Vậy ai sẽ là kẻ thắng và ai sẽ là người thiệt hại từ việc nối lại các biện pháp trừng phạt Iran?

Dự báo về "cú sốc" dầu mỏ

Cách đây 3 năm, sau khi Mỹ và một số nước khác đồng ý dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt kinh tế để đổi lấy Iran kiềm chế chương trình hạt nhân của mình, nền kinh tế Iran lúc đó dần mở cửa trở lại với các doanh nghiệp phương Tây và bắt đầu có sự phục hồi tích cực dù vẫn còn mong manh. Thế nhưng giờ đây triển vọng đó có thể sẽ sớm chấm dứt.

Tổn thất nặng nề nhất với Iran phải kể đến là ngành dầu khí, động lực chính của nền kinh tế. Mặc dù có những trấn an thị trường của giới phân tích, viễn cảnh của ngành công nghiệp này được dự báo vẫn không mấy sáng sủa. Bởi lẽ khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực trong 180 ngày tới thì các nước đều phải giảm đáng kể lượng dầu nhập khẩu từ Iran để tránh gặp rắc rối với Mỹ. Những hợp đồng đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài cũng khó được thực hiện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tại Nhà Trắng ngày 9-5.

Theo ước tính của Bloomberg, động thái của Mỹ có thể khiến sản lượng dầu thô của Iran giảm 800.000 thùng/ngày và kéo theo đó là nguy cơ giá dầu thế giới leo thang.

Giá dầu thế giới có thể chạm mức 100 USD/thùng trong thời gian tới, thậm chí 150 USD/thùng. Đây là những kịch bản về giá dầu mà các chuyên gia phân tích đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại về thị trường "vàng đen" thế giới sẽ phải chịu tác động lớn do hoạt động xuất khẩu dầu của Iran chịu sức ép từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ cùng nhiều yếu tố khác.

Cụ thể, chỉ trong một tuần qua, sau quyết định của Tổng thống Mỹ, giá dầu giá dầu thô Brent Biển Bắc đã tăng khoảng 60% so với tháng 6-2017, lên ngưỡng 77 USD/thùng - mức cao nhất trong 3 năm rưỡi qua.

Theo một số chuyên gia, thu nhập từ dầu mỏ của các quốc gia trung Đông có thể tăng từ 7-9% trong năm nay sau quyết định của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, các quốc gia Trung Đông có không ít các lý do để quan ngại với những nguy cơ bất ổn đối với khu vực. Tại Dubai, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, sự lo lắng của giới đầu tư đã khiến cho thị trường chứng khoán nước này sụt giảm đến 2%. Còn Oman thì cũng đứng ngồi không yên khi mà dự án đường ống khí đốt trên biển nối liền với Iran đang được thi công giờ không biết như thế nào?

Còn tại Mỹ và châu Âu nhiều doanh nghiệp cũng đang ngồi trên đống lửa. Là những người hăng hái nhất quay trở lại Iran sau hàng thập niên quốc gia này bị Mỹ cấm vận, các công ty này giờ đang phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại hàng tỷ USD sau khi các biện pháp trừng phạt ở cấp cao nhất mà Washington áp đặt lên Iran có hiệu lực.

Các thỏa thuận lớn nhất mà Iran ký kết với các công ty nước ngoài đa phần là với các hãng sản xuất máy bay. Với Boeing là hợp đồng bán 80 máy bay phản lực cho Iran. Còn Airbus là 100 máy bay phản lực trị giá 19 tỷ USD. Thế nhưng tất cả giờ sẽ phải dừng lại. Boeing chắc chắn phải thực hiện theo cấm vận, trong khi Airbus cũng không ngoại lệ. Có tới 10% thành phần linh kiện máy bay của Airbus được sản xuất tại Mỹ, thế nên Airbus không thể nhập hàng Mỹ rồi lại xuất sang Iran khi lệnh trừng phạt bị áp dụng.

Nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đang phải đối mặt với nguy cơ đổ bể các hợp đồng lớn. Điều khiến các nước châu Âu cảm thấy phẫn nộ hơn cả chính là việc họ sẽ là đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất. Hồi năm ngoái  EU xuất khẩu gần 11 tỷ euro giá trị hàng hóa đến Iran, cao gấp hơn 100 lần so với Mỹ. Điều này khiến cho người ta nghĩ ngay đến việc các biện pháp trừng phạt của Mỹ chủ yếu nhắm vào các công ty của châu Âu?

