Vụ nhạc sĩ Phó Đức Phương đòi nợ ở liveshow Khánh Ly: Miếng pho mát miễn phí nằm ở đâu?

Thứ Bảy, 23/08/2014, 07:45

Cách đây đúng 12 năm, nhạc sĩ Phó Đức Phương đứng ra thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (thường được gọi tắt là VCPMC) với sự ủng hộ của giới nhạc sĩ tại Việt Nam. Trung tâm sẽ đại diện cho giới nhạc sĩ thu tiền của các đơn vị biểu diễn, dịch vụ sử dụng tác phẩm âm nhạc và chi trả lại cho các nhạc sĩ sau khi đã khấu trừ % để duy trì hoạt động của Trung tâm.

Tháng 5/2014, ca sĩ Khánh Ly lần đầu tiên được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam.

Tháng 8/2014, ca sĩ Khánh Ly về nước biểu diễn lần thứ hai với 2 show lớn tại Hà Nội và Đà Nẵng theo lời mời của Công ty Đồng Dao.

Và ở lần về nước biểu diễn này, live show của ca sĩ Khánh Ly đã vướng vào vụ lùm xùm xung quanh chuyện tác quyền âm nhạc. Cần phải hiểu rằng, đây là tranh cãi giữa VCPMC (từ đây, sẽ gọi là Trung tâm - PV) với người đại diện là nhạc sĩ Phó Đức Phương và đơn vị mời ca sĩ Khánh Ly về Việt Nam biểu diễn - Công ty Đồng Dao.

Nhạc sĩ đòi tiền, Đồng Dao nói cứng (!)

Mọi chuyện bắt đầu vào chiều 2/8, khi mà còn vài giờ nữa thì đêm diễn đầu tiên của Khánh Ly sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình với tên gọi "Khánh Ly in Hà Nội", thì nhạc sĩ Phó Đức Phương với tư cách là Giám đốc Trung tâm VCPMC xuất hiện.

Trước đó, vị nhạc sĩ này đã thông báo trên truyền thông rằng, ông sẽ đứng ra ngăn cản chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly nếu như đơn vị tổ chức chương trình là Công ty Đồng Dao không thanh toán tiền tác quyền đầy đủ.

Tất nhiên, là kịch bản của chương trình đã không xấu như tuyên bố của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Bởi đại diện của đơn vị tổ chức chương trình đã có buổi làm việc với nhạc sĩ Phó Đức Phương và đồng ý trả số tiền tác quyền cho Trung tâm với công thức 5% x 40% số ghế trong chương trình x giá vé bình quân, nhẩm tính số tiền mà đơn vị tổ chức  phải trả cho Trung tâm là gần 200 triệu đồng.

Đáng tiếc là sau đêm diễn ở Hà Nội, đơn vị tổ chức tiếp tục đưa Khánh Ly vào biểu diễn ở Đà Nẵng và lờ đi thỏa thuận về tiền tác quyền đã thỏa thuận với Trung tâm.

Đêm 8/8, ca sĩ Khánh Ly sẽ hát ở Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng), khi chương sắp diễn ra thì nhạc sĩ Phó Đức Phương đã kịp từ Hà Nội vào Đà Nẵng để có cuộc tranh cãi nảy lửa với đơn vị tổ chức chương trình về những thỏa thuận tác quyền.

Không mềm mỏng như khi ở Hà Nội, lần này phía Đồng Dao yêu cầu Trung tâm phải có được đầy đủ giấy tờ gốc để chứng minh gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ủy quyền cho Trung tâm để bảo vệ tác quyền cho cố nhạc sĩ, bất chấp phía nhạc sĩ Phó Đức Phương đã khẳng định em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là bà Trịnh Vĩnh Trinh cùng gia đình đã ủy quyền cho Trung tâm thu giúp tiền tác quyền.

Ca sĩ Khánh Ly cùng các nghệ sĩ trong live show. Ảnh: Lê Minh Hạ.

Phía Công ty Đồng Dao cho rằng: "Chúng tôi đã yêu cầu VCPMC phải xác định rõ rằng bà Trịnh Vĩnh Trinh có được những người thừa kế khác (đồng thừa kế) ủy quyền hợp pháp cho bà làm đại diện cho họ không. Một khi tác phẩm âm nhạc hoặc bất cứ tài sản nào thuộc sở hữu của nhiều người (đồng sở hữu) thì một trong số người thừa kế muốn thực hiện bất kỳ quyền gì đối với tác phẩm hoặc tài sản phải có sự ủy quyền bằng văn bản hợp pháp của những người còn lại (có công chứng hoặc theo quyết định của tòa án)".

