Căn cứ kết quả giám định pháp y của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an:

Vụ sản phụ bị đánh sẩy thai đã được khởi tố

Thứ Ba, 20/11/2007, 14:05
Nhưng thay vì xin lỗi gia đình nạn nhân, Thảo lôi chị Hằng vào nhà, túm tóc, đấm đạp, chửi rủa: “Mày ăn cắp vàng, tao đánh chết mày... đền 50 triệu là cùng...”. Chứng kiến sự nhẫn tâm của Trần Thị Thảo, hàng trăm người dân tập trung đến bao vây quanh nhà Thảo đòi phải đưa chị Hằng đi bệnh viện điều trị.

Do ghen tuông vô cớ, đánh người giữa chợ

Khoảng hơn 8h sáng ngày 29/6/2007, chị Nguyễn Thị Hằng, 31 tuổi, thợ may, trú ở khối 7, thị trấn Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đi chợ Sơn, mua thức ăn. Khi đang ngồi ở hàng cá thì bất ngờ chị Hằng bị Trần Thị Thảo, SN 43 tuổi, là hàng xóm cùng ở khối 7, thị trấn xông đến gây sự, chửi bới, xô đẩy, túm tóc  đánh và tát vào mặt, khiến chị bị ngã dúi xuống đất. Lý do Thảo hành hung  chị Hằng vì ghen tuông vô căn cứ và đổ cho chị Hằng ăn cắp... vàng của mình (?).

Vụ xô xát, gây mất trật tự  xảy ra có nhiều người chứng kiến và họ đã kịp thời can ngăn không cho Thảo tiếp tục đánh chị Hằng bởi chị đang mang thai đứa con thứ ba. Đến 14 giờ cùng ngày, chị Hằng thấy đau bụng dưới, ra máu âm đạo nên gia đình đưa đến nhà bà Đinh Thị Phượng là y sĩ sản khoa để khám.

Bà Phượng xem bệnh rồi thông báo cho anh Khuê, chồng chị Hằng biết sản phụ bị sẩy thai, cần đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Khoảng 18h 30’, anh Khuê cùng gia đình đưa chị Hằng đến nhà Thảo yêu cầu Thảo phải có trách nhiệm.

Nhưng thay vì xin lỗi gia đình nạn nhân, Thảo lôi chị Hằng vào nhà, túm tóc, đấm đạp, chửi rủa: “Mày ăn cắp vàng, tao đánh chết mày... đền 50 triệu là cùng...”. Chứng kiến sự nhẫn tâm của Trần Thị Thảo, hàng trăm người dân tập trung đến bao vây quanh nhà Thảo đòi phải đưa chị Hằng đi bệnh viện điều trị.

Đến 0h 35’ ngày 30/6/2007, mặc dù đã chịu ký biên bản công nhận hành hung chị Hằng nhưng thị Thảo vẫn không chịu đưa chị Hằng đi bệnh viện. Tình hình lúc này trở nên căng thẳng bởi đám đông bên ngoài quá khích đòi đập phá nhà Thảo.

Rất may là chính quyền địa phương phối hợp với Công an huyện Hương Khê đã kịp thời can thiệp, phân tích phải trái nên Thảo đã phải đồng ý đưa chị Hằng đi Bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán chị Hằng có thai 3 tháng, ra máu, nghi thai chết lưu.

Sau đó gia đình xin  đưa chị Hằng vào Bệnh viện Hoàn Mỹ, Đà Nẵng, bệnh viện cũng chẩn đoán như trên. Thấy tình trạng bệnh nhân  tiếp tục ra máu, Bệnh viện Hoàn Mỹ đã chỉ định nạo hút thai cấp cứu.

Cơ quan điều tra và nỗi nhọc nhằn giám định

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các cơ quan tố tụng của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc.

Ngày 9/7/2007, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Hương Khê ra Quyết định trưng cầu số 24, đề nghị Tổ chức giám định pháp y tỉnh Hà Tĩnh giám định mức độ tổn hại sức khỏe đối với chị Hằng. Ngày 12/7/2007, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Hà Tĩnh trả lời kết quả tại Bản giám định số 07 như sau: “Qua nghiên cứu hồ sơ chúng tôi thấy không đủ căn cứ để kết luận về tổn hại sức khỏe của chị Hằng”.