Quan hệ thương mại Mỹ - EU đã xấu đi rất nhiều kể từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ. Năm ngoái Mỹ đã đình chỉ Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu. Mới đây là dọa đánh thuế cao lên thép và nhôm của châu Âu nhập khẩu vào Mỹ, nhưng thực sự không có gì có thể so sánh được sự thất vọng khi Mỹ dọa cấm vận Iran. Đây có thể là một đòn nặng nề, một sự cố nghiêm trọng mà châu Âu phải chấp nhận khi sự kiện này tác động mạnh đến quan hệ Âu - Mỹ mà trong đó quan hệ thương mại bị tác động trước tiên.

Iran đã có những thay đổi kể từ khi tham gia thỏa thuận hạt nhân.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang nhập khẩu 1/3 lượng dầu xuất khẩu của Iran. Không chỉ có nhu cầu rất lớn, Trung Quốc cũng chả thấy lợi ích nào từ việc ủng hộ quyết định của Mỹ, ngay cả khi ông Trump đã đe dọa sẽ trừng phạt những nước sẽ tiếp tục làm ăn với Iran.

Các chuyên gia nhận định các lệnh cấm vận từ Mỹ sẽ khiến Iran sẵn sàng bán dầu với giá rẻ hơn cho Trung Quốc trong khi đó sự rời di của các doanh nghiệp châu Âu sẽ càng thúc đẩy Tehran thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế với Bắc Kinh. Để các biện pháp trừng phạt kinh tế của mình đạt được hiệu quả như dự kiến, chính quyền Tổng thống Trump không thể không tính tới việc tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc và điều này rất có thể sẽ là một trong những yếu tố được tính đến trên bàn đàm phán Mỹ - Trung trong bối cảnh 2 nước vẫn đang nỗ lực giải quyết những bất đồng thương mại trong thời gian qua.

Ai được ai mất?

Giới phân tích cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ gây ra một cuộc chiến tranh kinh tế. Trong nền kinh tế toàn cầu kết nối cao, trừng phạt một quốc gia, nhất là nước lớn, sẽ gây ra tác động rất sâu rộng. Hậu quả gây ra có thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với toan tính lúc đầu, với sức lan tỏa hầu như không thể dự báo trước.

Về mặt lý thuyết, Iran là một quốc gia đủ lớn để có thể gây ra tác động ngược trở lại. Khi tuyên bố rút khỏi JCPOA, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông sẽ “xem xét áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất” đối với Iran. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, Iran sẽ không phải là nạn nhân duy nhất. Cái mất của nước này có thể sẽ là cái lợi của nước khác và ngược lại. Vậy trong cuộc chơi sắp tới, ai sẽ được và ai sẽ mất?

“Người được” đầu tiên sẽ là quốc gia giàu dầu mỏ Saudi Arabia. Quốc gia này sẽ rất vui mừng nếu khôi phục các lệnh cấm vận với Iran vì 3 lý do: Thứ nhất, cấm vận sẽ làm Iran suy yếu trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với Saudi Arabia ở khu vực Trung Đông, nhất là sau chiến thắng của Hezbollah do Iran hậu thuẫn trong cuộc bầu cử ở Liban gần đây.

Tổng thống Iran: “Mỹ sẽ hối hận nếu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân”.

Thứ hai, quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi JCPOA đã lập tức đẩy giá dầu lên mức cao nhất kể từ năm 2014 trước viễn cảnh sẽ ngăn cản dòng dầu xuất khẩu của Iran, đang ở mức 2,5 triệu thùng/ngày, đáp ứng 3% nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Trong khi đó, với nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc xuất khẩu dầu mỏ, Saudi Arabia sẽ được hưởng lợi rất lớn và lấp đầy lỗ hổng ngân sách đang bị thiếu hụt nhờ giá dầu tăng cao.

Thứ ba là triển vọng tăng giá cổ phiếu của tập đoàn nhà nước Aramco. Đây là công ty sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới với kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) với mức định giá 2.000 tỷ USD. Với việc giá dầu tiếp tục tăng lên sau khi đã tăng 57% trong năm qua, Aramco sẽ ngày càng tiến gần giấc mơ của mình.

