Vũ điệu đá mềm Cappadocia…

Thứ Bảy, 09/02/2019, 09:52
Xin xong visa châu Âu là chắc ăn trong tay mấy chục quốc gia để khám phá bằng ô tô tự lái rồi. Nhưng đi loằng ngoằng chán, tôi vẫn tự nhủ, phải xin thêm một cái visa Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Nếu chỉ có 2 quốc gia để khám phá ở châu Âu thì tôi vẫn chọn Thổ.

Thế là dành 4 tiếng đồng hồ nhàn du trên bầu trời từ Đan Mạch đã đến được quốc gia duy nhất trên thế giới nằm vắt mình giữa hai lục địa Á và Âu - bên bờ Biển Đen, ôm cả eo Sừng Vàng. Nếu là người ưa khám phá, nếu không phải là người chỉ đơn giản thích xem phố xá nhà cửa shopping, thì chắc chắn, bất kỳ ai cũng dễ dàng bị xiêu lòng bởi Istanbul rồi Capadocia kỳ bí. Và mơ mộng.

Đào một cái “hang sâu”, chứa 20 nghìn người

Tôi gọi Cappadocia là miền đất của những ngọn núi đá rất... mềm.

Giống như khách quốc tế muốn thăm lòng chảo Điện Biên Phủ, nơi diễn ra chiến thắng chấn động địa cầu của Việt Nam, thì họ phải bay vào một sân bay quốc tế rồi đi thêm 500km đèo dốc “núi vút ngàn trùng xa” hoặc 1 giờ bay từ Nội Bài nữa. Cappadocia chỉ có sân bay nội địa, cách phi trường quốc tế 1 giờ bay. Thành thử, phải mất 4 chuyến bay đến: châu Âu - Istanbul - Cappadocia - Việt Nam thì tôi mới được vinh hạnh ngắm kỳ quan đến từ 50 triệu năm trước: đá mềm Turkey.

Đi, mà lại đi đến chỗ đắt đỏ kỳ khu kiểu đó thì ngắm cảnh nó mới ngấm. Vì tiếc tiền túi nên càng chắt chiu từng chi tiết, từng xúc cảm nhỏ nhất. Chuyện kể rằng, khoảng 50 triệu năm trước (tài liệu công bố thế, tôi nghĩ, đến Thượng đế, đức Phật hoặc thánh Ala hay chúa Giê-su cũng chẳng kiểm chứng nổi), khi núi lửa phun đỏ rực, chảy tóe loe trên vỏ trái đất thì các hoang mạc đầy eo biển của miền đất bây giờ là đất nước Thổ Nhĩ Kỳ bị dung nham phủ kín.

Do một sự tình cờ của thổ nhưỡng, khí hậu hay do mấy cái biển vây quanh bất ngờ làm nguội lạnh dòng đất đá nghìn độ chết chóc và tuyệt kỹ kia nên Trời mới sinh ra núi ở vùng Cappadocia rất mềm. Tất cả là từ cái sự mềm này mà ra. Chứ trái đất chỗ nào chả có đá và núi.

Núi mềm sinh ra các kỳ quan thu hút khách du lịch của Thổ.

Suốt 1 giờ bay, rời đô thị ồn ào - không còn bóng dáng châu Âu mà cũng chưa hẳn đã lộn xộn như châu Á - của Istanbul, phóng tầm mắt ra hoang mạc trắng nhức mắt, người ta luôn thấy dậy lên cảm giác hoang vắng, cỗi cằn. Thương cảm. Có gì đó phong trần bát ngát của vùng lãnh thổ rất ít đất thịt. Đá trắng, đá xám, đá miên man. Nhưng đó là sự cằn cỗi có nhan sắc lắm.

Nhiều triệu năm trước, núi lửa đông kết không theo dạng cột bazan, không lục lăng như gành Đá Đĩa, cũng chẳng gồ ghề thăn thớ mỏm đầu rồng như ở Việt Nam hay Hàn Quốc, Nhật Bản; mà thiên nhiên giữ nguyên cho Thổ Nhĩ Kỳ một sự lô xô, thăn thớ, nhấp nhô rất gợi cảm. Cảnh sắc cứ mềm mại, gấp khúc, cứ như dòng nước dung nham dịu dàng nghìn độ bỗng dưng có một phép màu đông kết nguyên xi. À, cứ như thiên nhiên vừa được núi lửa tạo tác của Thổ Nhĩ Kỳ, bỗng dưng “mở mắt” nhìn vào nàng Medusa và theo đúng lời nguyền (trong thần thoại Hy Lạp), nàng cho tất cả hóa đá.