Đồng thời, phía Công ty Đồng Dao cũng cho biết thêm rằng, họ đã tự liên hệ để thanh toán tiền tác quyền với những nhạc sĩ có ca khúc được biểu diễn trong đêm live show của ca sĩ Khánh Ly, như: Nguyễn Ánh 9, Phú Quang, Trương Quý Hải và Công ty Phương Nam (chủ sở hữu hợp pháp các nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy)…

Vì bị bất ngờ với yêu cầu này, nên nhạc sĩ Phó Đức Phương đã rời khỏi bàn tranh luận với lời hứa, sẽ sớm có mọi thứ giấy tờ để chứng minh theo yêu cầu của Công ty Đồng Dao.

Chiều tối ngày 11/8, phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với nhạc sĩ Phó Đức Phương.

- Thưa nhạc sĩ Phó Đức Phương, vụ việc nhạc sĩ đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam để thu tiền theo luật định trong 2 live show của ca sĩ Khánh Ly đã tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nổi cộm hơn cả là ý kiến vì sao nhạc sĩ lại quyết liệt thu tiền tác quyền trong live show của ca sĩ Khánh Ly đến vậy?

Tôi nghĩ, điều này rất đơn giản mà ai cũng có thể suy luận được, miễn sao là đừng có định kiến. Chúng tôi không đủ nhân lực để quán xuyến toàn bộ các chương trình biểu diễn. Còn chương trình của Công ty Đồng Dao với hai đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly là chương trình rất lớn, nên chúng tôi phải lưu tâm và quyết liệt là điều dễ hiểu.

- Phía gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ủy quyền cho Trung tâm về việc bảo hộ tác quyền không, thưa nhạc sĩ?

- Có chứ, từ năm 2009, em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ủy quyền toàn bộ cho Trung tâm.

- Và từ năm 2009 cho đến nay, khi thu tiền tác quyền cho sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phía Trung tâm có bao giờ gặp phải kiểu chất vấn như phía Công ty  Đồng Dao đã lập luận?

Đúng là chưa bao giờ chúng tôi gặp phản ứng như vậy. Nhưng không sao, chúng tôi có đầy đủ giấy tờ để minh chứng cho yêu cầu của phía Đồng Dao đưa ra. Tôi đang cho nhân viên lục lại giấy tờ và sẽ chuyển cho Công ty Đồng Dao. Đến lúc đó, phía công ty Đồng Dao sẽ không có lý do gì để thoái thác trong việc trả tiền tác quyền được.

- Cũng không ít người đặt ra câu hỏi liệu Trung tâm thu gần 200 triệu tiền tác quyền trong live show của ca sĩ Khánh Ly là có quá nhiều?

Cái này, chúng tôi không tự thu đâu. Luật định rất rõ ràng. Trong Nghị định 61 của Thủ tướng Chính phủ quy định, tác giả (tức nhạc sĩ) được hưởng từ 15 đến 21% số tiền nhà tổ chức thu được trong đêm diễn. Nghĩa là, nhạc sĩ được thụ hưởng đến 21% tính theo số ghế trong chương trình của đêm diễn nhân với giá vé bình quân. Tuy nhiên, phía Trung tâm cũng rất hiểu hoàn cảnh khó khăn của nhà tổ chức. Hơn nữa, chúng tôi xác định cần phải làm mềm mỏng để các đơn vị tổ chức quen dần với việc trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ, nên chúng tôi chỉ thu 5% cho 75% số ghế của chương trình, nếu chương trình đó diễn ra tại TP HCM.

Và thực tế cho thấy, các chương trình tại TP HCM thực hiện rất tốt điều này. Còn ở các chương trình tại miền Bắc, chúng tôi chỉ thu 5% cho 65% số ghế. Cần phải hiểu rằng, khi tổ chức một chương trình ca nhạc thương mại thì phải có rủi ro về lời lãi và việc Trung tâm thu tiền tác quyền là nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương tranh cãi cùng phía công ty Đồng Dao trước đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly tại Đà Nẵng. Ảnh: Lê Minh Hạ.

Đối với live show của ca sĩ Khánh Ly, đơn vị tổ chức là Công ty Đồng Dao luôn miệng than khó khăn nên chúng tôi chọn giải pháp gỡ khó cho đơn vị tổ chức. Chúng tôi chỉ thu 5% cho 40% số ghế. Vậy mà, vẫn có chuyện xảy ra. Phía Công ty Đồng Dao ở Hà Nội có hứa là sẽ chi trả đầy đủ tiền tác quyền đã thỏa thuận. Nhưng mãi cho đến khi tổ chức đêm diễn thứ hai của ca sĩ Khánh Ly tại Đà Nẵng họ vẫn không thực hiện. Chính vì vậy, tôi phải vào Đà Nẵng để làm rõ trắng đen. Tại Đà Nẵng, họ lại tiếp tục nại ra lý do khác. Cho đến giờ, Trung tâm vẫn chưa thu được bất cứ khoản tiền nào của đơn vị tổ chức là Công ty Đồng Dao.

