Vụ bê bối dược phẩm chấn động nước Mỹ

Thứ Ba, 30/04/2019, 15:11
Trung tuần tháng 4 năm nay, 60 bác sĩ và dược sĩ tại nhiều bang của nước Mỹ đã bị truy tố vì kê đơn trị bệnh liên quan đến thuốc có chất gây nghiện opioid và các loại thuốc khác cho bệnh nhân. Từ đây, cuộc khủng hoảng thuốc cho chất gây nghiện opioid ở Mỹ dần dần được hé lộ.

Những con số kinh hoàng

Hãng tin MSN ngày 20-4 đưa tin, hôm 17-4, công tố viên liên bang Mỹ đã công bố một bản báo cáo điều tra cho thấy, 31 bác sĩ, 22 dược sĩ và 7 người khác là chủ sở hữu, người điều hành hoặc nhân viên phòng khám ở các bang Ohio, Kentucky, Tennessee, Tây Virginia và Alabama đã kê đơn trị bệnh liên quan đến thuốc có chất gây nghiện opioid. Tất cả những người này đều bị truy tố vì bị phát hiện kê 350.000 toa thuốc với khoảng 35 triệu viên thuốc giảm đau cho các bệnh nhân.

Phát biểu trước báo giới, một công tố viên ở bang Ohio cho hay, đây là bê bối lạm dụng thuốc giảm đau lớn nhất từ trước đến nay ở Mỹ và nó đã để lại hậu quả khá nặng nề. Hiện chính quyền 5 bang này đã phải cử các nhân viên y tế đến giúp đỡ các bệnh nhân bị kê dùng toa thuốc có viên giảm đau chứa opioid.

Trụ sở của Purdue Pharma ở Stamford. Ảnh: EPA.

Theo thông tin được Hãng Reuters công bố, mỗi ngày ở Mỹ có 142 người tử vong do dùng quá liều thuốc giảm đau. Việc lạm dụng thuốc giảm đau opioid đã tiêu tốn của nước Mỹ mỗi năm gần 80 tỷ USD.

Tuy nhiên, điều khiến người ta lo lắng nhất là số đơn thuốc opioid tính trung bình trên đầu người ở Mỹ cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Điều này khiến tỷ lệ người dân có đủ sức khoẻ tham gia vào lực lượng lao động ở Mỹ cũng thấp hơn nhiều so với các thành viên khác ở OECD.

Cụ thể, theo báo cáo công bố hồi cuối tháng 12 năm ngoái của OECD, xu hướng gia tăng số đơn thuốc giảm đau trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến 2005 là nguyên nhân khiến tỷ lệ nam giới Mỹ ở độ tuổi 25-54 tham gia lực lượng lao động giảm 20% và nữ giới ở độ tuổi này giảm 25%. Thậm chí, 20% số người trẻ ở Mỹ đã tử vong bởi loại thuốc giảm đau có tính gây nghiện này.

Để minh chứng cho thông tin của mình, báo cáo của OECD còn trích dẫn kết quả nghiên cứu do Bệnh viện St. Michael ở Tonronto (Canada) thực hiện. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tử vong có thể quy cho thuốc giảm đau có tính gây nghiện ở Mỹ tăng lên 292% từ năm 2001 tới 2016, trong đó vào năm 2016, cứ 65 vụ tử vong lại có một vụ liên quan tới việc sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid (thuốc giảm đau có tính gây nghiện). Con số này khác nhau theo nhóm tuổi và giới tính nhưng nam giới chiếm gần 70% số vụ tử vong và số lượng cao nhất đến từ nhóm người trẻ ở độ tuổi 24-35.

Nhiều cơ sở y tế Mỹ đã công bố những báo cáo kinh hoàng về con số bệnh nhân bị nghiện từ thuốc giảm đau có chất opioid.

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh ở Atlanta thông tin, vào năm 2015, hơn 25.000 người ở Mỹ đã tử vong sau khi dùng quá liều các nhóm thuốc opioid như fentanyl, oxycodone và hydrocodone, nhiều gấp hai lần so với thập kỷ trước đó. Năm 2015 cũng là năm ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong lịch sử nước Mỹ do sử dụng ma túy quá liều. Thống kê cho thấy, từ năm 2000, hơn 300.000 người đã thiệt mạng do nghiện thuốc giảm đau opioid.

Theo cơ sở dữ liệu đa nguyên nhân tử vong trực tuyến WODER của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, các vụ tử vong liên quan tới opioid được kê đơn và sử dụng trái phép ở độ tuổi 24-35 có tỷ lệ cao nhất. Con số này năm 2016 là 1.681.359, năm 2017 là hơn 1.800.000 người và đến nay là hơn 2.000.000 người; cao hơn rất nhiều so với số người bị tử vong do tăng huyết áp, HIV/AIDS và viêm phổi.