Đá dậy tình mê tơi. Núi vuốt lên, êm ái, bay bổng, cong vút, lượn lờ như thể núi làm bằng giấy, có ngọn gió thốc qua là các cọng núi rung rinh. Đó là lý do để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nơi bay khinh khí cầu nổi tiếng và dày đặc nhất thế giới. Mỗi ngày có tới 6.000 người từ khắp thế giới được thăng thiên trong những cái giỏ tre được quả bóng sắc màu khổng lồ “cẩu” lên lơ lửng trên giời. Đẹp hơn cổ tích. Bầu trời lộng lẫy với vài trăm “viên kẹo” xanh đỏ tím vàng vừa được đứa trẻ nào đó ném vung vãi ra khắp không gian. Lại thêm sắc hồng rực của bình minh sa mạc...

Cả một thành phố làm nhà bằng cách khoét hang vào lòng núi.

Tôi đăng ký 135 euro để lên một chuyến khinh khí cầu, bay lượn trên bầu trời Cappadocia 1,5 tiếng đồng hồ. Từ lúc ông mặt trời chưa thức giấc, cho đến khi bữa sáng được chuẩn bị xong. Được vân du tiên cảnh 90 phút, bỗng thấy cuộc đời có những khoảnh khắc phiêu bồng không giống 43 năm làm người vừa qua. Và nhận ra, sự khắc nghiệt trồi sụt, thăn thớ, uốn lượn như biết run rẩy trước gió hoang của núi đồi và hoang mạc vùng Cappadocia, chính là “con gà đẻ ra trứng vàng” cho người Thổ. Núi đẹp đến mức, nếu loài người không sáng tạo ra cái gọi là khinh khí cầu thì quá xúc phạm bàn tay nghệ sỹ đa tình tên là... Thượng đế.

Vì sao họ có thế mạnh kỷ lục thế giới đó? Nói như Trạng Quỳnh: “Trời sinh ra thế”. Mà trời sinh ra thế thật. Khi đông kết lại thành vỏ trái đất của Cappadocia thì đá và núi rất mềm. Mềm đến mức, năm lại năm, phong hóa, bào mòn, gió mài gọt, mưa xói lở, đá bị luồng lạch của mưa gió làm cho gờ rãnh, eo thắt hay gãy vỡ theo một quy luật khó có thể giải thích nổi.

Ví dụ, thung lũng Chim Bồ Câu ở Cappadocia, vì núi xung quanh cao, gió quẩn ở tầm vài chục mét tính từ mặt đất đá, nên hàng triệu năm qua, gió thổi vẹt đá mềm, tạo tác thành các gờ rãnh vân vi ở lưng chừng mỗi cột đá. Vị trí đá bị gió bào mòn cao bằng đúng chiều cao của ngọn gió đã nghìn đời thốc thổi qua thung lũng Chim Bồ Câu. Dần dà, các cột đá bị gọt eo ót lại ở đúng vị trí gió luồn miết qua kia.

Chẳng trách, Cappadocia có thung lũng đá dựng đứng hình... dương vật. Chỗ nào “eo”, chỗ nào phình ra, tròn lại, chỗ nào đầu, chỗ nào khấc - tất cả cứ như trời đất biết kể câu chuyện phòng the tối cổ.

Có rặng núi mà mỗi mỏm đá cứ vươn hình đàn chim bồ câu đang rã cánh bay cả loạt. Đứng trên giỏ tre có sức chứa 20 người của khinh khí cầu, bay lơ lửng bên hàng trăm quả bóng màu sắc khổng lồ được đốt bằng khí nóng, chúng tôi thấy nhiều dãy núi bao quanh thành phố Cappadocia, ở đó đá đều vuốt thon như con hải cẩu béo múp, tròn nhẵn, đồng loạt ngóc đầu lên nhìn du khách.

