Vợ chồng họa sĩ Dương Ánh - Minh Phương: Tình yêu tràn giữa sắc màu

Thứ Ba, 09/04/2019, 15:07
Tôi choáng ngợp với không gian tranh trong căn nhà nhỏ nhắn, gọn gàng của hai vợ chồng họa sĩ Dương Ánh - Minh Phương tại phố Vân Hồ (Hà Nội). Choáng ngợp bởi sắc màu của hàng trăm bức tranh mà hai ông bà đã cả một đời rong ruổi trên những nẻo đường của đất nước để vẽ nên.

Cũng là choáng ngợp bởi dù ông đã ở tuổi 85, bà ở tuổi 80, nhưng hai ông bà vẫn dành cho nhau những cử chỉ yêu thương, xưng anh - em trìu mến. Ông bảo, cả đời này, Dương Ánh chỉ có Minh Phương và những bức hội họa đã đi cùng năm tháng...

Duyên nợ từ nét cọ

Họa sĩ Dương Ánh và vợ, họa sĩ Minh Phương đều học từ cái nôi Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, dưới sự dạy dỗ chỉ bảo của những bậc thầy là các họa sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ như thầy hiệu trưởng Trần Văn Cẩn, các họa sĩ đương thời như Trần Đình Thọ, Nguyễn Trọng Hợp, Tạ Thúc Bình, Văn Bình...

Vợ chồng họa sĩ Dương Ánh - Minh Phương.

Dù học cùng trường nhưng khác lớp, cho nên khi họa sĩ Dương Ánh đã chuyển đi làm công tác tại Lào Cai, sau đó quay trở lại học thêm một khóa nữa, thì ông mới gặp được họa sĩ Minh Phương để kết duyên chồng vợ. Vì có chung một mái ấm gia đình, chung Trường Đại học Mỹ thuật, lại cùng công tác thông tin cổ động. Những cái chung ấy đã thực sự giúp ông bà nương tựa và nhau trong cuộc sống và bổ sung cho nhau trong sáng tạo nghệ thuật.

Họa sĩ Dương Ánh tên thật là Ngô Nguyên Dị. Ông học khóa 1961-1966 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Ngay từ thời niên thiếu ông đã tham gia công tác thông tin tuyên truyền thời chống Pháp, trực tiếp vẽ, kẻ khẩu hiệu, làm chế bản in đá thủ công đến sáng tác tranh cổ động. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm hội họa như "Dân quân đọc tin" (lụa), "Kết nghĩa" (lụa), "Đầu nguồn" (bột màu), "Được mùa" (Bột màu).

Là một trong những họa sĩ đầu tiên về công tác ở Xưởng tranh cổ động Trung ương, tham gia tổ chức sáng tác và trở thành họa sĩ vẽ tranh cổ động với nhiều tác phẩm được trưng bày trong các bảo tàng Mỹ thuật, Cách mạng, Lịch sử quân sự Việt Nam. Tranh của ông cũng đã được các giải thưởng trong các cuộc triển lãm tranh cổ động toàn quốc.

Họa sĩ Minh Phương, dù học muộn hơn chồng, khóa 1969-1974, nhưng bà đã có những tác phẩm hội họa được giới chuyên môn khen ngợi như "Ngày mùa" (lụa), "Đọc báo" (lụa), "Chọn kén" (lụa), "Hàng cau quê bác" (Bột màu), "Bắc Hà" (Bột màu)...

Bà cũng là người thành công trong vẽ tranh cổ động, nhiều tác phẩm của bà được đưa vào trưng bày tại các bảo tàng và được các giải thưởng trong các cuộc triển lãm. Trong tranh của họa sĩ Minh Phương, hình ảnh người phụ nữ nổi lên trong thời chiến tranh và hòa bình rõ rệt, là một hậu phương vững chắc và mạnh mẽ nhưng giàu nữ tính.

Họa sĩ Dương Ánh đọc lại một bức thư cũ.

Nhìn cuộc sống lặng lẽ mà đầy màu sắc của hai vợ chồng họa sĩ già, tôi có cảm giác bình an và đầy tràn hạnh phúc. Họa sĩ Dương Ánh là người hóm hỉnh, hay đùa và tài hoa. Ngược lại, họa sĩ Minh Phương lại điềm tĩnh, nhỏ nhẹ và dịu dàng.

Có lẽ bởi vậy, hai ông bà như hai mảnh ghép hoàn hảo tạo thành một gia đình hạnh phúc. Họ vừa là vợ chồng, vừa là bạn tâm giao, có thể chia sẻ được cùng nhau nhiều ý tưởng nghệ thuật và thường là khán giả đầu tiên của nhau. Ông nói đùa, đây là duyên nợ ba sinh từ nét cọ, bổ sung và gắn chặt nhau suốt cuộc đời.