1.600 đơn kiện về opioid

Như vậy, có thể thấy, việc lạm dụng thuốc giảm đau có chất gây nghiện opioid đang là vấn nạn đáng kinh hoàng ở Mỹ. Gốc rễ của làn sóng hủy hoại nhiều cuộc đời này bắt nguồn từ những công ty dược phẩm thúc đẩy bán thuốc giảm đau nhóm opioid theo toa cho hàng triệu người.

Tờ Washingtonpost cho hay, hãng dược phẩm kiếm lời nhiều nhất và cũng bị khởi kiện ra toà nhiều nhất về loại thuốc giảm đau này là Purdue Pharma. Các bang ở nước Mỹ hiện đang thụ lý 1.600 đơn kiện Purdue Pharma về việc sản xuất thuốc có chứa chất gây nghiện opioid có trong thuốc OxyContin của hãng này.

Bên cạnh đó, Purdue Pharma cũng bị cáo buộc tham gia một chiến lược quảng cáo, tiếp thị không trung thực – che giấu rủi ro của việc điều trị những cơn đau mãn tính bằng thuốc gây nghiện opioid. Cũng theo tờ Washingtonpost, bang Utah là bang khởi đầu cho loạt vụ kiện này từ cuối năm 2017 và chỉ trong vòng 6 tháng sau đó, số vụ kiện mà Purdue Pharma phải đối mặt là gần 720 vụ.

Thời điểm đó, đích thân Tổng chưởng lý bang Utah Sean Reyes cùng 41 luật sư khác đã hợp lực với nhau để điều tra các nhà sản xuất nhà phân phối opioid (trong đó có Purdue Pharma) và rồi tạo lập những hiệp định, đàm phán với các công ty này. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của nhóm này đều không thành công. Đến tháng 5-2018, Purdue Pharma đã phải đối mặt với đơn kiện của 23 tiểu bang và vùng lãnh thổ Puerto Rico.

Thuốc giảm đau OxyContin của Purdue Pharma có chứa chất gây nghiện opioid. Ảnh: Getty.

Đặc biệt, Purdue Pharma đã bị những người đứng đầu ngành tư pháp của 6 bang gồm Texas, Nevada, Florida, Bắc Carolina, Bắc Dakota và Tennessee tuyên bố vi phạm các quy định về bảo vệ người tiêu dùng ở các địa phương này, cụ thể là lừa dối người tiêu dùng khi thổi phồng những công dụng đặc trị, trong khi giảm nhẹ tác dụng phụ của loại thuốc giảm đau trên.

Ngoài Purdue Pharma, chính quyền thành phố New York cùng nhiều bang và thành phố của Mỹ đã đệ đơn kiện, cáo buộc các hãng dược phẩm Teva Pharmaceuticals USA, Inc.; Johnson& Johnson, Janssen Pharmaceuticals, McKesson Corporation, Cardinal Health và AmerisourceBergen Corporation quảng cáo dối trá trong khi các nhà phân phối đã cung cấp quá nhiều thuốc giảm đau được kê đơn, khiến cho thành phố phải gánh các khoản chi phí về y tế, xét xử tội phạm và thực thi luật pháp gia tăng đáng kể.

Theo lập luận của chính quyền các bang này, các hãng dược phẩm đã tiến hành những chiến dịch tiếp thị quảng bá sản phẩm hạ thấp khả năng gây nghiện của nhóm thuốc giảm đau opioid, nhóm thuốc kê theo đơn, vốn có thành phần hóa học như heroin. Các hãng dược đã bỏ hàng triệu USD vào hoạt động quảng cáo và tung ra lực lượng bán hàng hùng hậu. Hệ quả là các sản phẩm thuốc này được bán rộng rãi dẫn tới tình trạng lạm dụng trong người dân.

Đáng chú ý là nhóm thuốc chứa chất gây nghiện opioid có thể khiến người sử dụng bị nghiện như nghiện ma túy. Sau khi sử dụng loại thuốc này để giảm đau, phần lớn người bệnh đã mắc chứng nghiện.

Các bác sĩ tại Mỹ đã ngừng kê đơn thuốc opioid sau điều trị cho bệnh nhân nhưng rất nhiều người đã bị nghiện và chuyển sang sử dụng heroin có giá thành rẻ hơn. Tổng chưởng lý bang Ohio Mike DeWine thì cho biết, lẽ ra, các loại thuốc thường chỉ dùng điều trị những cơn đau cấp tính hoặc trong thời gian ngắn thì suốt hai thập kỷ qua, các bác sĩ lại kê đơn để chữa các bệnh đau mãn tính kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trời. Bởi lẽ các hãng này đã tài trợ cho các bác sĩ giỏi, các hiệp hội y tế và các nhóm vận động bệnh nhân để họ ủng hộ việc sử dụng các nhóm thuốc opioid…

Chưa hết, Tổng chưởng lý tiểu bang Oklahoma Mike Hunter đã cáo buộc các hãng dược đã câu kết với bên thứ ba để thúc đẩy, tiếp thị và bán các loại thuốc opioid tại tiểu bang và bán hàng từ chính sự đau đớn của hàng nghìn người dân Oklahoma. Nhờ sự quyết liệt vào cuộc của ông Mike Hunter mà vào cuối tháng 3 vừa qua, Purdue Pharma đã phải chấp nhận dàn xếp bồi thường trong một vụ kiện ở Oklahoma.