Có nơi, đá dựng cột san sát. Lở lói muôn hình kỳ dị. Có nơi đá như cái ấm tích mà nắp ấm bị phong hóa đứt lìa khỏi núi mẹ, úp ơ hờ trên đó. Tưởng như gió thổi qua là nó rơi hoặc “nắp ấm” cập kênh để hương trà bay ra tứ phía.

Chỉ một thành phố ngầm đã có sức chứa đến 60 nghìn người.

Nhiều nhất vẫn là những mỏm đá nhọn, cong, dáng như măng trúc, măng mai, ở đó là chi chít các hang hốc đen ngòm nhìn như tổ ong lỗ chỗ. Đó là các ngọn núi được người Thổ khoét để làm nhà ở, hoặc khoét rỗng ruột nó từ đỉnh ngỏng trời xuống tận dưới lòng đất sâu, để biến nó thành một trong vô vàn cái ống thông khí, “nuôi dưỡng” cho 36 thành phố ngầm kỳ vĩ (có nơi, gồm 10 tầng xuống tít “âm ti địa ngục”, chứa cùng lúc được 60 nghìn người và nuôi họ trong 3 tháng) - di sản thế giới chằng chịt dưới lòng đất Cappadocia.

Nếu muốn biết vũ điệu của thần đá, thần núi, nếu muốn biết sự tình cờ của tạo hóa và sức tạo tác kinh hoàng của gió và nước mưa trên đá mềm nó ảo diệu, muôn hình vạn trạng, muôn hồng ngàn tía thế nào thì bạn hãy đến Cappadocia. Nhớ rằng, nhất định phải nhằm ngày trời trong, không bão bùng mưa gió, khi ban quản lý thủ phủ khinh khí cầu của thế giới treo biển báo hiệu “Màu xanh”. Xanh - tức là được quyền bay khai thác “vùng trời” tuyệt kỹ Cappadocia cho “ngành công nghiệp không khói” - du lịch.

Khách sạn 4 sao trong lòng đá

Khó có ai không thích thiên nhiên kỳ ảo, các trầm tích văn hóa “kinh hoàng” của người Thổ Nhĩ Kỳ. Các lâu đài bông với nhiều nhũ đá trắng muốt, trải dài suốt 2,7km từ núi xuống thung lũng. Chúng hình thành do khoáng chất chứa canxi carbonat từ suối nước nóng đổ tràn qua các hồ nước xanh trong xếp hình ruộng bậc thang suốt nhiều thiên niên kỷ. Nay chúng đông kết thành vỉa, nhũ, tầng lớp trùng điệp, trắng xốp như bông, mơ màng như tiên cảnh.

Chúng được coi là kỳ quan thiên nhiên thứ 8 của loài người tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tàn tích nhà hát cổ hình bán nguyệt nghìn năm tuổi và hết sức khổng lồ đang nằm như một cái vỏ sò mơ ngủ giữa bốn bề rừng xanh, có sức chứa 25.000 người (!) ở thành phố di sản Ephesus, nơi được nhân loại tiến bộ vinh danh là thủ phủ bảo tồn tốt nhất các di sản của thời La Mã, Hy Lạp cổ.

Bên cạnh đó là đền thờ Artermis, một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại, xây dựng trước Công nguyên những 550 năm. Đấy là chưa kể những nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng bậc nhất thế giới ở Istanbul. Nhưng, nơi tập trung nhiều chuyện kỳ thú nhất vùng đất dang tay ôm cả hai lục địa Á - Âu này, vẫn là Cappadocia. Vẫn là câu chuyện của các miền đá, núi đá tương đối mềm.

36 thành phố ngầm dưới lòng đất đã được phát hiện trở lại khoảng mấy chục năm qua. Do tình cờ, một nông phu đặt câu hỏi, bao nhiêu nước mưa gần nhà ông trôi xuống cái hố khổng lồ kia, cuối cùng nó đi đâu? Ozkonack là tên một trong những địa đạo đó. Nó sâu tới 10 tầng tính từ mặt đất (sâu hơn cả địa ngục, nghe nói, quỷ Dạ Xoa chỉ đưa người xấu đến 9 tầng địa ngục là hết) chứa được 60 nghìn người cùng lúc, có nhà thờ, nghĩa trang, lò nấu rượu và nhà xác...