Bạn đời - bạn nghề và những ký ức chưa phai

Ban đầu, họa sĩ Dương Ánh và Minh Phương đến với hội họa đều từ những bức vẽ nghệ thuật. Họa sĩ Dương Ánh vẽ nhiều về hình ảnh người phụ nữ trong lao động sản xuất, trong chiến tranh... Người phụ nữ trong tranh của ông, dù ở hoàn cảnh nào cũng toát lên vẻ đẹp kỳ lạ, quyến rũ.

Tôi nói đùa, ông lấy đâu ra nhiều thời gian mà vẽ nhiều tranh về phái nữ như thế, họa sĩ Dương Ánh cười chia sẻ: Ông bắt đầu công việc vẽ tranh trên đá, chế bản in lito các tài liệu tuyên truyền phục vụ kháng chiến. Tự học vẽ, sau đó ông được đào tạo chính quy tại Trường Mỹ thuật Việt Nam. Ông cùng một số bạn học cùng thời rất chịu khó đi thực tế các tỉnh, trong đó rất nhiều các tỉnh miền núi phía Bắc. Chẳng hạn, khi vào làng La Phù năm 1957, gặp cô gái quay sa Tạ Thị Mão, guồng sa có sợi đỏ, và khi vẽ xong bức tranh “Quay sa”, ông cùng với nhân vật trong tranh ký tên vào tác phẩm.

"Phiên chợ vùng cao" (vẽ năm 1953) của họa sĩ Dương Ánh.

Theo ông, “Quay sa” là tác phẩm ưng ý nhất trong những tác phẩm nghệ thuật mà ông sáng tác thời trai trẻ. Bức tranh được chọn triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1958. Và đến năm 2000, ông và vợ đã quay trở lại La Phù, gặp lại nhân vật trong tranh của mình. Ông đọc hai câu thơ tặng nhân vật: “43 năm vẫn không quên/ Guồng sa quay mãi còn nguyên sợi hồng”…

Hay như bức “Ghi trên báng súng”, ông kể rằng, ông đã được gặp "chị Xuyền" (chính là nhân vật trong tranh) khi chị đi làm dân quân Bình Đà đang ghi chép gì vào mảnh giấy nhỏ kê trên báng súng. “Báng súng thay làm bàn viết, điều mà tôi không tưởng tượng được. Nhưng trong khi tôi ngồi vẽ chị, thì tôi cũng đọc được dòng chữ chị ghi trên giấy: “Hôm nay những ai trực chiến, mấy lần máy bay qua đây, cần chuẩn bị những gì cho cuộc họp tối nay”.

Với họa sĩ Dương Ánh, trong suốt chặng đường đã qua, mỗi vùng đất, mỗi con người, mỗi bức tranh đều là những kỷ niệm, những ký ức không quên của những chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình.

Những tác phẩm của ông, vì thế, không chỉ đẹp, mà còn có ý nghĩa như những tư liệu lịch sử. Ông đã từng tổ chức cuộc triển lãm 100 tác phẩm về người phụ nữ với ba chủ đề chính là hình ảnh người phụ nữ trong công cuộc bảo vệ đất nước, trong lao động sản xuất và trong cuộc sống đời thường, đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của độc giả, những họa sĩ đương thời và nhận diện nhịp sống của một thời kỳ, khiến người xem hình dung lại quá khứ, nhận biết một phần lịch sử mà thế hệ những người phụ nữ trước đã trải qua. Trong số những người phụ nữ ấy, có cả hình ảnh của người vợ tảo tần xinh đẹp của ông, họa sĩ Minh Phương.

Họa sĩ Nguyễn Thị Minh Phương sinh năm 1943 tại Hà Nội. Vốn có năng khiếu và niềm đam mê hội họa từ nhỏ, năm 1963 Minh Phương đã thi đỗ và học tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa 1963-1966. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, họa sĩ Minh Phương về công tác tại Nhà xuất bản Phổ thông thuộc Tổng cục Thông tin.

Từ năm 1969 – 1974 nữ họa sĩ tiếp tục tham gia học tập tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1980, họa sĩ Minh Phương về công tác tại Phòng Nghiệp vụ - Cục Thông tin cổ động (Bộ Văn hóa Thông tin) cho đến năm 1988. Từ đó cho tới năm 1999, họa sĩ công tác tại Tạp chí Thông tin và Tạp chí Dân số và Gia đình cho tới khi nghỉ hưu.

