Vụ tai nạn tàu Soyuz 1 và sự hy sinh bi tráng của phi công vũ trụ V.M.Komarov

Thứ Ba, 27/04/2010, 10:30
Ngày 4/4/2010 vừa qua, con tàu thứ 105 của chương trình Soyuz, tàu TMA-18 được phóng lên không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur 2 ngày trước đó, mang theo 3 nhà du hành vũ trụ, đã lắp ghép thành công với Trạm Không gian Quốc tế ISS. Để có được những thành công và phát triển mạnh mẽ sang cả lĩnh vực du lịch vũ trụ như hiện nay, ít người biết rằng chương trình Soyuz đã phải trải qua những tổn thất nghiêm trọng ngay từ giai đoạn đầu tiên.

Cũng trong tháng Tư này, ngành vũ trụ Nga và thế giới cũng kỷ niệm 43 năm vụ tai nạn tàu Soyuz 1 và tưởng niệm người phi công anh hùng đã hy sinh trong vụ tai nạn thảm khốc này.

Chương trình không gian mới của Liên Xô

Sau những thành tựu rực rỡ của ngành khoa học vũ trụ Xôviết nói chung và công cuộc đưa con người bay vào vũ trụ của các chương trình Vostok và Voskhod nói riêng, các công trình sư Liên Xô bắt đầu nghĩ đến những mục tiêu lớn hơn bằng cách bắt tay xây dựng một chương trình không gian mới, với mục đích để đưa người lên quỹ đạo làm việc dài ngày và tiến tới việc đưa người lên mặt trăng.

Với mục  đích đó, các nhà khoa học đã quyết định xây dựng một thế hệ tàu vũ trụ đa chức năng mới, để có thể duy trì trong nhiều năm như là một hệ thống vận chuyển an toàn, tin cậy và thường xuyên, được mang tên Soyuz (Liên hợp). Ngày 23/41967 là một cột mốc quan trọng của chương trình Soyuz mà hiện nay vẫn đang nổi tiếng thế giới: "đứa con đầu lòng" mang tên Soyuz 1 cùng một nhà du hành vũ trụ đã được phóng lên quỹ đạo.

Vladimir M. Komarov (ảnh nhỏ) và đội cứu hộ đến hiện trường vụ tai nạn.

Những ý  tưởng đầu tiên về thế hệ tàu vũ trụ  Soyuz là của Sergei Korolev, người được coi là  cha đẻ của ngành vũ trụ hiện đại Xôviết, tổng công trình sư của tất cả các thế hệ  tàu vũ trụ của Liên Xô cho đến thời  điểm đó. Với sự chỉ đạo trực tiếp của Korolev, các hệ thống của chương trình Soyuz bắt đầu được thiết kế, chế tạo và thử nghiệm.

Đến giữa giai đoạn thử nghiệm Soyuz, tháng 11/ 1966, Sergei Korolev đột ngột qua đời. Vasily Mishin, người được bổ nhiệm làm Tổng công trình sư thay thế Korolev. Nhiệm vụ của Mishin phải tiếp tục chương trình với sự cố gắng lớn để có thể đạt được những thành tựu mới, vượt lên trình độ của Mỹ. Các công trình sư đã thống nhất ý kiến rằng sự hiện diện của một phi công vũ trụ trong khoang lái của Soyuz 1 sẽ có thể giải quyết được một số vấn đề đặt ra trong những lần thử nghiệm không người lái của nó.

Người được lựa chọn cho sứ mệnh bay trên con tàu Soyuz 1 là  Vladimir Mikhailovich Komarov. Komarov được ghi nhận là người đầu tiên bay lên vũ trụ hai lần, và cũng là người đầu tiên hy sinh trong một sứ mệnh không gian. Komarov được tuyển chọn và huấn luyện để trở thành phi công vũ trụ từ năm 1960 trong nhóm phi công vũ trụ đầu tiên cùng với Yuri Gagarin, Gherman Titov...

