Về số phận của hơn 750 dự án sau quy hoạch chung Hà Nội:

Viện quy hoạch xây dựng Hà nội nói gì?

Thứ Ba, 09/08/2011, 16:30

Sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, một vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của không chỉ các doanh nghiệp mà rất nhiều người dân hiện nay đó là “số phận” của hơn 750 dự án sẽ được định đoạt ra sao? Chúng tôi đã tìm đến Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, đơn vị được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phân công nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết quy hoạch Thủ đô Hà Nội, để tìm câu trả lời.

Phân loại dự án khi quy hoạch phân khu

Thạc sĩ, KTS Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Hà Nội đã và đang triển khai lập các quy hoạch chuyên ngành như: quy hoạch hệ thống đào tạo, y tế, cấp nước, thoát nước, rác thải, nghĩa trang…; 17 phân khu đô thị trong đô thị trung tâm; trục đường Nhật Tân - Nội Bài, sông Tô Lịch… và cũng đã thúc đẩy triển khai gấp tiếp các phân khu đô thị còn lại, quy hoạch các huyện, xã, các đô thị vệ tinh, các thị trấn, thị tứ, đô thị mới, các trục đường trọng yếu, một số khu chức năng quan trọng của Hà Nội.

Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã báo cáo và được thành phố chấp thuận Chủ trương triển khai nghiên cứu 17 Quy hoạch phân khu trong đô thị trung tâm. Ngày 30/1/2011, UBND TP Hà Nội đã ký các quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch của 17 phân khu đô thị. Hiện nay Viện đang triển khai thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành và trình cấp thẩm quyền phê duyệt vào cuối năm 2011.

Vấn đề "nóng" nhất hiện nay là số phận hơn 750 dự án sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung. Bởi trong số hơn 750 dự án, phân bố phần lớn là ở Hà Tây cũ, Vĩnh Phúc và 4 xã của Hòa Bình nhập về Hà Nội. Vì vậy trong những dự án này sẽ có những dự án phải điều chỉnh để phù hợp quy hoạch chung.

Theo bà Ngân, quy hoạch chung được phê duyệt đã xác định mô hình tổ chức không gian đô thị của TP Hà Nội gồm Đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và một số các đô thị sinh thái trung tâm huyện lị. Các định hướng phát triển về tổ chức không gian đô thị Thủ đô là cơ sở pháp lý để xác lập sự phù hợp hoặc chưa phù hợp đối với các dự án đã được phê duyệt trước đây.

Trong quá trình triển khai nghiên cứu các quy hoạch phân khu, các dự án này sẽ được rà soát, điều chỉnh đảm bảo sự phù hợp với định hướng của quy hoạch chung. Trên cơ sở các tiêu chí và nguyên tắc phân loại thành 3 nhóm dự án: Nhóm 1 phù hợp hoàn toàn với định hướng chung được cập nhật vào quy hoạch phân khu; Nhóm 2 phù hợp với điều kiện phải điều chỉnh; Nhóm 3 không phù hợp cần điều chỉnh chức năng sử dụng đất hoặc mục tiêu đầu tư.

Một trong các nhiệm vụ quan trọng của quy hoạch phân khu là khớp nối, điều chỉnh các dự án đã phê duyệt trước đây trên nguyên tắc tuân thủ các định hướng của quy hoạch chung.

Một số nội dung cơ bản cần khớp nối đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật như sau: Khớp nối mạng đường giao thông (bộ, sắt…); Khớp nối hệ thống thoát nước; Khớp nối hệ thống cao độ san nền, hướng dốc nền; Hệ thống cấp nước.

Cùng với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng cần lập các quy hoạch chuyên ngành (giao thông, thoát nước, cấp nước, nghĩa trang, rác thải…), đảm bảo quá trình nghiên cứu lập quy hoạch được đồng bộ và tính toán, xử lý các vấn đề khớp nối được hợp lý và tiết kiệm.

Sẽ có quy hoạch, quy chế hướng dẫn và kiểm soát phát triển với khu vực vành đai xanh sông Nhuệ

Trong bản quy hoạch chung đã được phê duyệt, vành đai xanh sông Nhuệ cũng được nhiều người quan tâm bởi trên thực tế, vành đai xanh theo quy hoạch chung Hà Nội mở rộng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang "vẽ" lên không gian của các điểm dân cư nông thôn, thực chất là một loại hình đô thị. Vấn đề đặt ra là tiêu chí xanh ở đây được nhìn nhận thế nào?

Nhanh nhất cũng phải cuối năm 2011 mới có phê duyệt quy hoạch của 17 phân khu đô thị.

KTS Lã Thị Kim Ngân cho biết, vành đai xanh sông Nhuệ là không gian đệm với tỉ trọng cây xanh là chủ yếu nhằm tạo lập không gian chuyển tiếp từ khu vực nội đô Hà Nội với khu vực phát triển mới phía tây sông Nhuệ. Trước đây khi Hà Nội chưa mở rộng, vành đai xanh bao quanh Hà Nội đã được đề xuất trong quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998, nay ý tưởng đó tiếp tục được kế thừa.

Trong vành đai xanh sông Nhuệ sẽ được tạo lập các không gian mở gắn với các hoạt động công cộng, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, công viên cây xanh thể dục thể thao, các không gian công cộng lớn khác của đô thị trung tâm và đương nhiên trong khu vực này vẫn tồn tại các khu dân cư hiện hữu.

Với định hướng của quy hoạch chung lần này, khu vực làng xóm và dân cư hiện có trong khu vực vành đai xanh sông Nhuệ sẽ có quy hoạch, quy chế hướng dẫn và kiểm soát phát triển theo nguyên tắc xây dựng thấp tầng, mật độ xây dựng thấp cho từng khu vực, chức năng sử dụng đất cụ thể để đảm bảo phù hợp với không gian chung của khu vực.

KTS Lã Thị Kim Ngân cho biết, quy hoạch chung xác định vành đai xanh sông Nhuệ nhưng không có nghĩa là trong vành đai xanh không có các hoạt động giao lưu, đi lại của dân cư hiện có. Quy hoạch chung đã xác định mạng đường cấp khu vực, cấp thành phố cắt qua vành đai xanh nhằm gắn kết các khu phát triển đô thị dọc hai bên của vành đai xanh. Đối với mạng đường cấp hạng nhỏ hơn trong vành đai xanh sẽ được tiếp tục nghiên cứu xác định ở giai đoạn quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.

Nguyên tắc chính khi nghiên cứu xác định mạng đường trong quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết trong khu vực này là:

Đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đang sinh sống trong vành đai xanh như: các hoạt động phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế…

Mạng đường cần tận dụng tối đa các đường liên huyện, liên xã hiện có.

Tạo điều kiện để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các khu vực dân cư, làng xóm hiện có trong vành đai xanh.

Theo bà Ngân, tỷ trọng sử dụng đất tại vành đai xanh sẽ được nghiên cứu theo 4 nguyên tắc chung: Đảm bảo tính liên tục của không gian xanh, mặt nước. Dành ưu tiên quỹ đất phát triển hệ thống không gian cây xanh, công viên quảng trường, các tiện ích công cộng, thể dục thể thao, giải trí, đào tạo, y tế cấp cơ sở. Đối với làng xóm, công trình và khu ở hiện có kiểm soát chặt chẽ đồng thời hoàn chỉnh cơ cấu nhà ở theo mô hình ở sinh thái mật độ thấp, thấp tầng, kiến trúc truyền thống. Một số dự án đang triển khai xây dựng cần điều chỉnh theo hướng thấp tầng và mật độ xây dựng thấp

Nguyễn Thiêm
.
.