Xin kính chuyển Viện Pháp y TW giải quyết! Điều lạ lùng là tại Bản giám định số 07, phần nghiên cứu hồ sơ cũng như phần khám giám định ngày 12/7/2007 giám định viên hoàn toàn bỏ trống không ghi gì (?)

Ngày 17/7/2007, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê tiếp tục có Quyết định trưng cầu số 27 đề nghị Viện Pháp y Quốc gia  (Bộ Y tế) giám định trường hợp của chị Nguyễn Thị Hằng.

Thế nhưng, ngày 3/8/2007, Viện Pháp y Quốc gia lại ra Văn bản số 194 từ chối giám định với lý do giải thích: Bảng tiêu chuẩn phân loại thương tật ban hành kèm theo Thông tư số 12/TTLB ngày 26/7/1995 của Liên Bộ Y tế – Lao động - Thương binh & Xã hội không có mục nào nói về... sẩy thai!

Quả thực không sai, hiện nay các cơ quan giám định pháp y cũng đang bức xúc về 7 tiêu chuẩn thương tật ban hành từ năm 1995 còn có nhiều điểm thiếu, nhiều điểm chưa phù hợp với tình hình phát triển của xã hội cũng như chưa phù hợp với thực tiễn luật pháp thời kỳ đổi mới.

Ví dụ: Trường hợp hiếp dâm, trường hợp gây thương tích làm sẩy thai hiện tại chưa được đưa vào Bảng tiêu chuẩn thương tật.

Như vậy, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê đã phải tốn công sức trưng cầu hai cơ quan giám định pháp y của tỉnh và của TW, nhưng kết quả trả lời vẫn là số không. Kết cục, vụ án giậm chân tại chỗ chỉ vì thiếu kết luận pháp y, khiến người dân nghi ngờ sự thiếu tích cực của cơ quan tố tụng (!) 

Một số báo đưa tin và bình luận về vụ việc này với nhiều góc độ khác nhau, thu hút sự quan tâm của xã hội. Nhận thấy không thể để vụ án kéo dài thêm gây phiền phức, ngày 15/8/2007, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê đã ra Quyết định trưng cầu Giám định số 31, gửi Trung tâm giám định pháp y Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an với nội dung đề nghị kết luận những vấn đề sau:

+ Xác định chị Nguyễn Thị Hằng có thai hay không? Nếu có thai thì thai phát triển thế nào? Thai mấy tháng? Thai chết lưu thời gian nào? Do nguyên nhân gì?

+ Hành vi của Trần Thị Thảo đánh chị Nguyễn Thị Hằng có dẫn đến thai chết hoặc sẩy thai không?

+ Mức độ tổn hại sức khỏe của chị Hằng do hành vi của Trần Thị Thảo như thế nào? Tỉ lệ thương tật bao nhiêu phần trăm?--PageBreak--

Để trả lời những vấn đề Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê trong  quyết định Trưng cầu giám định, các chuyên gia pháp y Viện KHHS - Bộ Công an đã nghiên cứu kỹ hồ sơ tài liệu, bệnh án, thăm khám trực tiếp dấu vết trên người nạn nhân.

Tất cả chứng cứ được thể hiện tại biên bản xem xét dấu vết cơ thể chị Hằng, tại bệnh án sản khoa của Bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh và Bệnh viện Hoàn Mỹ TP Đà Nẵng... Biên bản xem xét dấu vết trên cơ thể chị Hằng xác nhận chị có vết bầm tím ở mông, bâm tím dọc cánh tay trái, xây xước cẳng tay trái, các nốt đỏ vùng lưng (bầm tím).