Những ngôi nhà trong lòng núi và cả 36 thành phố ngầm chứa nhiều vạn người dưới lòng đất, là di sản thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Vậy, thử hỏi, các kỳ quan này của Cappadocia ra đời từ đâu? Từ các cuộc chiến tranh tàn sát đẫm máu vì lý do tôn giáo trong quá khứ? Đúng. Vì lịch sử ngàn năm lớp lang đậm đặc, vì sự tài hoa kỳ công đáng kinh ngạc của các cộng đồng từng sinh sống trên mảnh đất này? Đúng cả.

Nhưng cái đúng, cái lý do bao trùm nhất cho sự ra đời các kỳ quan từ đá, núi đá, hang đá, địa đạo đá ở đây, vẫn là câu chuyện vì cái sự... mềm. Tất nhiên, không phải chỗ nào cũng mềm. Nhưng cơ bản là mềm. Vì mềm nên người ta đào ác liệt thế được. Tôi nghĩ, số địa đạo ngầm để sinh sống, cầu nguyện, tự cấp tự túc đến cả nhà thờ, nghĩa trang và lò nấu rượu, xưởng chế tác vũ khí của di sản dưới lòng đất Cappadocia bây giờ đủ để đô thị đông đúc Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ thoải mái... dãn dân. Đá mà cứng đến mức búa bổ vào quằn lưỡi, thì thử hỏi hơn 10 thế kỷ trước, họ có đào được không?

Dĩ nhiên, trước các cuộc “tàn sát dị giáo”, trước sự sống và cái chết, họ phải đào để bới tìm sự sống. Nhưng, nếu đất đá không mềm thì cái chết cũng không đủ là lý do cho ra đời ít nhất 36 thành phố ngầm kỳ vĩ ngoài sức tưởng tượng - di sản nghìn năm tuổi của Cappadocia hiện nay. Sau một ngày đi bộ, luồn lách qua các địa đạo cổ kính ẩn sâu ngót trăm mét dưới lòng đất mênh mông, ngoi lên mặt đất, tôi chưa bao giờ thấy thèm gió tươi của cao nguyên đến thế.

Thói quen làm nhà như tổ chim trong lòng núi, xây la liệt khách sạn ngoằn ngoèo hang hốc như nhét người vào nội tạng “bà mẹ núi” của người Cappadocia, cũng vẫn là câu chuyện của đá mềm. Đá nơi đây dậy tình uốn éo chứ không cứng quèo như người ta tưởng. Thế nên, bà con bản xứ làm du lịch theo cách bán đúng một sản phẩm: bán dáng hình trời sinh đất dưỡng của núi, đẽo hình gọt hang núi ra để thu hút khách. Cũng giống như em người mẫu, cô vũ nữ, gọi nghề của mình là “bán dáng” vậy.

Đi bộ ở trung tâm Cappadocia, người ta có cảm giác nó là một phố núi Sapa tràn ngập thổ cẩm, đồ lưu niệm, đèn trang trí rực rỡ, nhưng đường sá, công trình đồng loạt xây bằng đá. Nhà cửa, khách sạn, nhà hàng thì la liệt nằm trong... lòng núi. Họ đào khoét đất đá, biến lòng núi còn thơm đá mới trắng ngà kia thành ngôi nhà ở. Có bếp, có chuồng chim bồ câu, có phòng khách, phòng ngủ đàng hoàng. Ống khói mơ màng chĩa lên giời. Mỗi gia đình sở hữu một ngọn núi cao vời vợi, rúc vào trong đó mà làm ổ như đại bàng núi, vậy thôi!

Khách sạn tôi ở, hơn ba chục phòng, tất tật nằm trong hang núi. Bể bơi cũng trong đó. Để đỡ phải gọt đẽo khiêng đá mềm ra nhiều quá, họ để nguyên các ụ đá lớn trên bờ tường, biến chúng thành những tác phẩm “điêu khắc” nhiều vị thiên thần. Hầu hết các ông bà nồng nỗng ấy ở trạng thái thời Phục Hưng, tức là nude hoặc bán nude. Thế nên, khách sạn trong lòng núi càng thêm lãng mạn, đặc biệt là cho các tuần trăng mật hay gì đó kiểu vậy.