Gần 33 năm công tác và cống hiến cho ngành hội họa, họa sĩ Minh Phương đã miệt mài lao động và sáng tác hai thể loại tranh cổ động và tranh nghệ thuật với các chất liệu: màu nước, bột màu, sơn dầu.

"Các cô gái vùng cao" - Tranh của họa sĩ Minh Phương.

Trong số hơn 500 tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Minh Phương đã sáng tác có rất nhiều tác phẩm đã đạt giải tại các triển lãm tranh toàn quốc. Năm 1974, tại triển lãm 10 năm nữ tác giả, 5 tác phẩm của họa sĩ đạt giải Nhất. Tại các triển lãm tranh cổ động, họa sĩ cũng có nhiều tác phẩm đoạt giải cao: Năm 1980 tác phẩm “Rừng là vàng” đạt giải Ba, tác phẩm “Phát huy truyền thống dân tộc” đoạt giải Nhì. Tác phẩm “Mẹ, mặt trời của con” đạt giải đặc biệt trong bộ 15 tác phẩm của họa sĩ Minh Phương & Dương Ánh tại triển lãm do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức năm 1992.

Triển lãm tranh của nữ họa sĩ Minh Phương lần này giới thiệu tới công chúng 100 tác phẩm tranh nghệ thuật và tranh cổ động được chọn lọc từ gia tài nghệ thuật của nữ họa sĩ với các đề tài sáng tác về quê hương đất nước và con người Việt Nam. Bà cũng đã trao tặng 20 tranh cổ động được giới thiệu sẽ được tác giả trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sử dụng trong công tác tuyên truyền, giáo dục.

Sở trường của họa sĩ Minh Phương trong sáng tạo nghệ thuật là vẽ tranh phong cảnh, tranh chân dung, tranh lao động sản xuất với sinh hoạt đời thường, bình dị. Bà biết khai thác vẻ đẹp đặc thù của từng cảnh vật và thổi hồn vào những sắc thái tình cảm của mình trong nhiều chiều không gian thời gian.

Tranh của bà vừa hiện thực vừa giàu chất thơ và nữ tính, y hệt như con người đời thường của bà vậy. Dù đã ở tuổi ngoài thất thập, song bà vẫn ngọt ngào "anh- em" với người đàn ông, họa sĩ Dương Ánh, người đã bên cạnh bà trong suốt cả chặng đường nghệ thuật và cuộc đời. Trước mỗi bức tranh, hai ông bà thường chia sẻ quan điểm và bổ khuyết cho nhau những thiếu sót.

Theo họa sĩ Dương Ánh, vẽ tranh, dù là một bức tranh cổ động hay là một bức tranh nghệ thuật, ngoài tài năng trời cho, còn phải đòi hỏi mình phải làm chủ ngôn ngữ, am hiểu chất liệu, tinh thông kỹ thuật đặc thù mới mong thể hiện được phần nào cảm xúc và ý tưởng nghệ thuật mới có được một bức tranh đẹp.

Tranh cổ động chính trị, được coi như là "Người lính xung kích" của các loại hình mỹ thuật trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Nó không chỉ đòi hỏi phải hội tụ đủ vốn sống, vốn nghệ thuật mà còn đòi hỏi vốn chính trị, nhạy bén với thời cuộc của dân tộc và thời đại mới mong có được bức tranh cổ động kịp thời, đáp ứng yêu cầu và có giá trị lâu dài.

Họa sĩ Dương Ánh đã từng vẽ những bức tranh cổ động mà người xem như được hòa mình vào lịch sử, như "Hòa bình trên trái đất", "30-4-1975", "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù", "Vì tương lai con em chúng ta", "Điện Biên Phủ"... Còn tranh của họa sĩ Minh Phương có nét dịu dàng, đằm thắm và nữ tính, dù trong lao động sản xuất hay trong cuộc sống đời thường, cảnh và người trong tranh bà yêu kiều, bay bổng và tình tứ...

Vợ chồng ông Ngô Nguyên Dị và bà Mai Phương nhà ở khu Vân Hồ, cạnh công viên Thống Nhất. Sáng sáng họ dắt tay nhau đi dạo bên hồ, trở về nhà bà nấu cơm hai ông bà cùng ăn sáng, uống cà phê cùng nhau thưởng thức. Rồi họ lên phòng tranh để tiếp tục sáng tạo nghệ thuật và chia sẻ những câu chuyện, những kỷ niệm chưa phai mờ trong suốt cả một chặng đường cuộc sống... như một bài thơ họa sĩ Dương Ánh đã viết tặng vợ: "Nắng trải nhung hồng ngời kẽm núi/ Tìm nhau thơ họa vượt trùng hoa/ Niềm tin thứ nhất lòng trao gửi/ Mãi mãi về em khúc nhật ca...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.