Komarov, khi đó 40 tuổi, được đánh giá là một phi công thông minh, dày dạn kinh nghiệm và dũng cảm, đã từng bay chuyến bay "liều lĩnh" của Voskhod 1 ba năm trước, nên được chọn thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầy nguy hiểm này. (Phi công dự bị trong kế hoạch là Yuri Gagarin). Tuy nhiên, thảm kịch của Soyuz 1 sau đó đã khiến chương trình Soyuz phải lùi lại 18 tháng, đến tận tháng 10/1968. Sự gián đoạn này, cùng với vụ nổ của tên lửa đẩy N-1 tháng 7/1969 đã làm thất bại kế hoạch của Liên Xô trong việc đưa người lên mặt trăng. 

Diễn biến của chuyến bay định mệnh

Theo kế hoạch ban đầu, Soyuz 1 sẽ được phóng lên quỹ đạo, thực hiện các vòng bay quanh trái  đất để đợi đến ngày hôm sau, Souyz 2 sẽ được tiếp tục phóng lên cùng với đội bay 3 người gồm Valery F. Bykovsky, Yevgeny V. Khrunov và Aleksei S. Yeliseyev. Sau đó, hai con tàu sẽ tiến hành lắp ghép trên quỹ đạo, Khrunov và Yeliseyev sẽ làm việc ngoài không gian và tiến hành một cuộc đi bộ sang tàu Soyuz 1 rồi trở về trái đất cùng với Komarov. Những điều đó không chỉ là để khẳng định ưu thế dẫn trước về trình độ khoa học công nghệ của Liên Xô đối với Mỹ, mà đó còn là để thử nghiệm và chứng minh hàng loạt các nguyên lý cơ bản của việc đưa người đổ bộ xuống mặt trăng.

Soyuz 1 được phóng lên từ Sân bay Vũ trụ Baikonur lúc 3h35'  sáng giờ địa phương (tức 0 giờ 35 phút GMT) ngày 23/4/1967, và đây cũng là con tàu có người lái đầu tiên được phóng lên vào ban đêm.

Vượt qua chặng đường đầu tiên một cách êm đẹp, nhưng trục trặc bắt đầu ngay khi Soyuz 1 đạt độ cao và bắt đầu đi vào quỹ đạo trái đất. Một trong những tấm pin mặt trời của con tàu đã không mở ra, dẫn tới việc con tàu chỉ có được một nửa năng lượng cần thiết cho mọi hoạt động của nó. Hơn nữa, điều đó còn gây những trục trặc ở hệ thống định hướng và hệ thống liên lạc với mặt đất, làm phức tạp thêm sự di chuyển của con tàu.

Khi trục trặc mới xảy ra với Soyuz 1, phi hành đoàn của Soyuz 2 được thông báo rằng, khi lên quỹ đạo họ sẽ đảm nhận thêm việc sửa chữa tấm pin mặt trời bị hỏng của Soyuz 1. Nhưng bắt đầu vào vòng thứ 13, hệ thống ổn định tự động của Soyuz 1 hoàn toàn ngừng hoạt động, và hệ thống điều khiển cơ học chỉ có được một phần hiệu quả.  Điều đó sẽ dẫn tới hậu quả là con tàu "khập khiễng" đó gần như không thể tiến lại  gần và lắp ghép với con tàu thứ hai, bởi vì trọng tâm của con tàu bị mất cân bằng, và năng lượng của nó thiếu hụt quá nhiều. Đồng thời một trận mưa lốc lớn tại khu vực Baikonur cũng được báo cáo đã khiến cho việc phóng tàu Soyuz 2 không thực hiện được. Vì vậy, việc phóng Soyuz 2 đã phải hủy bỏ, và mọi nỗ lực đều tập trung vào việc đưa được Soyuz 1 về trái đất an toàn.

Cuối vòng thứ 13, Komarov được yêu cầu sử dụng các phương tiện hiện có để định hướng cho con tàu, sự cố gắng đó lặp lại mấy lần nhưng không thành công. Komarov lúc đó tuy đã có vẻ mệt mỏi do những chuyển động dữ dội của con tàu, song vẫn giữ được bình tĩnh và báo cáo một cách mạch lạc với đài chỉ huy.