Bệnh án sản số 1578/14606 của Bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh ghi rõ lý do nhập viện của chị Hằng lúc 4 giờ 30 phút ngày 30/6/2007 là mang thai 3 tháng, ra máu âm đạo. Xét nghiệm HCG dương tính (xét nghiệm thử có thai). Siêu âm không thấy hình ảnh phôi thai và tim thai. Hình ảnh túi thai tương đương thai 7 tuần. Chẩn đoán cuối cùng bệnh nhân mang thai 3 tháng dọa sẩy thai, nghi thai chết lưu.

Bệnh án sản số 59386/07 của Bệnh viện Hoàn Mỹ TP Đà Nẵng cũng xác định chị Hằng có thai 3 tháng dọa xẩy. Thai phát triển không tương ứng tuổi thai (thai chết lưu) khoảng 7-8 tuần. Do bệnh nhân tiếp tục đau bụng và ra máu âm đạo nên Bệnh viện Hoàn Mỹ xử trí nạo buồng tử cung.

Căn cứ vào những triệu chứng lâm sàng sản khoa và các xét nghiệm mà cả hai Bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh và Bệnh viện Hoàn Mỹ, Đà Nẵng đã làm, Pháp y Bộ Công an đủ cơ sở để giám định kết luận tình trạng thai sản của chị Hằng tại thời điểm xảy ra xô xát ngày 29 và 30/6/2007 như sau: Chị Hằng bị Trần Thị Thảo đánh khi đang có thai 3 tháng nhưng thai đã ngừng phát triển khoảng 7-8 tuần (thai chết lưu).

Tình trạng đau bụng, ra máu âm đạo dọa sẩy thai phải nạo hút của chị Hằng có liên quan đến việc Trần Thị Thảo xô xát ngày 29/6/2007.

Vì bảng tiêu chuẩn thương tật hiện hành chưa quy định trường hợp “sẩy thai” được tính tỉ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe nên Pháp y Bộ Công an không xếp hạng mức độ tổn hại sức khỏe cho đương sự.

Tuy nhiên, căn cứ vào biên bản xem xét dấu vết cơ thể chị Hằng mà Cơ quan CSĐT lập tại Bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh ngày 30/6/2007 ngay sau khi xảy ra vụ việc thì rõ ràng đương sự bị sây sát, bầm tím ở mông, cánh tay trái, cẳng tay trái...

Khi khám giám định tại Pháp y Bộ Công an ngày 6/9/2007, đoạn 1/3 dưới ngoài cẳng tay trái chị Hằng còn có vết sẹo dọc môn màu trắng, phía sát cổ tay trái có hai vết sẹo nhỏ nữa màu nâu nhạt. Vị trí những vết sẹo này phù hợp với mô tả dấu vết ban đầu ở cùng cẳng tay trái.

Đối chiếu với Bảng tiêu chuẩn thương tật hiện hành về sẹo phần mềm, Pháp y Bộ Công an đã xác định tỉ lệ tổn hại sức khỏe của chị Hằng là 2% (chương XI, mục 1a).

Như vậy, những câu hỏi đặt ra trong Quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã được các giám định viên Pháp y Bộ Công an trả lời đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao. Xin lưu ý một điều là: khi trưng cầu giám định thương tích, Cơ quan CSĐT có thể hỏi, yêu cầu giám định viên kết luận nhiều vấn đề liên quan đến vụ án song không phải vấn đề nào cũng cần xác định tỉ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe.

Trường hợp của chị Hằng, nếu chỉ vì mục sẩy thai chưa có trong Bảng tiêu chuẩn thương tật mà từ chối giám định không trả lời những vấn đề khác liên quan đến thai sản của đương sự thì chắc chắn cơ quan tố tụng sẽ gặp nhiều khó khăn khi  xử lý đối tượng.

Trung tuần tháng 10/2007, sau khi nhận được kết luận giám định số 2112 của Trung tâm Giám định pháp y, Viện KHHS - Bộ Công an, các cơ quan tố tụng huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh đã nhất trí khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với Trần Thị Thảo.

Biết tin vụ án được khởi tố, đông đảo quần chúng nhân dân ở thị trấn Hương Khê đều đồng tình ủng hộ và càng thêm tin tưởng vào sự nghiêm minh của luật pháp

Nôen
.
.