Tìm lời Trang Tử trong “nhà đá”

Đêm, vùng sa mạc lạnh toát khí đá, tôi phải bật điều hòa ở chế độ sưởi ấm. Ngày nắng nỏ thì hang đá mát rượi. Chỏm chòe lưng núi, nhòm xuống “thế nhân” bên dưới, nghe gió rít u u qua các ô cửa đá, có cảm giác mình là một hoang thú thời tiền sử, ghè đá làm công cụ đập ốc hến ăn qua ngày rồi thảnh thơi ngắm lá vàng rơi như mơ ngủ dưới thung lũng đá cằn.

Di sản văn hóa quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng Cappadocia cũng lại là các ngôi nhà lớn, các con đường xẻ sâu hình chữ chi, đi luồn lỏi trong đó, chúng dẫn tôi lên đỉnh núi. Từ gian bếp của gia chủ cổ đại, ám khói nghìn năm tuổi, từ đó, nhìn xuống xe cộ phố xá bên dưới, tất tật chỉ bé như đầu ngón tay câm lặng ù lỳ thế thôi. Cửa giả tứ bề. Phòng ốc khang trang.

Dấu vết của các vụ đào núi cơi nới thêm phòng ốc, dính chỗ đá mềm, nó vỡ bửa ra toang hoác như vừa xảy ra địa chấn, vẫn còn nguyên. Họ nuôi gia súc, nấu rượu, trữ vũ khí, lương thảo, mỗi ngôi nhà chiếm một ngọn núi, nó giống như các pháo đài của một bá tước thời xưa. Cứ đào hang khoét ngạch mà sống. Cuộc sống lãng mạn giữa ngàn sao. Chỉ hơi lo cho lũ trẻ chạy nhảy, sảy chân một cái thì sảy cả mạng người. Nói dại, rơi xuống khỏi cái mái đá lưng trời kia thì tan xương nát thịt.

Trước, anh bạn người Istanbul của tôi có vẻ rất xót xa cho hoang mạc mênh mông cằn cỗi vùng cao nguyên Cappadocia nhưng gần đây, trước vàng ròng chảy ra từ các cuộc tuần du mỗi ngày của 6.000 người đi khinh khí cầu lơ lửng trên nền trời Thổ Nhĩ Kỳ, anh ấy lại đắc ý cười hi hi. Các cuộc thảm sát trong quá khứ, khiến người ta sợ mất mật đào hang trốn chạy, cuối cùng thế giới lại có được di sản trong đáy âm ti địa ngục với 36 cái thành phố ngầm tầng tầng lớp lớp đã được phát hiện.

Núi lửa phun ra thứ dung nham mềm, dở đá dở đất kia, là một tổn thất lớn của ngành nông nghiệp. Mặt bằng chả có, phải khoét núi đào hang ổ lưng trời mà sống. Tưởng thiệt thòi, bây giờ cái “bất hạnh” kia lại hóa ra quá độc đáo. Thu bộn tiền nhờ phát triển du lịch. Cao nguyên quá rộng, mở đường bao giờ cho đủ; thôi thì bay lên giời mà ngắm, thế lại hóa ra độc đáo với danh xưng “thủ phủ khinh khí cầu thế giới”.

Văn hóa, dù khoét cả khách sạn 4 sao trong lòng núi, cả thị trấn nhà nghỉ khách sạn nào cũng hang hốc đẽo gọt rồi treo biển với các chữ stone (đá), cave (hang động) hay mountain (núi non); dù hàng chục cái thành phố ngầm chứa hàng trăm nghìn người cùng lúc khiến thế giới phải kinh ngạc, dù thế nào, văn hóa nó vẫn ra đời từ sự mưu sinh nhọc nhằn. Đó là cuộc vật lộn sống chết để thích ứng (sống sót) bằng mọi giá với thiên nhiên, với xã hội, đôi khi cả khắc nghiệt và đẫm máu.

Thế nên, như các cụ nói, trời đất ban cho cái gì, cứ vui vẻ nhận và nhớ là phải hết lòng tạ ơn số phận đã. “Được mất dương dương người tái thượng”. Dường như các mỏm núi mềm thiên biến vạn hóa của Cappadocia với lịch sử trùng điệp của chúng, đã thêm một lần dạy tôi bài học chí lý đó của Trang Tử. Rằng: “Tước lộc của đời không đủ để khuyến khích ta/ Hình phạt của đời không đủ để sỉ nhục ta”.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.