Bên được tiếp theo sẽ là các nhà sản xuất dầu và máy bay của Nga. Cũng giống Saudi Arabia, nền kinh tế Nga phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ. Hai nước từng hợp lực cắt giảm sản lượng dầu mỏ để đẩy giá lên và kết quả đạt được đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin rất hài lòng. Không chỉ các công ty sản xuất dầu mỏ mà các công ty sản xuất máy bay của Canada cũng sẽ có thêm cơ hội từ việc lấp đầy khoảng trống trong các xưởng sản xuất máy bay chở khách của Iran sau khi Boeing và Airbus phải rút lui.

Các hãng hàng không Iran đã ký hợp đồng mua dòng máy bay Sukhoi SSJ-100 của Nga vốn có kích thước nhỏ hơn dòng máy bay C-Series của Bombardier. Tập đoàn Sukhoi của Nga đã rất khôn ngoan khi cắt giảm tỷ lệ các bộ phận do Mỹ sản xuất xuống dưới 10% để không phải chịu tác động của bất kỳ lệnh trừng phạt nào.

Bên thứ ba có khả năng cũng giành chiến thắng là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Trước khi ông Trump đe dọa nối lại các lệnh trừng phạt, một trong những “đại gia” sản xuất dầu mỏ của Pháp là tập đoàn Total SA đã rất nỗ lực cắt giảm tỷ lệ nội địa hóa Mỹ trong dự án khai thác khí đốt South Pars tại một mỏ có trữ lượng khổng lồ ở ngoài khơi Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ngoài cùng bên phải), Thủ tướng Đức Merkel (giữa), và Tổng thống Pháp Macron bất đồng về JCPOA.

Trong trường hợp Total SA không thể tiếp tục dự án, họ sẽ phải chuyển nhượng 50,1% cổ phần của mình cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, một đối tác thiểu số trong South Pars. Khi đó, Trung Quốc sẽ trở thành một đối thủ lớn tại thị trường khí đốt lớn nhất thế giới đang nằm trong tay của Iran và Qatar.

Tuy nhiên, bên cạnh những "kẻ được” phải có “người mất". Ở đây là các nhà sản xuất máy bay của Mỹ và châu Âu. Do phải gánh chịu các lệnh trừng phạt ngày càng siết chặt kể từ sau cuộc Cách mạng Iran năm 1979, Iran luôn trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng các máy bay chở khách và thường xuyên gặp tai nạn do nhiều máy bay đã quá cũ. Khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ từng phần từ năm 2015 sau khi ký JCPOA, Boeing và Airbus đã nhanh chóng thâm nhập thị trường Iran để ký các đơn đặt hàng có trị giá gần 40 tỷ USD.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực này đang có nguy cơ "tan như bong bóng". Ngày 8-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin đã thu hồi các giấy phép cấp cho Boeing và Airbus xuất khẩu máy bay sang Iran.

Nhóm thua thiệt khác là ngành công nghiệp châu Âu. Các công ty công nghiệp lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) đang rất khó chịu trước quyết định của Mỹ bởi Iran là một thị trường tiềm năng tương tự Italy hay Tây Ban Nha, thậm chí có thể lớn hơn. EU không bị bắt buộc phải áp đặt các biện pháp trừng phạt giống như Mỹ đối với Iran, nhưng lại bị mắc kẹt bởi các lệnh trừng phạt thứ cấp (nhắm vào các ngân hàng quốc tế và các công ty kinh doanh với Iran). Thực tế, các biện pháp trừng phạt này sẽ buộc ngành công nghiệp châu Âu phải lựa chọn giữa việc kinh doanh với Mỹ hay với Iran.

EU cũng chưa thể nghĩ ra ngay liệu có cách nào đó để "lách" các biện pháp trừng phạt của Mỹ hay không. Nhiều tên tuổi công nghiệp lớn của EU, trong đó có "gã khổng lồ" Siemens của Đức, Groupe PSA của Pháp và công ty đường ống dẫn dầu Saipem của Italy, đều đang nhắm tới các hợp đồng nhiều tỷ USD với Iran.

Tuy nhiên, đây có thể chỉ còn là giấc mơ xa vời đối với họ bởi như một dòng tweet của Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, “các công ty Đức đang kinh doanh với Iran sẽ phải ngừng hoạt động ngay lập tức”.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.