Soyuz 1 có  ba hệ thống định hướng: đầu tiên là hệ  thống định hướng tự động -  là hệ  thống chính nhưng bị vô hiệu hóa bởi sự  trục trặc của tấm pin mặt trời; thứ hai là  hệ thống kiểm soát độ cao (bằng) điện tử, sau cũng không hoạt động được vì cái gọi là "lỗ hổng điện tích" - khu vực mật độ điện tích rất thấp mà sự tồn tại của nó trong không gian tại thời điểm đó chưa được biết đến; cuối cùng là hệ thống định hướng cơ học, do phi công điều khiển bằng tay, sử dụng thiết bị quang học Vzor. Nhưng vấn đề là ở chỗ, thiết bị Vzor chỉ có thể sử dụng được khi con tàu đang bay ở nửa ban ngày của trái đất. --PageBreak--

Tại vòng thứ 17, khi Soyuz 1 đang bay trên lãnh thổ  Liên Xô, trung tâm chỉ huy quyết định tiến hành nỗ lực hạ cánh đầu tiên. Lúc đó do vẫn đang bay ở nửa bóng tối, nên trung tâm yêu cầu Komarov cố gắng định hướng bằng hệ thống kiểm soát độ cao điện tích để khởi động tên lửa. Nhưng nỗ lực đã không thành công, vì con tàu đi vào một vùng "lỗ hổng điện tích" khiến thiết bị định hướng không thể dò tìm chính xác được hướng di chuyển cho con tàu; đồng thời, trung tâm cũng mất liên lạc và sự kiểm soát đối với con tàu.

Không còn đủ thời gian chuẩn bị cho sự khởi động tên lửa ở vòng thứ 18. Komarov phải đợi đến vòng thứ 19 và cố gắng điều khiển bằng tay để định hướng cho con tàu. Komarov đã sử dụng một phương pháp mới, đó là quan sát mặt trăng qua hệ thống kính ngắm Vzor để làm mốc đối chiếu, từ đó xác định được hướng để khởi động tên lửa cản để đưa Soyuz 1 hướng về trái đất. (Mấy năm sau, phương pháp này cũng được áp dụng trong vụ trục trặc của tàu Apollo 13 để đưa nó trở về trái đất thành công). Và anh đã thành công. Hệ thống radar và kính đo xa tại mặt đất đã quan sát thấy Soyuz 1 bắt đầu hướng vào bầu khí quyển trái đất.

Komarov bắt đầu các thao tác chuẩn bị hạ cánh cho con tàu lúc này vẫn đang lao vùn vụt về trái đất. Khoang hạ cánh tách khỏi toàn bộ con tàu, mang theo Komarov trong khoang, theo dự tính sẽ tiếp đất trên thảo nguyên Orsk.

Nhưng khi Komarov nhấn nút phóng dù hãm để giảm tốc độ của khoang hạ cánh khi chuẩn bị tiếp đất thì hệ thống dù đã gặp trục trặc: các tán dù hãm đã không mở ra được. Đến lúc này, thì cả Komarov và trung tâm chỉ huy hoàn toàn không còn có cách nào điều khiển được khoang hạ cánh nữa. Komarov vẫn bình tĩnh, tranh thủ thời gian báo cáo toàn bộ những vấn đề quan trọng của chuyến bay, sau đó trung tâm dành thời gian cuối cùng cho Komarov nói chuyện với vợ anh và các con. Rồi tai nạn thảm khốc đã xảy ra như một sự tất yếu không thể tránh khỏi: khoang hạ cánh lao thẳng xuống mặt đất, vỡ vụn và bùng cháy trên thảo nguyên gần Orenburg lúc 6h24' sáng giờ địa phương ( tức 3h24' GMT) ngày 24/4/1967.

Hiện trường tai nạn của Soyuz 1 khi trở về trái đất.

Đội cứu hộ đi trên những chiếc trực thăng đã có mặt ngay tại hiện trường. Ba tiếng sau, các tướng lĩnh của trung tâm chỉ huy cùng một số lãnh đạo ủy ban nhà nước đã đến hiện trường. Những tin tức về vụ tai nạn và cái chết của Komarov được báo cho Tổng bí thư Leonid Brezenhev khi đó đang thăm Tiệp Khắc lúc 11h, và đến 14h thì toàn thế giới được thông báo bởi bản tin của thông tấn xã TASS.

