Vụt tắt một ngôi sao trên bầu trời toán học

Thứ Tư, 19/07/2017, 12:05
4 năm sau ngày được chẩn đoán bị ung thư vú, ngôi sao toán học người Iran Maryam Mirzakhani, người được biết đến với các công trình nghiên cứu liên quan đến tô pô và hình học của các diện Riemman, đã mãi mãi ra đi về cõi vĩnh hằng hôm 14-7 vừa qua khi mới ở tuổi 40.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ca ngợi sự ưu tú chưa từng thấy của nhà khoa học đầy sáng tạo và của con người khiêm tốn này, người đã làm cho tên đất nước Iran vang vọng trên các diễn đàn khoa học thế giới, đã tạo nên bước ngoặt trong việc thể hiện ý chí lớn lao của phụ nữ và thanh niên Iran trên con đường hướng tới những đỉnh cao vinh quang trên vũ đài quốc tế.

Tổng thống Rouhani nói Maryam Mirzakhani sẽ mãi được nhớ tới như một “thiên tài toán học”. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bày tỏ, sự ra đi của Maryam Mirzakhani là “nỗi bất hạnh lớn” của Iran và thế giới. Trong khi đó, Firrouz Naderi, nhà khoa học vũ trụ người Mỹ gốc Iran và là cựu Giám đốc Chương trình Thám hiểm Hệ mặt trời của NASA, viết trên trang Instagram cá nhân rằng: “Một ánh sáng đã tắt. Nó làm tan nát trái tim tôi...” và “Một thiên tài? Vâng. Nhưng cũng là một người con gái, một người mẹ và một người vợ”.

Sinh ngày 3-5-1977 tại thủ đô Tehran của Iran, từ nhỏ Maryam đã mơ ước lớn lên có thể làm một nữ văn sĩ. Nhưng cuộc đời bà đã hoàn toàn thay đổi khi được người anh trai “thổi” cho niềm đam mê toán học với hướng dẫn “bí quyết” cộng nhẩm các số từ 1 đến 100.

Quá phấn khích trước kiến thức mới mẻ, cô bé Maryam lao vào nghiên cứu toán học. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học ở ngôi trường Farzanegan nổi tiếng, thuộc Tổ chức Quốc gia về Phát triển tài năng vượt trội (NODET) chuyên đào tạo các nữ sinh năng khiếu, Maryam là thành viên duy nhất của đội tuyển Iran tham dự kỳ thi Olympic Toán Quốc tế.

Trong cuộc thi năm 1994 tại Hong Kong (Trung Quốc), bà giành 1 huy chương vàng trong năm 1994, trở thành nữ học sinh Iran đầu tiên đạt thành tích cao trong một kỳ thi như vậy. Và trong kỳ thi năm 1995 tại Toronto (Canada), bà trở thành học sinh Iran đầu tiên giành 2 huy chương vàng với số điểm cao tuyệt đối 42/42, đứng đầu trong danh sách 14 người tham gia.

Maryam theo học Khoa toán của Trường Đại học Công nghệ Sharif (SUT) ở Tehran, rồi tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân toán học loại xuất sắc trong năm 1999. Cùng năm đó, nhờ tài năng toán học vượt trội của mình, nữ cử nhân Maryam đã nhận được học bổng đào tạo sau đại học của Trường Đại học Harvard hàng đầu nước Mỹ.

Sau 5 năm trau dồi kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo sư nổi tiếng Curtis Tracy McMullen, người từng được trao Huy chương Fields (Fields Medal) năm 1998, Maryam đã được trao bằng tiến sĩ toán học đề tài “Simple Geodesics on Hyperbolic Surfaces and Volume of the Moduli Space of Curves” năm 2004 khi mới 27 tuổi, cũng là người phụ nữ Iran trẻ tuổi nhất có học vị tiến sĩ, đồng thời trở thành nghiên cứu viên của Viện Toán học Clay (CMI) ở thành phố Providence thủ phủ tiểu bang Rhode Island, rồi trực tiếp giảng dạy tại Trường Đại học Princeton danh tiếng ở tiểu bang New Jersey với học hàm giáo sư.

