Vụ 11 ngư dân ngộ độc cá nóc: Đừng xem nhẹ lời cảnh báo
Vụ 11 ngư dân ở Bình Thuận tổ chức nhậu cá nóc và cùng được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch vào một ngày cuối tháng 1 lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng ngư dân coi nhẹ sinh mạng của chính mình khi dùng cá nóc làm thực phẩm.
Chiều 25/1, ngư dân Uông Văn Liễu (ngụ thôn Tiến Hòa, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết) tổ chức tiệc nhậu tại nhà với sự tham gia của 10 bạn nhậu là dân đi biển cùng ngụ xã Tiến Thành. Mồi nhậu, theo lời kể của bà Nguyễn Thị Lượm, mẹ Uông Văn Liễu là khô cá nóc nhím được Liễu cùng bạn đi biển đánh bắt được và xẻ thịt phơi khô cách đó 2 ngày.
Sau khoảng 5 giờ “ngồi đồng”, tiệc nhậu đặc sản cá tử thần náo loạn khi cả thảy 11 “đệ tử” Lưu Linh cùng có triệu chứng tê cứng chân tay, buồn nôn, chóng mặt, tê lưỡi, trụy tim mạch, khó thở…. Trước tình trạng nguy cấp ấy, nhóm ngư dân liều mạng kia đã được người thân và bà con chòm xóm cấp tốc đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận (3 trường hợp) và Bệnh viện Đa khoa An Phước (8 trường hợp).
Nhờ được cấp cứu kịp thời và với sự cứu chữa tận tâm của đội ngũ y bác sĩ nên có 10 trong số 11 người ăn cá nóc qua cơn nguy kịch, chỉ có ngư dân Nguyễn Văn Tình (28 tuổi) tử vong do chất độc từ cá nóc ngấm sâu vào cơ thể, tàn phá lục phủ ngũ tạng!
Cách đây hơn 1 năm, khi đến Phan Thiết thực hiện bài viết “Nhậu cá nóc-đùa với mạng sống”, PV Chuyên đề ANTG đã đến các phường ven biển của TP Phan Thiết và không khỏi ớn lạnh trước thổ lộ vô tư của nhiều ngư dân ở các xã, phường như Tiến Thành, Hàm Tiến… rằng thịt cá nóc ngon, bổ, thơm ngọt và dai hơn thịt gà, nếu biết cách chế biến thì ăn vào chẳng có gì phải lo ngại!
Cho rằng nọc độc của cá nóc nằm ở các cơ quan nội tạng nên ngư dân khi chế biến cá nóc làm thức ăn chỉ lột da và vứt bỏ nội tạng. Suy nghĩ đơn giản này đã khiến nhiều người phải bỏ mạng bởi theo nghiên cứu của các chuyên gia Viện Hải dương học Nha Trang, chất độc trong cá nóc là chất Tetrodotoxin có đặc tính khó lường, có sự biến động phức tạp theo vùng phân bổ, giới tính, các yếu tố thời gian.
“Ví như cá nóc nhím ở vùng A không có độc nhưng tại vùng B lại chứa nhiều độc tố. Và cũng chính loài cá nóc nhím ấy ở vùng A vào mùa biển êm không có độc nhưng khi biển vào mùa gió chướng thì chất độc xuất hiện không chỉ ở ruột gan mà còn “lận” trong từng thớ thịt trắng phau của nó” – Minh, một ngư dân ở Hàm Tiến, từng suýt phải bỏ mạng vì ngộ độc cá nóc, giải thích.
Dù đã được cảnh báo nhưng khi bắt được cá nóc, nhiều ngư dân vẫn thản nhiên xẻ thịt thay vì vứt bỏ. |
Trước khi xảy ra vụ 11 ngư dân nhậu cá nóc phải vào viện, vào tháng 10/2012, Bệnh viện Đa khoa An Phước (Bình Thuận) cũng đã tiếp nhận 3 bệnh nhân bị ngộ độc cá tử thần là Bùi Văn Hòa (26 tuổi), Phê Văn Ốt (36 tuổi) và Tô Trung Kiên (23 tuổi). Khi được cứu sống, 1 trong 3 ngư dân liều này cho biết trong bữa ăn trưa trên biển với cá nóc là món chủ đạo, họ và 2 bạn biển là anh Phạm Văn Hoàng (21 tuổi) và Trần Văn Mạnh (20 tuổi) bị ngộ độc. Nhưng vì “nhiễm” quá nặng mà Hoàng và Mạnh đã tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.
Từ thực trạng trên đòi hỏi các ngành, các cấp tỉnh Bình Thuận cần sớm có “liều thuốc đặc trị” trong việc ngăn chặn mối nguy ngư dân ở địa phương với món “đặc sản” chết người này