Nguyên nhân vụ tai nạn và vinh quang dành cho người anh hùng

Vậy điều gì đã xảy ra với khoang hạ  cánh khi nó chuẩn bị tiếp đất? Tiếp theo sự tách khoang, theo đúng quy trình kỹ thuật, Komarov đã nhấn nút phóng hệ thống dù hãm, nhưng việc kéo bung tán dù chính đã gặp thất bại. Trước tình hình đó, Komarov đã phóng chiếc dù dự phòng, nhưng nó đã không căng lên được bởi vì tự nó lọt vào "vùng lõm khí động lực" của chiếc dù chính.

Thời điểm đó, nguyên nhân của tai nạn chưa  xác định được ngay, do đó thông tấn xã TASS đã có nhầm lẫn trong thông báo rằng: "Khi chiếc dù hãm được bung ra ở độ cao 7km, các dây dù đã bị xoắn với nhau và con tàu đã lao xuống mặt đất với vận tốc rất lớn, gây nên cái chết của Komarov.." Khoang hạ cánh khi đó đã đâm thẳng xuống mặt đất với vận tốc hơn 50m/s , khi đám cháy tại hiện trường được dập tắt, người ta thấy khoang tàu vỡ vụn và những mảng đông đặc của kim loại nóng chảy bao quanh khoang tàu.

Một ủy ban nhà nước được thành lập để xác định nguyên nhân của tai nạn đã cho rằng, nguyên nhân dù  hãm không mở là do khoang chứa dù đã thiết kế quá chật chội và sự biến dạng của nó vì áp suất tăng lên khi nắp khoang chứa được vứt bỏ trước lúc bung dù. Nhưng cũng không chỉ vì những lý do đó. Hệ thống dù hãm cần một lực tương đương không quá 1.500kg để kéo bung tán dù chính, trong khi con số thực tế, như sau này kiểm nghiệm cho thấy, là gần 2.800kg, tương ứng trọng lượng của khoang hạ cánh. Khi hệ thống dù được xếp gọn vào khoang chứa, các chày gỗ đã được sử dụng để nện chặt nó xuống, làm xuất hiện ma sát quá lớn đối với các thành của khoang chứa.

Hơn nữa, do sự vi phạm nguyên tắc, phần nắp khoang chứa đã không được để vào vị trí của nó khi khoang hạ cánh được kiểm nghiệm trong lò hấp. Trong nhiệt độ cao, phần vỏ chống nhiệt của nó sẽ bị po-ly-me hóa, tạo thành chất dẻo không màu, lắng đọng trên kim loại, mang đặc tính bám dính, có thể làm tăng mạnh hệ số ma sát. Còn về khả năng xoắn rối của các dây dù, thì được loại trừ (dù vậy, ở những phiên bản tiếp theo, những vòng bán khuyên đã được cài đặt để đề phòng khả năng này).

Thi thể  của Komarov được đưa về Moskva ngay trong đêm 24/4/1967. Ngày hôm sau, Nhà nước đã tổ chức lễ truy điệu và cử hành tang lễ trang trọng cho anh trên Quảng trường Đỏ.  Để ghi nhận sự hy sinh anh hùng của anh trong sự nghiệp chinh phục vũ trụ, Đảng và Nhà nước Liên Xô truy tặng Komarov Huân chương Sao Vàng (là chiếc thứ hai của anh) và phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, đồng thời thi hài của anh được an táng tại chân tường điện Kremlin - nơi an nghỉ của các lãnh tụ và anh hùng của Tổ quốc Xôviết.

Tin tức về  sự hy sinh bi tráng của Komarov được toàn thế  giới đón nhận với nhiều tiếc thương dành cho người phi công dũng cảm.

Năm 1969, một trung tâm huấn luyện vũ trụ được thành lập  ở Ljubliana được mang tên Vladimir Komarov. Tiểu hành tinh 1836 khám phá năm 1971 và một miệng núi lửa trên mặt trăng, được đặt tên Komarov để tưởng nhớ người anh hùng

Trần Võ (tổng hợp)
.
.