Khi trao đổi với truyền thông, Công ty Đồng Dao cho rằng, phía Trung tâm đã thu tiền tác quyền quá cao cho 2 live show của ca sĩ Khánh Ly. Ví dụ, theo cách tính của Trung tâm thì Đồng Dao phải trả đến 7,5 triệu/nhạc phẩm phí tác quyền cho Trung tâm. Họ dẫn chứng, bà Trịnh Vĩnh Trinh em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng thu trực tiếp của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam cho chương trình “Như cánh vạc bay” diễn ra tại Hà Nội với mức phí 18 triệu đồng/27 ca khúc, tính trung bình 667.000 đồng/ca khúc. Hay như chính Trung tâm cũng đã thu của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam cho chương trình “Dư Âm” diễn ra tại Hà Nội với mức phí 8.500.000 đồng/17 ca khúc của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Thuận Yến, Nguyễn Ánh 9, Nguyễn Văn Tý, Phú Quang, Đoàn Chuẩn, tính trung bình là 500.000 đồng/ca khúc.

Phản ánh của Đồng Dao không phải là không có cơ sở vì thông tin mà chúng tôi nắm được, thì phía VCPMC đôi khi không nhất quán trong việc thu tiền tác quyền.

Đôi điều lạm bàn

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thường không được lòng những đơn vị tổ chức chương trình biểu diễn. Điều này, rất dễ hiểu bởi phía Trung tâm đang làm nhiệm vụ là "đánh" trực tiếp vào tài chính của đơn vị tổ chức biểu diễn. Ngay trong giới nhạc sĩ cũng có người không thích Trung tâm bởi nhiều nhạc sĩ cũng trực tiếp tổ chức biểu diễn chương trình ca nhạc.

Thậm chí, cách đây một vài năm, cũng có nhiều luồng dư luận cho rằng phía Trung tâm không sòng phẳng trong việc thu chi. Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) từng mở cuộc "tấn công" rất quyết liệt vào Trung tâm. Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn chưa thấy kết luận cuối cùng về những hồ nghi mà dư luận từng đặt ra.

Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng mục đích của nhạc sĩ Phó Đức Phương là rất đáng hoan nghênh để bảo vệ quyền lợi cho các tác giả Việt Nam. Thế nhưng, hành động của nhạc sĩ trong vụ việc tranh cãi với Công ty Đồng Dao là phần nào thiếu kiềm chế.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương là nhạc sĩ tài hoa, những ca khúc của ông được đông đảo khán thính giả yêu mến, như: “Huyền thoại Hồ Núi Cốc”, “Không thể và có thể”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Chảy đi sông ơi”, “Về quê”… Nên cách hành xử của ông khiến dư luận cảm thấy lấn cấn cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ông có nói rằng, đây là chuyện đặng chẳng đừng vì nếu không làm căng thì đơn vị tổ chức chương trình sẽ lờ đi tiền tác quyền phải trả. Đó là một sự sốt ruột cần được thông cảm.

Một nhạc sĩ nổi tiếng cho biết, không đơn vị nào lại có thể biểu diễn tại TP HCM nếu không thực hiện đầy đủ tiền tác quyền trước khi biểu diễn. Giả như đơn vị tổ chức hay ca sĩ muốn được giảm tiền tác quyền theo quy định, họ phải tìm đến những nhạc sĩ có ca khúc được trình diễn để xin bằng văn bản việc nhạc sĩ đồng ý cho họ biểu diễn ca khúc miễn phí.

Như vậy, vấn đề chính ở đây chính là tình trạng quản lý biểu diễn theo lối "mỗi nơi một phách" như lần trở về của ca sĩ Chế Linh, địa phương này thì cấp phép biểu diễn còn địa phương khác thì lại từ chối.

Sẽ còn rất nhiều lần nhạc sĩ Phó Đức Phương buộc phải đòi nợ trước đêm diễn nếu như ông không nhận được sự hậu thuẫn tốt từ cơ quan quản lý văn hóa trong quá trình thực hiện công việc nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của luật định lẫn quyền lợi của các nhạc sĩ. Quan trọng hơn, nó góp phần hình thành nên một thói quen văn minh về tôn trọng tác quyền đối với những người làm nghề giải trí.

Và đừng bao giờ nhân danh nghệ thuật để muốn ăn chùa một miếng pho mát. Đơn giản, miếng pho mát miễn phí chỉ có trong cái bẫy chuột

Ngô Nguyệt Hữu
.
.