"Vua bóng đá" Pele bị trầm cảm

Thứ Ba, 18/02/2020, 15:06
Từng được coi là "ông vua" trong làng bóng đá thế giới, nào ngờ huyền thoại lẫy lừng người Brazil, Pele lại đang rơi vào trạng thái trầm cảm. Nguyên cớ vì đâu Pele vướng vào cái vòng luẩn quẩn, bế tắc từ căn bệnh trầm cảm đưa lại?


Biệt danh "Vua bóng đá" mà Pele được đông đảo người hâm mộ đặt cho cũng đủ nói lên sự xuất sắc của huyền thoại người Brazil. Sinh ngày 23/10/1940, Edson Arantes do Nascimento (tên đầy đủ của Pele) đã có sự nghiệp thi đấu lẫy lừng ở cả cấp độ CLB lẫn cấp độ đội tuyển quốc gia Brazil. Nhắc tới Pele không thể không nhắc tới kỷ lục thế giới về số bàn thắng mà huyền thoại này ghi được.

Trong sự nghiệp thi đấu 21 năm của mình, Pele đã ghi tổng cộng 1.281 bàn thắng trong 1.363 trận đấu ra sân, đáng chú ý trong đó có 77 bàn ghi cho đội bóng vàng xanh (biệt danh của đội tuyển Brazil) sau 91 lần khoác áo.

Cũng chính Pele còn nắm giữ kỷ lục là cầu thủ duy nhất từng 3 lần đoạt danh hiệu vô địch World Cup vào các năm 1958, 1962 và 1970. Cá nhân Pele đã được tạp chí uy tín TIME bầu chọn vào danh sách 100 người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong thế kỷ 20.


Cùng với vinh quang gặt hái được, Pele giờ đây đem tới sự ái ngại cho nhiều người bởi tình trạng sức khỏe diễn ra ngày càng tồi tệ hơn.

Thực tế, sức khỏe của Pele đã bị đặt dấu hỏi về sự bất ổn trong những năm gần đây. Hồi năm 2014, một loạt tờ báo với lượng phát hành lớn tại Brazil đã đồng loạt đưa tin về việc Pele phải đi cấp cứu do khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Trớ trêu ở chỗ, sở dĩ  Pele bị nhiễm trùng như vậy bởi bắt nguồn từ ca phẫu thuật lấy sỏi thận trước đó.

Bước sang năm 2015, Pele tiếp tục lên bàn mổ. Lần này "vua bóng đá" phẫu thuật tuyến tiền liệt. Hệ lụy từ màn lên bàn mổ liên tục đã khiến sức lực của Pele suy giảm trông thấy. Điều đó được thể hiện rõ nét khi Pele buộc vắng mặt bất đắc dĩ trong buổi lễ khai mạc Olympic Rio 2016 tổ chức tại quê nhà Brazil. Còn trong tháng 4 năm 2019, Pele đã khiến người thân trong gia đình được phen hoảng hốt. 

Số là Pele khi đó đã được mời tới tham gia một sự kiện quảng cáo của hãng đồng hồ nổi tiếng Hublot (Thụy Sỹ) cùng với tiền đạo Kylian Mbappe của đội bóng PSG. Bỗng chốc bữa dạ tiệc mừng thắng lợi sự kiện quảng cáo đã tan vỡ khi Pele có triệu chứng sốt cao và phải đi cấp cứu tại một bệnh viện ở Paris.

Bẵng đi một thời gian, sức khỏe của Pele lại trở thành chủ đề gây bàn tán xôn xao qua thông tin cung cấp từ chính Edinho, con trai cựu danh thủ này.

"Do phải thay khớp háng, đồng thời quá trình hồi phục không diễn ra đúng như dự kiến, bố tôi giờ đây không thể tự đi lại bình thường được. Dù chỉ là khoảng cách rất ngắn trong nhà song bố tôi cũng cần phải người trợ giúp hoặc dùng xe lăn",  Edinho thổ lộ trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền trên tờ nhật báo O Globo.

Với Pele, điều này khiến ông càng thêm mặc cảm vì tình trạng bệnh tật nhất là khi từng được tôn vinh là ông vua trong làng bóng đá thế giới. So với nhiều cựu danh thủ khác, Pele, người từng được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Thể thao Brazil trong năm 1995 rất xông xáo hoạt động xã hội sau khi giã từ sân cỏ.

Hình ảnh Pele di chuyển tới khắp nơi trên toàn cầu để tham gia các sự kiện bóng đá nói riêng và thể thao nói chung đã quen thuộc trong con mắt số đông người hâm mộ. Mặc dù Edinho không nói ra cụ thể song bất kỳ ai đều hiểu Pele đang trải qua một cực hình thực sự khi suốt ngày quanh quẩn trong 4 bức tường tại nhà.

Từ chỗ suy sụp, lo lắng quá nhiều vì tình trạng bệnh tật, huyền thoại của làng bóng đá xứ Samba đã rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề từ lúc nào không hay. Theo Edinho, cả anh và mọi thành viên còn lại trong gia đình cảm thấy bất lực khi Pele biến thành con người khác hẳn.

"Với người bị trầm cảm, mọi chuyện tồi tệ đều có thể xảy đến, kể cả tự tước đi sinh mạng của chính mình", Edinho rầu rĩ nói, "Đó là điều luôn canh cánh trong lòng tôi cũng như mọi người còn lại trong nhà".

Cùng với việc chia sẻ thẳng thắn về tình trạng bệnh tật của cha mình, Edinho cũng đã ngỏ ý muốn nhờ cậy những chuyên gia tâm lý học hàng đầu tại Brazil chung sức giúp cha mình thoát khỏi chứng trầm cảm đeo bám suốt thời gian qua.

Không chỉ có Pele, chứng trầm cảm còn trở thành nỗi ám ảnh với không ít cầu thủ trên thế giới. Theo kết quả khảo sát đối với 180 cầu thủ chuyên nghiệp đang thi đấu tại châu Âu vừa được Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro) tiến hành cách đây không lâu, có tới 26% thừa nhận bị chứng trầm cảm. Hay nói cách khác, cứ 4 cầu thủ được hỏi thì có 1 người mắc chứng trầm cảm.

Theo Vincent Gouttebarge, người phụ trách bộ phận y tế của FIFPro, đó là một con số rất đáng lo ngại. Càng đáng lo ngại hơn khi chứng trầm cảm lâu nay được coi là "sát thủ vô hình" với cánh giày đinh áo số trên thế giới. Điển hình hơn cả là trường hợp của thủ môn xấu số người Đức, Robert Enke.

Chính vì bế tắc trong cuộc sống và mất phương hướng không lối thoát, thủ thành của Hannover đã tự sát khi lao vào đoàn tàu trong ngày định mệnh 10/11/2009. Cái chết đột ngột của Enke đến giờ vẫn là nỗi ám ảnh với làng túc cầu thế giới.

Bảo Quyên
.
.