Tới năm 2008, ở tuổi 31, Maryam đã trở thành giáo sư toán học tại Đại học Stamford. Quá trình nghiên cứu không mệt mỏi của nhà nữ toán học này đã được đền đáp bằng những phần thưởng xứng đáng, như Giải thưởng nghiên cứu Clay của CMI trong các năm 2004 và 2014, giải thưởng Blumenthal trao 4 năm một lần của Hiệp hội Toán học toàn Hoa Kỳ (AMS) trong năm 2009 và giải thưởng được trao 2 năm một lần mang tên nhà nữ khoa học lừng danh Ruth Lyttle Satter (1923-1989) của AMS trong năm 2013.

Vinh dự lớn nhất mà Maryam nhận được trong sự nghiệp của mình là Huy chương Fields vào năm 2014 cho những cống hiến nổi bật cho lĩnh vực hình học và các hệ thống động lực học, đặc biệt là những vốn hiểu biết quý báu về tính đối xứng của các bề mặt cong, chẳng hạn như mặt cầu hay mặt hyperbol. Huy chương này, thường được coi là danh dự cao nhất mà nhà toán học có thể nhận được, được trao cho mỗi 4 năm cho các nhà toán học dưới 40 tuổi, bởi Đại hội Toán học thế giới của Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU) và Maryam là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất trên thế giới nhận danh hiệu này kể từ khi nó được nhà toán học Canada John Charles Fields sáng lập vào năm 1936.

Theo IMU, công trình nghiên cứu của Maryam tuy “thuần túy toán học” và hầu hết là lý thuyết nhưng có thể được áp dụng vào các lĩnh vực vật lý và thuyết lượng tử. Đại diện của IMU đánh giá về Maryam như sau: “Với sự hiểu biết đáng kinh ngạc về các kỹ thuật giải toán khác nhau, cô ấy là hiện thân của sự kết hợp của năng lực tuyệt vời, hoài bão lớn, tầm nhìn rộng và niềm đam mê sâu sắc”.

“Maryam Mirzakhani vốn thông thạo các phạm vi nghiên cứu đa dạng trong toán học, cũng là biểu tượng của sự kết hợp hiếm hoi giữa khả năng chuyên môn xuất sắc, với hoài bão lớn lao, tầm nhìn sâu rộng cùng tinh thần ham học hỏi", thông cáo báo chí của ICM nhấn mạnh về người phụ nữ đầu tiên giành được Huy chương Fields.

Trong khi đó, phát biểu khi nhận huy chương, Maryam nói rằng: “Thật thú vị. Nó giống như giải một câu đố hoặc liên kết những phát hiện trong điều tra một vụ án” và tâm sự: “Tôi là người thích chinh phục mọi thử thách. Tôi tự hào khi giành được giải thưởng Fields. Tôi sẽ rất vui nếu nó là động lực cổ vũ cho các nhà khoa học và toán học nữ trẻ tuổi. Tôi chắc chắn sẽ còn có nhiều phụ nữ đoạt được giải thưởng này trong thời gian tới”.

Về đời tư, Maryam kết hôn với nhà toán học người Czech Jan Vondrák, sinh năm 1974, hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Almaden của Hãng IBM tại San Jose (tiểu bang California). Vợ chồng họ đã có một cô con gái được đặt tên là Anahita.

Các lĩnh vực nghiên cứu của Maryam bao gồm lý thuyết Teichmüller, hình học hyperbolic, lý thuyết Ergodic và hình học simplectic. Bà có những đóng góp nền tảng và quan trọng trong hình học và lý thuyết các hệ động lực. Các công trình nghiên cứu của bà về diện Riemman và các không gian moduli của chúng móc nối và tác động đến nhiều chuyên ngành toán học như hình học hyperbolic, giải tích phức, tô pô và hệ động lực.

Nữ khoa học gia từng chia sẻ công việc của bà giống như “đang lạc giữa khu rừng già và phải cố gắng dùng mọi hiểu biết để tìm ra thủ thuật mới, khi có thêm chút may mắn thì bạn có thể tìm được đường ra”.

Linh Trần
.
.