Cụ thể, nhà sản xuất thuốc giảm đau OxyContin đã đồng ý trả cho gia đình một bệnh nhân số tiền 270 triệu USD để tránh phải ra trước toà. Khoản thanh toán này được cho là sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán dàn xếp khác với Purdue Pharma bao gồm 1.600 trường hợp khác đang được điều tra ở bang Cleveland.

Trong một cuộc họp báo tại Tulsa hôm 28-3, ông Mike Hunter khẳng định: “Khoản thanh toán của Purdue Pharma cho tiểu bang đã được bảo đảm chống lại bất kỳ hồ sơ phá sản nào. Cuộc khủng hoảng nghiện do thuốc giảm đau có chứa chất gây nghiện là một mối nguy hiểm rõ ràng. Chỉ riêng năm ngoái, trong số hơn 3.000 người Okaloma nhập viện vì dùng quá liều thì có tới 80% liên quan đến thuốc opioid theo đơn. Ngoài ra, gần 50% người Okaloma chết vì dùng thuốc quá liều vào năm 2018 được cho là do thuốc có chứa chất gây nghiện”.

Hành động của chính phủ

Được biết, OxyContin - một loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị cơn đau từ trung bình đến nặng được Hãng dược Purdue Pharma tung ra thị trường lần đầu tiên vào năm 1996. OxyContin mạnh hơn morphin khoảng 50%. Sau một loạt các ca nghiện opioid trên khắp nước Mỹ, các bác sĩ bắt đầu mất niềm tin vào các loại thuốc này, nhiều người lo ngại một cách có cơ sở rằng các bệnh nhân sẽ nghiện hoặc chia sẻ các viên thuốc với bạn bè và gia đình và dù là những người sử dụng trong thời gian ngắn thì cũng gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm như chậm nhịp thở, gây ra táo bón, nôn mửa…

Thuốc giảm đau OxyContin của Purdue Pharma có chứa chất gây nghiện opioid. Ảnh: Getty.

Vì thế, từ năm 2012, các bác sĩ đã hạn chế kê đơn các thuốc opioid cho nhiều ca bệnh. Dữ liệu từ IMS Health cho thấy, trong năm 2015 các bác sĩ đã kê ít hơn khoảng 30 triệu đơn thuốc opioid so với 2012 nhưng hạn chế kê thuốc này không làm cho các cơn đau biến mất hay hạn chế tình trạng nghiện thuốc này. Một số người bệnh sau khi dùng thuốc có chứa opioid đã chuyển sang những hình thức nguy hiểm hơn như là heroin và những loại thuốc này đôi khi được pha thêm các opioid mạnh hơn như là fentanyl (co) hoặc thậm chí là carfentanil, một loại opioid tổng hợp đã được sử dụng để gây mê những con voi.

Một số bác sĩ khác vì nhận hoa hồng lớn từ Purdue Pharma và các hãng dược phẩm khác thì vẫn kê loại thuốc này. Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ, người Mỹ hiện có nhiều khả năng tử vong do quá liều opioid hơn là tai nạn xe hơi. Các bang có số người sử dụng thuốc Opioid quá liều cao nhất là Ohio, Kentucky, New Hampshire và West Virginia.

Trước tình trạng này, tháng 10-2017, phát biểu tại bang New Jersey, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi đây là “một vấn nạn chưa từng thấy” và tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng. 4 tháng sau, ông Donald Trump thông báo kế hoạch áp dụng án tử hình đối với tội phạm buôn lậu thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện thuộc nhóm opioid khi đang có chuyến thăm bang New Hamsphire đồng thời tuyên bố lập một quỹ mới trị giá 6 tỷ USD trong 2 năm (2018-2019) nhằm hỗ trợ các sáng kiến trong cuộc chiến giảm tình trạng lạm dụng opioid hiện nay.

Mục tiêu của kế hoạch trên là giảm 1/3 số đơn thuốc opioid từ 2018 đến 2020 và đảm bảo rằng tất cả cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của chính phủ đều áp dụng những biện pháp tốt nhất để kê đơn những loại thuốc này trong vòng 5 năm sau đó. 

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.